Phim ngắn Việt Nam, đi về đâu?

Cuộc thi Cánh Diều Vàng dành cho phim ngắn 2007 do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức và trao giải (từ 17-22/12/2007), đã để lại ít nhiều điều gây “tranh cãi” giữa người xem rồi người làm nghề và cả ở Hội đồng chấm giải, với nhau.

Lợi thế ở thể loại phim ngắn là sự thể nghiệm không-biên-giới những gì liên quan đến ngôn ngữ điện ảnh; bằng những ý niệm mang tính phá cách khó thể “chơi” ở phim dài! Những điều tưởng chừng mặc nhiên và cơ bản này, lại là vấn nạn hay vướng phải khi vẫn có nhiều người làm nghề đã làm phim ngắn theo kiểu… phim có thời lượng rút ngắn (!), mà không chú tâm đến luật của thể loại phim này. Trớ trêu hơn, một tỷ lệ không nhỏ về người chấm giải lẫn người xem đôi khi vẫn còn giữ cách lượng định về phim ngắn, theo quan niệm như vậy.

Nhìn từ phim không đoạt giải cao, vướng bận nỗi hoài nghi kép…
Ở cuộc thi Cánh Diều Vàng dành cho phim ngắn 2007, có lẽ đáng chú ý nhất lại là phim Hộp Quẹt Bật Lửa (đạo diễn Nguyễn Nhật Duy- Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội), dù phim chỉ đoạt giải Khuyến khích. Với 28 phút phim, ngay từ cảnh (scene) mở đầu đã tạo nên ấn tượng cực mạnh với một khung hình tĩnh, hoàn toàn không sử dụng động tác máy, kéo dài khoảng 13 phút. Điều này không là mới so với nhiều phim ngắn (hoặc ngay cả với phim dài) khác, trên thế giới. Đạo diễn bậc thầy người Iran là Abbas Kiarostami cũng đã từng thực hiện một phim khá độc đáo đến lạ lùng: Five Dedicated to Ozu (tên phim rút gọn: Five, năm 2003) để tưởng nhớ cố đạo diễn “bậc thầy của các bậc thầy” người Nhật Bản là Yasujiro Ozu (1903- 1963). Phim có độ dài 74 phút, nhưng lại chỉ có 5 cảnh. Mỗi cảnh cũng rất giản lược, gần như là khung hình tĩnh đến độ dễ gây cảm giác đơn điệu và nhàm chán với những khán giả quen xem phim của Hollywood. Lẽ đương nhiên, Five được tính toán để tạo nên độ nén của một cây cung được căng cứng cùng mũi tên đã lắp, sẵn sàng bắn thẳng vào tâm thức người thưởng ngoạn, theo ý đồ của người làm phim! Với Hộp Quẹt Bật Lửa, người xem nhìn thấy lẫn cảm nhận được đạo diễn 21 tuổi Nguyễn Nhật Duy đã cố gắng “thổi” vào phim của mình không khí câu chuyện phim và tâm trạng nhân vật, thông qua những thể nghiệm rất xác quyết về ngôn ngữ loại hình. Cách “gài” các câu thoại và chỉ đạo diễn xuất nén chặt cảm xúc thoát khỏi tính kịch thông thường hay gặp phải ở các phim Việt; cách “ép” đơn sắc hình ảnh trong cảnh quay để tạo nên không gian lẫn thời gian phi tuyến tính, nhằm tập trung cho cái nhìn của người xem về vẻ đẹp phía đàng sau câu chuyện phim… là các điểm ưu khó thể quên. Dẫu thế, phim cũng