Nông dân (Bài 1)

Cho đến nay Việt Nam vẫn là một xã hội nông nghiệp, đa phần dân số vẫn là nông dân, lấy canh tác trồng trọt trên đồng ruộng làm chính. Thành phần nông dân trong dân số theo thời gian có thay đổi ít đi, nhưng trong thế kỷ 19 nông dân có thể chiếm đến 95% dân số. Đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, người ta cho rằng nông dân chiếm 90% dân số và đa phần mù chữ. Một xã hội nông nghiệp, một dân tộc đa phần là nông dân, tất yếu tâm lý, văn hóa và tương lai phát triển đều có thể nhìn nhận qua cái nhãn quan nông dân cả.

Chàng ơi cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam

Thấy anh, em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo, anh bán em đi
Lấy anh, em biết ăn gì
Lộc sắn thì chát, lộc si thì già
Lấy anh không cửa không nhà
Mẹ cha không có biết là cậy ai.
            (Ca dao)

Thời cổ đại và trung cổ ở Việt Nam không được phân chia rõ ràng như ở phương Tây hay những nền văn minh lớn trên thế giới. Giai đoạn chiếm hữu nô lệ gần như không xuất hiện ở phương Đông (Viễn Đông), trong đó có Việt Nam, và cũng không xuất hiện nhà nước chiếm hữu nô lệ như Ai Cập, Lưỡng Hà, La Mã. Nhưng nông nô vẫn có và cũng bị áp bức bóc lột tàn tệ như bất cứ chế độ nô lệ nào trên thế giới và họ là lực lượng lao động không công trong hòa bình, là lá chắn sống trong chiến tranh.

Chế độ nông nô ở Việt Nam ra sao, hiện dường như không có nghiên cứu nào cả, và nó chỉ lờ mờ xuất hiện trong các văn bản lịch sử, trong vài dấu tích khảo cổ. Trên trống đồng Đông Sơn, có những hình khắc xử tử tù binh trên những con thuyền, họ hoặc bị lấy giáo đâm vào đầu, hoặc bị dùng rìu, búa đập vào đầu như một nghi lễ tế thần, xung quanh có các chiến binh nhảy múa, reo hò. Chiến tranh sinh ra tù binh và những người này hoặc bị bắt làm nông nô (nô lệ?) hoặc bị đem tế thần, nhất là những giai đoạn đói kém người ta không nuôi được thêm người.

Chế độ nô lệ hoang dã và ngây thơ cũng xuất hiện trong xã hội sơ khai Tây Nguyên. Những người được coi là nô lệ hoặc bị bắt trong những cuộc chiến tranh bộ lạc, play, hoặc nợ nần không trả được phải đi làm nô lệ. Nhưng nô lệ ở Tây Nguyên sống chung với gia đình chủ nhà, được coi như thân thuộc, được lấy vợ chồng và tương đối tự do trong khuôn khổ của gia đình đó, thậm chí nô lệ cũng có nô lệ riêng, đó là hậu quả của những món nợ chồng chất, người này nợ người kia mà phải làm nô lệ, rồi bản thân người mắc nợ cũng từng là chủ nợ, hoặc chính chủ nợ cũng mắc nợ, đến mức có nô lệ mà phải đi làm nô lệ. Một tình trạng dường như chỉ thấy ở những xã hội rất hồn nhiên và tôn trọng sự sở hữu.

Trong thế kỷ 11 – 14 với hai triều đại Lý – Trần, chế độ nông nô có xuất hiện cùng với điền trang thái ấp, tức là những quan lại quý tộc giàu có, có đất phân phong và gia nô. Gia nô có thể được mua lại từ người nghèo, và nhà Lý đã từng có quy định cấm mua bán hoàng nam từ 16 tuổi trở lên làm nô lệ, như vậy gia nô thời Lý chủ yếu chỉ giới hạn ở trẻ con làm việc nhà, không được phép phát triển đến người trưởng thành.

Thời Trần nông nô là lực lượng lao động chính trong điền trang thái ấp và sau đó do tình hình chiến tranh liên miên, nông nô tham gia vào đội quân của điền trang, có những người trở thành tướng lĩnh quan trọng, như Yết Kiêu và Dã Tượng – hai nông nô trông voi ngựa và thuyền của Trần Hưng Đạo.

Lực lượng nông nô luôn được bổ sung trong các cuộc chiến tranh với người Chàm. Ở trong các đình đền, hiện còn nhiều pho tượng người quỳ hầu hoặc bưng đèn được gọi là Phỗng Chàm, chính là những tù binh bị bắt trong chiến tranh. Trong đó còn có một nhân vật bị bắt trong chiến tranh với người Chàm thế kỷ 11, là sư Thảo Đường, lúc đầu làm gia nô, sau trở thành Quốc Sư của nhà Lý.

