Phiếm đàm về bóng đá

Khó có thể trả lời ngắn gọn cho hiện tượng xã hội lý thú này khi cơn ghiền bóng đá không buông tha một ai... Phải chăng sức hấp dẫn của bóng đá là ở chỗ nó đã và đang là hình bóng cuộc đời, chứa đựng một phần những chiêm nghiệm xa gần về cuộc sống quanh ta?..

  Có những chuyện chẳng có gì quan trọng, thậm chí có thể coi là tầm phào, cũng vẫn khiến hàng trăm triệu, thậm chí có lúc là hàng tỷ người dân khắp năm châu phải gác lại mọi việc, thức đêm thức hôm mà dán mắt vào màn ảnh nhỏ hồi hộp theo dõi từng phút diễn biến – ấy là chuyện… bóng đá, là những trận cầu đỉnh cao – chung kết World Cup (Đức-Brazil hay Tây Ban Nha-Hà Lan), chung kết Euro Cup ( Đức- Tây Ban Nha), derby nước Anh – Manchester United vs Liverpool, derby Tây Ban Nha – Real Madrid vs Barcelona…

Vì sao như vậy? Khó có thể trả lời ngắn gọn cho hiện tượng xã hội lý thú này khi cơn ghiền bóng đá không buông tha một ai, bất kể đó là Tổng thống Brazil hay Argentina, Thủ tướng Tây Ban Nha hay Italia, là bậc thức giả uyên thâm hay anh phu hồ, tài xế, là cậu học trò lớp 1 hay chị hàng xén, hàng cơm… Tất cả đều say sưa thụ hưởng những xúc cảm hỷ nộ ái ố ùa về từ sân cỏ với 22 người đàn ông quần đùi áo số đang hăm hở săn đuổi duy nhất một trái bóng tròn…

Phải chăng sức hấp dẫn của bóng đá là ở chỗ nó đã và đang là hình bóng cuộc đời, chứa đựng một phần những chiêm nghiệm xa gần về cuộc sống quanh ta?
 
 Không thể vừa đá bóng vừa thổi còi

 Không kể cuộc chơi chân đất của đám trẻ thường diễn ra theo kiểu “tự xử”, vắng bóng tiếng còi, còn thì bất kể trận bóng nào muốn được coi là nghiêm túc đều phải có mặt vị vua áo đen – vị trọng tài đảm bảo mọi sự đua tranh trên sân cỏ đều phải nằm trong khuôn khổ của luật chơi.

 Một quy tắc bất thành văn được mọi người thừa nhận – như một định đề không cần phải chứng minh: Đã làm trọng tài thổi còi thì xin miễn đá bóng và, các cầu thủ đã đá bóng thì không thể được phép cầm còi ! Nếu quy tăc này bị vi phạm thì trận đấu sẽ trở nên bát nháo, loạn xì ngầu, vô nghĩa đến mức độ không ai có thể hình dung nổi; bóng đá sẽ trở thành phản-bóng-đá và không còn mảy may lý do đạo đức nào để tồn tại. Nếu trọng tài mà được đá bóng thì anh ta chắc chắn sẽ bỏ qua cho mình mọi sai phạm, sẽ dành cho mình mọi ưu ái để mở đường đưa bóng thẳng vào khung thành đối phương dễ như thò tay vào túi lấy đồ!

 May thay, cảnh tượng thật vô lý đó không bao giờ xẩy ra trong thực tế, bởi những người làm bóng đá đã đủ tỉnh táo tối thiểu để không cho người thừa hành luật lại nắm luôn quyền xử lý vi phạm luật. Đó là chân lý hiển nhiên không chỉ dành riêng cho bóng đá; rất nhiều tai ương chướng họa đã và sẽ bắt nguồn từ sự bỡn cợt, báng bổ chân lý này.

 Bóng đá đẹp trong sự đa dạng

 Thoạt tiên có thể tưởng rằng trò chơi dùng hai chân đưa bóng vào khung thành đối phương thì đơn điệu quá rồi, có gì mà đẹp với lại đa dạng!? Ấy thế mà có đấy, khi dần dần nó được nâng lên thành một thứ nghệ thuật chơi bóng.

 Người hâm mộ ngày nay may mắn không chỉ phải xem đi xem lại những trận cầu với phong cách chơi quen thuộc. Nếu ngày nào cũng phải xơi đi xơi lại một món thì dù ngon mấy cũng phải ngán đến tận cổ. Chỉ cần qua màn ảnh nhỏ, họ đã có thể thưởng thức đủ loại trường phái tùy “khẩu vị” của mình.

