Nietzsche và Âm nhạc

Không phải tự nhiên mà nhà nghiên cứu văn học người Đan Mạch G.M. Cohen Brandes đã gọi Friedrich Nietzsche là “một nhà triết học văn hóa”. Những tác phẩm và tư tưởng của Nietzsche không chỉ có tầm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của triết học mà còn bao quát cả những xu hướng tư duy văn hóa, đặc biệt là nền âm nhạc đầu thế kỷ 20.

“Không có Âm nhạc, cuộc sống sẽ là một sai lầm”
Khi còn trẻ, Nietzsche đã học chơi piano và chơi rất giỏi. Bản thân Nietzsche cũng đã từng viết nhạc cho các bài thơ và những tác phẩm dành cho piano, trong đó có tác phẩm “Hymnus an die Freundschaft” (Ngợi ca Tình bạn), lấy cảm ứng từ chủ đề ouverture “Manfred” của Robert Schumann.
Nietzsche rất thân và có mối quan hệ mật thiết với gia đình Wagner.Ông đã quen biết và chơi thân với Richard Wagner từ  khi còn là một sinh viên ở Leipzig. Mùa Giáng sinh năm 1871, Nietzsche đã gửi tặng một món quà sinh nhật đặc biệt đến Cosima Wagner (vốn là con gái của Franz Liszt), khi ấy đã là vợ của Richard Wagner. Đó là tác phẩm “Nachklang einer Sylvesternacht” (Hồi tưởng về đêm trước năm mới) viết cho piano bốn tay. Ngày 30 tháng 12 năm 1871, Cosima đã rất tế nhị viết thư cho Nietzsche: “Trong đêm cuối năm, chúng tôi đón năm mới với giai điệu của bạn, nó làm thức dậy hồi ức của tôi về tình bạn của chúng ta, nó giống như những tiếng chuông đêm trong ngày sinh nhật của tôi. Tôi gửi những lời cảm ơn thực sự chân thành đến bạn của tôi, một con người quá đam mê âm nhạc!”
Tuy gắn bó thân tình với Richard Wagner nhưng Nietzsche lại rất công bằng khi ông chống lại những xu hướng cực đoan và mê muội của Wagner. Sự thực là, Nietszche đã rất nhiều lần cố gắng làm lay chuyển những tư tưởng của bạn mình. Wagner hoàn toàn không thích Johannes Brahms và đã không muốn nghe bất cứ tác phẩm nào của nhà soạn nhạc vĩ đại này. Nietzsche tìm cách buộc Wagner phải nhận ra sự tuyệt vời của Brahms khi ông mang đến cho Wagner phiên bản piano tác phẩm “Triumphlied” của Brahms. Nhưng Wagner khi ấy đã giận điên lên, và phải nhờ vào sự can thiệp của Cosima thì tình bạn của hai người mới không đổ vỡ.

 
Richard Wagner

Với tất cả tình yêu âm nhạc của mình, Nietzsche đã thẳng thắn chống lại Wagner – một người vốn tin một cách cuồng tín vào sự lý giải âm nhạc của Schopenhauer. Năm 1888, Nietzsche cho xuất bản cuốn sách “Sự kiện Wagner” nhằm phơi bày những xu hướng lầm lạc của Wagner. Trong tự thuật của mình, Nietzsche đã nói về cuốn sách: “Nếu giả như có thể cảm thụ được những đau khổ tột cùng từ trong diễn biến số phận của âm nhạc thì đối với tôi thứ âm nhạc đó là gì?. Đó là thứ âm nhạc đã mất đi sự cải tạo thế giới và trở thành một thứ âm nhạc suy đồi, không còn mang những đặc tính tích cực của nó nữa. Nếu một người nhận thức được nguyên nhân sinh ra âm nhạc, cũng tức là nguyên nhân tồn tại của anh ta là sự bộc lộ sự cảm thụ đau khổ của bản thân anh ta thì anh ta sẽ thấy rằng bài luận của tôi là rất ôn hoà. Khi ấy ai có thể nghĩ rằng, quả đạn đại bác của một người pháo binh già như tôi lại dùng để bắn vào Wagner.”
Nietzsche đã dành nhiều tâm sức của mình để nghiên cứu về âm nhạc và ảnh hưởng của nó đến con người. Nhưng có lẽ tất cả những luận thuyết triết học đều là không đủ để nói về âm nhạc, bởi vì đối với ông, “Không có Âm nhạc, cuộc sống sẽ là một sai lầm.”

Nietzsche, Strauss và Schoenberg
Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá đã khẳng định rằng, chính tác giả của những cuốn sách “Sự kiện Wagner” và “Bi kịch từ Linh hồn của Âm nhạc” đã tạo ra ảnh hưởng lớn đến Schoenberg và Strauss, cũng như Stravinsky và Mahler. Những mâu thuẫn cố hữu trong triết học của Nietzsche lại tạo ra khả năng hình thành các quan niệm thẩm mỹ âm nhạc trái ngược nhau.
Thực ra, những tư tưởng của Nietzsche đã không tiếp cận thế giới âm nhạc theo con đường giống như những người khác. Những nguyên tắc thẩm mỹ của Schiller thường được nhắc đến trong những bàn luận về Beethoven. Wagner thì vẫn thường bám vào quan điểm của Schopenhauer về bản chất siêu hình của âm nhạc. Còn đối với Nietzsche, ông vẫn thường tránh né những khái niệm được diễn đạt quá đơn giản.
Trên thực tế, Nietzsche đã đóng vai trò như một nhà phê bình của chủ nghĩa hiện đại và các tác phẩm của ông đã thu hút được sự chú ý lớn của những nhà soạn nhạc thế kỷ 20. Nhiều tác phẩm âm nhạc đã mang dấu ấn ảnh hưởng từ Nietzsche. Chính các nhà soạn nhạc và phê bình âm nhạc cũng đã mô tả chúng dựa trên tác phẩm của Nietzsche. Đó là sự đam mê trong văn chương của ông, cũng như những đặc tính siêu hình và hư vô trong triết học của ông.

