Nông dân (Bài 2)

Người nông dân có nhiều tính cách khác nhau hơn là người ta tưởng.

Trong điều kiện hòa bình ổn định, không quá đói kém mất mùa, người nông dân biểu hiện là những người hiền lành chất phác, hiếu khách, trọng lễ nghĩa. Trong điều kiện sống khó khăn, bị áp bức bóc lột, họ trở nên linh hoạt, và đôi khi rất hung bạo. Người nông dân cũng không quá nhu mì, trông đợi vào hoàn cảnh, mà luôn nghĩ đến cách thoát ra khỏi thực tế khó khăn, nếu cảm thấy điều kiện thực tế là có thật, thì không ngần ngại thay đổi. Điều đó thể hiện trong cuộc Nam tiến suốt 500 năm từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Hình ảnh ông ba bị, chính là những nam nông dân đi theo cuộc bình Nam của các chúa Nguyễn – một tay lính, khoác trên người ba cái bị, một bị đựng đứa con trai, một bị quần áo và một bị gạo. Cuộc chia ly với gia đình ở Đàng Ngoài cầm chắc là không bao giờ quay lại, và nếu có chết dọc đường thì đứa con trai sẽ tiếp tục nam tiến cũng như chôn cất và trông nom việc giỗ bố. Tay lính đó sẽ lấy một cô vợ người Chàm, và những đứa con mới ra đời sẽ nói tiếng Việt bằng giọng Chàm, đó chính là tiếng Quảng Nam sau này.

Một đứa bé sinh ra trong gia đình nông dân ở làng xã tưởng chừng như lớn lên một cách tự nhiên, nhưng thực tế được chăm sóc kỹ không chỉ bởi gia đình, mà cả họ hàng, và làng xóm. Nó sẽ được rèn luyện các kỹ năng lao động, bé thì đi chăn trâu cắt cỏ; lớn chút nữa thì đi nhổ mạ, bắt cua cá, đập đất, tát nước; rồi cuối cùng là cày bừa. Đến đoạn cày bừa chủ yếu dành cho nam thanh niên; còn thiếu nữ tách ra học nấu nướng, thêu thùa, xay lúa, ẵm em, gánh nước, giặt giũ.

Ngoài những công việc thông thường, người nông dân còn học một số kỹ năng thủ công, đục đẽo, làm vì kèo, đắp đất, đóng gạch, dựng nhà, đan lát đồ thủ công. Họ cũng phải tham gia công việc cộng đồng, xây đường làng, dựng nhà cho vợ chồng mới, làm cỗ, đi phu phen tạp dịch. Học vấn không quá quan trọng so với việc thực hành nghề nông trong lao động hằng ngày. Rồi trong đám thanh thiếu niên đó, một số sẽ được gửi đến nhà các ông phó học nghề thủ công; một số khác đi học chữ Nho, có thể ngay từ ông đồ làng, hoặc lên huyện, lên tỉnh học ông giáo thụ nào đó, rồi tham gia thi cử ngay từ 15, 16 tuổi; nếu qua ba – bốn khoa mới thi đỗ, tức là mất từ 9 đến 12 năm, thì anh ta có ra làm quan, năm 27 – 30 tuổi.

Bên cạnh đó, mọi nam nữ nông dân đều phải nắm kỹ các luật tục truyền thống, nhất là trong quan hệ nhân luân, luyến ái, vì nếu phạm luật tục, họ sẽ bị xử phạt không thương tiếc. Nữ có thai ngoài giá thú, thông dâm, ngoại tình, nặng nhất sẽ bị buộc vào bè chuối thả trôi sông; nam bị phạt tiền, bỏ tù và ngả vạ khao làng. Bữa cỗ này có thể làm cho gia đình phá sản.