 Không cần quá sành sỏi về môn thể thao này cũng có thể ít nhiều nhận thấy rằng bóng đá Anh, nơi được coi là quê hương của môn bóng này, là thứ bóng đá thiên về thể lực, không ngại va chạm, chuộng tốc độ cao, ưa lật cánh đánh đầu, ham thọc sâu, chạy dài, kick & rush. Bóng đá Đức tôn thờ kỷ luật trong sân và cả ngoài sân, trọng chiến thuật, đề cao sức mạnh, ý chí. Bóng đá Tây Ban Nha, mà đại diện xuất sắc nhất là FC Barcelona, lại mang đậm nét hoa mỹ – tiqui-taca, di chuyển liên tục, chơi một chạm, chuyền ban ngắn, phối hợp nhanh, kiểm soát tuyệt vời thế trận, bất ngờ chọc khe qua người ngoạn mục và ghi bàn. Bóng đá Hà Lan thời hoàng kim với siêu nhân J.Cruyff thập niên 70 thế kỷ trước khiến người hâm mộ ngất ngây với thứ bóng đá tổng lực, – tất cả phòng ngự, tất cả tấn công – mang nhãn hiệu khó quên “cơn lốc mầu da cam”. Bóng đá Ý với món “đặc sản” phòng thủ đổ bê tông – với một hậu vệ quét ngay phía trên thủ môn đóng vai trò “cái then cửa” (caltenacio) hạn chế tối đa đối phương tìm kiếm cơ hội thoải mái gây nguy hiểm cho khung thành. Không thể không nhắc đến trường phái bóng đá Nam Mỹ với những đại danh thủ Pele, Maradona cùng các “hậu duệ” xuất chúng Romario, Ronaldo, Ronaldinho, Messi, Tevez … thả sức phô diễn kỹ thuật cá nhân siêu phàm qua những vũ điệu samba hay tango vô cùng quyến rũ nhiều lần đưa bóng đá xứ này lên chót vót đỉnh cao…

 Cùng với tiến trình giao lưu hội nhập diễn ra trên khắp các lĩnh vực của đời sống quốc tế, các phong cách bóng đá đặc thù cũng giao thoa mạnh mẽ, tiếp thu những nét ưu việt của nhau để đạt hiệu quả thi đấu cao hơn. Một mặt, bóng đá vẫn tiếp tục thể hiện vẻ đẹp của sự đa dạng trong phong cách chơi bóng từ cấp độ từng câu lạc bộ cho tới cả giải đấu của mỗi quốc gia; mặt khác, nó ngày càng hình thành đậm nét hơn những giá trị phổ quát – từ kỹ thuật cá nhân đến chiến thuật đồng đội, từ sức mạnh thể lực đến ý chí tinh thần, từ tâm thế vì khán giả đến ý thức về trách nhiệm xã hội -, những giá trị khiến bóng đá vượt ra ngoài khuôn khổ một trò chơi, đang và sẽ chinh phục tình yêu ngày càng lớn hơn từ người hâm mộ khắp năm châu.

 Tôn thờ, dập khuôn theo duy nhất một phong cách trước sau gì cũng dẫn đến sự triệt tiêu vẻ đẹp đa dạng của bóng đá.

 Sân cỏ cần những cá tính mạnh mẽ

 Nhà viết kịch Đức lừng danh B.Brecht từng ước ao các vở diễn của mình thu hút được chừng 1/10 số khán giả của một trận bóng đá trung bình. Ông nói rằng bóng đá chứa đựng dư thừa những yếu tố cuốn hút người xem của một vở kịch hay: xung đột gay cấn không khoan nhượng, diễn biến nhanh chóng mặt, kết cục không thể dự đoán trước và điều quan trọng nhất là sự phô bày rõ nét các cá tính nhân vật-cầu thủ khác nhau trên sàn diễn-sân cỏ.

 Tất nhiên chỉ đạt tới một trình độ nào đó thì mới có thể coi là có cá tính. Nhân vật nhạt nhẽo thì cùng lắm chỉ có cá tính nhạt nhẽo. Những trận cầu đỉnh cao bao giờ cũng là nơi phát lộ những cầu thủ với cá tính mạnh mẽ.

