Nijinsky, Nureyev và Baryshnikov: Cuộc hội ngộ của ba thiên tài

Vaslav Nijinsky, Rudolf Nureyev và Mikhail Baryshnikov - ba người được coi là những diễn viên ba lê vĩ đại nhất thế kỷ 20 - thực chất không có quan hệ cá nhân trực tiếp ngoài đời, nhưng lại chia sẻ rất nhiều điểm chung: cùng là những diễn viên ba lê Nga, cùng có thời gian học tại trường Ba lê Hoàng gia Nga (đến thời Xô viết đổi tên là Trường Vaganova), cùng khởi nghiệp từ một vũ đoàn, cùng chạy trốn khỏi đất nước và không bao giờ (được phép) trở lại, và sau đó tạo lập danh tiếng vang dội trên làng múa thế giới. Điều đặc biệt là cả ba người đều gặp nhau trong một vai diễn: Nijinsky diễn cuộc đời của chính mình, Nureyev và Baryshnikov diễn Nijinsky.


Một cảnh trong vở Letter to a Man.

Bộ phim Nijinsky (a.k.a. The Dancer) sản xuất năm 1970 của đạo diễn Tony Richardson trong đó Rudolf Nureyev thủ vai Nijinsky đáng tiếc không bao giờ ra mắt công chúng bởi dự án bị dừng giữa chừng do nhà sản xuất “hết vốn”. Vở kịch một vai Letter To a Man do Robert Wilson và Mikhail Baryshnikov đạo diễn, trong đó Mikhail Baryshnikov thể hiện một Nijinsky trước bờ vực của sự điên loạn. “[Vở kịch] không phải về Nijinsky, như một cá nhân”.  Baryshnikov nói. “Đó là về một người đàn ông trong bi kịch và mối quan hệ của anh với nghệ thuật của chính mình, với Chúa, với gia đình, với những vấn đề đạo đức. Chúng tôi đã tránh tái tạo bất cứ thứ gì. Không có một cử chỉ nào… Đó là một câu chuyện song song kỳ lạ về tiếng nói của một con người”.

Trong khi không còn điệu múa nào của Nijinsky được ghi hình lại, chúng ta vẫn có thể xem Nureyev và Baryshnikov múa qua vô số phim ảnh, chương trình truyền hình và băng ghi hình các buổi biểu diễn của họ vòng quanh thế giới. Và qua họ tái hiện lại cuộc đời của một thiên tài mà sự nghiệp múa chỉ kéo dài vẻn vẹn 10 năm.

Nijinsky – 10 năm trên bờ vực

Trong cuốn nhật ký nổi tiếng viết trong sáu tuần trước khi bị gửi vào trại tâm thần, Nijinsky đã nói: “Tôi đang đứng trước vách đá mà mình có thể rơi xuống”. Cuộc đời anh có lẽ chỉ dao động quanh hai thái cực: một là sân khấu, hai là đáy vực. Rời khỏi sân khấu tức là rơi xuống vực sâu. Nhiều người nói rằng Nijinsky vũ công mới chính là con người thật của anh. Còn Nijinsky ngoài đời chỉ là một trạng thái nghỉ trong lúc chuyển giao giữa hai màn diễn. Con người ngoài sân khấu và trên sân khấu của Nijinsky dường như không thuộc về nhau. Nếu như ở đời thường, anh được mô tả như một người nhút nhát, ngờ nghệch và không đáng chú ý thì trên sân khấu “mọi người không mô tả các vũ công khác theo cùng cách họ mô tả anh”, nhà nghiên cứu lịch sử múa Lucy Moore nhận xét. “Anh là một người mạnh mẽ, một thực thể cuốn hút đầy nhục cảm.”

Có nhiều lý giải cho nguyên nhân dẫn tới việc Nijinsky hóa điên. Nhưng phần lớn đều tin rằng đó là vì anh không được múa. Cũng trong trong nhật ký Nijinsky viết: “Tôi là một vũ công. Bạn sẽ hiểu tôi khi xem tôi múa.”