Hồ Quý Ly muốn hạn chế vai trò của quý tộc Trần, bèn giải tán dần các điền trang thái ấp, giải phóng các nông nô, biến họ thành binh lính và nông dân. Người ta cho rằng nông nô thời Trần có khắc trên trán ba chữ Quan Trung nô. Song bất luận thế nào, nông nô chỉ là một phần của xã hội Lý – Trần, vai trò của nông dân tự do mới đưa nhà Lý – Trần đến chiến thắng trong các cuộc chiến tranh và như vậy nông dân ngay trong thời đại phong kiến tự chủ là một thành phần đông đảo, lực lượng lao động chính của xã hội nông nghiệp.

Cái tương quan địa chủ – nông dân được nhắc nhiều đến trong cơ cấu nông thôn, nhất là từ thế kỷ 15, sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Bản thân Lê Lợi cũng được coi là một ông địa chủ mới, thay cho hình ảnh của một quý tộc điền trang thái ấp kiểu thời Trần. Các làng xã trưởng thành, với hai thành phần chính là nông dân và địa chủ. Khái niệm địa chủ thật mơ hồ, vì nó chỉ có nghĩa là chủ đất, nông dân cũng có đất, nhưng ít hơn địa chủ, và địa chủ được coi như giai cấp bóc lột trong làng. Có bao nhiêu ruộng thì được coi là địa chủ, điều này cũng được quy ước tương đối, và bản thân địa chủ cũng từng là nông dân cày ruộng, tích cóp, cho vay nặng lãi và tích lũy vốn bằng đất đai. Ruộng của nông dân chỉ đủ ăn là nhiều, còn do có nhiều ruộng hơn mà địa chủ không chỉ đủ ăn mà còn có thể cho vay vào những khi nông dân đói, hoặc thu mua thóc khi nông dân thừa. Địa chủ là một thứ nông dân trở nên giàu có, có nhiều ruộng và trâu. Mọi nông dân đều mơ ước trở thành địa chủ, nhưng sẽ đem địa chủ ra đấu tố nếu có cải cách ruộng đất. Đó chính là tâm lý của người nông dân Việt Nam.

Chế độ phong kiến dù bóc lột nông dân nhưng luôn coi trọng nông dân ít nhất về mặt lý thuyết. Dĩ nông vi bản – lấy nông nghiệp, nông dân làm gốc. Mạnh Tử còn nói: Dân vi quý. Xã tắc thứ chi. Quân vi khinh – Dân (nông dân) là quý nhất. Xã tắc thứ nhì. Còn quân vương là đáng khinh. Thật là đề cao nông dân một cách tuyệt vời, và các vị quân vương cũng chấp nhận cái khẩu hiệu đó. Dân gian có câu: Khi thường nhất sỹ nhì nông / Hết gạo chạy rông / Nhất nông nhì sỹ. Quan hệ giữa sỹ và nông trong xã hội phong kiến xưa là một quan hệ phức tạp, phụ thuộc lẫn nhau, có thể hoán đổi địa vị, nhưng về căn bản là khó khăn.

Các triều đại phong kiến đều khuyến học, mở ra những khoa thi, ba năm một lần, không kể ân khoa đột xuất. Con em nông dân đều có thể đi học chữ Nho, đạo Khổng Mạnh rồi tham gia thi cử, mỗi kỳ thi có vài chục người đỗ tiến sỹ đều có thể được bổ làm quan, nếu không làm quan, ít nhất họ trở thành các bậc đại khoa, được trọng vọng, và nhà vua điều đình với làng xã cắt đất cho họ. Kẻ sỹ ăn lộc vua, đề cao vua, trung với vua, chết cho vua, là tấm gương cho nông dân ngưỡng vọng. Nếu họ được tập ấm thì chức tước, ruộng đất giữ đến con cháu, nếu không được tập ấm thì hết đời ông quan phải trả lại chức tước, ruộng đất cho triều đình. Làm thợ thủ công, đi buôn có thể có nhiều tiền hơn, mua được nhiều ruộng đất hơn, nhưng đó là xuống giai tầng thứ ba thứ tư, sẽ không được đi thi trở thành kẻ sỹ. Thành thử đó là lý do tại sao nông dân chiếm đa số, công nghệ và thương mại không phát triển, vì làm nông dân còn có hy vọng đổi đời, một đập nên quan.

