Phương án giao thông có nhiều, di tích ngàn tuổi chỉ có một
TS Nguyễn Hồng Kiên, người phụ trách khai quật khảo cổ học di tích Đàn Xã Tắc cho rằng, lấp di tích đi, làm đường qua đã là một bước lùi, nhưng dù sao thì các di tích vẫn còn nguyên bên dưới con đường. Nếu làm cầu vượt, các móng của các mố cầu sẽ phá nát di tích đang được tạm lấp cát để làm đường qua.
Ông đánh giá thế nào về cuộc tọa đàm sáng 8/5?
Trước hết, tôi xin cảm ơn tạp chí Tia Sáng và Không gian Sáng tạo Trung Nguyên đã tổ chức cuộc tọa đàm này. Tôi cho rằng việc tổ chức những cuộc tọa đàm tương tự rất nên duy trì và phát triển.
Với mục đích cung cấp thông tin khoa học, chính xác và chính thống cho tất cả những ai quan tâm, cuộc tọa đàm đã thành công.
Hầu hết cử tọa hôm 8/5 đều đã hiểu được công cuộc khai quật và nghiên cứu là một việc khoa học bài bản, chứ không phải là chuyện đùa vui. Hầu hết đều đã thấy di tích Đàn Xã Tắc Thăng Long đáng được bảo vệ. Thậm chí, có người trước đó từng phủ nhận việc đã phát hiện được di tích Đàn Xã Tắc Thăng Long và ủng hộ việc xây cầu vượt qua đây cũng đã phát biểu rằng: Đó là một di tích đã được xếp hạng thì cần phải được bảo vệ.
Xin được nhắc lại ba việc:
Thứ nhất, sau cuộc khai quật kéo dài từ 30/10/2006 đến 25/12/2006, các đồng nghiệp và tôi đã phải báo cáo trước các hội nghị khoa học gồm các chuyên gia đầu ngành về khoa học Lịch sử và Văn hóa.
Thứ hai, hội thảo khoa học ngày 18/1/2007 do UBND thành phố Hà Nội tổ chức, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND Hà Nội bấy giờ là ông Nguyễn Quốc Triệu, GS. TS. Đỗ Hoài Nam Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội), GS. Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử) đã nhất trí kết luận: “Địa điểm thăm dò khảo cổ đúng là khu vực đàn Xã Tắc Thăng Long có niên đại kéo dài suốt từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII”. (Báo cáo số 07/BC-UBND ngày 27/1/2007 của UBND Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ.)
Thứ ba, hồ sơ khoa học về di tích này đã được lập và một năm sau khi kết thúc khai quật, ngày 07/12/2007 Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch mới có quyết định số 15/2007/QĐ-BVHTTDL xếp hạng khu di tích khảo cổ học đàn tế Xã Tắc là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tại tọa đàm, chỉ còn ba ý kiến vẫn bảo lưu quan điểm “chưa tìm thấy di tích nên không cần bảo vệ”. Tuy nhiên, họ đã đến dự tọa đàm không để trao đổi, nên ngay sau khi phát biểu đều bỏ về ngay. Vì vậy, dù được một số báo đề nghị, tôi thấy không cần trao đổi với họ nhiều hơn nữa.
Sau buổi tọa đàm, một vài vị vẫn tiếp tục lên báo nói về những điều không thuộc chuyên môn của họ, tiếp tục làm độc giả hiểu sai vấn đề. Họ và các báo tiếp tục đăng những ý kiến như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin sai.
Tuy nhiên, có ý kiến bày tỏ thất vọng khi cuộc tọa đàm không đưa ra được một kết luận?
Nói như vậy là đã hiểu sai về mục đích, ý nghĩa của một buổi tọa đàm.
Ban tổ chức cuộc tọa đàm muốn tôi cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ hơn cho mọi người, trong tư cách người phụ trách cuộc khai quật. Vì vậy, khi thuyết trình, tôi đã chủ động giới thiệu đầy đủ, nhưng ngắn gọn để dành thời gian cho trao đổi.
