Nữ nghệ sỹ opera Khánh Ngọc: Cẩn trọng rèn những kỹ thuật khó

Một vài năm gần đây, sân khấu opera và thính phòng Việt Nam nổi lên một gương mặt mới bên cạnh những giọng ca đàn chị như Hà Phạm Thăng Long, Vành Khuyên, Ngọc Tuyền…, đó là nữ nghệ sỹ trẻ Phạm Khánh Ngọc. Không vội vàng “đốt cháy giai đoạn” để có được thành công ngay tức thì, Khánh Ngọc cẩn trọng rèn từng bước để luyện những kỹ thuật khó và thể hiện được những tác phẩm khó. Phóng viên Tia Sáng đã có cuộc trò chuyện với Khánh Ngọc về những nỗ lực ấy của cô.


Nữ nghệ sỹ opera Khánh Ngọc giành giải nhất trong Concours Hát thính phòng nhạc kịch TPHCM 2017.

Được biết, Khánh Ngọc mới giành giải nhất Concours Hát thính phòng nhạc kịch TPHCM 2017. Để có được thành công nho nhỏ này, Khánh Ngọc đã chuẩn bị cho cuộc thi này như thế nào?

Theo quy định của cuộc thi thì các thí sinh phải thể hiện các ca khúc Việt Nam và nước ngoài. Mình tự chọn các ca khúc Việt Nam, còn với các aria và romance (ca khúc nghệ thuật) nước ngoài thì mình đã có được hai ca khúc do giáo sư của mình chỉ định và mình đã thi từ hồi tốt nghiệp cao học, hai ca khúc còn lại, mình tự chọn nhưng cũng có sự tư vấn của thầy cô.

Có một điều thú vị là một trong số đó là “Ari Arirang”, vốn được biết với nhiều phiên bản và cũng rất nhiều nhà soạn nhạc Hàn Quốc sáng tác ca khúc nghệ thuật dựa trên lời hát này. Tác phẩm mình thể hiện của nhạc sỹ Jung-jun Ahn viết cho giọng coloratura soprano (nữ cao màu sắc). Mình biết đến ca khúc này khi tham gia Concert Peace lần thứ 5 tại Hàn Quốc. Ngay khi đó, mình cảm thấy rất yêu thích nó nên quyết định tập luyện và mang tới cuộc thi thính phòng nhạc kịch TPHCM.

Một trong những ưu điểm dễ nhận thấy ở Khánh Ngọc là khả năng chạy nốt cũng như làm chủ các kĩ thuật fioratura (hoa mĩ) rất thuần thục. Điều này có được là do sự linh hoạt bẩm sinh trong giọng hát hay do rèn luyện?

Mình nghĩ yếu tố bẩm sinh chỉ là 1% còn 99% là do luyện tập. Mình luyện tập rất nhiều, rất lâu, nhiều khi cứ tập đi tập lại các tác phẩm với mục tiêu là chỉ cần mỗi lần thấy hát tốt hơn một chút. Như aria Nữ hoàng đêm trong vở “Cây sáo thần” của Mozart chẳng hạn, mình đã học ở Nhạc viện TPHCM, khi Nhà hát Nhạc giao hưởng và vũ kịch TPHCM (HBSO) dựng vở, mình may mắn được các chuyên gia hướng dẫn lại và khi sang Đức tu nghiệp, mình tiếp tục được học một lần nữa với các giáo sư Đức.

Tuy nhiên động lực của việc tập luyện này là vì mình yêu opera vô cùng, mình muốn tìm hiểu, nghiên cứu tác phẩm thật sâu kĩ, đặt toàn bộ cảm xúc vào đó khi trình diễn. Bên cạnh đó, mình luôn muốn được thử thách bản thân với các tác phẩm mới và chinh phục những tác phẩm khó. Chuẩn bị cho cuộc thi này, mình đã tập aria mới “Martern aller Arten” trong vở “Die Entführung aus dem Serail” (Cuộc trốn thoát khỏi hậu cung) của Mozart – một tác phẩm rất khó dành cho giọng coloratura soprano và mình nghĩ nó rất hợp với giọng mình.

Khánh Ngọc có kịch mục biểu diễn tương đối rộng, từ các tác phẩm thời kỳ Baroque, Lãng mạn cho đến Lied/Romance, thậm chí cả các tác phẩm Bel canto (nghệ thuật hát đẹp của Ý). Thực sự thì bạn yêu thích mảng âm nhạc nào?

