Phương Đông lướt ngoài cửa sổ
Không phải ngẫu nhiên khi nhật báo Telegraph đánh giá Phương Đông lướt ngoài cửa sổ* là một trong 20 cuốn sách du ký hay nhất mọi thời đại. Đó là một cuộc hành trình sâu thẳm vào trong lòng phương Đông, để khám phá cả vẻ đẹp lẫn cái nhếch nhác của nó, cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi u buồn của nó.
Có nhiều điều làm nên sức hấp dẫn của Phương Đông lướt ngoài cửa sổ. Trước hết là những khoảnh khắc đẹp mà tác giả bắt được, hoặc giản dị, đơn sơ hoặc lộng lẫy, huy hoàng, nhưng đều tràn đầy cảm hứng về cuộc sống Châu Á.
Khi con tàu băng đèo Hải Vân, Theroux thú nhận, trong tất cả những nơi tàu hỏa đã đưa ông qua thì đây là cảnh tượng thơ mộng nhất: “Chúng tôi đang đi trên viền một vùng vịnh màu xanh lá cây lung linh tươi sáng trong ánh nắng. Trên mảng biển nhấp nhô màu ngọc bích, những một vách đá nhô ra, và cảnh tượng một thung lũng rộng lớn tới mức cùng một lúc chứa đựng được cả ánh mặt trời, khói, mưa và mây – những khối màu độc lập. Tôi không thể ngờ lại được gặp một cảnh đẹp như thế này…” |
Nhưng không chỉ mô tả những hình ảnh đẹp và thú vị, Theroux còn có khả năng quan sát sắc sảo và đưa ra những nhận định “đọc vị” về vùng đất hay quốc gia nào đó, dù ông chỉ dừng lại đó trong khoảng thời gian ngắn ngủi, vài phút hoặc cùng lắm một tuần. Khả năng nhìn sâu được vào bản chất của hiện tượng của Theroux cho thấy cả một đầu óc tinh tường lẫn bề dày tri thức.
Đến thủ đô Teheran của Iran, Theroux nhận ra nỗi ám ảnh tình dục trong xã hội của họ, sự giàu có vênh lệch với những tín điều tôn giáo khắt khe: “Tiền đã kéo đàn ông Iran đi theo một hướng, tôn giáo kéo họ sang hướng khác và kết quả là biến họ thành những sinh vật đói khát ngu ngốc, coi phụ nữ như miếng thịt.” Ấn Độ mang bi kịch của một đất nước quá đông dân, và hình ảnh hàng trăm thân người trần trụi nằm ngủ trên vỉa hè khiến Theroux nhức nhối, ông chia sẻ ý kiến của Mark Twain về người Ấn Độ: “Đối với họ, mọi thứ trên đời đều thiêng liêng ngoại trừ đời sống con người.” Theroux có thể ngửi ra mùi của Thái Lan, và ông so sánh: “Nếu như Calcutta dậy mùi của cái chết và Bombay dậy mùi tiền, thì Băng Cốc dậy mùi tình dục, nhưng thứ hương vị nhục dục này lại trộn lẫn với những mùi chết chóc và tiền bạc rõ rệt hơn.” Còn Nhật Bản làm Theroux choáng váng với màn tập thể dục lúc 3 giờ chiều ở đồng loạt ở các công sở, ông nhận ra người Nhật đang trở thành những người máy tí hon, và nước Nhật đang trở nên kiệt quệ cảm xúc. Và đấy hình như là căn nguyên của la liệt những sản phẩm sách báo, phim ảnh, sân khấu quái gở về tình dục nơi đây, “…người Nhật, những công nhân không biết mệt mỏi trong nhà máy, đã đạt đến một điểm kiệt quệ về tình dục khiến họ hứng thú xem cái hành động đó qua tinh chế hơn là tự mình thể hiện. Và điều đó, như trong rất nhiều thứ khác, là sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với sự suy đồi văn hóa của Nhật Bản.”
Thứ nữa phải kể đến khả năng khắc họa chân dung những bạn đồng hành của Paul trên chuyến tàu, những người có lẽ ông không bao giờ gặp lại lần thứ hai. Dựa trên những mảnh cuộc đời, những câu chuyện kể còn bỏ lửng, ông đã phác chân dung của họ với những nét sắc, đầy ám ảnh, từ đó có thể hình dung ra cả số phận của con người ấy, hay thậm chí số phận của cả một nhóm người, một dân tộc.