Vị trí của anh chàng và cô nàng nông dân được cả dòng họ bàn tán, sắp đặt. Đứa này đi cày, đứa kia gả cho trai làng khác, đứa nọ đi học nghề, đứa kia đi thi đỗ ông nghè, ông cống, đứa nọ đi buôn hay dệt vải chăn tằm. Cũng giống hệt bây giờ, một thanh niên nông thôn được cả gia đình và dòng họ quan tâm – làm ruộng hay thoát ly, đi lao động xuất khẩu hay thi đại học. Ở hoàn cảnh xã hội ổn định, mà người xưa gọi là thời thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền, người nông dân hoàn toàn yên tâm về sự lựa chọn con đường cho con em mình, bởi ngành nghề xã hội chỉ có thế. Ở hoàn cảnh xã hội hiện đại, người nông dân phải gồng mình cố gắng hơn rất nhiều để đưa một người con vào đại học. Nếu có ba bốn con thì họ phải phân chia, đứa đi làm, đứa đi học, đứa ở nhà lấy chồng lấy vợ, chăm bố mẹ. Cái guồng máy và thói quen làng xã này có lẽ ngàn năm qua chưa thay đổi, mặc dù cuộc sống đã biến động hoàn toàn.

Bà mẹ nông dân vẫn đi làm đồng ngay cả khi chửa vượt mặt, đẻ con là một cuộc vượt cạn nguy hiểm, khi y tế phong kiến rất hạn chế, và các bà đỡ hoàn toàn là lang vườn. Người ta sẽ xem bộ phận sinh dục của nó đầu tiên để đánh giá sự trưởng thành bằng năng lực tính dục. Bé trai phải chim to và bé gái phải đít to. Nếu là con đầu lòng, đôi vợ chồng trẻ nông dân sẽ được gọi theo giới tính của đứa bé, ví dụ đẻ con trai sẽ gọi là anh Bòi Năm chị Bòi Năm, đẻ con gái sẽ gọi là anh Đĩ Năm chị Đĩ Năm, tên con đầu lòng sẽ được gọi cho bố mẹ, thậm chí người ta quên cả tên chính của bố mẹ đứa trẻ.

Trong gia đình sự sinh đẻ được khuyến khích theo kiểu càng nhiều càng tốt, kể cả chó mèo, gà vịt, nên đôi khi cả mẹ và con gái cùng đẻ, và những người phụ nữ có thể thay nhau trông nom trẻ con, tình trạng em bú chị, cháu bú bà, cũng tạo ra sự gắn kết tình cảm giữa bà, mẹ và chị với đứa trẻ. Bắt đầu biết ăn, mẹ hay bà sẽ nhai cơm rồi mớm cho nó, men tiêu hóa của cánh phụ nữ sẽ làm cho trẻ ăn dễ tiêu, ngược lại nước đái của trẻ con sẽ được người lớn dùng để đánh gió, bóp chân tê thấp. Gia đình đông dần, chị phải bồng em, bé trai phải đánh nhau với trẻ làng để bảo vệ trẻ nhà mình, tất cả thả rông, tự lớn, chơi nghịch trong cái làng nhỏ. Bé gái sẽ được cạo trọc để ba chỏm trên đầu, bé trai để một chỏm che thóp, chân tay chúng có thể được đeo vòng bạc có gắn lục lạc chống gió.