Cuộc tọa đàm này không nhằm (và không thể) đưa ra bất cứ kết luận nào. Ban tổ chức, những người tham dự và cá nhân tôi không phải là cơ quan quản lý nhà nước, để làm điều đó. Trên cơ sở thuyết trình và những trao đổi, những người dự tọa đàm hôm đó sẽ tự có “kết luận” của mình.
Tuy nhiên, tôi cho rằng tọa đàm đã có một “kết quả” không chính thức khi ý kiến chung đều thống nhất: Di tích Đàn Xã Tắc Thăng Long đáng được bảo vệ. Còn kết luận về việc sẽ tiếp tục bảo tồn di tích này như thế nào, xây hay không xây cầu vượt qua đây phải do UBND TP Hà Nội quyết định.
Phát biểu gần cuối, tôi đã trích dẫn bài viết Xây cầu tại khu vực đàn Xã Tắc: Nhìn từ vị trí của cha ông trên báo Nhân Dân điện tử ngày thứ Năm, 25/04/2013. Xin được dẫn lại:
“Vấn đề xây dựng cầu vượt tại ngã năm Ô Chợ Dừa tại Hà Nội đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Hiện, mỗi người có một lý lẽ riêng để bảo vệ quan điểm của mình. Nhưng liệu đã có ai thử nhìn vấn đề từ vị trí của cha ông?
Chúng ta không thể mời tổ tiên lên để cật vấn. Nhưng chúng ta thử hình dung: Những công trình quan trọng bậc nhất của chúng ta hôm nay, gồm cả những công trình tâm linh một vài ngàn năm nữa có thể cũng thành phế tích, chôn vùi dưới những lớp đất sâu. Con cháu chúng ta tình cờ đào lên.
Chúng ta sẽ mong muốn con cháu chúng ta ứng xử thế nào với những di tích mà hiện giờ đang là những thứ quan trọng bậc nhất của chúng ta?
Nếu trả lời được câu hỏi này, hẳn câu hỏi cho giải pháp xây dựng nút giao thông Ô Chợ Dừa sẽ cũng tìm được câu trả lời.”
Vậy nếu việc xây cầu vượt vẫn được tiến hành thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến di tích Đàn Xã Tắc?
Xin dẫn điều 32 (luật Di sản sửa đổi bổ xung năm 2009):
“1. Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm:
a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích;
b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I.
…
3. Khu vực bảo vệ I phải được bải vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian.”
Việc xây cầu vượt sẽ không chỉ hủy hoại một di tích cụ thể này mà còn tạo ra một tiền lệ xâm hại các di tích lịch sử đã được xếp hạng.
Tuy vậy, tôi vẫn tin là những người có trách nhiệm sẽ có quyết định đúng đắn vì rõ ràng nếu làm cầu vượt tại đây sẽ là vi phạm luật Di sản.
Lấp di tích đi, làm đường qua đã là một bước lùi, nhưng dù sao thì các di tích vẫn còn nguyên bên dưới con đường. Nếu làm cầu vượt, các móng của các mố cầu sẽ phá nát di tích đang được tạm lấp cát để làm đường qua.
Về mặt giao thông, tôi đã nói ngay từ năm 2007, rằng việc lập thêm một ngã tư quá gần một ngã năm chắc chắn sẽ gây ách tắc.
Đáng nhắc lại một việc: Ông Nguyễn Quốc Triệu (bấy giờ là Chủ tịch UBND Hà Nội) đã kết luận hội thảo khoa học về Đàn Xã Tắc vào sáng 18/1/2007 như sau: “Khẳng định di tích là Đàn Xã Tắc; Thống nhất bảo tồn di tích, cụ thể là xây đường tách ra hai bên di tích…”.
Nếu kết luận đó được thực hiện thì vấn đề đã được giải quyết từ năm 2007, chứ không phải bây giờ. Nhưng bây giờ không làm thì càng về sau sẽ càng tốn kém gấp bội.
Phương án giao thông có thể có rất nhiều, có thể thay đổi; nhưng di tích ngàn năm tuổi thì là duy nhất và là thứ không thể tái tạo!
Xin cảm ơn ông!
PV thực hiện