Niềm nỗi Rùa Vàng

Chiều chủ nhật này đang rảnh rỗi lướt web, cửa sổ “google chat” của Mỵ Châu chợt nhô lên rủ Cụ Hinh lên mạn hồ Tây ngắm đầm sen, thưởng chè quê.

“… Có một nhà hàng mới khai trương ở đó, rất được, bọn bạn em rủ rỉ như thế. Nhà hàng nào ở mình mới mở thì phải tranh thủ thưởng thức ngay,  để ít lâu sau thì phần lớn chúng lại lệ xệ cho mà coi. Đừng ngượng nhé, em qua đèo Cụ Hinh bằng xe máy! ”

“OK, đi ngay thôi!” Cụ Hinh bấm phím trả lời. Ý tưởng mặn mà như thế, trong ba mươi sáu chước, chước hàng vẫn là hơn.

—-

Nhà hàng mới khai trương này thật là sạch sẽ, thanh cảnh, yêu kiều. Khuôn viên nước chảy dưới cầu hoa cau dẫn vào những ngôi nhà cổ mua vác từ những đẩu những đâu về dựng lại. Bộ yếm đào cách điệu mà Mỵ Châu diện chiều tà nay thật khéo tân cổ giao duyên. Mỵ Châu quả là đóa sen trên nền chân trời đỏ quạch chiều hôm ở phía bên kia sóng nước.

Ánh hoàng hôn khéo giấu đi những cảnh tiết thừa, hướng tâm linh con người về cái tri giác toàn cảnh, trả lại những khoảng trống mênh mang cho con diều tâm hồn đầy ước vọng.

Tuần trà êm ắng. Tách trà thoảng hương sen ướp ở trong, lẫn hương sen của không gian mặt hồ.

Mặt trời thì cứ sà xuống nước mãi, càng lúc càng dạn dĩ hơn, càng đỏ au hơn, phóng tay rải ánh vàng lăn tăn khắp chốn.

… Nước ven hồ dưới mấy tàu sen chợt động lay, lay động, tỏa sóng. Mỵ Châu kéo sự chú ý của Cụ Hinh về phía ấy.

– “Kìa… Chắc không phải là cá nhé… Không chỉ mặt nước rung rinh đâu, em thấy cả mấy tàu sen cũng rung rinh nữa kìa…”

– “Chắc là thủy thần?”

– “Không đùa đâu. Thật mà! Không phải là cá…”

– “Ừ, chắc không phải…”

– “A, có chú rùa nhỏ, xinh quá!”

Nghe vậy Cụ Hinh phấn chấn hẳn, bỏ ghế mây theo Mỵ Châu ra men bờ nước ngó nghiêng. Mắt dõi mãi mà chưa thấy đâu vào đâu, chợt đã nghe “ôi tiếc quá, Cụ Hinh, chú rùa xinh xinh, nó lại lặn xuống mất rồi!”

Mỵ Châu ngẩn ngơ, trong ánh chiều sậm đỏ…

Nhà hàng đưa món chè cốm ra. Gió sen đã mát dịu, rủ rỉ hơn.

– “Ôi, chú rùa con xinh quá, Cụ Hinh không kịp thấy à?”

– “Ta là chàng trâu chậm, ta chỉ kịp thấy nước vẩn đục lên một tí chút thôi.”

– “Xứ sở mình, quả là xứ sở của rùa nhỉ!”

– “Xứ sở của Rùa Vàng.”

Mỵ Châu cùng Cụ Hinh vào lại sảnh salon mây.

– “À, nói chuyện Rùa Vàng, trong cái câu chuyện truyền miệng về thành Cổ Loa, em thấy lạ nhất là cách cư xử của Rùa Vàng! Lúc đầu thì Rùa Vàng cư xử như thần, nhưng về sau thì lại cư xử cứ như người tục. Buồn cười thế nào ấy.”

– “Rùa Vàng là tâm thức của người kể chuyện. Nhưng theo thời gian, con người cũng khác đi.”

– “A, thế Rùa Vàng cũng thay đổi à?”

– “Có chứ. Về sau có một thời Rùa Vàng thăng hoa.”

– ” Rùa Vàng thăng hoa? Nghe ngộ nhỉ. Thật chứ? Cụ Hinh hầu em chuyện đó ngay thôi!”

Lại vẫn cái vẻ thả mình vào lòng ghế mây thật yêu kiều, nũng nịu, đòi hỏi, thản nhiên, nghiễm nhiên chờ chuyện của Mỵ Châu… Sao mà từ chối được cái yêu cầu giản dị như thế của nàng, trong một chiều hôm thanh tịnh…

—-

– “ Lại chuyện thế này nhé.

Sau khi Âu Lạc rơi vào tay người ngoài, lòng người buồn bã, tan nát, đắng cay.

Không chỉ có thế.

Không ai biết rằng chính Rùa Vàng cũng đã dần dà cảm nhận ra nỗi buồn bã, tan nát, đắng cay, của người Âu Lạc, đã đành, mà trước hết của chính Rùa Vàng.

Thần thánh gì, mà mình kém cỏi vậy, loay hoay giúp vua, mà rồi không nên cơm nên cháo.

Thần thánh gì, mà mình kém cỏi vậy, loay hoay giúp vua, mà không biết giúp mọi người.

Thần thánh gì, mà mình kém cỏi vậy, lại còn vô cảm hại nàng Mỵ Châu.

Thần thánh gì, mà mình kém cỏi vậy, chỉ biết giúp chúng nhân có một lần, mà không biết giúp chúng nhân dài lâu.