 
Richard Strauss

“Also Sprach Zarathustra” của Richard Strauss, “Giao hưởng số 3” của Gustav Mahler và “Mass to Life” của Delius đều là những tác phẩm như vậy. Những sáng tác này đã lấy cảm hứng từ thơ ca và phong cách văn học độc đáo của Nietzsche chứ không liên hệ trực tiếp với triết học của ông. “Also Sprach Zarathustra” có lẽ là liên hệ gần gũi nhất với Nietzsche. Richard Strauss đã viết bản nhạc này vào năm 1896 dựa trên tác phẩm cùng tên của Nietzsche. Vào hôm trình diễn đầu tiên, Strauss đã viết: “Tôi không dự định viết một thứ âm nhạc triết học để mô tả tác phẩm vĩ đại của Nietzsche bằng âm nhạc. Tôi chỉ muốn dùng âm nhạc làm phương tiện để truyền đạt sự phát triển của loài người qua những giai đoạn khác nhau, từ nguồn gốc nguyên thuỷ của nó, đến tôn giáo và khoa học và đến tư tưởng của Nietzsche về siêu nhân. Toàn bộ bản giao hưởng thơ này được dự định là một sự tưởng nhớ về thiên tài của Nietzsche.”
Sau một năm học triết ở Đại học Munich, Strauss đã quyết định theo học âm nhạc ở Berlin và ngay sau đó trở thành học trò của Hans von Bulow (Bulow vốn là học trò của Liszt và cũng là chồng trước của Cosima). Ngay từ đầu, Strauss đã luôn tránh né sự kết hợp các tư tưởng triết học và âm nhạc, đi ngược lại trào lưu hàn lâm hoá âm nhạc ở châu Âu vào giai đoạn chuyển giao thế kỷ. Tuy nhiên, Strauss cũng đã đọc cả các tác phẩm của Wagner về mỹ học và về “âm nhạc của tương lai”. Thậm chí trong những năm 1880, Strauss đã ngày càng tỏ ra nao núng trước chủ nghĩa Wagnerian.
Thực tế là, về sau, chính Strauss cũng đã từng có những thử nghiệm với tư tưởng “âm nhạc triết học”, đặc biệt là kể từ khi ông bắt đầu cộng tác với nhà thơ kiêm triết gia Hugo von Hofmannsthal vào năm 1909. Các tác phẩm ra đời sau đó là các vở opera “Elektra”, “Ariadne auf Naxos” và “Giao hưởng thơ Alpine,” đều mang ảnh hưởng của Nietzsche ở một mức độ sâu sắc hơn. 

 
Arnold Schoenberg

Những sáng tác của Arnold Schoenberg lại mang tính chất ẩn dấu và hoàn toàn tương phản với tính tường minh của Strauss. Mặc dù gần như sống và sáng tác cùng thời nhưng hai nhà soạn nhạc này lại có những quan điểm về âm nhạc khác nhau tận gốc rễ. Strauss về cơ bản có thể coi như người mở rộng trường phái lãng mạn. Còn Schoenberg, cùng với hai học trò Anton Webern và Alban Berg đã xây dựng nên cái được gọi là “Trường phái Vienna thứ hai” – một trường phái đã phá vỡ giới hạn của hệ thống thang âm. Tuy nhiên, đằng sau sự phá cách này là một sự thống nhất xuất sắc của nhân cách và chủ đích, nó nằm trong tính nhạy cảm tổng quát mà theo đó Schoenberg có thể được mô tả như một người theo chủ nghĩa Nietzschean.
Có lẽ mối liên hệ rõ ràng nhất giữa Schoenberg và Nietzsche có thể được tìm thấy trong tác phẩm “Doctor Faustus” của Thomas Mann. Nhân vật chính trong truyện này là Leverkühn, được xây dựng dựa trên Nitzsche, nổi tiếng vì việc phát minh ra âm nhạc mười hai âm. Như vậy, Mann rõ ràng là đã nhìn thấy những tương tự về phong cách giữa Nietzsche và Schoenberg.
Sự tương phản giữa Strauss và Schoenberg có thể coi như hai kiểu chịu ảnh hưởng Nietzsche theo những chiều hướng hoàn toàn trái ngược nhau. Strauss rõ ràng đã tìm thấy những ý tưởng quan trọng trong các tác phẩm của Nietzsche, và sau này ông đã đưa chúng vào trong sáng tác của mình. Schoenberg cũng đọc Nietzsche, nhưng ông không bao giờ thừa nhận trực tiếp rằng mình chịu ảnh hưởng Nietzsche. Có lẽ sự ảnh hưởng  Nietzsche của Schoenberg cũng ngấm ngầm và kín đáo như chính âm nhạc của ông.

Tài liệu tham khảo
http://www.nietzschecircle.com

http://www.virtusens.de/walther/musik_eng.htm
http://www.musicem.ch/images/CEM-en.pdf
http://www.siue.edu/MUSIC/ACTPAPERS/v2/Lines03.pdf
http://www.nietzsches.com/PDFs/poster.pdf
Lưu Căn Báo – Phridrich Nitsơ, NXB Thuận Hoá, Trung tâm Văn hoá Đông Tây

Trung Dũng

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)