Phương thức chuyển giao quyền lực: Vụ ám sát Đinh Bộ Lĩnh

Vụ ám sát cha con Đinh Bộ Lĩnh của Đỗ Thích trước nay đã có một số cách giải thích khác nhau, nhưng dường như chỉ có một cách được chấp nhận rộng rãi, theo đó việc Đỗ Thích hành thích họ Đinh là một hành động “đê tiện” và việc Thái hậu họ Dương khoác long bào cho Lê Hoàn được coi là hành động “cao quý”

Bà được coi như là một biểu tượng của lòng yêu nước: “Lúc bấy giờ, tình hình đất nước vô cùng nguy ngập. Bên ngoài thì phong kiến phương Bắc sửa soạn đại binh sang xâm lược, bên trong các triều thần phân liệt, tranh chấp quyền lực gay gắt, nguy cơ nổ ra nội chiến lớn cận kề. Với tầm nhìn xa trông rộng, Thái hậu Dương Vân Nga thấy rõ chỉ có Thập đạo tướng quân Lê Hoàn là người có khả năng đứng ra lãnh đạo đất nước, có thể ổn định và giữ vững nền độc lập thống nhất non trẻ của Đại Cồ Việt. Bởi vậy, bà quyết định cùng triều thần tôn Lê Hoàn lên làm vua.”2 Bài viết này sẽ thuật lại các giả thuyết từng được đề cập, cũng như đưa ra kiến giải riêng về sự kiện này.

Từ sử liệu trong Toàn thư…

Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) ghi chép sự việc này như sau: Mùa đông, tháng mười, Chi hậu nội nhân Đỗ Thích giết vua ở sân cung. Bọn Đinh quốc công Nguyễn Bặc bắt được đem giết. Trước đó Đỗ Thích làm chức lại ở Đồng Quan, đêm nằm trên cầu, bỗng thấy sao sa rơi vào miệng, Thích cho là điềm tốt, bèn nảy ra ý định giết vua. Đến đây, nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn. Khi ấy lệnh lùng bắt hung thủ rất gấp, Thích phải lén núp ở máng nước trong cung qua ba ngày, khát lắm, gặp lúc trời mưa thò tay hứng nước uống, cung nữ trông thấy liền đi báo. Đinh quốc công Nguyễn Bặc sai người bắt đem chém, đập nát xương, băm thịt ra từng mảnh, chia cho người trong nước ăn, chẳng ai không tranh lấy mà nhai nuốt. Ngày trước, khi vua còn hàn vi, thường đánh cá ở sông Giao Thủy, kéo lưới được viên ngọc khuê to nhưng va vào mũi thuyền, sứt mất một góc. Đêm ấy vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, giấu ngọc ở dưới đáy giỏ cá, đợi sáng ra chợ bán cá. Bấy giờ vua đang ngủ say, trong giỏ có ánh sáng lạ, nhà sư chùa ấy gọi dậy hỏi duyên cớ, vua nói thực và lấy ngọc khuê cho xem. Sư than rằng: “Anh ngày sau phú quý không thể nói hết, chỉ tiếc phúc không được dài”3.

Trong đoạn trên, hung thủ, động cơ, thời điểm, thời gian, không gian… của vụ ám sát được ghi chép khá cặn kẽ. Từ những ghi chép trên, một số người mặc nhiên công nhận người hành thích cha con họ Đinh là Đỗ Thích.

Tạ Chí Đại Trường trong cuốn Bài sử khác cho Việt Nam đã đồng thuận với Toàn thư mà cho rằng đây là một “cuộc bạo hành đơn lẻ” với những động cơ mơ hồ mang đầy tính huyền hoặc của nó, để đến khi Nguyễn Bặc giết được Đỗ Thích thì “người dân đương thời lại quan tâm đến ngôi sao trong mình Đỗ Thích, nên giành lấy những mảnh thịt băm ấy mà ăn, để mong hưởng chút ân sủng của Thiêng liêng”4.

Pôliacốp thì miêu tả khách quan hơn, rằng Đỗ Thích giết họ Đinh vì muốn âm mưu cướp ngôi5. Nhưng ông không giải thích được sự manh động đơn lẻ cũng như cái chết của nhân vật này.

