Philip Glass: Giữa đại chúng và sự biệt lập

Rút cục thì người ta bắt đầu nhìn nhận tài năng của Philip Glass, nhà soạn nhạc bậc thầy của trường phái Âm nhạc tối giản. Nhưng với ông, điều đó không đáng để bận tâm bởi ở tuổi 82, ông dành hết thời gian và tâm trí vào sáng tác những tác phẩm mới mẻ.


Philip Glass bàn bạc với nhà sản xuất về kế hoạch thu âm tác phẩm của mình.
Một bức tranh của Joan Mitchell – họa sĩ người Mỹ thuộc thế hệ thứ hai của trường phải biểu hiện trừu tượng lồng lộng hiện ra ở đầu cầu thang lớn tại Anderson Collection, bảo tàng nghệ thuật hiện đại của Đại học Stanford. Đó là một tác phẩm với những sắc màu tươi sáng được sơn phết một cách khác thường khắp tấm toan khổng lồ.
Vào một tối thứ hai cách đây không lâu tại Liên hoan Ngày và Đêm (Days and Nights Festival), chương trình thường niên giới thiệu tác phẩm đang trong tiến trình sáng tác của ông ở phía Nam Stanford, Philip Glass ngồi bên cây đàn piano được đặt giữa bức tranh này. Khi ông chơi các tác phẩm của chính mình, chúng có xu hướng bị hoen mờ như những nhát cọ của Mitchell. Nhịp điệu những tác phẩm này, nếu ở trong những đôi tay khác sẽ trở nên gần như lạnh lùng, lãnh đạm khi tuân theo chỉ dẫn một cách máy móc thì dưới đôi bàn tay ông, nó bắt đầu “nhòe” đi, âm nhạc hoàn toàn biến đổi theo một cách thức mới mẻ và tràn ngập cảm xúc. “Cái này được gọi là “Phần mở đầu”, ông nói với khán giả trong lúc giới thiệu một tác phẩm từ bộ “Glasswords” phát hành năm 1981 của mình. “Đôi khi nó được gọi là ‘Phần kết’, nếu chúng ta chơi nó ở cuối, ông nói thêm với vẻ hơi ngượng ngùng – trước tiếng cười có lẽ xuất phát từ sự thật là từ lâu, Glass đã có tiếng là sẵn sàng thay đổi những ý tưởng âm nhạc của mình.
Và có một tác phẩm khác của Glass đang mở ra cho chúng ta cũng là một phần kết khác – kết của một chùm tác phẩm trong sự nghiệp 50 năm sáng tác của nhà soạn nhạc này. Bộ ba tác phẩm kinh điển của ông trong các thập niên 1970 và 1980 cuối cùng đã được biểu diễn đầy đủ tại Metropolitan Opera: Einstein on the Beach (Einstein trên bờ biển), sử thi lịch sử của Glass, đã tới nhà hát Metropolitan năm 1976; một dàn dựng vở Satyagraha (Chấp trì Chân lý) của Metropolitan được mở màn vào năm 2008; và vở Akhnaten của ông sẽ trình diễn tại đó vào ngày 7/12/2019.
 
Được đánh giá đúng một cách muộn màng
 
Vài tuần sau sự kiện ở bảo tàng, khi được hỏi liệu ông có cảm thấy tự hào hay thậm chí là được khẳng định muộn màng đó không, ông nói: “Tôi cảm thấy ngạc nhiên, ngạc nhiên thật sự. Tôi đã có cả chuỗi opera sau đó, trong đó có một số thành công và một số khác ít thành công. Chắc chắn là tôi đã viết rất nhiều nhưng không có nhiều thời gian để tôi nhìn nhận lại chúng bởi đơn giản là tôi chỉ tiếp tục tiến lên.”

Ở tuổi 82, Glass đặc biệt ít nghiền ngẫm về quá khứ. Trên thực tế, ông đang trong quá trình cắt giảm lịch trình lưu diễn bận rộn của mình để có thể tập trung vào sáng tác với một tốc độ gần như phi thường – yếu tố biến ông thành hoặc là một kỳ nhân hoặc một điểm nút (punch line) của âm nhạc hiện đại. Nhưng Glass không còn tổ chức nhiều buổi hòa nhạc nữa, dẫu có nhiều người đều muốn đặt vé chương trình của ông.&nb