Cuốn Nhật ký của Nijinsky đã khơi nguồn cho rất nhiều tác phẩm sân khấu, điện ảnh và thơ ca, kể cả hai tác phẩm có sự tham gia của Nureyev và Baryshnikov kể trên.

Huyền thoại của Nijinsky bắt đầu kể từ khi đoàn múa Ballets Russes của Sergei Diaghilev xuất hiện tại Paris năm 1909. Khi được hỏi để có thể làm như cơ thể đang treo trong không gian lúc nhảy lên thì có khó không, Nijinsky trả lời: “Không! Không! Có khó gì đâu. Bạn chỉ cần nhảy lên rồi dừng lại một chút ở trên đó.” Vốn là một thần đồng ở St. Peterburg, chàng vũ công Nijinsky giống như một liều thuốc kích thích ở phương Tây, được tán tụng không chỉ vì cú nhảy phi trọng lực, mà còn bởi sự hoàn mỹ của anh – độ cong của cánh tay, góc nghiêng của cái đầu, sự nhạy cảm với âm nhạc – và cái cách anh có thể hòa tan cá tính của mình vào bất kỳ nhân vật nào mà anh vào vai. Các vai diễn của Nijinsky thách thức bất kỳ diễn viên múa nào vì nó đòi hỏi một biên độ vật lý cơ thể phi thường và phạm vi của các nhân vật trải rộng trên nhiều loại người, nhiều tính cách vô cùng khác biệt.

Các màn trình diễn của Nijinsky làm hồi sinh ba lê phương Tây lúc ấy đang ở giai đoạn thoái trào và nam diễn viên thật ít ỏi. Khi chuyển sự chú ý của mình sang biên đạo, anh lập tức cách mạng hóa những tiềm năng mà múa có thể thực hiện. Vở múa Buổi chiều của Thần điền dã (L’Après-midi d’un Faune) của Nijinsky gây ra một scandal khi nó được công diễn vào năm 1912; năm tiếp theo, vở Lễ bái xuân (Le Sacré du Printemps) dấy lên một vụ bạo loạn. Tư duy của anh luôn đi trước thời đại, khán giả đơn giản là chưa đủ sẵn sàng cho những gì họ được xem. Mãi đến thế hệ của Baryshnikov, khi múa ba lê cổ điển đã trải qua bao lần lột xác để trở thành múa đương đại ngày nay, thì người ta mới thấy hết được tài năng và tầm nhìn của Nijinsky: “Chỉ riêng vở L’Après-midi d’un Faune thôi đã đủ minh chứng về một thiên tài, bằng chứng về một người có tài năng và tầm nhìn phi thường,” Baryshnikov nói.

Nureyev – 34 năm bên miệng núi lửa

Nureyev có sức lao động và tình yêu dành cho múa không giới hạn. Anh múa như một núi lửa phun trào có thể truyền hết sức nóng của nó tới tất cả người xem. Trong một bài phỏng vấn năm 1983, Nureyev đã cười trả lời câu hỏi khi nào anh định nghỉ hưu: “Bạn muốn tôi nghỉ ư? Không, tôi sẽ chết.” Và quả thực, chỉ có cái chết 10 năm sau đó (ở tuổi 54) mới khiến anh dừng lại. Trong suốt sự nghiệp trải dài hơn ba thập kỷ của mình, Nureyev đã đạt được danh tiếng mà không diễn viên múa nào trong lịch sử có thể sánh kịp. Anh được mệnh danh là nam diễn viên múa vĩ đại nhất kể từ sau Nijinsky hay diễn viên múa nổi tiếng nhất thời đại chúng ta, hoặc Chúa tể của Múa (Lord of the Dance). Bởi khả năng thực hiện những bước nhảy đáng kinh ngạc, anh thường được so sánh với Nijinsky. Nhưng Margot Fonteyn – người bạn múa hơn Nureyev 20 tuổi, đã có thời gian múa cùng Nijinsky tại Ballet Russes lên tiếng phản đối: “Cậu ấy không phải là Nijinsky thứ hai mà là Nureyev đầu tiên.”