Tuy nhiên, việc giám định cho đoạn sử liệu trích dẫn ở trên hầu như lại chưa được thực hiện. Chúng ta có thể thấy hàng loạt những thông tin “phi sử liệu” đã được cài cắm. Như chúng tôi đã từng chứng minh, Toàn thư được biên soạn trên tư duy đa nguyên văn – sử – triết bất phân của thời Trung đại. Việc các tác giả Toàn thư đã sưu tập huyền thoại, chuyện kể, tác phẩm truyền kỳ, tin đồn dân gian vào công trình của mình, khiến cho tác phẩm này trở thành cái bẫy lớn cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử. Để giải thích cho cuộc hành thích đơn lẻ của Đỗ Thích, người ta sáng tác ra câu chuyện “nuốt sao” với “giấc mộng đế vương”. Để giải thích cho sự tồn tại ngắn ngủi của nhà Đinh, người ta cũng sáng tác ra “chuyện ngọc khuê bị sứt” (như Toàn thư) hay chuyện “đeo kiếm cổ ngựa của ông thầy địa lý Tàu“ (như Lĩnh Nam chích quái). Để giải thích cho việc họ Lê sẽ lên thay họ Đinh, Toàn thư cũng chép lại một bài sấm ngữ được cho là sáng tác trước đó năm năm (974): “Đỗ Thích giết hai Đinh, nhà Lê nổi thánh minh, đánh nhau nhiều người chết, đường sá người vắng tanh.”6 Tuy nhiên, với chúng tôi, thì việc sáng tác sấm ngữ thời xưa chỉ là hành động chính trị của những thế lực nhằm “chính thức hóa” sự lên ngôi của mình bằng một định đề huyền bí: số trời (chữ của Toàn thư). Giả sử, nếu như bài sấm đó bắt đầu xuất hiện vào năm 974 đi nữa, thì đối tượng để Đinh Bộ Lĩnh “xử tử” đầu tiên chính là Đỗ Thích và những người mang họ Lê, mà có thế lực nhất thời bấy giờ chính là… Lê Hoàn – Thập đạo tướng quân. Vì thế có thể khẳng định, bài sấm này được sáng tác để tung vào dân gian ngay sau cuộc hành thích, hoặc như lời giải thích của chính Tạ Chí Đại Trường thì bài sấm có thể là do các “sử gia tăng lục”7 của nhà Lê sáng tác sau này. Đọc đến đây, quý vị hẳn đã mường tượng ra một âm mưu chính trị mà không ít người đã từng nghĩ tới.

…đến giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát Đinh Bộ Lĩnh“

 Sử liệu đầu tiên đề cập giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát Đinh Bộ Lĩnh” là ghi chép của Thẩm Quát trong Mộng khê bút đàm được viết vào năm 1093 – sớm hơn Toàn thư 400 đến 600 năm. Bộ sử này ghi như sau: “thổ nhân Lê Uy giết Liễn tự lập” (土人黎威殺璉自立)8. Lê Uy tức Lê Hoàn9.

Như ta biết, sau khi xảy ra vụ ám sát, Đinh Toàn lên ngôi, Lê Hoàn tự xưng làm phó vương. Các quan đầu triều nhà Đinh là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp ngờ Lê Hoàn “làm điều bất lợi cho vua nhỏ”, cùng nhau dấy binh về Hoa Lư, nhưng đều bị Lê Hoàn giết. Lê Hoàn mắng Nguyễn Bặc trước khi chém đầu Bặc, rằng: “Tiên đế mắc nạn, thần người đều căm thẹn. Ngươi là tôi con lại nhân lúc tang tóc bối rối mà dấy quân bội nghĩa. Chức phận tôi con có đâu như thế?” (Toàn thư, tr.216). Sử gia Ngô Sĩ Liên đã có lời bình luận sắc sảo rằng: “Bọn họ khởi binh không phải làm loạn, mà là một lòng phù tá nhà Đinh, vì giết Hoàn không được mà phải chết, ấy là chết đúng chỗ. Nay xem lời Đại Hành kể tội Nguyễn Bặc tựa như vạch tội mình (TTD nhấn mạnh). Khi Bặc chết, ắt phải có nói một lời để bày tỏ chính nghĩa, nhưng không thấy sử chép, thế là bỏ sót.” (Toàn thư, tr.216)