Chúng ta cần xem xét người nông dân trước khi tiếp nhận Khổng giáo và người nông dân sau khi tiếp nhận Khổng giáo, đây chính là tương quan người nông dân Mường và nông dân Việt (Kinh), nếu coi người Việt (Kinh) có nguồn gốc từ người Mường. Sự phân tách có thể là rõ ràng vào thế kỷ 9 – 10, nhưng thực ra là cả một quá trình lịch sử lâu dài để người Mường xuống đồng bằng và chịu ảnh hưởng Hán hóa trở thành người Việt (Kinh). Chữ Mường (Muang) có nghĩa là đất, vùng đất, chữ Kinh cũng có nghĩa như vậy, nhưng là đất trung tâm. Người Việt Mường xuống đồng bằng vẫn giữ nguyên khái niệm Kẻ (vùng đất) để chỉ những nơi quần cư. Chữ Kẻ này mang ý nghĩa tập tục, sự riêng biệt về địa vực và những sở hữu tinh thần, vật chất riêng của một vùng coi như bằng làng xã. Hà Nội – Thăng Long được coi là một Kẻ lớn, gọi là Kẻ Chợ, và tất cả các Kẻ khác đều bắt đầu bằng một chữ: Kẻ Lủ (Kim Lũ), Kẻ Sặt (Trang Liệt), Kẻ Thú (Tư Thế), Kẻ Mễ (Mễ Sở), Kẻ Thấp (Bút Tháp), Kẻ Niềm (Viêm Xá)… Tên Hán có hai chữ được đặt thêm vào cho có chữ nghĩa và được viết trong chính văn tế lễ hay văn bia, văn bản hành chính. Nhưng hằng ngày, người ta cho đến nay vẫn thích dùng tên Nôm một chữ hơn.

Người nông dân Mường trong xã hội Mường có hai thành phần chính thấp nhất là Nóc và Nóc chọi. Chữ Nóc ở đây chỉ mái nhà, hộ gia đình, một Mường ít thì có vài chục Nóc, nhiều thì trăm Nóc. Nóc chọi là những gia đình, con người bần cùng, không có ruộng, thân phận như nông nô, canh tác trên nương, phục dịch nhà Lang và không bao giờ được thay đổi thân phận trừ trường hợp cứu mạng Lang. Nóc sở hữu những ruộng bình thường trong Mường, không rộng nhất và cũng không tốt nhất, còn Lang truyền đời sở hữu những ruộng lớn nhất, tốt nhất cùng nhiều quyền lợi mà các giai tầng khác phải phục dịch. Thoát khỏi xã hội Mường, người nông dân chí ít có sự bình đẳng về mặt học hành, làm quan và sở hữu ruộng đất, họ gia nhập vào một xã hội có thể thay đổi, trừ gia nhập vào hoàng tộc. Trong làng lý trưởng là do dân bầu; quan viên hương lão, kỳ hào, kỳ mục hoàn toàn không cố định mà dựa trên sự phấn đấu của cá nhân, gia đình, nhất là trở thành giàu có; còn trở thành già thì ai cũng đến lượt, càng sống lâu thì càng có vai vế, tiếng nói càng có trọng lượng, không lo mất phần. Để đổi lại họ phải chấp nhận Khổng giáo, hay Tam giáo nói chung (Nho Lão Phật). Nhưng rồi xã hội nào cũng có kẻ bần cùng, đối với làng đó là mõ – những người nghèo ngụ cư, từ nơi khác đến, ở nhờ một làng mới, và được làng đó chấp nhận, và bần cố nông – những người nông dân mất đất chỉ còn cách cầy thuê cuốc mướn, bần cùng thì bán vợ đợ con. Vợ con những người này nếu đem đi cầm cố thì có trở thành nông nô hay không, đây là một câu hỏi chưa bao giờ được trả lời rõ ràng. Chủ nợ có quyền sai bảo con cái người bị cầm cố như gia nô, và biến vợ anh ta thành tỳ thiếp, cho đến khi nợ được trả hết thì có thể đem vợ con mình về. Đây là một quá trình tàn khốc, và chỉ được nhắc đến một cách tế nhị, như là sự sợ hãi về tâm lý, khi gán vợ thay cho nợ, một thực tế không hiếm hoi ở nông thôn.

Người nông dân Mường không có tôn giáo ngoài tín ngưỡng không rõ rệt được gọi là Mo. Đó là trời, là thần và là những thế lực thiêng liêng không hiểu được. Nhưng Mo cũng như người thường, ăn ngủ nghỉ đi làm, vui buồn… nghĩa là đời sống thế nào, đấng tối cao cũng như vậy và hoàn toàn yêu thương che chở cho người sống. Vạn vật đều có linh hồn. Khi trong nhà có tang, người ta dán tang cho cả gia súc, đồ đạc, vì chúng cũng có linh hồn, cũng xót thương người đã chết.

