Peter Handke và cuộc thanh tẩy ngôn từ

Khi Peter Handke được xướng tên cho giải Nobel 2019, có người cho rằng, đó là sự muộn màng. Mười bốn năm trước, khi nhận giải Nobel Văn chương, nữ văn sĩ người Áo Elfriede Jelinek đã phát biểu, theo bà thì người xứng đáng với giải thưởng ấy hơn là Peter Handke, đồng hương của bà. Viện Hàn lâm Thụy Điển đã trao giải cho Jelinek vì “nhiệt huyết ngôn ngữ phi thường, phát lộ sự phi lý trong những sáo rỗng xã hội và quyền năng thuần hóa của chúng”. Và với nhiều người thì nếu như đó là kho báu mà các giám khảo đã tìm thấy trong văn chương của Jelinek, thì đáng nhẽ ra họ phải lựa chọn Handke mới phải.

Peter Handke là một nhà văn gây nhiều tranh cãi vì quan điểm chính trị của mình. 

Năm 1967, Peter Handke bước vào tháp ngà của mình, với bài tiểu luận mang tên “Tôi là cư dân tháp ngà”, nói về một phát hiện của ông về sức mạnh của ngôn từ, khi được sắp xếp theo logic nhất định, có thể diễn tả được cái chết và những đè nén. Trong tiểu luận đó, cũng đã có một đoạn gần như là tuyên ngôn của ông về lí do mình viết: “Tôi không có đề tài nào để viết, tôi chỉ có một đề tài duy nhất mà thôi: làm rõ về chính mình, dù tôi có thể tiến gần hơn tới việc thấu hiểu bản thân hay không, để biết mình đã làm sai điều gì hay đã nghĩ sai điều gì (…), để tôi và mọi người có thể tồn tại một cách chính xác hơn và nhạy cảm hơn, để tôi có thể hiểu thấy mình và người khác và cư xử với họ tốt hơn.”

Và Handke tìm thấy phương pháp đạt tới tới sự nhạy bén và sự thấu hiểu tự ngã của mình chính qua ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ đã bị giải phóng khỏi những bối cảnh tự nhiên, tận dụng tính trơn trượt của ngữ nghĩa, tính ngẫu sinh của từ vựng và những gợi mở mà một từ ngữ có thể dấy lên trong người đọc. 

Trong một nghiên cứu về văn chương của Handke trên tờ Modern Fiction Studies ấn bản mùa thu năm 1990, học giả Eva-Maria Metcalf gọi quá trình mà Handke tước bỏ ngôn từ khỏi ngữ cảnh phổ quát để đặt nó vào một ngữ cảnh có tính phi lịch sử giống như “một sự thanh tẩy trong nghi lễ tôn giáo đạt được bằng cách đốt nhang, để che đậy và giấu đi, từ đó làm tiêu tán và chuyển hóa những sự vật tầm thường”. Theo Metcalf, Handke thanh tẩy những thành ngữ thông tục, những uyển ngữ chính trị hay thuật ngữ khoa học phản chiếu một thế giới ô uế và đã bị làm sáng tỏ bằng cách che đậy những ý niệm thường ngày trong một tấm màn bí ẩn. Bằng cách đó, Handke mong muốn văn chương của ông sẽ không bị đồng nhất với thị trường và có thể sống yên ổn trong biển tạp âm của thứ ngôn ngữ truyền thông.

Những sắc độ mới mẻ trong ngôn ngữ của Peter Handke, độc giả Việt Nam cũng có thể khám phá được phần nào ngay trong tiểu thuyết ngắn In einer dunklen Nacht ging ich aus meinem stillen Haus (hay “Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình”, theo bản dịch tiếng Việt của Ngụy Hữu Tâm), cuốn sách duy nhất của Handke được phát hành tại Việt Nam cho tới thời điểm này, dù cho đó cũng chưa phải là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp đồ sộ kéo dài nhiều thập niên của tác gia kỳ cựu.

Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình là một thử thách về việc đọc, và dù với dung lượng bé nhỏ nhưng có thể khiến một người dễ bỏ cuộc ngay từ những đoạn đầu tiên, bởi nó, cùng một lúc, vừa cô đọng tuyệt đối, vừa phát sinh ra những liên tưởng vô biên, với những trúc trắc ẩn mật giấu sau những hành động và sự kiện tưởng chừng rất bình thường. 

Câu chuyện lấy bối cảnh tại Taxham, một vùng ngoại vi của một đất nước thời hậu chiến, lụi tàn và bị đả bại, cô lập và tách biệt, một thành phố khiến người đọc có thể nghĩ tới những nơi chốn trong các bộ phim của Béla Tarr, tiêu điều và hủy hoại, và còn hơn thế, nó là một tổng thể kiến trúc và quy hoạch lạnh lẽo, vô hồn, mọi công trình bên trong dường như được quy về chức năng lý tính. Nơi vùng đất ấy, một dược sĩ không tên sinh sống, một kẻ cũng lụi tàn và bị đả bại, cũng cô lập và tách biệt như chính Taxham, một kẻ với nhân dạng cùng tiếng nói câm lặng, và thực sự đã được vào trạng thái câm lặng sau một cú đánh bất ngờ từ một người đàn bà lạ mặt. Đó là một kiểu nhân vật với cấu tạo lạ kỳ, vừa là người kể chuyện, nhưng lại vừa ẩn nấp và bất khả nắm bắt, một kiểu nhân vật mà có cảm tưởng chính tác giả cũng không quen biết và thấu tận. Kiểu nhân vật ấy từ chối sự đồng cảm hay sự thông hiểu, một nhân vật hoàn toàn bị cắt đứt ra khỏi những mối quan hệ, không chỉ là quan hệ với những nhân vật khác trong tác phẩm, mà còn là quan hệ với người đọc và cả người đã sáng tác ra mình. 

Nhân vật chính mô tả về cuộc sống với người vợ sống lệch pha như thế này: “Chúng tôi rút ra những thời khắc, như thoảng qua, để có cái gì đó chung với nhau.”. Bà vợ đáp lại: “Đúng, như thoảng qua. Giữa cánh cửa và bản lề. Giữa cửa sổ và cái ghế ngoài vườn. Giữa tán cây và nắp hầm.” Song, xa hơn, đó có lẽ cũng là cách duy nhất mà ta có thể mô tả về quan hệ giữa tác giả, độc giả và nhân vật, một mối quan hệ thoảng qua, và chỉ có một vài thời khắc, ta thực sự hiểu mình đang thực sự đọc/viết gì ở tác phẩm. Và xem, cách mà Handke dùng mối quan hệ giữa những đồ vật để gợi mở mối quan hệ của một con người, bứt hoàn toàn những sự vật khỏi ngữ cảnh thông thường của chúng, thảy chúng vào một mối quan hệ tâm lí, biến trật tự vật lý vô tri trở thành chất xúc tác gợi ra một trạng thái sống. 

Những đột phá và cách mạng của Peter Handke trong việc vận dụng và khai thác những khía cạnh khác của ngôn từ ngoài khía cạnh ngữ nghĩa có thể tìm được vô số những ví dụ khác trong tác phẩm, chẳng hạn như đoạn viết sau: “Những giác quan này, trước đây ông đã luôn tìm lại được một đôi lần, dẫu chỉ bằng bản năng, bởi lẽ “nó đã chật quá” – xa lạ như bị đưa lên núi,  rối rắm như  bị đẩy vào rừng cây bụi gai, sẵn sàng đến tận ngón tay và tận ngón chân, nhưng đồng thời lại mù quáng và điếc lác bởi mạch đập trong tai […]” Điều khiến người ta ngưỡng mộ ở Handke đó là, cuộc truy tìm sức mạnh ngôn từ không đẩy ông đến việc ngấu nghiến nó vô tội vạ hay trưng trổ ra một vốn từ vựng ngồn ngộn, độc lạ, mà ngược lại, sự giàu có trong ngôn ngữ của Handke lại thể hiện ở sự quy giản đến tinh khiết của nó. 