Năm 1996, Mai Khắc Ứng viết “Những người viết sử xưa đơn giản hóa sự cố này: chỉ bởi một giấc mơ hão huyền mà Đỗ Thích trở thành tên sát nhân. Đằng sau Đỗ Thích còn ai không? Tại sao khi Lê Hoàn thế chân thì quân Tống lại can thiệp?”10. Đồng thuận với giả thuyết trên, năm 1997, Đinh Công Vỹ đã công bố một số tài liệu tại Hoa Lư để giải thích cho sự kiện này. Ví dụ, cuốn Hoa Lư tự sự (Vân Sàng truyện) có ghi một đoạn thơ Nôm như sau:

Dương Thị Vân phản bội chồng
Từ lâu vốn đã tư thông Lê Hoàn
Đặt mưu hiểm, lập chước gian
Đầu độc giết chết Tiên Hoàng cha con
Đỗ Thích tri nội hậu quan
Đi tuần về thấy tâm can hãi hùng
Nhẩy ngay lên mái điện rồng
Bụng đói miệng khát long đong ba ngày
Trời mưa hứng nước giơ tay
Triều đình hô hóan lôi ngay xuống đình
Đổ cho tội thí Đinh Đinh
Để Lê gia xuất thánh minh trị vì.11

Năm 2013, giả thuyết “Lê Hoàn mưu sát cha con Đinh Bộ Lĩnh – Đinh Liễn”, được GS Keith Weller Taylor nhắc lại trong cuốn “A History of Vietnamese”. Ông viết như sau: “Tên thích khách, như được miêu tả, vốn mê muội bởi những điềm triệu báo rằng sẽ lên ngôi vua, (hắn) đã nhanh chóng bị bắt, giết và ăn thịt trong bối cảnh bất thường của tục ăn thịt người. Chúng ta không biết nhiều về quyền lực chính trị của gia tộc họ Đinh, nhưng đằng sau sự kiện này có lẽ còn ẩn chứa sự đối kháng giữa các phe cánh ngoại thích và thậm chí cả mưu đồ của Lê Hoàn cùng Dương Vân Nga – bà hoàng hậu có đứa con sống sót – người được tin rằng đã có tư tình với Lê Hoàn trước khi Đinh Bộ Lĩnh chết.”12

Như vậy là, sự suy luận độc lập của Taylor và các tác giả khác cùng với những sử liệu quan phương và tư liệu dân gian tại Ninh Bình khiến ta nghĩ đến một âm mưu chuyển giao quyền lực từ Đinh sang Lê. Âm mưu ấy cụ thể ra rao, chúng tôi xin được triển khai ở phần tiếp theo.

Át chủ bài của một âm mưu cung đình

Đến đây có thể đi đến nhận định như sau. (1) Đỗ Thích là kẻ được cho là thích khách (có thể là bị thí tốt, hoặc ngẫu nhiên chết oan, hai khả năng là 50/5013). (2) Người được lợi nhất trong cuộc hành thích này chính là Lê Hoàn.

Còn một câu hỏi quan trọng cần được cân nhắc ở đây. Vì sao Đinh Toàn, đứa con trai của Hoàng hậu họ Dương và Đinh Bộ Lĩnh, không bị giết? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng tôi muốn dẫn một số sử liệu từ Toàn thư.

Sử liệu 1: Khi Đinh Bộ Lĩnh bị giết, Đinh Toàn mới 5 tuổi [sinh năm 974] (tr.215).

Sử liệu 2: Đinh Toàn lên ngôi năm 6 tuổi, Lê Hoàn nhiếp chính, tự xưng là Phó Vương (tr.215).

Sử liệu 3: Thái hậu Dương khoác áo long cổn cho Lê Hoàn lên ngôi, giáng phong Đinh Toàn làm Vệ Vương (tr.217).

Sử liệu 4: Nhà Tống cho đòi hai mẹ con (Dương Thái hậu và Đinh Toàn) sang Bắc quy phụ, đó là điều kiện để “trao cờ tiết” cho Lê Hoàn, nhưng Lê Hoàn không nghe. (tr.219). Như ta biết việc này đã dẫn đến chiến tranh với Tống.

Sử liệu 5: năm 982, lập Dương thị làm Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Ngô Sĩ Liên bình: “Đại Hành thông dâm với vợ vua, đến chỗ nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu, mất cả lòng biết hổ thẹn.” (tr.222).