 Nhiều khi không cần nhìn rõ mặt, không cần đọc số áo sau lưng, chỉ nhìn bước chạy, cách hành xử trên sân, ta có thể nhận ra ai là ai. Đôi chân ma thuật, vóc người nhỏ con mà nhanh như sóc, xoay sở tuyệt vời trong phạm vi hẹp, luôn ra chân trước đối thủ chỉ vài phần trăm giây để đưa bóng vào lưới – đó là Messi. Cầm bóng chắc chắn, quan sát nhanh trong chớp mắt, tung ra những đường chuyền chết người, làm chủ khu trung tuyến – đó là Xavi, bộ não của FC Barcelona. Hùng hục chạy không ngơi nghỉ, lên công về thủ, thể hiện sức mạnh nhưng không thiếu kỹ thuật khéo léo, lúc nào cũng ngùn ngụt khát vọng công phá khung thành đối phương – đó là Rooney, linh hồn của MU. Lao lên như mũi tên, đảo chân qua người như làm xiếc, ít khi nhường cơ hội cho đồng đội, sút như búa bổ – đó là Cristiano Ronaldo. Chơi bóng bằng đầu nhiều hơn bằng chân, dường như không vội vã mà vẫn đoán trước tình huống để kịp thời ngăn cản tiền đạo đối phương sút bóng, động tác uyển chuyển như diễn viên ballet – đó là Rio Ferdinand thời đỉnh cao phong độ. Rồi còn Nani hào hoa, Essien dũng mãnh, Lampard “không phổi”, Park Ji Sung “ba phổi” (Park Three Lung), Vidic vững như thành đồng, “King” Henry – con của Thần gió, Berbatov tuồng như đủng đỉnh, nhởn nhơ mà hiệu quả, “hạt đậu nhỏ” Chicharito luôn biết chớp thời cơ – đang trên đường trở thành ông vua mới của vòng cấm địa như Van Nistenroj hay Raul Gonzales cách đây chưa lâu…

 Những cầu thủ với cá tính không trộn lẫn đem lại niềm hứng khởi cho bao khán giả bởi đã vào sân với khát khao thể hiện mình, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người xem, không bao giờ nấp sau tấm mộc tập thể để khỏa lấp năng lực cá nhân nhạt nhòa.

 Đá trên sân không quan trọng bằng đá ngoài sân…

Đội bóng với 11 cầu thủ ra sân, ai cũng cháy hết mình mong giành phần thắng. Nhưng hóa ra góp phần quyết định đem lại thắng lợi không phải là các cầu thủ mình đẫm mồ hôi trên sân mà là chiến lược gia mang complet cà vạt khoanh tay ngồi đăm chiêu trên băng ghế chỉ đạo ngoài sân!

Đưa Manchester United lên đỉnh cao 19 lần đoạt chức vô địch bóng đá Anh, trở thành đội bóng có đông người hâm mộ nhất năm châu công đầu phải tính cho Alex Ferguson chứ không phải một lứa cầu thủ xuất sắc nào. Ông ngồi vào vị trí thuyền trưởng con tàu MU năm 1986, năm mà bức tường Berlin vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” cách chia hai thế giới, Liên Xô bước vào cải tổ với hy vọng giữ vững vị thế siêu cường đã bắt đầu có triệu chứng nghiêng ngả, ở thời kỳ đầu của cải cách & mở cửa nền kinh tế Trung Quốc còn chưa dám mơ tới ngày vươn lên vị trí thứ hai, mạng thông tin toàn cầu Internet chưa hình thành, căn bệnh hiểm nghèo HIV còn chưa thành đại dịch…

25 năm trôi qua, trên thế giới hôm nay, những gì tưởng chừng không thể đã trở thành có thể, vật đã đổi, sao đã dời, mà ở thánh đường Old Trafford vẫn chỉ sừng sững uy nghi một tượng đài Alex Ferguson ! 25 năm liền đứng mũi chịu sào, vạch ra trăm mưu nghìn kế cho đội bóng MU đến giờ vẫn chễm chệ tọa lạc trên đỉnh cao của bóng đá Anh trước thách thức của bao kỳ phùng địch thủ lúc nào cũng hừng hực khí thế soán ngôi là công việc phi thường hao tổn vô số nơ-ron thần kinh của Sir Alex.

Dù chỉ có một sự nghiệp cầu thủ loại xoàng, chiến lược gia Jose Mourinho đi đến đâu là mang thành công về cho đội bóng đó – từ FC Porto (Bồ Đào Nha), Chelsea, Inter Milan cho đến Real Madrid. Như mọi huấn luyện viên khác, trước mỗi trận đấu ông bao giờ cũng vạch ra đấu pháp chi tiết cho từng vị trí cầu thủ trên sân, cho sự phối hợp đồng đội, các phương án phòng ngự phản công ra sao, và điều đáng nói là mỗi bản kế hoạch thi đấu này đều dài không dưới 100 trang khổ A4 chứa đầy những ý tưởng quý giá. Biết rõ mình, thông tỏ đối thủ, chất xám quý báu của J.Mourinho tiếp thêm sức mạnh cho các đôi chân cầu thủ của ông hướng tới chiến thắng.

