Quá muộn để bắt đầu?
Học chơi một loại nhạc cụ thường được coi là đặc quyền của trẻ em và là một việc khó khăn đối với người lớn. Nhưng nếu người lớn một ngày nhận ra mình thật sự muốn học chơi nhạc cụ nào đó, hoặc muốn học lại nhạc cụ mà ngày bé mình đã bỏ dở, thì liệu họ có cơ may nào không?
Câu trả lời là có! Trái với suy nghĩ thông thường, người lớn thật ra lại có một số lợi thế nhất định so với trẻ em trong việc học chơi một nhạc cụ mới. Dưới đây là những lý giải từ góc độ khoa học vì sao người lớn có thể và rất nên học chơi nhạc cụ:
Người lớn hiểu biết về âm nhạc từ nhiều trải nghiệm nghe nhạc
James Lenger, nhà sáng lập và giám đốc trung tâm dạy nhạc liên quốc gia Guitar Cities cho biết, từ kinh nghiệm nhiều năm dạy học của mình, ông nhận thấy rằng người lớn có thể nắm bắt những cấu trúc cơ bản của âm nhạc khá dễ dàng vì họ có thể nhận ra những cấu trúc nền tảng đó trong những bài nhạc khác nhau mà họ từng nghe. Cách tiếp cận trừu tượng này khó khăn hơn nhiều đối với trẻ em, bởi thường thì trẻ em có ít kinh nghiệm nghe nhạc hơn người lớn, và cũng ít có xu hướng liên hệ các bài nhạc với nhau ở mức cấu trúc.
Khi bắt đầu dạy một người lớn, Lenger thường bảo người học viết ra tất cả những bài nhạc mà họ muốn học chơi. Như vậy, khi họ bắt đầu học một kiến thức mới, họ có thể liên hệ ngay với những bài nhạc mà họ yêu thích và quen thuộc. Điều này đặc biệt giúp người lớn học và hiểu về hợp âm và nhóm các hợp âm dễ dàng hơn so với trẻ em.
Người lớn có khả năng tập trung và kỷ luật hơn trong việc tự tập luyện
Ở trẻ em, não vẫn còn trong quá trình thích ứng với môi trường và nó có thể thay đổi các kết nối giữa các tế bào thần kinh (gọi là các khớp thần kinh) dễ dàng hơn, từ đó khiến việc học nhạc trở thành một phần của quá trình xâu chuỗi các khớp thần kinh này (nếu một khớp thần kinh không được xâu chuỗi, tức là không được sử dụng, thì bạn sẽ mất đi khớp thần kinh đó). Ở người trưởng thành, não vẫn có thể thay đổi các khớp thần kinh, chỉ có điều không dễ dàng như khi còn nhỏ. Vì vậy mà việc học kỹ năng chơi nhạc sẽ vất vả hơn.
Nhưng may mắn là bù vào đó, bộ não của người trưởng thành lại chứa đầy kinh nghiệm, nhất là từ việc học các kỹ năng khác nhau trong cuộc sống, và đây là một lợi thế lớn cho việc học chơi đàn. Giáo sư, Tiến sĩ Jessica Grahn, một nhà khoa học thần kinh nhận thức tại khoa Tâm lý học của Đại học Western, Canada, cho biết, bất lợi của trẻ nhỏ là chúng không giỏi lắm trong việc nhận ra những quy luật ở cấp độ cao và không thực sự biết phải làm gì để có thể trở nên giỏi một việc nào đó. Trong khi đó, người lớn, với những kinh nghiệm của mình- ví dụ từ việc chơi thể thao hay việc học ở trường- có thể nhận thức được rằng họ cần phải luyện tập nếu muốn thông thạo một việc nào đó và có thể tập trung cao độ để đạt được mục đích. Bạn có thể chứng kiến một người trưởng thành tập đàn hàng giờ nhưng khó có thể tìm một đứa trẻ năm tuổi luyện tập quá 45 phút một lần.
Người lớn có khả năng hiểu những khái niệm trừu tượng phức tạp
Bạn có thể giải thích với người lớn các quy tắc của thang âm và vì sao một số nốt có thể đi với nhau và một số nốt lại tạo ra nghịch âm. Những kiến thức mang tính quy luật này dễ nhớ hơn đối với người lớn. Sau đó họ có thể áp dụng các quy luật vào những tình huống khác nhau khi học đàn. Trong khi đó, trẻ em thường chỉ có thể học thông qua luyện tập trực tiếp mà thôi.