Sử liệu 6: năm 1001, đi đánh giặc Cử Long,…, vua cũ [nhà Đinh] là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua [Lê Hoàn] kêu trời ba tiếng (TTD nhấn mạnh) rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ (tr.230).

Sử liệu 4 và 6 là vô cùng quan trọng, nhưng trước nay hầu như không được để ý đến. Từ những sử liệu trên, chúng ta có thể đi đến một số kết luận: (1) Lê Hoàn đã tư thông với Dương hậu từ trước năm 979 (xét, Lê Hoàn làm Thập đạo tướng quân, có quyền tự do ra vào cung cấm)14. Điều đó có nghĩa là (2) Đinh Toàn có khả năng cao chính là con đẻ của Dương hậu và Lê Hoàn. Đây chính là điểm mấu chốt quan trọng nhất mà các nghiên cứu trước đây chưa từng nghĩ đến. (3) Đinh Toàn sinh năm 974, như vậy việc tư thông phải có trước thời điểm này. (4) Nhà Tống dường như đã đọc được mối quan hệ ngầm trong hoàng cung Đại Cồ Việt nên đã vờ ra một “phép thử” tinh tế để có cớ xâm lăng. Dĩ nhiên, Lê Hoàn không thể đem hai mẹ con Dương hậu (hai con át chủ bài của cuộc đời) để lĩnh tiết việt. Lê Hoàn lên ngôi là việc đã xong, và việc đánh Tống là điều không thể tránh. Được hay mất, công hay tội, sống hay chết chính ở nước cờ cuối cùng này. Như ta biết, với chiến thắng chống Tống – chiến thắng lớn nhất trước đế chế đầu tiên của phương Bắc trong thế kỷ X, Lê Hoàn đã có tư cách của người chiến thắng để viết nên lịch sử của Đại Cồ Việt và lịch sử của đời mình.

Có thể nói, việc tư tình cùng những mâu thuẫn cung đình đã dẫn đến âm mưu chính trị. Triều đình nhà Đinh từ năm 979 trở về trước có thể đã được chia làm hai phe một cách ngấm ngầm. Phe thuộc về Đinh Bộ Lĩnh gồm Đinh Liễn, Hạng Lang, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp và hai dòng ngoại thích của Liễn – Lang… – đây là phe được hưởng lợi ích của đương triều. Phe thuộc về Hoàng hậu họ Dương gồm Lê Hoàn, Thái sư Hồng Hiến15, Phạm Cự Lạng, Ngô Nhật Khánh (con của Dương hậu với họ Ngô)… đan xen quyền lợi, ân oán giữa các dòng họ mới – cũ. Đầu năm 979, Đinh Liễn giết chết Hạng Lang để tranh chức tự vương với câu bao biện gian hùng: “tranh quan chăng nhường chức, trước hạ thủ là hơn” (tranh quan bất nhượng vị, tiên hạ thủ vi lương)16. Một bàn cờ mới đã mở ra. Chỉ còn Đinh Liễn và Đinh Toàn là có tính chính danh để nối ngôi. Vì thế, âm mưu ám sát hai cha con họ Đinh là một nước đi liều lĩnh và táo bạo. Đinh Toàn lên ngôi và nhường ngôi dưới bàn tay bao bọc và xắp đặt của Dương hậu, Lê Hoàn và những người cùng phe cánh. Để củng cố ngôi vị, Lê Hoàn không những chỉ dùng chiêu “gửi trứng”, “đánh tráo huyết thống” mà còn phải sử dụng cả bạo lực để tiêu diệt những kẻ chống đối, và thanh trừng, lôi kéo những người trung lập.

Đến đây có thể nói, Đinh Toàn là con át chủ bài trong ván cờ trao đổi quyền lực từ họ Đinh sang họ Lê. Toàn mang họ Đinh, tức là mang tính chính danh, nhưng khả năng cao lại là huyết thống của Lê Hoàn, là giọt máu nối hai triều đại. Nhìn lại toàn bộ sự kiện chúng ta thấy, các sử gia từ Thẩm Quát, Ngô Sĩ Liên cho đến Đinh Công Vỹ, K.W. Taylor đã nhìn Lê Hoàn – Dương hậu như là kẻ chủ mưu của vụ ám sát cha con Đinh Bộ Lĩnh. Thế nhưng, trong suốt thế kỷ XX cho đến nay, không ít những công trình sử học, các sách giáo khoa, tác phẩm văn học – sân khấu – điện ảnh, cũng như các phương tiện thông tin truyền thông đều cố gắng dựng lên một hình ảnh phụ nữ “vì nước quên thân” khi Dương Vân Nga khoác long bào cho Lê Hoàn. Phải chăng mỹ hóa lịch sử cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc (nationalism) ở Việt Nam?