Nhiều huấn luyện viên xuất chúng nhiều thập niên qua như C.Bilardo, F.Bekkenbauer, B.Milutinovic, O.Rehhagen, G.Hidding, M.Lippi, F.Capello, D. Bosque, P.Guardiola, A.Venger, C.Ancelotti, H.Redknapp, A.Villas-Boas v.v… đã luôn là linh hồn các đội bóng mình chỉ đạo. Có thể nói cầu thủ mới chỉ là bột, phải qua tay nhào nặn của huấn luyện viên mới gột nên hồ, mới kết dính thành một đội bóng đúng nghĩa. Nhiều khi ta dễ dàng nhận thấy một đội bóng đang mạnh mẽ bỗng trở nên yếu xìu, hay ngược lại, đang chơi vật vờ bỗng lột xác, đánh đâu thắng đấy. Lý do thật đơn giản: thay tướng đổi vận, xấu đi hay tốt lên. Ở đâu có trì trệ, ở đấy có chỉ đạo tồi. Và ngược lại.

Thế mới thấm thía rằng đá trên sân là quan trọng, nhưng đá ngoài sân – đá trên sa bàn, đá trong đầu ông huấn luyện viên còn quan trọng hơn nhiều. Quả đúng như cổ nhân đã dạy: Một người lo hơn cả kho người làm!

 “Bóng đá vị bóng đá”
“bóng đá vị túi tiền”

Năm 1986, sau khi đưa đội tuyển Argentina với Maradona huyền thoại lên ngôi vô địch thế giới, “ông Mũi to” Carlos Bilardo đã ném ra một nhận xét khá nghiêm túc: Đừng tưởng rằng bóng đá chỉ là trò chơi vô thưởng vô phạt, bóng đá còn mang đậm tính tư tưởng!

Lần theo diễn giải của ông, có thể tạm chia bóng đá thành: 1/ Loại “cấp tiến ” hướng về phục vụ niềm vui khán giả – “bóng đá vị bóng đá” và 2/ Loại “bảo thủ” chăm chăm hướng tới kết quả có lợi bằng bất cứ giá nào – thứ bóng đá thực dụng, “bóng đá vị túi tiền” các ông chủ.

 Loại thứ nhất tập trung nỗ lực nuôi dưỡng lối đá cống hiến, nặng về phô diễn kỹ thuật, luôn tìm mọi cách lao lên phía trước để ghi nhiều hơn đối thủ ít ra là một bàn thắng; họ sẵn sàng thua đẹp hơn là thắng xấu xí.

 Loại thứ hai lấy an toàn cho khung thành của mình làm mối quan tâm cao nhất, ra sức ngăn cản đối phương chơi bóng, dình dập chờ cơ hội đánh úp đối phương; may thì thắng, xấu nhất chỉ hòa. Nếu cả hai đội đều triển khai lối đá thực dụng này thì bóng sẽ loanh quanh ở giữa sân, ít có pha bóng nào làm thót tim khán giả. Khán giả thì ngán ngẩm buồn ngủ, nhưng đội bóng thì hài lòng vì kiếm được điểm, các ông chủ thì vui vì đội bóng của mình dễ chễm chệ ngồi cao trên bảng xếp hạng; tiền bản quyền truyền hình, tiền thưởng vì thế sẽ chảy về nhiều hơn. Nếu do vậy mà giành được quyền tham gia Cup châu Âu thì vài chục triệu bảng cầm chắc trong tay. Kể cũng khó trách những người theo đuổi triết lý bóng đá thực dụng “vị thành tích” này, bởi xét đến cùng, trên đời này chỉ có người chiến thắng được vinh danh còn kẻ chiến bại thì rơi vào quên lãng ! Thậm chí kẻ đoạt danh hiệu Á quân, về thứ nhì chung cuộc, cũng chỉ được coi là “nhà vô địch của những kẻ thất bại”!