Con trai đầu lòng trở thành anh cả, sẽ được đưa dần thành trưởng nam, thay mặt bố tiếp cơm khách, đi mời hàng xóm, theo cha đi tế lễ, và dần được giao địa bạ, khế ước của gia đình. Trưởng nam sẽ không thoát ly mà ở lại trông nom bố mẹ, ông bà, sẽ được lấy vợ sớm, và giữ hương hỏa cho gia đình, nhân vật này luôn được kính trọng trong dòng họ và y phải biết cách làm vừa lòng cả làng cả nước cả họ. Tay trưởng nam đó một ngày trở thành ông chủ gia đình, cả nhà không bao giờ được phép ăn cơm trước ông, đôi khi ông ăn mâm riêng với cỗ lòng, cút rượu, hoặc một mình tiếp khách một mâm. Mọi ý kiến cuối cùng của ông sẽ thành nghị quyết trong gia đình, đó là một ông vua nhỏ gọi là gia trưởng, sau này chữ gia trưởng trở thành từ chỉ phẩm chất là người độc đoán trong gia đình. Ông phải chịu tất cả các trách nhiệm về vụ mùa, thu hái, ruộng đất, thuế má và phu phen của gia đình với cộng đồng làng xã. Đồng thời ông cũng quyết định tương lai nghề nghiệp, học hành và nhân duyên của các thành viên trong nhà. Ông sẽ thay mặt cả nhà ra đình họp với các cụ. Chế độ quân trưởng của xã hội phong kiến gắn bó với chế độ gia trưởng của xã hội ấy, chừng nào mà người đàn ông Việt còn gia trưởng thì họ còn tán thành ông vua.

Trong cái chế độ quân trưởng và gia trưởng, người phụ nữ Việt vẫn có vai vế nhất định, mà người ta gọi là nhất vợ nhì trời. Từ một cô gái yếu đuối, người đàn bà lấy chồng là bắt đầu đầu tắt mặt tối. Cô ta phải dậy từ ba bốn giờ sáng, thậm chí là nửa đêm, nấu cơm cho cả nhà và thợ cày. Đôi khi người ta đi cày từ giữa đêm do tình trạng thiếu trâu, nhiều nhà chung một con trâu. Rồi dọn dẹp, trông con, giặt giũ, cấy hái, gánh nước, xay lúa, chợ búa… cho đến tận tối mịt. Lấy chồng lúc 15, 16 tuổi, ngoài 20, người phụ nữ đã có vài mụn con và sớm già. Người Việt cổ không dùng từ yêu mà dùng từ thương, từ này rất đúng về tình cảm vợ chồng – lúc lập nghiệp rất khó khăn nên thương nhau vô cùng. Mặc dù chế độ đa thê không hạn chế người đàn ông lấy bao nhiêu vợ, nhưng trên thực tế, một người đàn ông lấy được một cô vợ đã là quá nhiều, anh ta không bao giờ đủ tiền để lặp lại lần thứ hai. Ca dao có câu: Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà / Cả ba thứ ấy thật là khó thay.

Không như phụ nữ nông thôn Trung Quốc, Nhật Bản, hay nhiều nước khác, phụ nữ Việt làm công việc của đàn ông khá nhiều, nhiều nơi đàn ông chỉ rong chơi phó mặc toàn bộ việc nhà cho vợ. Quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ, anh em, con cái và họ hàng có hòa khí hay không, phụ thuộc rất nhiều vào cô dâu trưởng, do đó người ta chọn cô dâu này rất cẩn thận, vì về sau cô ta sẽ trở thành bà chủ gia đình, còn người đàn ông nếu không chết trận, thì cũng thường không thọ hơn phụ nữ.

Ngoài việc không được đi thi, làm quan, và chịu chế độ đa thê (không quá phổ biến do tình trạng nghèo), người phụ nữ nông dân không quá lép vế so với xã hội đàn ông. Việc cho con trai lấy vợ hơn tuổi, để nhằm tăng cường lực lượng lao động trong nhà, việc cõng chồng đi chơi và chỉ đạo chồng trở thành đương nhiên. Câu chuyện vợ chồng nông dân với các nguyên tắc xã hội rất tế nhị, không thể đơn thuần nói theo một chiều nào về thân phận con người. Nhưng trong một xã hội chiến tranh liên miên, ngay cả người đàn bà nhiều khi cũng phải tham chiến, chí ít đã đi cày thay chồng, cũng nói lên cái vai trò không nhỏ của phụ nữ cùng với tàn dư của chế độ mẫu hệ phổ biến. Ở nhiều làng thuộc huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, cho đến nay, quan hệ vợ chồng vẫn duy trì vài nguyên tắc bất thành văn: vợ không phàn nàn gì việc chồng uống rượu, dù cãi nhau đến mấy tối vẫn phải nằm chung và nếu không đẻ được con trai thì mặc nhiên chấp nhận chồng lấy vợ, hoặc có con trai với người khác.

