Phép màu ở quốc gia “hạnh phúc nhất thế giới”

Nét khác biệt trong chính sách du lịch của Bhutan là ở chỗ cho phép thu của mỗi khách quốc tế 65 USD/ngày để loại bỏ nhóm khách ba lô và tạo ngân sách cho an sinh xã hội, đồng thời giữ lượng  khách ổn định ở mức chính phủ quản lý được và cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực của ngành du lịch đáp ứng được.

Có một quốc gia nằm sâu trong vùng núi non hiểm trở, không có dầu mỏ, chỉ mới mở cửa với thế giới từ năm 1974, điện lưới còn chưa phủ kín lãnh thổ mà vẫn tăng trưởng với tốc độ trên 20% mỗi năm để đạt GDP thực tế bình quân tới hơn 5.400 USD1 vào năm 2010 trong khi gần một nửa dân số mù chữ: Vương quốc Bhutan.

Tôi đã đến Bhutan tháng Một vừa qua và nhận ra những điều mình từng biết về nền kinh tế, đặc biệt là du lịch nước này, gần như sai hoàn toàn. Những con người mà chỉ vài ngày trước tôi cho rằng đang sống trong thời trung cổ cho thấy họ có thể kiếm tiền – thậm chí là rất nhiều tiền – một cách chân chính và bền vững mà không hủy hoại môi trường và nền văn hóa của mình.

Số lượng nhỏ, giá trị lớn

Nói đến Bhutan là nói đến khái niệm Tổng Hạnh phúc Quốc nội (GDH – Gross Domestic Happiness) và mọi chính sách của Chính phủ nước này hầu như xoay quanh khái niệm trung tâm ấy.

Nhưng nói vậy không có nghĩa là Bhutan quên đi vấn đề kinh tế. Theo số liệu ước tính của IMF – vì Bhutan không thống kê GDP, hoặc có thì cũng không công bố – GDP thực tế của vương quốc này năm 2010 là khoảng gần 3,9 tỷ USD. Dân số nước này nếu làm tròn một cách hào phóng thì lên tới… 750.000 người. GDP bình quân là 5.400 USD.

Để so sánh, nước láng giềng thân cận Ấn Độ đến năm 2011 này mới chỉ đạt 3.700 USD/người. Con số tương ứng ở Việt Nam là khoảng 3.350 đôla .

Để có thu nhập như hiện nay, Ấn Độ đã trở thành một công xưởng mới của thế giới, Việt Nam đã khai thác mọi nguồn tài nguyên từ “rừng vàng biển bạc”.

Còn Bhutan? Họ có bán lâm sản, có xuất khẩu nông sản nhưng thu chủ yếu từ thủy điện cho Ấn Độ (đóng góp khoảng 40% thu ngoại tệ). Du lịch mới là ngành đang phát triển mạnh nhất và sẽ là nguồn thu chính trong tương lai.

Theo số liệu của Chính phủ Bhutan, năm 1974, năm đất nước mở cửa, Bhutsn đón tổng 287 khách du lịch. Hai mươi năm sau, con số này là hơn 7.000. Thêm mười năm nữa, năm 2009, hơn 23.000 du khách viếng thăm “xứ sở hạnh phúc” và có thể đạt tới 40.000 vào năm 2012, theo một vài dự báo không chính thức. Tất cả khách quốc tế đều tới Bhutan theo các tour du lịch sinh thái hoặc du lịch văn hóa, hoàn toàn không có “Tây balô”.

Hiện nay, mỗi du khách quốc tế phải chi khoảng 200 USD mỗi ngày khi đến Bhutan, bao gồm chi phí ăn ở, thuê hướng dẫn viên, nhưng chưa tính thu nhập từ bán đồ lưu niệm vốn được sản xuất thủ công 100% và có giá không rẻ chút nào.


Bên trong một cửa hàng thủ công mỹ nghệ ở trung tâm thủ đô Thimphu.

Một điều đáng nói khác là đất nước này, về lý thuyết, không hề có nhà máy và không có nền công nghiệp (chỉ có vài nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng của quân đội nằm sát biên giới với Ấn Độ và vài nhà máy thủy điện). Một số nguyên liệu để chế tác đồ mỹ nghệ như các loại đá và vàng bạc được nhập từ Ấn Độ hoặc Myanmar chứ không được khai thác tại chỗ (vì Bhutan không có hoặc chưa muốn và chưa thể khai thác).

Rừng vẫn che phủ hai phần ba diện tích Bhutan và 60% trong đó là các khu bảo tồn với hệ sinh thái được đánh giá là đa dạng vào loại nhất thế giới. Điều này góp phần thu hút khách du lịch tham gia vào các tour sinh thái, thường là trekking trên các đỉnh núi có độ cao trên 4.000 mét so với mặt biển.

Chậm, bảo thủ và… có kết quả

Trước khi tới thủ đô Thimphu, tôi vẫn đinh ninh rằng chính phủ Bhutan giới hạn lượng khách du lịch quốc tế hàng năm nhưng hóa ra không phải vậy.