Handke không chỉ đưa ngôn từ trở về trạng thái ban sơ mà còn tẩy lược cốt truyện tới độ đơn giản đến bí ẩn. Đối với quan điểm của ông, những câu chuyện ngụy trang thành những dòng chữ, gần như chỉ mang tính mua vui và kéo sự chú ý ra khỏi những vấn đề đích thực của đời sống thực. Chẳng hạn, khi đọc Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình, người đọc sẽ ngay lập tức thất bại nếu cố gắng kết nối mạch truyện và tìm lời lí giải cho những sự kiện đột ngột xảy đến, tại sao bỗng dưng nhân vật dược sĩ không tên của chúng ta lại lái xe chở một nhà thơ và một nhà cựu vô địch Thế vận hội xuyên châu Âu tới Alps, tại sao ông lại bị một người đàn bà xa lạ thúc vào mặt, tại sao ông phải đi tìm người đàn bà đó và rốt cuộc ông có tìm được hay không, toàn bộ chuyện này có ý nghĩa gì. 

Handke chỉ đơn giản là một con người cô đơn đến mức cuộc hội thoại thực sự duy nhất của ông, đó là cuộc hội thoại diễn ra một mình, khi ông viết, và đó là một con người tận tụy và tận hiến cho ngôn từ, lúc nào cũng có những cuốn sổ tay dày đặc chữ, lúc nào cũng tìm thấy ở thế giới những điều kỳ lạ, mới mẻ, chưa từng khám phá, lúc nào cũng đau đáu một câu hỏi duy nhất: Chúng ta đang ở đâu?

Ông bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Kafka (bản thân ông từng nhận giải thưởng Kafka năm 2009). Trong một cuốn tiểu thuyết thời mới vào nghề của mình mang tên Sự lo lắng của thủ môn tại chấm phạt đền, đã bắt đầu như sau: “Khi Joseph Bloch, một công nhân xây dựng đã từng là một thủ môn bóng đá có tiếng, báo cáo về công việc sáng hôm đó, anh ta được thông báo rằng mình đã bị sa thải.” Một câu mở đầu không thể Kafka hơn, rõ ràng chịu sự dẫn dắt của tiểu thuyết “Vụ án”. Và với những cuốn sách của Handke, thay vì chất vấn nó, người ta chỉ có cách là thưởng thức nó, vì đó là “một cuốn sách mà từ trước tới nay chưa bao giờ có, không hề cảm nhận được ở tư thế một cuốn sách, chẳng bao giờ lồng ghép vào hình ảnh được, không cố định được, chẳng có trọng lượng, nhưng vẫn là một cuốn sách.”

Có người đặt ra câu hỏi, phải chăng Handke tin tưởng rằng, với tài năng vĩ đại của mình, người ta sẽ tha thứ cho ông, như George Orwell đã viết trong một tiểu luận về Salvador Dalí rằng, những thiên tài nghệ thuật với hành vi quái đản luôn trông chờ sự vị tha của mọi người dành cho mình. Song có lẽ Handke là một trường hợp hoàn toàn khác. Nhiều năm trước, khi được hỏi về việc là một ứng viên tiềm tàng cho giải Nobel Văn học, Handke thành thực trả lời: “Khi còn trẻ, tôi quan tâm tới điều ấy. Giờ thì tôi nghĩ, tôi đã hết hy vọng sau những bày tỏ của tôi về Yugoslavia.”