Người nông dân xưa sống lưu cữu trong làng cổ, dù so với lịch sử nhân loại, những ngôi làng Việt không quá lâu đời, lâu là ngàn năm và thông thường là 500 năm trở lại đây. Để biết được cuộc sống ở làng, người ta chỉ có thể hình dung trong vòng 300 năm trở lại đây, khi phần lớn bia ký nông thôn xác nhận các vấn đề xã hội và tôn giáo trong thế kỷ 17, 18. Các gia phả để lại cho đến ngày nay phần lớn cũng trong khoảng 150 năm, rất ít dòng họ ghi gia phả được lâu hơn. Hầu hết nông dân không biết đọc Hán Nôm, trong dòng họ có một vài người có chữ, nếu anh ta có ý thức truyền thống thì gia phả mới được ghi chép. Song những gì còn lại cho phép vẽ lên một bức tranh nông thôn khá đặc sắc, trên thực tế mức sống người nông dân Việt Nam trong lịch sử có nhiều giai đoạn khá cao, cũng như tình trạng bần cùng hóa phải sinh sống như giai tầng hạ đẳng không ít. Họ vừa phụ thuộc vào tự nhiên, vừa phụ thuộc vào các thể chế triều đình, và chỉ mong ông vua, quan lại không đụng đến ruộng đất của họ cũng như không quá sưu cao thuế nặng, mà không mong được giúp đỡ gì. Toàn bộ tài sản của nông dân nằm ở những thửa ruộng, trong thời phong kiến quyền sở hữu tư điền tư thổ được công nhận và tôn trọng. Khi mất nguồn tư liệu sản xuất này, người nông dân dường như hoàn toàn mất trí, trở nên không kiểm soát nổi. Từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18, tình trạng quảng canh vẫn là phổ biến, do mật độ dân số không cao so với lượng ruộng đất, nhưng từ thể kỷ 19 đến nay, dân số tăng lên trông thấy, hằng ngày và đất canh tác cho từng đầu người nông dân ngày càng hẹp lại, trong khi đa phần nông dân không biết làm gì ngoài làm ruộng.

So với người nông dân Trung Hoa chất lượng lao động của người nông dân Việt Nam kém hơn chừng 1,5 đến 2 lần, và càng xa hơn so với người nông dân Nhật Bản. Người nông dân Trung Hoa có thể làm một mạch từ 8 – 10 giờ, nông dân Việt Nam thường làm tối đa 4 tiếng một buổi, một ngày. Ngư dân Trung Hoa đi biển cả nhà (cả trẻ con và phụ nữ) và có thể ra khơi với gió cấp bốn, cấp năm trong khi ngư dân Việt chỉ có đàn ông đi đánh bắt cá và không đi biển khi gió quá cấp ba. Đây là so sánh của chính ngư dân những năm 1970 ở Cát Bà. Người nông dân Trung Hoa xưa cũng mù chữ y như nông dân Việt, nhưng người nông dân Nhật Bản nhiều người biết đọc biết viết và đặc biệt là ghi chép rất tỷ mỷ việc đồng áng công xá với địa chủ.