Thật khó có thể nói chắc chắn rằng mình thích tác giả hay tác phẩm nào cụ thể. Hiện tại, mình rất thích Lied (ca khúc nghệ thuật Đức) trong các tập liên khúc của Schubert, hay một số Mélodie (ca khúc nghệ thuật Pháp) nhẹ nhàng của Henri Durparc. Về opera, mình thích hát Händel, Mozart, Donizetti và Verdi. Mình từng biểu diễn aria/cabaletta màn I trong vở “Lucia di Lammermoor” của Donizetti trong cuộc thi và cũng đang tự tập “Màn điên” của Lucia. Mong một ngày nào đó, Việt Nam có thể dựng được vở opera này và mình có thể nhận vai diễn đó. Mình cũng rất yêu thích vở “La Traviata” (Trà hoa nữ) của Verdi và hi vọng được diễn vai Violetta – đó là một vai diễn có nhiều kịch tính và có tâm lý tương đối phức tạp. Mình từng thi tốt nghiệp cao học với bản aria/cabaletta “Ah forse lui… Sempre libera” thể hiện tâm trạng giằng xé của Violetta. 

Vậy còn Mozart? Nữ nghệ sỹ Birgit Nilsson từng nói rằng “âm nhạc Mozart là thuốc cho giọng hát tôi”, và mặc dù là một giọng kịch tính chuyên hát Wagner, bà ấy vẫn cố gắng hát Mozart nhiều nhất có thể.

Âm nhạc Mozart có cấu trúc hết sức cân đối, hài hòa và có một vẻ rất trong sáng, gần gũi với người nghe, kể cả những tác phẩm cực kỳ phức tạp cũng không làm cho người nghe cảm thấy khó chịu hay mệt tai. Không hiểu sao, khi bắt đầu học một tác phẩm hay một aria mới của Mozart, mình luôn cảm thấy cứ như thể là nó đã chảy sẵn ở trong người. Mình từng tập “Vorrei spiegarvi, o Dio”, một aria concert khá dài của Mozart, và thuộc phần giai điệu của nó nhanh hơn rất nhiều so với các aria Bel canto của Rossini hay Donizetti mà mình đã tập.

Dường như có rất nhiều bài khó trong các aria concert của Mozart, thậm chí còn khó hơn cả các aria opera của ông…

Đúng vậy. Nhiều người thường nghĩ rằng hai aria của Nữ hoàng đêm trong vở “Cây sáo thần” của Mozart là những aria khó nhất ông từng viết nhưng không phải vậy, các aria concert của ông ấy còn khó hơn rất nhiều. Có những bản viết lên tận nốt Sol trên và đòi hỏi kĩ thuật chạy nốt đáng sợ như là viết cho nhạc cụ vậy. Ngay với “Vorrei spiegarvi, oh Dio!”, âm vực yêu cầu đến tận hơn 2 quãng 8, từ Sì tới đến Rê cao và có nhiều kĩ thuật coloratura vô cùng phức tạp.

Tuy nhiên nói đến Mozart mà không nói đến aria “Nữ hoàng đêm” là một thiếu sót, nhất là khi đây là một trong những vai diễn đầu tiên của Khánh Ngọc trong một dàn dựng sân khấu chỉn chu. Rất nhiều soprano không thích vai diễn này vì nó vừa khó lại quá tẻ nhạt. Bạn cảm nhận gì về vai diễn kinh điển này?

Mình cảm thấy rất nhiều áp lực bởi vì nó quá quen thuộc và có quá nhiều ca sĩ gạo cội trình diễn nó thành công. Bạn biết không, khi nhà hát dựng vở diễn này, có những khán giả hỏi thẳng là “Ai là người hát Nữ hoàng đêm?”, người ta chỉ quan tâm đến Nữ hoàng đêm cứ như thể cả vở opera dài ba tiếng đồng hồ chỉ có cái aria ba phút với 4 nốt Fa cao vút đó. Rõ ràng aria “Der Hölle Rache” là một trong những aria nổi tiếng nhất của Mozart, khán giả đến với vở opera này phần lớn đã biết nó từ trước, đã thuộc giai điệu của nó, chỉ cần một lỗi nhỏ thôi cũng có thể dễ dàng bị phát hiện ra.