Chính phủ quản lý chặt du khách. Lịch trình được định sẵn từ khi khách xin visa và không thể thay đổi. Họ cũng giới hạn số đoàn khách mà mỗi công ty du lịch đưa tới Bhutan tùy theo năng lực. Nhưng số khách tới Bhutan thực ra bị giới hạn bởi cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông.

Bhutan mới chỉ có duy nhất một sân bay quốc tế tại thị trấn Paro, cách thủ đô Thimphu khoảng hai giờ ôtô. Mặc dù đã có cả hàng không tư nhân, sân bay Paro chưa bao giờ đón quá 40.000 lượt khách trong một năm. Đường bộ đi từ Ấn Độ rất không thuận tiện và tiêu tốn nhiều thời gian.

Ngay trong nội địa Bhutan, giao thông vẫn còn khó khăn. Để đi từ Thimphu sang các tỉnh miền Đông (nơi nhiều làng mạc vẫn như thời trung cổ, đến điện cũng chưa có) bằng xe buýt thì phải mất ít nhất hai ngày.

Nhưng nhà vua và chính phủ của ông không hề tỏ vẻ muốn phát triển nhanh (mặc dù Bhutan đang tăng trưởng với tốc độ tới hơn 20% mỗi năm bất chấp kinh tế thế giới suy thoái). Các nguồn tin địa phương cho biết nhiều dự án lớn đã được dãn tiến độ (trong đó có hai dự án thủy điện lớn và một dự án sân bay quốc tế đã được hạ cấp xuống thành sân bay nội địa).

Người Bhutan chắc chắn không muốn mất kiểm soát tình hình và cũng cần đợi có thêm chuyên gia người bản xứ (bởi như đã nói, mới có hơn 50% dân số biết chữ). Nhìn vào những tỉnh lộ đang xuống cấp nghiêm trọng, tôi tin rằng họ rất sáng suốt khi không muốn giao thêm các dự án đường xá vào tay Ấn Độ , một quốc gia có hạng trên thế giới về tham nhũng.

Cao cấp, nhưng không chỉ chạy theo lợi nhuận

Trước khi lên đường, tôi và gia đình thử hỏi bạn bè về Bhutan. Cứ mười người thì chín hỏi lại, “Bhutan là ở đâu thế?” Nhưng những người bạn nước ngoài mà chúng tôi biết đều thốt lên với đầy vẻ ghen tỵ, “Ôi! Đó là điểm đến mơ ước của tôi đấy!”

Một trong những lý do đầu tiên để họ phải mơ ước là vì chi phí du lịch tại Bhutan không rẻ (tối thiểu là 200 USD mỗi người mỗi ngày như đã nói ở trên). Chính sách loại bỏ khách du lịch balô của nước này chủ yếu xuất phát từ bài học xương máu của nước láng giềng Nepal.

Những người có thâm niên trong ngành du lịch Bhutan mà tôi gặp ở Thimphu nói rằng Nepal đã bị biến thành một cái chợ vì khách du lịch “bụi”, những người thoải mái thưởng thức cảnh đẹp và làm hỏng nền văn hóa bản xứ trong khi chẳng đóng góp một xu nào cho nền kinh tế địa phương.

Và nếu nhìn vào số liệu của IMF thì rõ ràng những chuyên gia Bhutan nọ đã hoàn toàn có lý. Năm 2010, GDP bình quân đầu người của Nepal chưa tới 1.300 USD trong khi về lý tuyết, Nepal có nhiều lợi thế hơn so với Bhutan, đặc biệt là về giao thông.

Khác biệt chủ yếu đến từ chính sách du lịch. Chính phủ Bhutan thu của mỗi du khách quốc tế 65 USD/ngày (trừ người Ấn Độ vì mối quan hệ giữa hai nước) để loại bỏ toàn bộ nhóm khách “thu nhập thấp” và tạo ngân sách cho an sinh xã hội (chủ yếu là giáo dục và y tế miễn phí) đồng thời giữ lượng du khách ổn định ở mức chính phủ quản lý được. Theo xu hướng hiện nay, du khách tới Bhutan sẽ chỉ tăng tương đương với khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng và nhân lực [của ngành du lịch và các ngành liên quan].

Bên cạnh đó, người đi du lịch đến Bhutan phần lớn thuộc nhóm muốn và sẵn sàng tiêu tiền cho các sản phẩm và dịch vụ tại chỗ như tham quan di tích hay đồ thủ công mỹ nghệ. Một bài báo tôi đọc trên nhật báo Kuensel (bản tiếng Anh) cho biết thu nhập chỉ từ sản phẩm dệt của một làng nghề ở miền Đông nước này đã tăng gần gấp ba trong năm vừa qua nhờ lượng khách du lịch tăng và những thợ lành nghề nhất kiếm đủ tiền cho con sang Ấn Độ du học.