Nông lịch của nông dân Việt Nam cho thấy những dấu tích rất rõ ràng của lịch Dol Mường kết hợp với âm dương lịch ảnh hưởng từ Trung Quốc. Trước khi người phương Tây vào Việt Nam, và có lẽ đến tận đầu thế kỷ 20, nông dân Việt Nam mới biết đến nhịp sống tuần lễ bảy ngày, còn trước đó cả người Mường lẫn người Việt (Kinh) đều theo chu kỳ ba tuần một tháng, mỗi tuần mười ngày, và đó là tuần trăng, được chia ra làm thượng tuần, trung tuần và hạ tuần. Mỗi năm có 10 tháng chính và hai tháng dư, tính từ tháng Giêng đến tháng 10, hai tháng dư là Một và Chạp. Theo lịch Mường cổ trong 10 tháng đó thì chính tháng 5 và tháng 10 là thời điểm gặt hai vụ lúa chiêm và mùa, lễ đón lúa mới được tổ chức như tết (nguyên đán) vào cuối tháng 10, tùy theo vùng. Theo âm dương lịch Trung Quốc, thì 12 tháng này lại tính theo 12 chi, tháng Giêng là tháng Dần, cứ thế đến tháng 12 là tháng Sửu. Tết nguyên đán cũng được cả hai lịch biết đến là thời điểm kết thúc tháng Chạp và tháng Sửu. Ở trong các làng, ông sư hay thầy đồ căn cứ vào lịch cũ và sách cổ làm một bảng lịch dán lên tường bằng chữ Nho, người Mường thì khắc lên 12 quẻ thẻ tre.

Người nông dân Việt chủ yếu nhớ bằng mồm và nhìn trăng từng hôm, từng tháng (mùng một lưỡi trai, mùng hai lá lúa, mùng ba câu liêm, mùng bốn lưỡi liềm, mùng năm liềm giật, mùng sáu thật trăng…). Nhịp sống trong ngày ban đêm thì nghe theo canh gà, sáng sớm tinh mơ và chiều tối có hai lần chuông chùa báo hiệu. Nếu tính cụ thể và chỉ làm lúa, thì người nông dân Việt cũng chỉ có bốn tháng một năm vất vả, nhiều quãng thời gian không cày cấy thu hái thì chơi dài, nên gọi là nông nhàn. Lúc nông nhàn họ có thể kéo đi gánh thuê đường dài cho bọn buôn, đi làm thợ nề ngõa, thậm chí cả làng đóng cửa đi ăn mày.

Một năm, nếu không thiên tai địch họa thì vẫn có hai thời điểm thiếu lương thực gọi là ngày ba tháng tám, tức là những ngày của tháng ba và tháng tám (âm lịch), lúc đó giáp hạt, lúa chưa chín, lương thực hết, quãng thời gian từ tháng năm đến tháng mười là dài nhất, nhưng may mùa thu còn có nhiều bông trái lót lòng. Nhà nông Việt không đủ lương thực dự trữ quá ba năm, và thường khá lắm là hai ba vụ, tức là một năm rưỡi, còn lại chỉ đủ ăn nhưng không thừa, ngưng tay là ráo miệng. Cái nghèo trở nên triền miên, nếu có thiên tai hay chiến tranh là chết đói hàng loạt và việc gì lớn một chút là phải vay mượn. Tình trạng đó dẫn đến giải pháp duy nhất là bóp mồm bóp miệng, nhiều làng cho đến nay vẫn còn dư âm của một thời ăn một bữa một ngày và kéo dài trong hàng trăm năm, đến mức trở thành một tập tục. Người nông dân ăn tất cả những gì ăn được – mò cua bắt ốc, bắt lươn bắt chạch, cùng nhặt nhạnh rau cỏ hằng ngày. Việt Nam cũng là nước hiếm hoi ăn nội tạng và huyết động vật, cho đến nay trở thành một phần của khoa ẩm thực; và nếu có dịp cỗ bàn, ngả vạ, cưới xin, ma chay, tết nhất, thì cũng là dịp đánh chén linh đình, cờ bạc thoải mái cho bõ những ngày tăm tối.

Đọc thêm:

Nông dân (Bài 1): http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=115&CategoryID=41&News=6314

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)