Nếu như năm 1911, Nijinsky rời bỏ nước Nga vì lý do mang tính cá nhân (ban đầu do một sự bất đồng nhỏ khi anh mặc một bộ trang phục trái phép trong một buổi biểu diễn vở Giselle, anh rời khỏi Nga, và hậu quả của việc này quả là không tưởng: Anh không thể trở về quê nhà. Trong vài năm đầu tiên, nếu Nijinsky phải tránh nghĩa vụ quân sự, sau đó Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Cách mạng tháng Mười Nga đã tước mất quyền công dân Nga và biến anh thành kẻ bị lưu đày) thì việc Nureyev rời khỏi nước Nga năm 1961 thực sự là một cuộc đào thoát.

Trong một chuyến lưu diễn châu Âu với vũ đoàn Kirov, Nureyev đã trốn khỏi đoàn và xin tị nạn ở Paris. Theo nhà nghiên cứu lịch sử múa Jennifer Homans, chính quyền Xô viết phải miễn cưỡng cho phép Nureyev lưu diễn bên ngoài Liên Xô vì “anh là một vũ công giỏi nhưng theo quan điểm của họ thì không đáng tin cậy. Anh ưa mạo hiểm và luôn tỏ ra coi thường các quan chức muốn kiểm soát mình”. Tại Liên Xô, cái tên Nureyev “bị xóa khỏi văn hóa Xô viết vì sự phản bội này”. Nhưng trước thời điểm ấy, tên tuổi anh đã được biết đến rộng rãi ở Tây Âu và Mỹ, và trên thực tế anh là công dân của toàn thể thế giới múa phương Tây. Cuộc đào tẩu được đưa tin trên khắp các mặt báo, là tấm gương để 13 năm sau đó, ngày 29/6/1974, trong chuyến lưu diễn tại Canada với đoàn ba lê Mariinsky, chàng vũ công trẻ Baryshnikov cũng bỏ trốn và xin tị nạn ở Toronto, sau đó tuyên bố với giới múa sẽ không trở lại Liên Xô nữa.

Là một vũ công, Nureyev đã đẩy kỹ thuật múa ba lê đi xa hơn bất cứ ai kể từ thời Nijinsky. Phong cách múa của anh không thuần túy kỹ thuật; anh không được gọi là vũ công “sạch” như Baryshnikov. Anh có đôi tai âm nhạc sắc bén, cái tinh tế đầy kịch tính và sự hiện diện trên sân khấu mang tính thôi miên khiến các màn trình diễn của anh đều trở nên huyền diệu. Và anh là người tiên phong, giành chiến thắng cho sự thăng hoa của nam diễn viên trong ba lê và truyền cảm hứng cho cả một thế hệ vũ công nam trẻ tuổi.

Tuy nhiên với vai trò một biên đạo, các vở múa Nureyev lại mang một màu sắc khá cổ điển. Anh yêu thích những vở múa kịch tính với bối cảnh xa hoa đặc trưng của ba lê Liên Xô và Hoàng gia Nga. Vở múa Don Quixote do anh biên đạo cho Đoàn ba lê Australia vào năm 1970 cùng rất nhiều vở ba lê khác anh dàn dựng vào những năm 1980 khi là giám đốc của nhà hát Paris Opera Ballet đều theo phong cách này. “Bằng cách ấy anh đang cố gắng giới thiệu một loại phong cách Xô viết, anh có một loại cảm xúc hoài niệm dành cho thế giới anh đã rời bỏ và không thể trở lại,” Jennifer Homans nhận xét. Mặc dù trong một bài phỏng vấn Nureyev đã nói: “Tôi không bao giờ hối tiếc vì đã chọn rời bỏ nước Nga. Với tôi, đất nước chỉ là một nơi mà ở đó tôi được múa.”

