Opera Mông Cổ: Từ vô danh đến giải thưởng quốc tế

Một hiện tượng tương đối lạ xảy ra tại các cuộc thi opera hàng đầu thế giới vài năm trở lại đây: một loạt những giọng ca opera trẻ nổi bật và giành giải cao lại đến từ Mông Cổ. Dĩ nhiên không phải bây giờ người ta mới biết đến các nghệ sỹ Mông Cổ nhưng thành công này khiến người ta choáng váng và tự hỏi, tại sao lại là Mông Cổ? điều gì làm nên sức mạnh của họ?

Những nghệ sỹ trẻ Mông Cổ: Amartuvshin Enkhbat, Ariunbaatar Ganbaatar và Batjargal Bayarsaikhan (từ trái qua). Nguồn: The Guardian.

Những cá nhân nổi trội

Để tìm hiểu về bí mật thành công của các giọng ca Mông Cổ, chúng ta hãy nhìn vào “công thức chung” xây dựng một sự nghiệp opera thành công của các nghệ sỹ thế giới. Thông thường, các giọng ca trẻ phải có một sự chuẩn bị tương đối chu đáo về giọng hát, kĩ thuật và một khối lượng kịch mục biểu diễn không hề nhỏ có được qua năm tháng trui rèn tại các nhạc viện cũng như các khóa bồi dưỡng ngắn hạn bên cạnh các nghệ sỹ lớn tuổi giàu kinh nghiệm. Không chỉ có vậy, họ còn phải liên tục đến thử giọng tại các nhà hát và các festival âm nhạc vòng quanh thế giới chỉ để có được một số vai diễn nhỏ đầu đời. Và dĩ nhiên là không quên thực hiện một việc: tham gia các concours âm nhạc.

Với các nghệ sỹ trẻ, các cuộc thi không chỉ giúp họ tích lũy kinh nghiệm và nâng cao năng lực biểu diễn mà còn đem lại cho họ những cơ hội nghề nghiệp vô cùng quý báu. Tại những cuộc thi này, những giám đốc nghệ thuật và đại diện tuyển dụng của rất nhiều nhà hát khác nhau trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ luôn túc trực để tìm kiếm những gương mặt mới. Sự thăng tiến bất ngờ trong sự nghiệp của phần lớn những ngôi sao opera hàng đầu hiện nay như Karita Mattila, Joyce Didonato, Rolando Villazon, Joseph Calleja, Sonya Yoncheva, Jamie Barton… sau khi đoạt giải tại các cuộc thi uy tín cũng nhờ vào những “cặp mắt xanh” tuyển chọn này. Chiến thắng, hoặc thậm chí chỉ cần là lọt vào vòng chung kết của một trong những cuộc thi lừng danh như BBC Cardiff Singer of the world, Operalia,  Tchaikovsky Competition, Metropolitan Opera National Council Auditions, Francisco Vinas competition, Neue Stimmen… là mơ ước của hầu như tất những nghệ sĩ trẻ muốn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn opera lâu dài. Bởi vậy, những “đấu trường” Concours thanh nhạc cổ điển luôn là nơi quy tụ của tất cả những giọng hát opera tài năng nhất, khát khao nhất đến từ những nhạc viện và nhà hát giàu truyền thống.

Cũng biết đến “công thức” này, các nghệ sỹ trẻ Mông Cổ đã tích cực tham gia các cuộc thi quốc tế và đoạt giải. Enkhbatyn Amartüvshin đoạt giải nhì Cuộc thi Tchaikovsky 2011, giải nhất Operalia 2012, giải Joan Sutherland (khán giả yêu thích) – BBC Cardiff  2015, Ariunbaatar Ganbaatar giải Grand Prix Cuộc thi Tchaikovsky 2015, đồng giải “Ca khúc” – BBC Cardiff 2017, Ankhbayar Enkhbold giải nhất Cuộc thi Eva Marton 2017… chỉ là một vài trong số những cái tên nổi bật của opera Mông Cổ. Và khi người ta còn chưa kịp học cách đánh vần những cái tên chẳng hề dễ phát âm thì những những nghệ sỹ đến từ quê hương của Thành Cát Tư Hãn đã kịp chinh phục trái tim của người hâm mộ opera trên khắp thế giới.

Mark Pullinger, nhà phê bình opera của GramophoneOpera magazines đã tỏ lòng thán phục trước giọng hát “phi thường” của Amartüvshin: “…Thực tế, chưa từng có thí sinh nào trong lịch sử của cuộc thi Cardiff sở hữu một giọng hát gây rung động cho tôi nhiều đến thế. Giọng nam trung rất tối, phẩm chất mượt mịn như nhung gấm với một khối đặc chắc, liền lạc trong suốt cả âm vực”. Còn  Ariunbaatar Ganbaatar thì khiến giảng viên thanh nhạc tên tuổi Mary King (Anh) mắt nhòa lệ xúc động ngay trên sóng truyền hình, sau khi xem xong phần thi của anh: “Có gì đó thật hùng vỹ trong cái âm thanh ấy, hết sức chứa chan và lộng lẫy. Thật là hiếm khi tìm được sự kết hợp giữa dáng vẻ, sức mạnh và sự thư thái tự nhiên đến thế trong một giọng ca”.