Lenger giải thích điểm khác biệt lớn nhất giữa cách tiếp cận của người lớn và trẻ em là, trong khi trẻ em chỉ chú tâm để làm sao đánh được bản nhạc đặt trước mặt mình càng nhanh càng tốt thì người lớn lại khắt khe hơn, chú trọng tới việc làm sao để không mắc lỗi. Vì vậy, người lớn cần phải bớt cầu toàn đi, mạnh dạn đánh ngay cả khi ngón tay chưa để đúng vị trí chẳng hạn, thì mới có thể học nhanh hơn được.
Người lớn có khả năng diễn đạt bản thân tốt hơn
Khi đã trưởng thành, bạn có khả năng hiểu rõ cảm xúc của bản thân hơn, vì vậy có thể diễn đạt bản thân qua âm nhạc tốt hơn. Diễn viên và đạo diễn người Anh Samuel West, người đã quyết định “cày cuốc” lại cây đàn piano sau 30 năm bỏ dở, chia sẻ: “Khi chơi hoàn chỉnh một bài nhạc, dù nhỏ đến đâu, tôi có thể lắng nghe bản thân tốt hơn và diễn đạt bản thân tốt hơn. Đây ắt hẳn là một tác dụng của việc già đi, và thực sự là một niềm vui.”
Người lớn chủ động muốn học chơi đàn chứ không bị ai ép cả
Trong khi trẻ em thường cảm thấy bị ép buộc phải chơi nhạc cụ – hoặc do cha mẹ bắt, hoặc để phục vụ cho những mục đích khác như làm đẹp hồ sơ xin vào trường đại học, thì người lớn lại hoàn toàn tự chủ về quyết định học nhạc của mình. Thường thì người lớn học chơi nhạc cụ đơn giản vì họ muốn chơi nhạc. TS. Grahn nói, đây có lẽ là yếu tố quan trọng nhất, có tác dụng hỗ trợ quá trình nhận thức trong khi học, giúp người lớn học nhanh hơn.
Chơi nhạc giúp giải tỏa căng thẳng
Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng âm nhạc có khả năng giải tỏa căng thẳng. Điều này đặc biệt có lợi và trở thành một động lực học nhạc với người lớn – những người chịu nhiều áp lực căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày hơn là trẻ em vô tư. TS Grahn cho biết, âm nhạc đã được chứng minh là có thể sản sinh ra chất dopamine ở một số vùng trên não, kích thích cảm giác thỏa mãn như đối với đồ ăn, tình dục và các chất ma túy vậy. Để tìm thấy một vùng nào đó của bộ não không phản ứng lại với âm nhạc khó hơn tìm ra các vùng được kích thích. Đối với một số người, tập đàn 20 phút một ngày cũng có tác dụng như chạy bộ hay tập yoga vậy, nó giúp họ tiếp thêm sức sống và khả năng tập trung vào công việc.
Ngoài ra, tiếp xúc với âm nhạc còn có lợi cho tâm trạng của người lớn mà theo TS Grahn, tâm trạng tốt rất có lợi cho hoạt động nhận thức của chúng ta, đồng thời cũng có lợi cho sức khỏe nói chung, giúp ta ngủ ngon hơn, từ đó tăng cường các chức năng của bộ não.
Chơi nhạc giúp luyện tập bộ não
Đối với người lớn, học chơi nhạc là một hình thức “luyện não”, một cách thử thách bộ óc của mình để giúp nó giữ được sự sắc sảo và minh mẫn lâu hơn. Một khối óc khỏe mạnh hơn như vậy không chỉ giúp ngăn chặn chứng mất trí nhớ mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thường người lớn thích học đàn nhưng lại lo rằng bộ não trưởng thành của mình không còn đủ linh hoạt cho việc học và ghi nhớ những bản nhạc phức tạp nữa. Nỗi sợ đơn giản của họ là không chơi đàn hay được. Nhưng hãy thử đối chiếu với thể thao xem: mọi người vẫn bắt đầu tập chơi bóng đá hay tennis mặc dù họ biết mình sẽ không bao giờ trở thành David Beckham hay Roger Federer được. Vậy thì cũng nên nhìn nhận việc học nhạc như thế, đừng ngại ngần mà hãy bắt đầu tận hưởng những niềm vui và lợi ích mà việc học nhạc mang lại!