Bhutan đã có ba khách sạn 5 sao với giá phòng lên tới 1.000 USD mỗi đêm (theo các nguồn địa phương thì ba khách sạn này góp phần rất lớn vào việc thu hút khách nhiều tiền và lượng du khách đã tăng rõ rệt kể từ năm 2003, khi khách sạn 5 sao đầu tiên khai trương tại thủ đô Thimphu).

Tất cả các cửa hàng phục vụ khách quốc tế ở Bhutan đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng. Nếu trả tiền mặt, du khách có thể dùng USD, Rupee Ấn Độ, hoặc đồng Ngultrum Bhutan (nhưng chi tiêu thông thường, ví dụ đi taxi thì buộc phải dùng đồng Ngultrum).

Mặc dù “chém” du khách một cách nhiệt tình nhưng khác với nhiều nước, Bhutan không chủ trương kiếm tiền từ mọi nguồn có thể. Chẳng hạn, ở một số tu viện quan trọng như Taktsang (nơi được ví như Mecca của Bhutan), du khách bị cấm tuyệt đối chụp ảnh bên trong khuôn viên. Không có chuyện nộp lệ phí để được ghi hình ở chốn thiêng liêng như ở Trung Quốc hay Nepal (càng không có chuyện du khách được chụp ảnh tự do như ở Việt Nam trước đây). Các sĩ quan cảnh vệ thậm chí bắt tôi gửi lại cả bút máy, sổ tay, máy ghi âm – tóm lại chỉ được đi người không vào, và không được đội mũ.


Một bé gái Bhutan trong công viên bảo tồn loài Takin. Trẻ em Bhutan nói tiếng Anh
rất tốt vì được dạy cả tiếng Anh và tiếng Dzongkha (tiếng Bhutan) từ nhỏ.
Cô bé trong ảnh cũng như hầu hết người Bhutan, rất thân thiện và lễ độ,
không bao giờ đòi hỏi hay tỏ thái độ khó chịu với du khách.

Trên đường đi trekking, một người trong đoàn chúng tôi chợt nhìn thấy mấy bông hoa dại nở sớm, có màu tím rất dễ thương và hỏi đùa hướng dẫn viên là có thể mang về Việt Nam hay không. Đó là lần đầu tiên chúng tôi nhận được một câu trả lời dứt khoát đến thế từ một người Bhutan, một tiếng “không” rõ ràng, gọn lỏn. Đó là luật, không bàn cãi gì thêm. Nếu mua đồ cổ, du khách buộc phải có chứng nhận của cửa hàng bán món đồ (và cửa hàng này phải được chính phủ cấp phép trước khi bán) mới có thể mang về nước.

Thay lời kết

Dĩ nhiên, Bhutan cũng đang đối mặt với vô vàn thách thức giống như bất kỳ một quốc gia nhỏ bé nào khác.

Nước này gần như hoàn toàn bó tay trước tình trạng khí thải từ người láng giềng khổng lồ Trung Quốc đang làm vùng Himalaya nóng lên mỗi ngày. Các đỉnh núi nóng lên đồng nghĩa với việc băng sẽ tan. Mà các hồ băng vùng Himalaya là ngọn nguồn của mọi dòng sông trên lãnh thổ Bhutan. Các hồ này biến mất thì sông ngòi Bhutan cũng cạn nước, không những thủy điện và nông nghiệp tê liệt mà toàn bộ hệ sinh thái mà nước này tự hào cũng sẽ lâm nguy.

Ngoài ra, gìn giữ văn hóa truyền thống cũng đang là một thách thức vì không phải người Bhutan trẻ nào cũng muốn sống theo kiểu cũ. Truyền hình, điện thoại và internet đã mang lối sống và văn hóa phương Tây tới hầu như mọi ngõ ngách của vương quốc này. Ảnh vua nhạc rock Elvis Presley có thể được treo cạnh ảnh đương kim hoàng đế trong các quán bar…

Mặc dù vậy, rõ ràng những gì Bhutan đã đạt được rất đáng khâm phục. Cuộc sống ở đây vẫn vô cùng bình yên, tỷ lệ phạm tội rất thấp, nền kinh tế ổn định (lạm phát khoảng 3% năm 2011) và đáng kể hơn cả là người dân hạnh phúc và lạc quan nhất thế giới2. Trong bối cảnh nhiều quốc gia phải hy sinh cả môi trường lẫn văn hóa để tăng trưởng một cách thiếu bền vững thì Bhutan dường như là một phép màu.

1. Các số liệu GDP trong bài này đều là GDP thực tế (tính theo sức mua) theo ước tính của IMF

2. Theo một vài xếp hạng quốc tế về chỉ số hạnh phúc, Bhutan đứng thứ 8 thứ 9, ví dụ như theo “Bản đồ Hạnh phúc” của ĐH Leicester (Anh Quốc) năm 2006 thì Bhutan đứng thứ 8. “Hạnh phúc nhất” là một cách gọi tự phong của quốc gia này.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)