Baryshnikov – 50 năm thách thức giới hạn thời gian

Cuộc đời của người thứ ba trong câu chuyện này có lẽ không được kịch tính như hai nhân vật trên, vì đơn giản là anh vẫn còn sống, và khán giả vẫn đang được xem anh múa. Năm 2015, Baryshnikov ở tuổi 67, đã đồng ý diễn vai Nijinsky trong vở kịch độc tấu Letter to a Man. “Bây giờ hoặc không bao giờ vì thời gian đang từng bước leo thang.” Cuối cùng, anh đã nhắm mắt đưa chân theo số phận sau khi từ chối 15 lời mời tương tự cho những tác phẩm khác nhau về Nijinsky được đề nghị trong nhiều năm trước đó. “Tôi biết tác phẩm này có nhiều kỹ thuật thách thức, đòi hỏi diễn viên phải độc diễn trong hơn một giờ đồng hồ trên sân khấu, và tôi chẳng thể nào thực hiện được khi bước qua tuổi 70.”


Vaslav Nijinsky sinh năm 1889-1950, hoạt động múa từ năm 1909 đến 1919.

Năm 1960, Baryshnikov 11 tuổi bắt đầu đi học múa và bốn năm sau được nhận vào trường Vaganova tại St Petersburg, thành phố lúc bây giờ có tên Leningrad. Đây cũng chính là nơi Nijinsky và Nureyev được đào tạo, và trang phục của Nijinsky cho vở Le Spectre de la Rose được bao phủ bằng những cánh hoa nhạt màu sau được trưng bày trong lồng kính. “Vào những năm 1960 và 70, huyền thoại của Nijinsky và tất cả những gì về Ballets Russes bị giấu đi vì đó là những vết nhơ về chính trị. Diaghilev đưa tất cả vũ công giỏi nhất đi và chẳng ai quay lại cả.”

Trong màn trình diễn đầu tiên tại nhà trường, Baryshnikov múa một cảnh trong Petrushka, về một con rối bị phá hủy bởi tình yêu, một tác phẩm được biên đạo múa Fokine tạo ra dành cho Nijinsky. Les Sylphides và Giselle, những vở ba lê Nijinsky yêu, cũng nằm trong danh sách yêu thích của Baryshnikov, và anh đã biểu diễn và thăng hoa cùng linh hồn của đóa hồng Spectre. Tài năng của Baryshnikov thể hiện ở uy lực của anh trên sân khấu và sự thuần khiết của kỹ thuật ba lê cổ điển điêu luyện. Ngay từ khi còn múa ở quê nhà, Baryshnikov đã được nhà phê bình Clive Barnes của New York Times gọi là “vũ công hoàn hảo nhất mà tôi từng thấy”.