Đó là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Yashar nồng nhiệt, thân ái, và ngây thơ, coi ngôn ngữ của đất nước ông mới là thiêng liêng, còn tiếng Anh, Pháp Đức đều là tiếng mọi. Anh kỹ sư người Anh làm giám sát xây dựng ở vùng núi Iran buồn tẻ nhiều năm trời, chỉ thèm khát một bạn tình, nhưng Theroux dự đoán số phận của anh ta: “Anh kỹ sư buồn sẽ không bao giờ quay lại Anh; sẽ trở thành một trong những người tha hương già cỗi đang lẩn trốn ở những vùng miền hẻo lánh, với nỗi thương cảm kỳ cục, một sự yếu đuối với tôn giáo địa phương và một cơn phẫn nộ vô lý.” Là một anh chàng Ấn Độ lớn lên ở London nhưng căm ghét London vì bị phân biệt chủng tộc, song anh ta lại không nói được tiếng Ấn, cha mẹ đã chết và không biết đường về Bombay: “Anh ta là một trong những hệ quả bất thường của chế độ thuộc địa, thừa nhận rằng mình mang chất Anh nhiều hơn, nhưng với anh ta thật khó sống ở đất nước duy nhất mà anh ta hiểu rõ.” Là người đàn ông người Nga què chân, bị bắn khi đánh nhau với quân Đức ở Kiev, nói năng như đinh đóng cột: “Chủ nghĩa tư bản xấu xa, chủ nghĩa xã hội tốt”. Hoặc anh chàng Vladimir hay trích dẫn thơ Pushkin hoặc Mayakovsky, khiến Theroux phát hiện ra sự cuồng tín đầy cảm tính ở những người Nga mình đã gặp, và theo ông “chính lối hành xử bốc đồng này đã duy trì Liên Xô”…
Những chân dung cụ thể đã góp lại thành bức tranh lớn về đời sống hiện sinh của con người, về thân phận con người, về kiếp người. Dù ở những quốc gia nghèo đói và bất ổn, hay ở những quốc gia hiện đại, phát triển, con người dường như vẫn loay hoay đi tìm lẽ sống, tìm chân lý cho mình, bằng miếng ăn, bằng tôn giáo, bằng chiến tranh, bằng công nghệ hiện đại, bằng tình dục, bằng chính trị. Và qua đó con người bộc lộ tất cả những khốn quẫn, ảo vọng, sự ngây thơ, nỗi điên cuồng của nó, nhìn chung nó bé nhỏ và tội nghiệp trong thế giới bao la.
Chuyến đi cũng là một hành trình nội tâm, khám phá bản thân của tác giả. Theroux đã trải qua biết bao những cung bậc cảm xúc mà nếu như không lên đường, ông sẽ chẳng bao giờ biết được. Khởi đầu ông đã “đê mê với cảm giác Châu Á đang lướt đi dưới bánh tàu”, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Có những hình ảnh khiến ông nhói tim, có những hình ảnh khiến ông chua chát, có những bạn đồng hành khiến ông căm ghét, có những sự việc khiến ông ngạc nhiên…Ròng rã bốn tháng trời với những cuộc “hành” nội tâm như thế không phải là điều dễ chịu, và chuyến đi thực sự là cuộc dấn thân.
Phương Đông lướt ngoài cửa sổ đầy những khám phá chân thực, như có thể nghe được, chạm vào, ngửi thấy. Gấp lại cuốn sách, hình ảnh những con tàu như vẫn đang chuyển động không ngừng. Theroux quả thực đã khơi dậy trong ta nỗi khao khát một ngày nào đó bỏ lại sau lưng cuộc sống bé nhỏ và cũ mòn, quăng mình lên tàu, để ngắm phương Đông lướt bên ngoài cửa sổ…
Paul Theroux (sinh 1941 tại Massachusetts, Mỹ) được coi là một trong những nhà văn viết thể loại du ký thành công nhất, với các tựa sách như Dark Star Safari, Riding the Iron Rooster, The Old Patagonian Express, The Elephanta Suite… Theroux từng tự mô tả gọn về mình trong bảy từ là: “Ngạc nhiên, vui sướng, may mắn, kín đáo, thân mật, nhiệt thành và Mỹ”. |
—
* Nhã Nam và NXB Thế giới ấn hành, 8/2012