không tránh khỏi những lỗi va vấp của người làm phim đầu tay, như việc thu âm đồng bộ chưa chuẩn khiến phải chạy thêm phụ đề Việt để bổ trợ cho giọng nói diễn viên. Tuy vậy, đấy vẫn là sự thể hiện táo bạo và hiếm hoi trong cách kể, so với các phim ngắn Việt những năm gần đây. Đáng tiếc là Hộp Quẹt Bật Lửa bị phạm quy khi xây dựng một nhân vật hơi bị bất toàn về tư tưởng lại là một người công an viên, dù có tính cách và tâm trạng rất thật và rất con người, trong một hoàn cảnh sống. Về điểm này, có lẽ Hội đồng chấm giải đã quá thiên về một giải-pháp-an-toàn để rồi vô tình đánh đồng giữa ý tưởng thể nghiệm nghệ thuật và quan niệm nệ thực về đời thường, xoá trắng sự vượt trội của phim so với mặt bằng phim tham gia dự tranh. Nó gây nên một hệ luỵ kép, khi bản thân những người làm phim trẻ này bỗng trở nên hoài nghi về mức độ thể nghiệm nào là giới hạn (với Hội đồng chấm giải); còn người xem thì hoài nghi về mỹ cảm phim đoạt giải trong hệ thống chấm giải này!
Cùng trong “hoàn cảnh điển hình” này, cũng không thể không kể đến trường hợp chỉ được tặng Bằng khen của phim Sám Hối (đạo diễn Trần Lý Trí Tân, thời lượng 20 phút- Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh Tp. HCM). Đạo diễn trẻ này đã gửi tham gia dự thi với tổng cộng 3 phim, nhưng dù chỉ có một phim “lọt” vào vòng chung khảo 12 phim, đạo diễn trẻ này cũng bước đầu hé lộ một sự nhất quán về phong cách phim ngắn trong loạt phim dự thi của mình. Cũng như phim Gã (nữ đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, thời lượng 12 phút- Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh Tp. HCM, vào vòng chung khảo 12 phim), cả Sám HốiGã đều được người làm phim tính toán khá chắc tay trong từng cảnh quay, thể hiện qua ý thức dụng công về độ tĩnh- động của khung hình, góc máy lẫn tiết tấu chung của phim. Nếu Sám Hối sử dụng thủ pháp tương phản này thông qua động tác máy, đặc biệt là các đoạn ghi hình nhân vật nhà sư với tâm thế thật nhẩn nha đến an nhiên, dù đâu đó luôn phảng phất tinh thần làm phim bạo lực đến u uẩn của đạo diễn tài danh người Hàn Quốc là Kim Ki Duk; thì Gã cũng cho thấy sự chắt chiu của từng frame hình đắt giá, mang tính ẩn dụ cao (khung hình cận cảnh hai điếu thuốc truyền lửa cho nhau, giữa hai kẻ giang hồ sống vất vưỡng nơi lề đường hè phố), hay cách sử dụng thoại cho các nhân vật lúc tiết chế khi thả giàn! Những cách thức này phá vỡ sự hạn chế về tính đơn điệu (mono tone) vốn hay mắc phải ở các phim có kinh phí giới hạn (đặc biệt là của sinh viên); và ít nhiều tạo nên hiệu ứng cảm xúc ngầm nhưng không kém phần mãnh liệt, trong tâm trí nhiều-đối-tượng người xem.

