Phát huy vốn xã hội cho phát triển đất nước

Công cuộc đổi mới và phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi khơi dậy và phát huy mọi nguồn vốn của đất nước, từ vật chất dến tinh thần, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, của mọi tầng lớp, ở mọi địa phương. Chính vì vậy, việc trao đổi ý kiến về “vốn xã hội” có ý nghĩa thời sự rất quan trọng.

Trong bài viết này, xin đề cập một số vấn đề xuất phát từ thực tiễn kinh tế, xã hội nước ta và kiến nghị một số giải pháp để phát huy vốn xã hội cho công cuộc phát triển đất nước.

Nhận dạng “vốn xã hội” ở nước ta hiện nay

a) Về khái niệm “vốn xã hội”, có thể có nhiều định nghĩa khác nhau. Trên thế giới, “vốn xã hội” được nghiên cứu từ lâu, nhưng đối với chúng ta, đây lại là một vấn đề mới được đề cập, tuy trong thực tế, “vốn xã hội” đã và đang được phát huy có hiệu quả.

Có thể xác định: “vốn xã hội” không là vốn vật chất (như tiền, đất đai … ), mà là một loại vốn có những chiều cạnh tinh thần, văn hóa, đạo đức, tâm lý xã hội, v.v… “Vốn xã hội” thể hiện ra bằng các mối quan hệ gắn bó giữa những con người trong một cộng đồng (theo quy mô lớn nhỏ và ở nhiều cung bậc khác nhau); mỗi cộng đồng đều có mục tiêu tạo nên mối quan hệ gắn kết mỗi cá nhân trong cộng đồng; và cuối cùng là dựa trên quan hệ gắn kết đó mà mỗi cộng đồng phát huy tác dụng, biến loại vốn đó thành lực lượng vật chất, giải quyết được nhiệm vụ cụ thể mà cộng đồng đó đặt ra. Có thể thấy, “vốn xã hội” có nội dung hết sức phong phú, vì đề cập các vấn đề xã hội, con người, có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi nước trong quá trình phát triển.

b) Từ thực tiễn, xin nêu ra các dạng “vốn xã hội” ở nước ta hiện nay như sau.
– Trong họ hàng, dòng tộc. Cộng đồng này có lịch sử từ xa xưa, nhưng một thời gian bị lãng quên, xem nhẹ. Đến nay, “vốn xã hội” của các dòng họ đang được khôi phục. Đã có những dòng họ viết gia phả, ghi lại lịch sử tổ tiên, nêu lên những cống hiến của dòng họ cho đất nước, tôn tạo nhà thờ họ, lập quỹ khuyến học, qua đó giáo dục con cháu trong họ, v.v…
– Trong địa phương (xã, huyện, tỉnh …). Đã có những địa phương viết sử địa phương, nêu lên quá trình hình thành, sự đóng góp của địa phương cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, qua đó nêu cao truyền thống của địa phương, động viên nhân dân dịa phương thực hiện các nhiệm vụ trước mắt. Một số nơi đã có những hoạt động thiết thực ví dụ như giúp nhau kinh nghiệm, vốn liếng làm ăn, góp đất để mở mang đường sá, mở trường học, v.v… Có thể coi đó là “vốn xã hội” của địa phương.
– Trong các tổ chức văn hóa. Một số trường học đã viết lịch sử trường mình, tổ chức ngày truyền thống, lập ban đại diện cựu học sinh, đồng thời còn dùng nhiều hình thức như lập quỹ khuyến học, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, v.v… để động viên tinh thần học tập của học sinh, sinh viên.
– Trong các tổ chức tôn giáo. Nhiều tôn giáo và từng đơn vị (chùa, nhà thờ … ) đã thực hiện các hoạt động góp phần đoàn kết lương, giáo, xóa đói giàm nghèo … và những hoạt động khuyến khích sinh hoạt lành mạnh, ngăn chặn các tệ nạn xã hội trong tín đồ tôn giáo.
– Trong các doanh nghiệp (bao gồm cả hợp tác xã). Nhiều doanh nghiệp có truyền thống kinh doanh lâu đời đã viết lịch sử doanh nghiệp, có những hoạt động (kỷ niệm 40 năm, 50 năm thành lập) ôn lại truyền thống, dùng truyền thống để động viên nhân viên phấn đấu vì sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã đề ra nội quy công ty, đề cao văn hóa kinh doanh, xác lập văn hóa công ty … lấy đó làm cơ sở đoàn kết tập thể nhân viên trong doanh nghiệp, phát triển kinh doanh.
– Trong các tổ chức xã hội dân sự. Hiện đã có các hình thức như hội, hiệp hội nghề nghiệp, các câu lạc bộ, ban liên lạc đồng hương, hội cựu học sinh, cựu chiến binh, người cao tuổi, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, v.v… những tổ chức này gắn bó thành viên, hội viên của mình (tùy mức độ chặt chẽ hoặc lỏng lẻo) có nội dung hoạt động cụ thể, nhằm vào mục tiêu chung của tổ chức.
– Xét trên phạm vi cả nước, trước đây, “vốn xã hội” của cả dân tộc ta đã được phát huy đến mức cao nhất khi toàn dân đã cố kết triệu người như một, phấn đấu hy sinh vì mục tiêu giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh. Đáng tiếc là sau đó, có thời gian, do những sai lầm trong quản lý, đã có những chủ trương ảnh hưởng đến đoàn kết dân tộc, làm sứt mẻ “vốn xã hội”. Ngày nay, “vốn xã hội” của cả dân tộc đang được phát huy có hiệu quả trong cuộc chấn hưng kinh tế, đổi mới và phát triển đất nước.