Tại Trung tâm Lincoln, nơi trong quá khứ đã từng “hắt hủi” âm nhạc của Glass, cũng tổ chức nhiều buổi hòa nhạc vào mùa thu này: ngoài dàn dựng Akhnaten còn có bản overture Vua Lear mới mở đầu mùa diễn với New York Philharmonic – dàn nhạc từng không chơi một nốt nhạc nào của ông trong một chương trình đặt vé trước và điều đó chỉ bắt đầu thay đổi từ năm 2017 (Ông đã đóng góp một bản tứ tấu dây cho dàn dựng sân khấu Broadway vở Vua Lear của Shakespeare hồi đầu năm nay).
Nhưng đến lúc nói về di sản của mình, và liệu những màn trình diễn nổi bật này có ý nghĩa gì đối với ông không thì ông lại ngần ngại. “Tôi là người thực tế,” Glass nói. Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong 10 năm tới. Chúng ta thậm chí không biết điều gì sẽ xảy ra sau khi ai đó qua đời. Chúng ta cần đợi cho đến khi tất cả những người biết họ cũng đã khuất bóng.”
Nếu đúng thế thì chúng ta sẽ phải đợi tới gần năm 2100 khi có thể đo đạc đầy đủ “vết tích” của Glass. Nhưng chúng ta có một số thứ có thể bắt đầu ngay bây giờ. Ông đã mở ra một chương mới trong lịch sử opera, đẩy xa các giới hạn của trường độ và sự trừu tượng trong biểu đạt. Vào thời điểm nhiều nhà soạn nhạc coi thường việc quá chú trọng khâu dàn dựng, Glass yêu cầu một cách khắt khe theo phong cách đặc biệt mà ông đã tạo ra, thiết lập một hình mẫu cho các nghệ sĩ nghiêm túc đang chuyển hướng từ nhà hát opera đến phòng hòa nhạc và xưởng phim, giành được cả hợp đồng với nhà hát Metropolitan lẫn các đề cử giải Oscars.
Nhưng nếu câu hỏi là liệu sau một thế kỷ nữa các vở opera của ông sẽ có những dàn dựng mới không, các bản giao hưởng của ông sẽ được thu âm thường xuyên hơn không, hay những nghệ sĩ piano sẽ chơi các étude của ông hay không thì lại là điều Glass ít quan tâm nhất. “Tôi sẽ không băn khoăn về tất cả những điều đó,” bậc thầy âm nhạc tối giản 82 tuổi nói. “Đối với tôi, điều đó không phải là vấn đề.”
Chuyến đi tới Ấn Độ vào cuối những năm 1960 dẫn ông tới việc thử nghiệm với những địa hạt thời gian kỳ vĩ được xây dựng từ những chất liệu tế bào nhỏ nhất và chậm biến đổi nhất. Và khi trở về, ông bị những tác phẩm tưởng chừng đơn giản, lặp đi lặp lại của Steve Reich, người chỉ hơn ông vài tháng tuổi, mê hoặc. Được nhóm hòa tấu Philip Glass Ensemble mới hình thành biểu diễn, các tác phẩm như Music in Similar Motion (1969), Music With Changing Parts (1970) và Music in Twelve Parts (1971-74) đã trở thành những khoảng mở rộng của sự lặp lại và biến đổi lạnh lùng. Những yếu tố đó lên đến đỉnh điểm trong Einstein on the Beach, một suy tư mơ mộng về khám phá khoa học, về những mối quan hệ của con người và ngày tận thế hạt nhân trong các giai đoạn bí ẩn. Vở diễn được Robert Wilson thiết kế và đạo diễn gần như khắc khổ theo phong cách tối giản với phần vũ đạo tràn ngập các xoáy lốc của Andrew de Groat, trong đó các vũ công đại diện cho các hạt nguyên tử đang chuyển động không ngừng.

Một cảnh trong vở Einstein on the Beach (Einstein trên bờ biển). 

Đôi khi những đổi mới mà ông thực hiện là do yêu cầu của hoàn cảnh, ví dụ bộ đồng trong Akhnaten nổi bật lên vì đoàn nghệ thuật đặt hàng tác phẩm này đang trong giai đoạn cải tạo nhà hát của mình ở Stuttgart, Đức, và các buổi biểu diễn diễn ra trong một không gian có hố nhạc nhỏ hơn nhiều. Glass hồi tưởng lại: “Vì vậy tôi đã nói, và thật điên rồ khi nói ra ‘hãy loại bỏ bè violin thứ nhất và thứ hai’. Thế mà chúng tôi vẫn ổn, tuy nhiên đó không phải là một kiệt tác phối cho dàn nhạc. Chỉ là tôi không có thêm không gian cho dàn nhạc.”

Bè viola giờ đây thay thế cho bè violin, âm thanh dịch xuống một quãng tám, và về tổng thể, âm nhạc sáng lấp lánh với âm thanh của bộ đồng, đôi khi bị ngắt quãng bởi tiếng khàn khàn của bộ gõ. Nhân vật chính, vị pharaoh Ai Cập được cho là người tiên phong theo thuyết độc thần được Glass đưa lên sân khấu ngay từ đầu. “Mình giới thiệu ông ta với khán giả theo cách nào đây để lần đầu tiên nghe ông ta, họ hiểu ông ta là một nhân vật hoàn toàn không thể tha thứ trong lịch sử Ai Cập, và họ phải tiêu diệt ông ta?” Glass nhớ lại việc ông tự hỏi chính mình. “Mình sẽ biến ông ta thành một giọng countertenor, để nghe có vẻ tự nhiên và cấp tiến. Ông ta chỉ là chính ông ta.”
 