Rùa Vàng tự thẹn. Rùa Vàng hẹn sửa mình.

Rùa Vàng dần dà tìm ra cái cách giúp người Việt một cách tĩnh lặng, một cách kín đáo, một cách vô vi. Đến cái mức mà người ta đã quên bẵng đi cả sự tồn tại của chính Rùa Vàng.

Rồi ngàn năm sau, người Việt đứng lên giành lại được xứ sở, phục hồi được văn hóa, gây dựng lại được văn minh của mình. Mấy trăm năm liền sau ấy thật bình dị mà hiển hách oai hùng.

Rồi lại đến cái thời khó khăn cùng cực… Đất nước lại rơi vào tay đám con cháu người ngoài hung bạo, chúng thẳng tay “nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn”.

Rùa Vàng phải ra tay. Thanh Thần Kiếm được khéo giấu khéo bày, để mà dân chúng Việt phải tìm tòi, phải suy tính, để rồi cuối cùng họ đã tự chính mình tìm ra được nó.

Thần Kiếm đã làm qui tụ được muôn dân, qui tụ được hiền tài khắp nẻo. Thần Kiếm tạo nên một sức mạnh quật khởi được khơi dòng trở lại. Thần Kiếm làm đám quan quân người ngoài tựa như đám lá thu bị cuồng phong quét sạch, như đám kiến mối bị sụt tổ tanh bành, để kẻ phải lê gối tạ tội, đứa phải trói tay tự hàng, như những lời bá cáo lưu danh của ông Ức Trai năm nào.

Dân chúng, vua quan đất Việt ngẩng cao đầu, hướng về nền thái bình sáng láng.”

Mỵ Châu nhổm dậy.

– “Chuyện hay đấy nhỉ. Có phải thay vì cầm cái nỏ thần giao cho nhà vua theo cách cầm tay chỉ việc, biết cây không biết rừng, Rùa Vàng không ra mặt, khéo hướng người ta học tìm tới nhau, học dựng cùng nhau, học xây với nhau một cộng đồng mạnh mẽ lớn lên, để rồi họ đè bẹp được gian nguy để trưởng thành?”

– “Có vậy. Nhưng đó mới chỉ là một nửa, lại là một nửa non, của câu chuyện.”

– “Em nghe tiếp đây.” Mỵ Châu thả lại mình trong ghế.

– “Quyền lực cộng đồng được hun đúc, được tập trung, được ủy thác cho một bộ máy của mình được hình thành nên. Và rồi bộ máy này trở nên vô cùng mạnh mẽ, đám quân tướng người ngoài lúc đó không còn dám ngo ngoe.

Riêng Rùa Vàng, vẫn áy náy.

Rùa Vàng tự ngẫm… Nếu bộ máy kia cứ tiếp tục cái đà lướt tới của mình, bạo lực sẽ tràn khắp, ai ai cũng bị vô thức cuốn vào nó, và nó sẽ trở thành nguồn nhiên liệu để tưới đốt hết cả, đốt cháy luôn chính cái cộng đồng đã sản sinh và hun đúc lên nó.

Phải nghĩ ra, phải làm ra được một cái gì khác thêm nữa, để cộng đồng ấy mới mong vững bền, ấm yên.

Rùa Vàng đã tìm ra.

Vào cái ngày vua Việt cắp Thần Kiếm đi duyệt thủy binh hùng tráng ở kinh đô, để tỏ oai khắp thiên hạ, đúng vào cái phút đỉnh của lòng kiêu khí vô biên đó, của vua, của quan, của muôn dân, sấm chớp chợt rạch trời, và Rùa Vàng trồi lên khỏi mặt nước ngay trước thuyền rồng nhà vua, trước muôn quan muôn dân, để lấy lại Thần Kiếm. Nhã nhặn. Quả quyết. Uy nghiêm.

Vua Việt tiếc rẻ, thò tay sờ soạng mân mê Thần Kiếm… Nhờ có nó, vua đã có tất thảy…

Nhưng cái đầu lớn cứng cỏi, bộ mai chói vàng khổng lồ, và đôi mắt sắc lẹm của Rùa Vàng đã nói dứt điểm với vua: hoặc là Thần Kiếm, hoặc là chính ngài cùng đám tùy tùng sẽ phải xuống thủy cung với ta! Sóng ở đâu bỗng rập rình, thuyền rồng chợt hơi tròng trành…

Vạn con mắt của chúng đổ vào cái giây phút dài vô tận này.

Vua ngẩng đầu nhìn trời. Quay sang nhìn tả hữu. Ngó xa hơn nữa nhìn vào dân chúng… Vua thở dài, đoạn cúi đầu, kính cẩn rút Thần Kiếm, quì xuống, hai tay dâng Thần Kiếm lên trao cho Rùa Vàng.

Rùa Vàng há miệng ngậm nhận Thần Kiếm, bơi lượn một vòng quanh thuyền rồng giữa tiếng hò vang ngút ngàn của dân chúng, rồi lặn cùng Thần Kiếm xuống thủy cung.

Ngày hôm đó, từ dân cho chí vua quan, lần đầu tiên mọi người mới thấm thía đầy đủ hai chữ: thái bình”.

– “Thế từ ngày ấy Rùa Vàng có thay đổi gì nữa không ạ?”

– “Cái đấy thì ta lại chưa biết. Mà Mỵ Châu à, trăng lên rồi kìa, lung linh quá”.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)