c) Qua thực tế, có thể thấy “vốn xã hội” thường được hình thành qua bốn cách như sau: (i) Được chế dịnh trong hệ thống luật pháp, bằng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của công dân, cũng tức là các quan hệ giữa công dân với Nhà nước và với cộng đồng trong từng lĩnh vực kinh tế, xã hội; (ii) Qua các phong tục, tập quán của từng cộng đồng, có khi không thành văn, lưu truyền từ đời này qua đời khác, do cộng đồng tự nguyện áp dụng; (iii) Hoặc là thể hiện qua các điều lệ, nội quy, quy chế, quy tắc, v.v… của mỗi tổ chức, mỗi cơ quan, đoàn thể; (iv) cuối cùng, cũng có những quan hệ không có sự chế định chính thức, mà là sự thỏa thuận giữa người với người trong cộng đồng; giữa một số  cá nhân với nhau. Tóm lại, các quan hệ đó có loại “thành văn”, có loại “bất thành văn”, nhưng vẫn được tôn trọng và thực hiện.
Trong các cách hình thành “vốn xã hội” nói trên, quan trọng nhất và có ý nghĩa quyết định nhất, chính là hệ thống luật pháp, trong đó có các quy định về quan hệ giữa Nhà nước với dân. Các cách thể hiện khác của “vốn xã hội” trong các cộng đồng, các tổ chức không thoát ly khỏi những quy định của pháp luật. Điều quan trọng nhất, có ý nghĩa cốt lõi của mối quan hệ Nhà nước – công dân là lòng tin của con người, lòng tin của công dân đối với Nhà nước. Điều này cho thấy tầm quan trọng rất lớn của các quy định của luật pháp: nếu hệ thống thể chế, chính sách của Nhà nước bảo đảm và phát huy được lòng tin đó, sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc hình thành và phát huy “vốn xã hội”.