Dù là một vai diễn ngắn thôi nhưng nó lại là một mắt xích hết sức quan trọng trong vở, vì thế với mình nó không hề buồn tẻ. Nữ hoàng đêm đại diện cho toàn bộ cái ác, cái xấu xa. Nếu không có Nữ hoàng đêm thì ai là người sai Tamino đi cứu Pamina? cũng sẽ chẳng có mâu thuẫn nào với Sarastro cả và câu chuyện sẽ chẳng còn gì hết. Mình rất yêu thích vai diễn này, và có thể nói, nó là một trong những cột mốc trong sự nghiệp biểu diễn của mình. Tuy nhiên cá nhân mình thích bản aria ở màn I “O zittre nicht” hơn cả “Der Hölle Rache”.

Phát âm thường là điểm yếu của các ca sĩ cổ điển Việt Nam khi thể hiện các tác phẩm nước ngoài. Làm thế nào để bạn có thể hiểu và hát các tác phẩm từ nhiều ngôn ngữ khác nhau như Ý, Đức, Pháp, Nga,…?

Trong quá trình học ở nhạc viện, mình cũng được học sơ qua về tiếng Ý và học cách phát âm của tiếng Đức, Pháp, Nga. Bản thân cô giáo mình cũng yêu cầu rất khắt khe về phát âm và giúp đỡ mình rất nhiều. Khi nhà hát dựng vở, thường luôn có những chuyên gia về giọng hát từ nhà hát của các nước bản địa sang giúp đỡ đào tạo diễn viên về phát âm. Nhờ vậy, mình được chỉnh sửa kĩ càng từng từ một. Hiện mình cũng đang học thêm tiếng Đức, vừa để phục vụ cho chuyên môn vừa để chuẩn bị cho học nâng cao sau này.

Khi học một tác phẩm mới, mình luôn cố gắng tìm bản dịch sát nghĩa hoặc chí ít là các bản dịch Anh ngữ để có thể hiểu được nội dung của nó. Từ đó, mình sẽ hiểu được cảm xúc của âm nhạc và biết cách xử lý từng câu chữ như thế nào cho hợp lý.

Thế còn tiếng Việt? Có vẻ rất nhiều người cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ không thuận lợi trong hát cổ điển.

Đúng vậy, hát tiếng Việt không hề dễ dàng vì nếu dựng tiếng thì rất khó hát các âm đóng nhưng nếu không hát các âm đóng thì sẽ không thể rõ lời và người nghe sẽ cảm thấy rất kỳ khôi. Ví dụ như tên mình là Ngọc, bạn có thể ngân được chữ “Ngọc” mà ko đóng bằng chữ “c” không? Cực kỳ khó, mà giả như có làm được thì khán giả sẽ không thể nghe ra chữ đó được và điều đó đối với ca sĩ Việt Nam là một thất bại. Vì vậy khi hát các ca khúc Việt Nam, mình luôn cố gắng phát âm rõ, rất hạn chế dựng tiếng dù vẫn giữ vị trí âm thanh và cao độ chính xác.  

Nếu để chọn một ca khúc nghệ thuật Việt Nam để biểu diễn cho khán giả nước ngoài, bạn sẽ chọn tác phẩm nào?

Mình thường hát các ca khúc dân ca được phối khí và dàn dựng theo lối cổ điển, ví dụ có thể mình sẽ hát “Xe chỉ luồn kim” hoặc là “Bèo dạt mây trôi” trong một buổi hòa nhạc hữu nghị sắp tới tại Hàn Quốc. Còn về ca khúc nghệ thuật, mình thích các bài của thầy Hoàng Cương hoặc của anh Trần Mạnh Hùng vì nó hợp với giọng mình và cũng rất đậm chất thính phòng.

Bạn có thể chia sẻ một chút về kế hoạch tương lai của bạn?

Hiện mình đang là diễn viên của HBSO và cũng cộng tác giảng dạy tại Nhạc viện TP. HCM. HBSO liên tục có những dự án hợp tác với nước ngoài, dựng nhiều vở diễn mới hàng năm như “Die Zauberflöte” (Cây sáo thần), “Die Fledermaus” (Con dơi) và chuẩn bị tiếp tục cho một số dự án dựng vở mới sắp tới mà chắc chắn mình sẽ tham gia. Về cá nhân, mình cũng muốn tiếp tục được học cao hơn, có thể là PhD về biểu diễn thanh nhạc. Mình đang cố gắng tìm kiếm học bổng tại châu Âu, cụ thể là Đức, để có thể được đào tạo chuyên sâu hơn và nâng cao trình độ.

Cảm ơn và chúc bạn luôn kiên định với đam mê và con đường âm nhạc bạn đã theo đuổi.

Đông Nguyên thực hiện

Tác giả