Hiển nhiên, đó không phải là những thí sinh của những cuộc thi hát thông thường, đó là những nghệ sỹ trẻ ấn tượng và đầy triển vọng của làng opera thế giới. Khi các phần thi dần được đưa lên mạng chia sẻ video youtube, trên các blog cá nhân cũng như các trang mạng xã hội của cộng đồng yêu opera xuất hiện rất nhiều chia sẻ, bình luận tán dương, thậm chí những lời tiến cử đến những giám đốc và những nhà tuyển mộ của các nhà hát opera hàng đầu, trong đó cũng không thiếu những niềm hi vọng và cả sự khao khát được thưởng thức trực tiếp những giọng ca trẻ trên các sân khấu lớn.

Sức mạnh từ gốc rễ

Vở opera “La Traviata” của Verdi dàn dựng trên sân khấu nhà hát Opera và Ballet Hàn lâm Quốc gia Mông Cổ. Nguồn: Nhà hát Opera và Ballet Hàn lâm Quốc gia Mông Cổ.

Trong con mắt của không ít người phương Tây, opera là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp tinh hoa với lịch sử phát triển hàng trăm năm, là niềm tự hào của nền văn minh người da trắng mà chỉ một số ít những quốc gia Đông Á phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc mới đạt được chút thành tựu nhất định vài chục năm trở lại đây. Vậy những giọng hát opera xuất chúng trên đất nước của thảo nguyên và sa mạc này được vun trồng từ đâu?

Nguyên nhân đầu tiên dễ nhận thấy là người Mông Cổ vốn sở hữu giọng hát có khá nhiều thuận lợi từ nền tảng thể lực sung mãn – họ có một chế độ dinh dưỡng truyền thống cùng lối sống du mục trên thảo nguyên, và đặc biệt là nghệ thuật hát đồng song thanh độc nhất vô nhị với đòi hỏi về kĩ năng điều khiển giọng hát tinh vi và phức tạp không hề thua kém opera.

Tuy nhiên đó không phải là tất cả, bởi cũng như trong nhiều lĩnh vực khác của âm nhạc cổ điển, thành công thường được xây dựng trên một nền tảng văn hóa âm nhạc vững chắc và được bồi đắp từ nhiều thập kỷ. Mới thoạt nhìn vào đất nước Mông Cổ, người ta khó hình dung ra nguyên nhân sâu xa bởi thông thường quốc gia này chỉ khiến người ta liên tưởng tới sa mạc Gobi hùng vĩ, những túp lều của người du mục trên thảo nguyên bát ngát cùng món sữa ngựa tuyệt hảo. Từng là một đế chế hùng mạnh – nỗi khiếp sợ của cả lục địa Á Âu nhiều thế kỷ trước nhưng giờ đây, với dân số thưa thớt chỉ khoảng hơn 3 triệu dân, Mông Cổ giờ đây bình thản nằm kẹp giữa hai siêu cường Nga và Trung Quốc.

Lý giải về sự bám rễ của nghệ thuật hàn lâm phương Tây trong một xã hội châu Á mà văn hóa truyền thống vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, nhà nhân học Mông Cổ Tuya Shagdar, chia sẻ: “Với một đất nước nhỏ, để thu hút sự chú ý của thế giới, chúng tôi phải tiếp thị mình qua con đường văn hóa”. Shagdar nhấn mạnh rằng, Mông Cổ không muốn xuất hiện giản đơn như là một nền văn hóa khiêm nhường nằm kế bên hai “ông lớn” Nga hay Trung Quốc. Bắt đầu giành độc lập khỏi Trung Quốc từ năm 1921, Mông Cổ sau đó dần trở thành một quốc gia vệ tinh của Liên bang Xô viết. Các bộ môn nghệ thuật, bao gồm cả opera và ballet bắt đầu được du nhập từ Nga và dần dần thích ứng với đời sống người dân. Dầu cho Liên Xô đã tan rã và sự gắn kết giữa hai quốc gia không còn khăng khít, sâu đậm như trước thì cũng khó có thể chối bỏ được sự thật là những hạt giống của nghệ thuật hàn lâm mà người Nga gieo trồng năm xưa đã nảy nở, sinh trưởng và phát triển với một đời sống riêng.