d) Qua việc điểm lại các dạng “vốn xã hội” trong các tổ chức cộng đồng (được nêu lên có thể không đầy đủ trên đây), có thể thấy việc khôi phục và phát huy vốn xã hội trong dân ta đang có chiều hướng tiến triển tốt. Phần có giá trị quý báu là phần chủ yếu, là dòng chủ lưu của “vốn xã hội” ở nước ta hiện nay; đó là phần tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn, thể hiện sự huiướng lên “chân, thiện, mỹ” của con người, của cả dân tộc. Những việc họ đã làm tuy chưa thật phổ biến ở nhiều nơi và không ít việc làm còn có tính hình thức, khoa trương, song cũng đều là những điểm sáng có ý nghĩa đáng được ghi nhận và có tác dụng làm nền tảng rất tốt, góp phần quan trọng vào việc phát huy “vốn xã hội” trên phạm vi rộng lớn hơn.
Điều đáng mừng là hiện nay, “vốn xã hội” được phát huy có hiệu quả rõ rệt nhất chính là trong các tổ chức kinh tế dân doanh, các doanh nghiệp dân doanh, các tổ chức xã hội dân sự. Chính là ở những nơi này, “vốn xã hội” đang được gây dựng, phát triển ngày càng có hiệu quả, làm nảy nở ngày càng thêm nhiều giải pháp phong phú, sáng tạo. Có thể khẳng định rằng nếu không khơi dậy và phát huy “vốn xã hội” trong các doanh nghiệp (hiểu theo nghĩa rộng bao gồm các công ty, doanh nghiệp tư nhân, tổ sản xuất, các hợp tác xã, trang trại, v.v…) thì không thể có tốc độ tăng trưởng kinh tế, xã hội nước ta như trong thời gian qua. Nguồn nhân lực ở những nơi này được bồi dưỡng và phát huy, các mối quan hệ giữa các thành viên, giữa người đứng đầu với tập thể người lao động trong cộng đồng được xây dựng gắn bó chặt chẽ trên cơ sở giải quyết thỏa đáng giữa quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ và lợi ích, cùng nhằm mục tiêu phát triển cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đó chính là nguồn “vốn xã hội” đang sung sức nhất, có sức sống mạnh mẽ, có nhiều triển vọng nhất cần được khuyến khích, biểu dương và nhân rộng.
Song đồng thời, trong không ít tổ chức kinh tế, văn hóa nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước, “vốn xã hội” bị xói mòn, niềm tin của cộng đồng và của xã hội đối với cơ quan, tổ chức ấy bị mai một, có nơi nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do trong cơ quan, tổ chức đó, không ít thành viên không làm việc vì mục tiêu chung của cộng đòng; họ đã lợi dụng chức quyền để tham nhũng. đục khoét của công, mưu lợi ích riêng không hợp pháp. Tình trạng này chắc chắn sẽ được khắc phục trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.
Xin nói thêm là các dạng “vốn xã hội” của các cộng đồng nêu trên cũng đang chuyển biến theo tiến trình phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, có những loại còn phù hợp, cũng có những loại không còn phù hợp, cần được bổ sung, phát triển hoặc loại bỏ. Cũng có những mặt tiêu cực không thể xem nhẹ; đó là những quan hệ lạc hậu, không còn phù hợp với đói hỏi tiến lên của đất nước được hình thành bởi những tư duy bảo thủ, hẹp hòi, “bài tha”, thậm chí phe cánh, do những lợi ích cục bộ, địa phương, ví như những cách ứng xử “phép vua thua lệ làng”, “ta về ta tắm ao ta”, v.v… Những quan hệ ấy phải được xóa bỏ, để làm trong trẻo “vốn xã hội”, thúc đấy đất nước tiến lên.

Một số kiến nghị về giải pháp
Để gây dựng và phát huy “vốn xã hội” vào công cuộc phát triển đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước ta hiện nay, rất cần một hệ thống thể chế (bao gồm thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa …) được đổi mới.
a) Quan trọng nhất là mỗi cộng đồng xác định đúng đắn mục tiêu hoạt động của mình. Từ cộng đồng nhỏ đến cộng đồng lớn, việc xác định mục tiêu đều có ý nghĩa quan trọng. Mục tiêu đúng sẽ có tác động trực tiếp dến tâm tư, tình cảm của mỗi con người thành viên của cộng động, gắn kết họ với nhau, thúc đẩy họ dốc sức cho cộng đồng, từ đó, biến sức mạnh tinh thần của “vốn xã hội” thành lực lượng vật chất.
Xét trên bình diện cả nước, mục tiêu chung của chúng ta đã được xác định là “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đó là mục tiêu phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của dân tộc ta hiện nay, đang có sức động viên, lôi cuốn toàn dân cũng tức là phát huy “vốn xã hội” của cả dân tộc vào công cuộc phát triển đất nước. Vì vậy, tất cả mọi thể chế, chính sách đều phải nhằm phục vụ việc thực hiện mục tiêu này, không nên có chính sách nào khác tạo ra sự phân tán nhân tâm, ảnh huởng đến việc thực hiện mục tiêu này.
b) Cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hệ thống thể chế, chính sách theo mục tiêu nói trên. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định, bởi hệ thống thể chế, chính sách là sự thể hiện mục tiêu chung thành những quy định cụ thể, những văn bản quy phạm pháp luật điều tiết hành vi của mỗi công dân cũng như mỗi cộng đồng. Thể chế, chính sách đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực gây dựng và phát huy “vốn xã hội”, bảo đảm trong thực tế quyền của người dân trong việc tham gia các công việc của đất nước.
Những nội dung chủ yếu của hệ thống thể chế, chính sách đó có thể là:

(1) Bảo đảm tự do, dân chủ cho mỗi công dân.
Tự do, dân chủ là khát vọng ngàn đời của công dân ở mọi thời đại; ở nước ta, đó là những quyền công dân đã được Hiến pháp quy định. Nếu như nói đến “vốn xã hội” trước hết là nói đến tính năng động, sức sáng tạo của mỗi người dân, thì yêu cầu đầu tiên của mọi thể chế, chính sách là giải phóng con người, thực sự đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Mọi thế thể chế, chính sách đều phải vì con người, vì cuộc sống và phát triển toàn diện của con người.
Cần xóa bỏ những chính sách hạn chế quyền tự do, dân chủ trên mọi lĩnh vực của người dân. Trước hết là phát huy tự do tư tưởng, tạo điều kiện cho con người thỏa sức suy nghĩ, sáng tạo, đổi mới, xóa bỏ mọi hạn chế trong suy nghĩ và hành động (theo luật pháp) của công dân. Cần tạo cho cơ quan quản lý thói quen tôn trọng các ý kiến khác nhau; khắc phục các biểu hiện không chịu nghe ý kiến khác với ý kiến của mình, thậm chí truy chụp, quy kết tùy tiện. Cần tiến hành rộng rãi các cuộc đối thoại, tranh luận về những vấn đề chưa nhất trí trong đuờng lối, chủ trương phát triển đất nước; lấy ý kiến dân và doanh nghiệp về những chủ trương, chính sách liên quan đến đời sống và kinh doanh của họ.
Cần tôn trọng và thực hiện trong thực tế quyền được thông tin của người dân. Không nên tùy tiện quy định “tài liệu mật” nhằm hạn chế thông tin, nhất là những vấn đề về chi tiêu ngân sách, đầu tư bằng vốn nhà nước … Báo chí cần phát huy hơn nữa chức năng tiếng nói của dân, phản ánh những ý kiến đóng góp của cộng đồng dân cư – thực sự là “vốn xã hội” vào công việc chung của đất nước.

(2) Thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.
Điều này cũng có nghĩa là thực hiện sự đoàn kết rộng rãi, chân thành mọi thành viên trong xã hội, không phân biệt chính kiến, quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ở trong nước hoặc ở nước ngoài, miễn là nhất trí mục tiêu chung. Đại đoàn kết dân tộc là nhằm tập hợp lực lượng của cả dân tộc vì sự nghiệp chung của dân tộc; bởi vì sự nghiệp chung của dân tộc chỉ có thể thực hiện được khi cả dân tộc cùng gánh vác. Lòng yêu nước không phải của riêng ai, mà là vốn quý của dân tộc ta. Phát huy lòng yêu nước chính là phát huy “vốn xã hội” của cả dân tộc trên phạm vi cả nước.
Chúng ta đã có những kinh nghiệm quý báu về phát huy đại đoàn kết dân tộc đưa đến những thắng lợi to lớn trong các cuộc kháng chiến; nhưng đến thời kỳ xây dựng hòa bình, có lúc lại phân biệt “xã hội chủ nghĩa” và “phi xã hội chủ nghĩa” rồi tiến hành cải tạo để đi dến xóa bỏ thành phần “phi xã hội chủ nghĩa”. Thực tiễn cho thấy những chính sách đó có tính chất phân biệt đối xử, phá vỡ sự đoàn kết keo sơn truyền thống đã được tạo dựng, do đó, đã không phát huy được sức mạnh của cả dân tộc. Ngày nay, bước vào giai đoạn mới, rất cần khắc phục những biểu hiện không chân thành thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, còn phân biệt đối xử theo thành phần giai cấp, theo chính kiến, phân biệt tôn giáo, dân tộc, người trong nước với đồng bào định cư ở nước ngoài … “Vốn xã hội” lớn nhất chính là lòng dân; chính sách đại đoàn kết dân tộc được tường minh, sẽ có tác dụng tích cực quy tụ lòng dân hướng về mục tiêu chung của dân tộc, phát huy “vốn xã hội” không chỉ ở tầm vĩ mô, mà ngay trong mỗi làng, xã, thôn bản.