Chung sống với sự nổi tiếng 
 
Nhịp điệu tràn đầy năng lượng trog tác phẩm biến ông thành tác giả yêu thích của các bản nhạc phim như The Truman Show (1998), The Hours (2002) và Notes on a Scandal (2006), qua đó đưa ông trở thành nổi tiếng với đại chúng.
“Thế giới đã bắt kịp âm nhạc của ông,” Richard Guérin, giám đốc Orange Mountain Music, hãng thu âm các tác phẩm âm nhạc của Glass  nói. “Âm thanh Philip Glass trở nên dễ nghe đối với khán giả đại chúng. Nếu hẳn dân New York khó tin rằng nhà soạn nhạc nổi tiếng với những bộ phim lớn của Hollywood lại là tác giả của Music in Twelve Parts. Nhưng về sâu thẳm thì ông phải là chính mình.”
Ông – và một đám những kẻ bắt chước phong cách của ông – đã sản sinh ra âm nhạc cho cả ngàn quảng cáo trên truyền hình. “Tôi đã làm các quảng cáo bóng đá; tôi đã làm tất cả mọi thứ”, Glass nói. “Thương mại và phi thương mại: Thái độ của tôi là cả hai đều giống nhau. Tại sao việc nhận một tờ séc hằng tuần từ trường đại học lại tốt hơn việc nhận tiền bản quyền? Dĩ nhiên tôi là một tác giả bán chạy. Tôi sẽ là gì khác nữa?”
Rốt cuộc, danh tiếng sau cùng của ông cũng có thể được thiết lập dựa trên các tác phẩm đầu tay viết cho nhóm hòa tấu của mình và những vở opera đầu tay. Gần 30 vở opera theo sau bộ ba vở ban đầu. Đó là một tập hợp tự nhiên với những thăng trầm; những điểm nổi bật – như Kepler (2009) u ám và The Perfect American (2013) mỉa mai, một giải phẫu sống về huyền thoại Walt Disney – cân bằng những nỗ lực nặng nề hơn như Appomattox (2007). Tháng trước, Liên hoan Ngày và Đêm mang đến buổi công diễn lần đầu một vở opera ngắn, hài hước và thấm thía ngấm ngầm – chỉ viết cho ba ca sĩ, đàn phím và đàn harp với kịch bản là một vở kịch phi lý của María Irene Fornés.
Âm nhạc viết cho piano độc tấu của Glass có lẽ thể hiện sức mạnh bền bỉ nhất, xuất hiện trong các chương trình độc tấu và các bản thu âm. Bản sonata piano đầu tiên của ông, được viết cho Maki Namekawa, được công diễn lần đầu vào tháng Bảy. Namekawa kể trong một email: “Chúng tôi đã trò chuyện về việc nó nương theo truyền thống bản sonata giọng Mi giáng trưởng được nhà soạn nhạc Joseph Haydn viết vào cuối đời, sau khi đã từ bỏ viết giao hưởng.”
Tiếng tăm và phong cách dễ nhận biết của Glass cuối cùng có thể khiến nhiều người thay đổi quan điểm, ví dụ như New York Philharmonic. “Tôi viết những tác phẩm đi trước thời đại của chúng, theo nghĩa đó là khán giả, ban giám đốc và các nhạc trưởng còn chưa sẵn sàng tiếp nhận,” Glass nói. “Nhưng điều đó đang thay đổi. Tôi có thể nói trên căn cứ từ ASCAP và BMI, các cơ quan cấp phép âm nhạc lớn”. Guérin và phần còn lại của đội ngũ Glass tập trung vào việc phát hành càng nhiều bản nhạc được thu âm càng tốt để đưa nó hòa nhập vào huyết mạch văn hóa đương đại. Họ cũng đang cố gắng để tác động một cách tinh tế đến việc tiếp nhận và lên chương trình, ví dụ nếu một dàn nhạc đang chơi Giao hưởng số 3 của Beethoven – bản “Eroica – Anh hùng ca” – họ có thể đề nghị ghép đôi nó với Giao hưởng số 4 của Glass với tiêu đề phụ là “Heroes – Những người hùng”.
Đội ngũ dễ nản lòng hơn ông về công tác tổ chức. “Tôi cảm thấy tức giận vì sự mắc kẹt quan điểm của những dàn nhạc,” Guérin nói. “Nhưng Philip bảo ‘Anh có thể cảm thấy khó chịu về những thứ này và không thể đánh bại ngay những đối thủ của mình. Những điều anh cần làm là chỉ cần đợi cho đến khi họ chết’”.
Nhưng chắc chắn một nhà soạn nhạc phải quan tâm, hoặc ít nhất là băn khoăn về số phận các tác phẩm của mình chứ? Thậm chí chỉ một chút thôi?
Glass mỉm cười.
“Lúc đó tôi sẽ không còn ở đây,” ông nói.□
Ngọc Anh dịch

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)