Trong bóng đá cũng như ngoài cuộc đời vốn vẫn thường thấy điều trớ trêu như vậy – hồn nhiên bộc lộ hết những gì tốt đẹp trước đối thủ nhiều khi dễ bị phản đòn; kỹ càng che dấu điểm mạnh của mình để chớp thời cơ hạ gục đối phương có khi lại sớm đạt thành công. Các “pháo thủ thành London” Arcenal đá đẹp như thêu hoa dệt gấm mà đã 7 năm liền trắng tay. Chelsea thời J. Mourinho đá như ru ngủ đối phương, sẵn sàng bằng lòng với những chiến thắng xấu xí 1-0 thì đã từng 2 năm liền vô địch nước Anh. Có lẽ ngoại trừ FC Barcelona hiện nay, MU hay Real Madrid vào thời hoàng kim là có thể đạt tới đỉnh cao hòa hợp tuyệt vời: cùng lúc vừa đá đẹp, đá cống hiến, vừa đạt hiệu quả cao khi dễ dàng hạ gục đối phương với tỷ số đậm làm mãn nhãn người hâm mộ, làm hài lòng các ông chủ. Họ quả may mắn là “những kẻ lãng mạn cuối cùng” giữa thời buổi nơi nơi dậy mùi kim tiền…

 Thay cho lời kết: Điều gì có thể giết chết bóng đá?

 Trong thế giới bộn bề hôm nay bóng đá dường như ngày càng bành trướng ảnh hưởng của mình. World Cup lần sau thu hút đông người xem hơn World Cup lần trước. Khán giả tìm thêm niềm vui, ông chủ và nhà tổ chức hài lòng đếm thêm tiền, từ chính khách đến bình dân có thêm dịp xả stress đang quá dư thừa trong cuộc mưu danh, mưu lợi hay mưu sinh nhọc nhằn…

Ấy vậy mà không ít khi trên “đầu” bóng đá vẫn lửng lơ treo mối nguy bị khai tử. Điều gì có thể giết chết bóng đá?

Trước tiên là sự dàn xếp tỷ số từ thủ đoạn ăn to thắng lớn của các vòi bạch tuộc cá độ; là sự đi đêm mua bán điểm giữa các lãnh đội tìm kiếm thành tích thi đấu trên bàn chứ không phải ngoài sân. Không có gì làm mất niềm say mê bóng đá bằng hành vi dàn xếp móc ngoặc này. Còn nguyên trong ký ức người xem những vụ đi đêm rúng động làng túc cầu như các vụ bê bối Calciopoli ở Italia (từng khiến Juventus lừng danh bị tước danh hiệu vô địch 2006), ở Trung Quốc, Malaixia, ở Hàn Quốc và cả ở xứ ta mấy năm vừa qua. Hậu quả nhỡn tiền là khán giả quay lưng với sân cỏ, khán đài trở nên trống vắng mà bóng đá không còn khán giả là thứ bóng đá chết.

Thứ nữa là sự ngủ quên trên chiến thắng cũng có thể làm một đội bóng bị mất giá ghê gớm. Mới năm ngoái Inter Milan còn đoạt chức vô địch Ý và vô địch châu Âu; năm nay hầu như vẫn với những chiến binh ấy nhưng đã tự thỏa mãn, không còn mấy khát khao và hậu quả là bị rơi xuống nửa dưới bảng xếp hạng. Với tâm thế tự tin quá mức của đội từng 19 lần vô địch Anh, 25 trận liền bất bại, giành 19 thắng lợi liên tiếp trên sân nhà Old Trafford, ngày chúa nhựt 23/10 vừa rồi, MU đã nghênh đón gã “hàng xóm ồn ào” Mancity. Kết quả đến giờ vẫn còn làm choáng váng người hâm mộ – MU đã phải nhận một trận thua ê chề nhất trong lịch sử của mình với tỷ số của một set tennis ! Không kịp nhận thức rằng thời thế đã đổi thay, không biết mình biết người một cách thấu đáo, MU đã phải trả giá đau đớn.

Nếu sắp tới MU không chịu từ bỏ thói quen lấy truyền thống oanh liệt xa xưa để bào chữa cho sự sa sút hôm nay, không thoát được nỗi ám ảnh của cơn ác mộng khủng khiếp vừa qua thì không khó để họ rơi vào khủng hoảng, tuột dốc không phanh.

Thế mới biết sự đúng đắn tuyệt đối của chân lý nhiều lần được thực tế kiểm nghiệm: Một đội bóng, một huấn luyện viên ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không còn khát khao chiếm lĩnh đỉnh cao, sa vào thỏa mãn với chiến tích ngày xưa.

Say sưa, mê mải mài quá khứ hào hùng để mà nhâm nhi, để mà tự ngắm nghía là cách xóa sạch nhanh nhất ánh hào quang còn sót lại của bất cứ đội bóng nào, cho dù đó có là Manchester United !
 
 30 – 10 – 2011

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)