Bề ngoài, người ta nghĩ Handke là một kẻ ngạo mạn. Hồi năm 2014, ông đòi hủy giải Nobel, vì với ông đó chỉ là “một rạp xiếc”. Hồi mới vào nghề, ông đả kích văn chương tiếng Đức và bị bảo là tự đánh bóng tên tuổi. Ông biết thừa người ta sẽ ghét mình về quan điểm chính trị, vậy mà không những không che giấu, lại vẫn cứ nói ra. Thế nhưng, nếu ai đã từng xem Peter Handke: In the Woods, Might Be Late, một bộ phim tài liệu của đạo diễn Corinna Belz về cuộc sống thực của Handke trong một căn nhà ở Chaville, nước Pháp, người ta mới thấy Handke chỉ đơn giản là một con người cô đơn đến mức cuộc hội thoại thực sự duy nhất của ông, đó là cuộc hội thoại diễn ra một mình, khi ông viết, và đó là một con người tận tụy và tận hiến cho ngôn từ, lúc nào cũng có những cuốn sổ tay dày đặc chữ, lúc nào cũng tìm thấy ở thế giới những điều kỳ lạ, mới mẻ, chưa từng khám phá,  lúc nào cũng đau đáu một câu hỏi duy nhất: Chúng ta đang ở đâu? 

Cứ ngỡ rằng một nhà văn với đầy đủ tố chất để trở thành một tên tuổi vĩ đại như ông (có người thậm chí ngợi ca Handke là tác gia viết tiếng Đức sáng tạo nhất kể từ sau Gunter Grass) thì khi ông được trao giải Nobel 2019, đó sẽ là một kết quả không cần tranh cãi và được tất cả vỗ tay ủng hộ. Ấy vậy mà không, cũng như chính Grass từng bị lên án vì lời thú nhận đã từng phục vụ trong một đơn vị chiến đấu của Đức Quốc xã, Handke vấp phải nhiều tranh cãi về vấn đề đạo đức, bởi ông từng dây dưa với những vấn đề chính trị và tự chuốc lấy nhiều kẻ thù. 

Tháng 3/2006, một tuần sau khi cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic – người bị coi là kẻ độc tài bị buộc tội diệt chủng và tội ác chiến tranh tại Bosnia, Croatia và Kosovo – qua đời trong lao tù, chính Peter Handke đã tới tham dự lễ tang của Milosevic, thậm chí là phát biểu bênh vực cho những hành động của vị chính trị gia này. Sau này, giải thích cho điều đó, Handke nói những lời này xuất phát từ “con mắt của một nhà văn, không phải một thẩm phán”: “Tôi không biết sự thật. Nhưng tôi nhìn. Tôi nghe. Tôi cảm nhận. Tôi ghi nhớ. Đó là lí do vì sao tôi ở đây hôm nay, gần gũi với Yugoslavia, gần gũi với Serbia, gần gũi với Slobodan Milosevic.” 

13 năm trước, trong một bài phỏng vấn với New York Times, cây bút phê bình Deborah Solomon đã hỏi Peter Handke rằng năm nay ông bao nhiêu tuổi, và ông đã đáp rằng: “Tôi sẽ bước sang tuổi 64 vào tháng Mười hai, giống như Paul McCartney vậy.”

Không biết khi nói lời đấy, ông có nghĩ tới ca khúc “When I’m 64” mà Paul McCartney đã viết năm 16 tuổi hay không, một ca khúc tràn ngập niềm vui về những mường tượng của chàng trai trẻ cho những năm tháng sau này khi mình 64 tuổi? Liệu, giờ đây những mộng tưởng của thời niên thiếu, Handke đã thành toàn tất cả hay chưa? Nhưng dù thế nào, thì dường như đã từ lâu, mộng tưởng của Handke không còn trôi về Nobel nữa, mà đã thuộc về những cây nấm, những chuyến đi dài đầy ngẫm nghĩ trong ngôi nhà xinh đẹp của ông. Và cũng như nhân vật dược sĩ không tên, ở hình ảnh cuối cùng trong tiểu thuyết, đã ăn những trái vải một cách sung sướng bất chấp người ta cho là có độc, Handke hẳn đang tận hưởng sự cô lập của mình như tận hưởng một trái vải thơm ngon.□

Tác giả

(Visited 59 times, 1 visits today)