(3) Tạo môi trường bình đẳng trong phát triển.
Trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, trước yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa cũng như của từng doanh nghiệp, nhất thiết phải phát huy “vốn xã hội” trong mỗi doanh nghiệp, mỗi cơ sở sản xuất, phải tạo điều kiện cho mỗi doanh nghiệp phát huy đến mức cao nhất mọi nguồn vốn tinh thần và vật chất cho phát triển. Với việc gia nhập WTO, những phân biệt đối xử cũng sẽ từng bước bị xóa bỏ, bảo đảm sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Do vậy, trong hệ thống thể chế, chính sách, phải xóa bỏ mọi ưu đãi theo chế độ sở hữu, kỳ thị doanh nghiệp dân doanh, nhất là kinh tế tư nhân, ưu ái doanh nghiệp nhà nước. Lâu nay, chính những phân biệt đối xử, thậm chí kỳ thị đối với kinh tế tư nhân đã không phát huy được đến mức cao nhất “vốn xã hội” trong các doanh nghiệp này, hạn ché sức phát triển của kinh tế tư nhân. Sắp tới, từ ngày 1-7-2006, Luật Doanh nghiệp 2005 và Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành, các loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không còn những phân biệt đối xử trong việc gia nhập thị trường, trong tổ chức quản lý nội bộ doanh nghiệp, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, nhất là cho doanh nghiệp tự chủ hơn trong kinh doanh, phát triển bền vững, phát huy “vốn xã hội” trong mỗi doanh nghiệp.

(3) Phát huy vai trò của xã hội dân sự.
Xã hội dân sự đã được xác định là một trong ba trụ cột của kinh tế thị trường (Nhà nước, thị truờng, xã hội dân sự). Phát huy vai trò của xã hội dân sự là một yêu cầu tất yếu, nếu như muốn phát tuy “vốn xã hội”, vì “vốn xã hội” chỉ có thể nảy nở, phát triển ngày càng mạnh mẽ trong môi trường hoạt động có hiệu quả của các tổ chức xã hội dân sự, tức là những tổ chức thực sự của dân, do dân tự nguyện lập ra để cùng nhau bàn và giải quyết những việc của cộng đồng và rộng ra là những việc nước một cách dân chủ. Nhà nước có thể chuyển giao cho những hội có điều kiện thực hiện một số công việc do cơ quan hành chính phụ trách. Trong thực tế nước ta hiện nay, tác dụng của các tổ chức xã hội dân sự chưa đồng đều. Đã hình thành những câu lạc bộ, ban liên lạc (hưu trí, cựu học sinh, đồng hương …), các hội, hiệp hội nghề nghiệp, v.v… Có những hội có tác dụng khá tốt ở cơ sở, còn các hội, hiệp hội nghề nghiệp, hiệu quả chưa nhiều; khuynh hướng nhà nước hóa, hành chính hóa hội nghề nghiệp đang làm suy giảm tác dụng của các tổ chức này.
Quan niệm của không ít cơ quan công quyền đối với vai trò của xã hội dân sự chưa thật rõ ràng, thông suốt; một số còn e ngại, có phần do thiếu hiểu biết, có phần do còn muốn níu kéo quyền lợi của mình. Hiện nay, cuộc thảo luận để xây dựng Luật về Hội đang được tiến hành; dù đã qua mười lần dự thảo, văn bản dự án luật vẫn chưa thể hiện được quyền của dân trong việc lập hội (ngay tên luật, đáng ra phải là “Luật về quyền lập hội”, tức là khẳng định việc lập hội là quyền của dân, chứ không phải đây là luật để Nhà nước dùng mà quản lý hội của dân). Dự thảo vẫn nặng về quyền của cơ quan quản lý nhà nước, bày ra những thủ tục hành chính không cần thiết trong việc lập hội; lại có nhiều quy định can thiệp quá chi tiết vào hoạt động của các hội.
c) Cuối cùng, để thực hiện những điều nói trên nhằm phát huy “vốn xã hội” cho công cuộc phát triển đất nước trong điều kiện nước ta hiện nay, điều quan trọng bậc nhất và cấp bách nhất là giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước với dân và doanh nghiệp. Phải thẳng thắn nhận rằng hiện nay, quan hệ này đang có những trục trặc, gây suy giảm lòng tin, hạn chế, thậm chí kìm hãm việc phát huy “vốn xã hội”.