Và điểm phim đoạt giải cao…

 
Cảnh trong phim Phương “Khùng”


Với 3 phim Cánh Diều Bạc dành cho phim ngắn 2007 kỳ này, có vẻ như Ảo Ảnh (đạo diễn Nguyễn Thế Vinh, thời lượng 20 phút- Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội) có cách kể chuyện với cấu trúc phức hợp nhất, thông qua lối dẫn dắt tự sự. Ngay từ Générique mở đầu phim, cách khai thác hình ảnh nhiều chiều về một nhân vật bất động, xen lẫn lối chạy chữ giới thiệu thành phần làm phim… đã nhanh chóng cuốn hút ánh nhìn người xem về một câu chuyện phim có phần hồi niệm đến kỳ ảo, trong một thực tại cũng không lấy gì làm cớ rõ ràng để có thể phân định được đâu là thực đâu là ảo! Một thế giới đối thoại hay độc thoại nội tâm được dựng lên từ hai bà cháu nhân vật, biết đâu chừng cũng được hình thành từ sự tưởng tượng và hoài cảm, từ chính khán giả? Một phá cách có độ chín đủ để nội dung câu chuyện hướng hoà hợp về tiêu đề tên phim, và ngược lại. Trong khi ấy, Bờ Bên Kia (đạo diễn Đinh Thái Thụy, thời lượng 30 phút- Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh Tp. HCM) xem chừng còn nhiều khập khiễng và hơi bị sống, dù được đầu tư khá nghiêm túc và qui mô về nhiều mặt (trong mặt bằng phim tham gia tranh giải). Mang hơi hướng của một phim dài, Bờ Bên Kia đã ôm đồm một câu chuyện lớn về kiếp người trong vòng tròn nhân sinh vay-trả từ lý thuyết của Phật giáo. Về điểm này, khá nhiều phim ngắn Việt Nam có cùng đề tài cũng đã rơi vào điểm nhược này: minh hoạ câu chuyện phim bằng cách áp đặt hình ảnh và lời thoại của một thời xưa xa nào đó. Cho dẫu là hình ảnh phim được trau truốt rất đẹp, với cảnh rừng-núi-suối-thác vô cùng “bắt mắt”! Rồi bản thân những người trẻ làm phim cũng chưa phải là có nhiều vốn sống, nên phần nhiều đành nóng vội  “vay mượn” từ những trước tác văn học mà thiếu đi sự tự thân trải nghiệm cần thiết. Và vì vậy, khi chuyển thể sang ngôn ngữ điện ảnh cũng vô tình đánh mất hơi thở cuộc sống, chỉ còn lại cái vỏ ngoài đẹp nhưng vô hồn! Bờ Bên Kia e rằng cũng chịu ảnh hưởng từ phong cách bạo lực và tính dục mạnh bạo của đạo diễn Hàn Quốc Kim Ki Duk, nên được “gửi” vào một cảnh phim rất “hot” (ở góc độ phim Việt). Chỉ tiếc là, “cảnh nóng” này đã không được nhấn nhá đúng điểm rơi tâm lý nhân vật, nên bị trôi tuột đi trong mạch phim! Lẽ đương nhiên, không thể phủ nhận tâm huyết cũng như nỗ lực muốn làm phim “cho ra phim” của người đạo diễn trẻ vùng quê Krong Ana (Đắc Lắc) này; khi anh phải thuyết phục cha mình, cùng cô bạn gái vào các vai diễn trong phim! Rồi cả việc cầm cố sổ đỏ căn nhà đang ở để thế chấp ngân hàng, lấy 30 triệu đồng làm phim có thời lượng đúng 30 phút! Trong khi ấy, bộ phim đầu tay của nữ hoàng nhạc Pop Madonna làm đạo diễn là Filth anh Wisdom (tạm dịch: Đê Tiện và Thông Thái), là một phim ngắn có thời lượng 45 phút; kinh phí thực hiện ước lượng khoảng 1 triệu USD vẫn chỉ đuợc xem là một phim kinh phí thấp! Một con số khiến những người làm phim Việt không khỏi chạnh lòng xót xa, cho dẫu mọi so sánh đều khó thể tương thích trong bối cảnh xã hội khác nhau.
Trong số những phim đoạt giải Cánh Diều Bạc này, Hoa cải về Trời (đạo diễn Lý Minh Thắng, thời lượng 15 phút- Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh Tp. HCM) được xem là một phim “đuối tầm” nhất! Phim có những đoạn hình ảnh đẹp theo kiểu “Viet Nam Discovery” và đậm chất “du lịch” lại được Hội đồng chấm giải ưu ái khen và chọn, để rồi lờ đi việc hình ảnh trong ngữ cảnh ấy phục vụ gì cho đường dây câu chuyện phim; hay mô típ thương tâm (một người mẹ vì hoàn cảnh phải bỏ rơi con mình) với những tình tiết lặp lại từ rất nhiều phim truyện khác (bỏ chạy trong tâm trạng bấn loạn, và bị… xe đụng!).

Cuộc thi Cánh Diều Vàng
dành cho phim ngắn 2007
Số lượng tác phẩm dự thi: 63
Phim Truyện: 50
Phim Tài liệu: 12
Phim Hoạt hình: 01
Thành phần Ban Giám Khảo:
NSƯT Nguyễn Thanh Vân (trưởng ban)
Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát
Đạo diễn Đào Bá Sơn
Đạo diễn Ngô Quang Hải
Quay phim Phạm Hoàng Nam
Lý luận- Phê bình điện ảnh Trần Thanh Tùng

Với phim Cánh Diều Vàng, Phương “Khùng” (đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, thời lượng 28 phút- Cao đẳng Sân khấu & Điện ảnh Tp. HCM) e rằng lại là một vấn đề đáng bàn khác (trong một dịp khác), bởi thể loại mà phim “chuyên chở” lại là Tài liệu- một thể loại khác hẳn phim Truyện, dù Phương “Khùng” vẫn là một phim ngắn (nếu tính theo thời lượng qui định). Liệu có thể “nhốt chung một rọ” giữa hai thể loại khác nhau, khi cùng chấm giải?

Châu Quang Phước

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)