1 Chữ dùng của GS Trần Quốc Vượng khi ông điểm diện các nhân vật của thế kỷ 10, đó là thế kỷ “có cái đê tiện của Đỗ Thích mà cũng có cái cao quý dâng duyên của Dương Vân Nga” [Trần Quốc Vượng. 1984. Việt Nam thế kỷ X- Văn hóa- Văn minh. Trong “Thế kỷ X: những vấn đề lịch sử”. Nxb.KHXH. H.  tr.230].

2 Hà Nguyễn, Phùng Nguyên. 2010. 500 câu hỏi đáp Lịch sử- Văn hóa Việt Nam. NXB Thông tấn. H. tr.80.

3 Chính Hòa thứ mười tám (1697). Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản. Bản khắc in. Bản dịch. 1998. Tập 1. Ngô Đức Thọ dịch chú, Hà Văn Tấn hiệu đính. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.214

4 Tạ Chí Đại Trường. 2009. Bài sử khác cho Việt Nam. Văn Mới. USA. tr.132

5 A.B. Pôliacốp. 1996. Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV. Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân dịch; Lê Đình Sỹ, Nguyễn Xuân Mạnh, Hán Văn Tâm hiệu đính. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – NXB Chính trị Quốc gia. H. tr.38.

6 Vô danh. Thế kỷ 14. Việt sử lược. Trung Hoa thư cục. Bắc Kinh. Tái bản 1985. Q.1. tr.19.

7 Tạ Chí Đại Trường. 2009. sđd. Tr.132.

8 Thẩm Quát (1031- 1095), (1093, tb1975). Nguyên san Mộng Khê bút đàm. Văn vật xuất bản xã. Bắc Kinh. Vol.25: 26-27.

9 Về mặt giám định sử liệu của Mộng Khê bút đàm xin xem bài Nguyễn Phúc Anh. 2012. Những tư liệu về nguyên quán của Lý Công Uẩn. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển. số 8-9 (97- 98). 2012. tr.182- 204.

10 Mai Khắc Ứng. 1996. Chính sách khuyến nông dưới thời Minh Mạng. NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr.33, 34.

11 Chuyển dẫn Đinh Công Vỹ. 1997. Góp phần làm sáng tỏ hình ảnh Đinh Điền – Nguyễn Bặc qua một số tư liệu Hán Nôm và dân gian. Thông báo Hán Nôm học. NXB KHXH. H. tr. 719-737.

12 Keith Weller Taylor. 2013. A History of the Vietnamese. Cambridge University Press. New York. pp.53-54.

13 Tuy nhiên, theo “gia phả họ Đỗ ở Đại Đê, huyện Vụ Bản và sự tích đền Thảo Mã (tức đền Gạo ở xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm) có nói tới việc Đỗ Thích có công cõng Đinh Tiên Hoàng chạy trốn khi ông bị Nam Tấn Vương đuổi. Người cứu vua, lại thành kẻ giết vua thì quả là khó hiểu?“ [Đinh Công Vỹ. 1997. bđd].

14 Đặng Xuân Bảng. 2000. Việt sử cương mục tiết yếu. Hoàng Văn Lâu dịch và chú giải. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội. tr.66.

15 “Thái sư Hồng Hiến chết. Hiến là người Bắc [tức Trung Quốc], thông hiểu kinh sử, thường theo các cuộc chinh phạt làm quân sư, cùng là khuyên vua lên ngôi, mưu bàn việc nước, có công lớn, vua tin dùng như tâm phúc…“ (Toàn thư, tr.226).

16 Đinh Liễn. 979. Kinh tràng cầu siêu cho Hạng Lang. Bảo tàng Ninh Bình. [Xem thêm bản dịch trong Hà Văn Tấn. 2002. Chữ trên đá – chữ trên đồng – minh văn và lịch sử. NXB KHXH. Hà Nội.]

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)