Sự nghiệp của Baryshnikov, kể từ khi rời bỏ nước Nga năm 1974, còn đưa anh đi xa hơn, tới bất cứ nơi đâu anh có thể mơ về – thậm chí cả một số nơi trong mơ anh cũng chưa nghĩ đến. Anh múa trên khắp thế giới, điều hành Nhà hát American Ballet, múa cho George Balanchine tại đoàn Ba lê Thành phố New York, và nổi tiếng khắp nơi với vai khách mời trong phim truyền hình ăn khách Sex and the City của Carrie Bradshaw. Khi sự nghiệp múa cổ điển của anh kết thúc, Baryshnikov thiết lập dự án White Oak Dance với biên đạo Mark Morris và phát triển một trong những vở tốt nhất trong kho tàng múa đương đại. Năm 2005, anh thành lập Trung tâm Nghệ thuật Baryshnikov tại New York để tiếp tục quảng bá các tác phẩm mới. Năm 2014, anh khai mạc một triển lãm cá nhân tập hợp các tác phẩm nhiếp ảnh do chính anh chụp về ba lê trong gần hết sự nghiệp diễn xuất. Từ năm 2015 đến 2017, anh lưu diễn qua nhiều nhà hát lớn trên thế giới với vở độc diễn Letter to a Man.
Ý tưởng về cái tên Letter to a Man đến từ một bức thư Nijinsky viết gửi Diaghilev – trong đó Nijinsky còn không dám đề thẳng tên người nhận – được Baryshnikov biết tới năm 2013 khi đang làm việc với Wilson trong vở The Old Woman, phóng tác từ truyện ngắn của Daniil Kharms. Baryshnikov đã gặp rất nhiều nhân vật quan trọng khác trong cuộc đời của Nijinsky, bao gồm Romola (“một người vợ tốt”), Kyra (“một người phụ nữ rắc rối”), em gái Nijinsky, Bronislava Nijinska (“một biên đạo múa không kém gì anh trai mình”) và Marie Rambert (“cô tôn thờ Nijinsky”). Tất cả những cuộc gặp gỡ này đã làm phong phú thêm quan điểm của anh về Nijinsky. Nhưng cuối cùng, anh trở lại với nguồn cảm hứng của cuốn nhật ký. “Nó có một mục đích thuần khiết là miêu tả một con người đồng thời với một nghệ sĩ. Ngay trong những tình huống bất hạnh và bi thảm nhất, anh cũng nghĩ rằng Chúa sẽ chỉ cho anh phải làm gì, và làm thế nào cho đúng. Đối với di sản của mình, nó rất đơn giản: Nijinsky muốn truyền quan điểm tới tất cả mọi người.”


Rudolf Nureyev trong buổi tập vở Romeo và Juliette tại nhà hát Royal Opera House London.

Điều hấp dẫn về cuốn nhật ký là Nijinsky lúc ấy đang mắc chứng tâm thần phân liệt, và những câu thần chú lặp đi lặp lại của anh về Chúa và con người, chiến tranh và hòa bình, cuộc sống và cái chết, được nhấn mạnh. “Nó được chiếu sáng bởi sự tỉnh táo,” Baryshnikov nói. “Có một số đoạn văn và một số trang hoàn toàn mạch lạc và sau đó bỗng nhiên xuất hiện sự rạn nứt. Henry Miller nói đó là một trong những tài liệu hấp dẫn nhất về tình trạng con người mà ông từng đọc.” Tính sâu sắc của văn bản được nâng cao bởi khi hoàn thành nó, Nijinsky đã hoàn toàn im lặng, không bao giờ giao tiếp với mọi người theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa nữa. Anh qua đời ở Anh, năm 1950, với Romola ở bên cạnh.

Đối với nhiều người hâm mộ, cuộc đời Nijinsky là một bi kịch, một thiên tài yểu mệnh với sự nghiệp chỉ kéo dài vẻn vẹn 10 năm và đột ngột bị cắt ngang bởi bệnh tật. Với Baryshnikov lại khác: “Chẳng có thước phim nào về các điệu múa của anh ấy được ghi lại. Anh ấy sống qua những vai diễn của mình. Quả là một người may mắn”.

Út Quyên tổng hợp

 

Nguồn tham khảo
https://www.theguardian.com/stage/2015/jul/10/mikhail-baryshnikov-why-i-finally-agreed-play-nijinsky
https://www.nytimes.com/1993/01/07/arts/rudolf-nureyev-charismatic-dancer-who-gave-fire-to-ballet-s-image-dies-at-54.html
https://www.independent.co.uk/news/nureyev-a-divine-gift-is-dead-at-54-john-gregory-assesses-the-turbulent-life-of-the-greatest-dancer-1477043.html
https://www.independent.co.uk/arts-entertainment/films/features/lord-of-the-dance-137369.html
http://articles.sun-sentinel.com/1993-01-07/news/9301020144_1_mr-nureyev-rudolf-nureyev-margot-fonteyn
http://www.abc.net.au/radionational/programs/archived/bodysphere/features/nijinsky-and-nureyev/4883150
https://www.nytimes.com/1974/11/10/archives/baryshnikov-knows-how-to-fly-and-how-to-halt-dance-view-dance.html

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)