Khi thành người Việt thì vấn đề tín ngưỡng trở nên khác rồi. Người Việt lấy Phật giáo làm quốc đạo, bên cạnh đó tục thờ tổ tiên vẫn duy trì, và gia nhập một số tín ngưỡng địa phương vào đạo Phật, điển hình là hiện tượng Phật Mẫu trong tín ngưỡng Tứ Pháp, thờ Mây – Mưa – Sấm – Chớp. Saman giáo cũng có trong hiện tượng đồng cốt và nghi lễ thờ tam tòa thánh mẫu.

Nói người Việt có tôn giáo không hẳn đúng và cũng không hẳn không đúng. Đời sống tôn giáo của người Việt rất không rõ ràng, có thể tất cả đều là Phật tử, nhưng có việc, hoặc ngày rằm mùng một mới lên chùa, không thực hành tôn giáo trong thường nhật. Đạo Nho, đạo Lão, đạo Phật mỗi thứ một chút, cái thì là đạo đức, cái thì là tín điều, cái thì là thần thánh… và được lựa chọn từng phần mang tính thực dụng. Tuy nhiên có thể nói, Khổng giáo và những tôn chỉ của nó đã được người Việt chấp nhận trong việc trị nước và tổ chức gia đình.

Mô hình Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á phù hợp với tình trạng phân cắt của các tiểu quốc, nhưng người Việt muốn có một quốc gia tập quyền vững mạnh, nên họ ngả theo mô hình Khổng giáo phương Bắc, trong khi người Champa, người Lào, người Khmer, người Thái theo Phật giáo phương Nam và Ấn Độ giáo, không có chút Nho giáo nào. Nho giáo ràng buộc người Việt trong một xã hội nhiều nghi lễ, nghi thức phức tạp, mất đi tính giản dị và không tích lũy của người Mường, tôn quân trọng đạo, và tổ quốc chỉ được chú trọng khi có ngoại xâm, còn bình nhật cái làng mình là to nhất. Những nghi lễ phức tạp trong đời sống và tín ngưỡng của người Hán cứ dần nhập vào làng xã, nhất là theo Thọ mai gia lễ, bói toán, xem địa lý, tử vi, gieo quẻ, bấm độn, chọn ngày xấu tốt… tất cả nhập hết vào ngôi chùa, đánh đồng ông sư, bà vãi, thầy cúng, pháp sư, thầy bói, phù thủy, thầy tướng, thầy địa lý vào cùng một chức năng, mà không mấy khi tìm hiểu sự thật là gì. Bàn thờ Phật ngày một trở nên đông đảo thành một tín ngưỡng đa thần. Và người nông dân cứ hồn nhiên tin vào tất cả thế giới đa thần, rồi bỗng một lúc lại chỉ tin vào kinh nghiệm của chính mình, nhất là khi đụng vào thửa ruộng của họ. Người nông dân Việt do đó vừa mê tín, vừa duy vật thô thiển, vừa đơn giản và vừa phức tạp, vừa không trở thành công dân, nhưng lại lắm điều, hay bàn tán nhất, thích một ông vua tốt hơn là một xã hội dân chủ, nhưng lại là những chiến binh quả cảm khi bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc.

Sự hình thành người nông dân nằm trong quá trình phân công lao động xã hội từ các công xã nguyên thủy, nơi tất cả đều săn bắn, hái lượm và làm chiến binh như nhau. Trong di tích Đông Sơn, các trống đồng cho thấy sinh hoạt săn bắn, đánh bắt cá trên thuyền nhiều hơn là canh tác trên ruộng nương và tất cả đều là chiến binh. Tín ngưỡng Tứ pháp thờ Mây – Mưa – Sấm – Chớp ở các vùng Thuận Thành, Gia Lâm, Văn Lâm, Thường Tín cho thấy vào đầu công nguyên, nhu cầu mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp đã xuất hiện và nhu cầu này kéo dài đến tận thế kỷ 19 – khi cần chống lụt và hạn, mà con người bất lực thì cầu đảo. Lịch sử của các tuyến đê cũng là lịch sử nông nghiệp Việt Nam khi cần thiết phát triển đồng bằng trồng lúa ổn định. Người nông dân đã hình thành trong những quá trình đó, nhất là sau này hình thành cùng với sự phát triển ổn định của các làng xã nơi nông dân cư trú. Người nông dân Việt phong kiến có tính cách đặc biệt là không chạy theo vua trong bất kỳ cuộc rút lui vì xâm lược nào, họ sống ẩn náu trong những ngôi làng, mà thực chất triều đình phong kiến chỉ biết họ qua thuế đinh, thuế điền. Hàng vạn ngôi làng rất khác nhau về tập tục hương ước, nhưng rất giống nhau bởi một tính cách nông dân Việt Nam.

Tác giả