Có hai loại vấn đề cần được giải quyết:

(1) Xác định cho rõ và thực hiện cho đúng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhà nước làm gì, làm đến đâu và làm bằng cách nào …  Những việc gì Nhà nước không được làm, không nên làm và nếu làm cũng không đạt hiệu quả cao, thì chuyển giao cho thị trường, cho các tổ chức xã hội dân sự đảm nhiệm. Cần tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Nhà nước không được can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Nhà nước cần tập trung hơn nữa cho những công việc thuộc quản lý vĩ mô, như chiến lược, quy hoạch, thể chế, chính sách, v.v… phát huy “vốn xã hội” vào những công việc mà dân và doanh nghiệp có thể đảm nhiệm và thực hiện có hiệu quả. Việc đầu tư bằng vốn nhà nước cần được cân nhắc, xem xét hết sức chặt chẽ, nhất là đầu tư vào những doanh nghiệp kinh doanh; khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, vốn nhà nước bị đục khoét nghiêm trọng như lâu nay. Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi vì lâu nay, do còn ảnh hưởng của tư duy kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, do những rơi rớt của cơ chế xin – cho, Nhà nước ta còn ôm đồm quá nhiều việc, trong khi đó, những công việc đích thị thuộc chức năng của mình thì lại không làm tròn.

(2) Tiến hành một cuộc cải cách sâu rộng làm trong sạch bộ máy nhà nước, đề cao “văn hóa lãnh đạo”, “văn hóa quản lý” trong cơ quan nhà nước và trong mỗi cán bộ, công chức. Cần khắc phục tình trạng không ít cơ quan đang muốn mở rộng thêm phạm vi “quản lý nhà nước” của mình, kể cả lấn sân của cơ quan khác hoặc bày vẽ ra những thủ tục tạo thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho dân và doanh nghiệp, thậm chí chỉ nhằm hành dân … là chính. Cũng không ít công chức đang lạm dụng quyền hạn, tham nhũng, đục khoét của công; lại có không ít những công chức đang nhũng nhiễu, gây thêm tốn kém về tiền bạc và thời gian cho dân và doanh nghiệp. Chính những yếu kém và khuyết điểm của bộ máy và công chức hiện nay đang làm suy giảm lòng tin của dân và doanh nghiệp đối với Nhà nước, hạn chế sức phát triển của dân và doanh nghiệp, hạn chế phát huy “vốn xã hội”. Yêu cầu rất cấp bách là phải khắc phục những tệ nạn nói trên, chấn chỉnh, kiện toàn bộ máy, bảo đảm một bộ máy quản lý gọn nhẹ, không chồng chéo, hoạt động có hiệu lực và hiệu quả. Phải xây dựng một đội ngũ công chức nghiệp vụ tinh thông, đạo đức trong sạch, thực sự là “công bộc” của dân.   

30 – 6- 2006
Vũ Quốc Tuấn

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)