Từ thập niên 1950, hàng trăm nghệ sỹ Mông Cổ được tuyển chọn để cử sang Liên Xô đào tạo về lý luận, sáng tác, chỉ huy và trình diễn âm nhạc, ca vũ cổ điển. Rất nhiều nghệ sỹ từ Liên Xô cũng trực tiếp tới Mông Cổ để giúp gây dựng nhạc viện, nhà hát và các đoàn nghệ thuật. Nhà soạn nhạc Natsagiin Jantsannorov,  người từng được đào tạo tại Kiev và hiện là thành viên của Hội đồng Nghệ thuật Mông Cổ chia sẻ: “Giữa thập niên 1950, chúng tôi chẳng mấy ai biết Mozart là ai, cùng lắm chỉ có đôi ba người thôi. Chủ nghĩa Cộng sản đã truyền bá âm nhạc cổ điển cho chúng tôi. Thành công ngày hôm nay của chúng tôi gắn kết trực tiếp với chính Liên Xô trước đây.”

Thành công ấy được đo bằng sự sáng đèn và thường được phủ kín chỗ của nhà hát Opera và Ballet Hàn lâm Quốc gia Mông Cổ, nơi dàn dựng gần 30 vở diễn opera và ballet mỗi năm. Nhà hát Opera và Ballet Hàn lâm Quốc gia Mông Cổ mở cửa chào đón khán giả từ năm 1963 bằng vở opera “Evgheni Oneghin” của Tchaikovsky. Tòa nhà duyên dáng với kiến trúc tân cổ điển màu hồng đào cùng nội thất nhung đỏ lộng lẫy bên trong, tọa lạc tại quảng trường chính của thủ đô Ulanbator, và là nơi diễn chính của đoàn nghệ sỹ gần 300 thành viên. Không chỉ những kịch mục opera kinh điển của Verdi, Puccini, Tchaikovsky, Rossini, Mozart, nhà hát còn thường xuyên dàn dựng những vở opera dân tộc của các nhà soạn nhạc trong nước như “Thành Cát Tư Hãn” (Byambasuren Sharav), “Nước mắt Lạt Ma” (Khaltaryn Bilegjargal)… Thậm chí vở opera đầu tiên của Mông Cổ, “Ba nhân vật kịch tính” của nhà soạn nhạc Bilegiin Damdinsüren đã được dàn dựng hơn 2.000 lần tại đây và trở nên quen thuộc với người dân thành phố.

Do đó, không phải đến bây giờ Mông Cổ mới có những giọng ca xuất chúng. Ngay từ những năm 1960, nhiều nghệ sỹ opera Mông Cổ được đào tạo tại những nhạc viện hàng đầu của Liên Xô đã để lại những ấn tượng đẹp với khán giả yêu nhạc quốc tế, có thể kể đến như mezzo soprano Baadaijaw Dawaajaw và đặc biệt là soprano Ayushin Zagdsuren – người đóng vai nữ chính Tatyana trong lần dàn dựng đầu tiên vở opera “Evghene Oneghin” tại Ulanbator và trở thành “prima donna” số một của nhà hát. Ayushin Zagdsuren có một sự nghiệp biểu diễn vô cùng ấn tượng, lưu diễn tới nhiều quốc gia, từng được nhà hát Opera danh giá La Scala mời diễn và thậm chí còn được ca ngợi là “Maria Callas của châu Á”. Sau khi từ giã sân khấu, Zagdsuren trở thành giáo sư thanh nhạc của nhạc viện quốc gia, cùng với những nghệ sỹ opera Mông Cổ gạo cội khác, tiếp tục đào tạo những ca sĩ cho các đoàn nghệ thuật trong nước cũng như những giọng ca gây chấn động các cuộc thi Opera thế giới hiện nay.

Tất nhiên từ giải thưởng của một cuộc thi đến một sự nghiệp biểu diễn opera quốc tế thực sự là một câu chuyện hoàn toàn khác. Một giọng hát đẹp, kĩ thuật chỉn chu không phải là đủ với một bộ môn nghệ thuật tổng hợp có nhiều yếu tố tri thức văn hóa đậm đặc như opera. Nhưng những giọng ca opera trẻ của Mông Cổ đã bắt đầu có những bước đi khá tự tin trên các sân khấu opera quốc tế. A. Ganbaatar, B. Bayarsaikhan, A.Enkhbold… đã xuất hiện tại các phòng hòa nhạc lớn của Nhật, Nga và khắp châu Âu, song song cùng một sự nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp trong nước. Xa hơn, E. Amartüvshin còn được nhiều nhà hát lâu đời của Ý như Arena di Verona, Teatro San Carlo, Teatro Regio di Parma, Teatro Carlo Felice di Genova  mời diễn vai chính quan trọng bên cạnh những giọng ca hàng đầu thế hệ hiện này, bao gồm cả Jessica Pratt và Elena Mosuc. Một tương lai đầy triển vọng đang mở ra trước mắt những giọng hát tài năng.

Đông Nguyên tổng hợp

Nguồn: The Guardian, New York Times…

 

Tác giả