QUAN HỆ VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC TỪ CÁI NHÌN HỆ THỐNG

Quan hệ giữa văn hoá và văn học, tự thân nó, là một câu chuyện cũ. Và, như người ta thường nói, cũ như trái đất. Thế mà hiện nay, chính trái đất cũng đang mỗi ngày một phẳng(1), nên có làm mới mối quan hệ này, cho ngang với mặt bằng thế giới, tưởng cũng là điều cần thiết. Trên đây chỉ là cách nói ẩn dụ. Trong khoa học nói chung và khoa học văn học nói riêng, làm mới một vấn đề cũ, nhất là vấn đề muôn thủa, thì không phải là làm thay đổi bản thân vấn đề đó, mà đổi thay cái nhìn về nó.

Trước đây, quan hệ văn hóa và văn học được coi là quan hệ tương hỗ. Thứ quan hệ ngang bằng của hai hình thái ý thức xã hội cùng thuộc thượng tầng kiến trúc, cùng phản ánh một cơ sở hạ tầng. Bởi thế, nghiên cứu văn hóa thì văn học được coi như một nguồn tài liệu, còn nghiên cứu văn học thì lại tìm thấy ở nó những chủ đề văn hóa, cũng là một kiểu tài liệu. Như vậy, văn hóa và văn học làm tài liệu nghiên cứu cho nhau(2). Quan hệ này mang tính bề ngoài, đôi khi tình cờ, không bộc lộ bản chất của nhau.
Gần đây, nhờ UNESCO phát động những thập kỷ phát triển văn hóa, nhờ thức nhận văn hóa là động lực của phát triển, nên quan hệ văn hóa và văn học được chú ý nhiều hơn. Đặc biệt, khi xuất hiện văn hóa học và nhân học văn hóa thì văn hóa bắt đầu được coi là nhân tố chi phối văn học. Đã có một số tác giả đi theo hướng nghiên cứu này như Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thúy, Trần Nho Thìn(3)… Và, khi một số công trình của M.Bakhtin được dịch và giới thiệu(4) ở Việt Nam thì hướng đi này càng được khẳng định. Tuy nhiên, ở đây, dường như chưa có sự thức nhận lý thuyết, sự mạch lạc lý thuyết khi đụng đến mối quan hệ văn hóa- văn học. Văn hóa chi phối văn học thì đúng rồi, nhưng tại sao và như thế nào thì, thiết nghĩ, cần được làm rõ.
Ngày nay, hẳn ai cũng thừa nhận văn hóa là một tổng thể, một hệ thống, bao gồm nhiều yếu tố trong đó có văn học(5). Như vậy, văn hóa chi phối văn học với tư cách là hệ thống chi phối yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận. Đây là quan hệ bất khả kháng. Tuy nhiên, văn học so với các  yếu tố khác là một yếu tố mạnh và năng động. Bởi thế, nó luôn có xu hướng đi trượt ra ngoài hệ thống. Trong khi đó thì hệ thống, nhất là hệ thống văn hóa, luôn có xu hướng duy trì sự ổn định, như vậy, sự xung đột, sự chống lại của văn học đối với văn hóa là không thể tránh khỏi. Nhưng nhờ thế mà văn học có sáng tạo. Sáng tạo những giá trị mới cho bản thân nó và cho hệ thống. Sáng tạo lớn thì có thể dẫn tới sự thay đổi của hệ thống.
Nếu văn học chỉ là một bộ phận của văn hóa, một yếu tố trong hệ thống văn hóa thì nó không thể và không có quyền “vượt mặt” hệ thống để tiếp xúc hoặc tác động trực tiếp đến hệ thống xã hội, mà phải gián tiếp qua hệ thống văn hóa. Từ đây, có thể thấy văn học nếu có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được mà chỉ có thể phản ánh thông qua “lăng kính” văn hóa, thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa. Nhờ thế mà tránh được sự phản ánh “gương” phản ánh một cách trần trụi. Và, có lẽ, cũng nhờ thế mà tạo cho văn học một lối phản ánh đặc trưng, phản ánh, như người ta thường nói, có nghệ thuật. Nhưng liệu một tia sáng phản chiếu mà phải đi qua một bầu khí quyển văn hóa với nhiều khúc xạ như vậy thì có còn nguyên giá trị phản ánh hay  chỉ còn là giá trị thẩm mỹ? Vì thế, cũng có thể kết luận rằng, văn học không thể có ảnh hưởng  tức thời, trực tiếp đến hành động của con người mà chỉ có thể tác động đến con người với tư cách là chủ/khách thể của văn hóa, làm cho con người biến chuyển rồi mới phát sinh hành động cụ thể.
Nếu văn học chỉ là một bộ phận của văn hóa và chỉ “quan hệ” với hệ thống xã hội thông qua hệ thống văn hóa, thì khung nghiên cứu của văn học cũng phải là khung văn hóa. Vậy mà cho đến nay, nghiên cứu văn học Việt Nam chỉ được tiến hành trên một cái khung duy nhất là năm hình thái kinh tế – xã hội. Do sự khập khiễng này, nhiều nhà nghiên cứu đã vấp phải những vấn đề nan giải(6). Bởi vậy, cần phải tìm một khung nghiên cứu phù hợp hơn. Đó là cách tiếp cận văn minh(7). Cho đến nay loài người đã trải qua ba giai đoạn văn minh lớn, cơ bản: Văn minh gốc tự nhiên, văn minh gốc kỹ thuật và văn minh gốc con người. Sự phân biệt này của G.Diligenski cũng tương tự như A.Toffler với ba làn sóng văn minh: văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp (tức văn minh trí tuệ). Nếu cách tiếp cận hình thái chỉ lấy một mặt nào đó trong đời sống làm cơ sở, thì cách tiếp cận văn minh lấy con người tổng thể với muôn mặt hành động và đời sống của nó làm cơ sở. Nếu ở cách tiếp cận hình thái, văn hóa chỉ được coi là một bộ phận của đời sống xã hội, thì với cách tiếp cận văn minh, văn hóa không thể chỉ được xem xét trong tổng thể của nó, mà còn được đặt trong tổng thể đời sống con người và xã hội. Văn hóa, bởi thế, được coi cùng cấp độ với văn minh. Như vậy, có thể đưa ra một khung văn hóa trên cơ sở tiếp cận văn minh là, văn hóa nông nghiệp (nông thôn, tiền hiện đại), văn hóa công nghiệp (đô thị, hiện đại) và văn hóa hậu công nghiệp (tin học, hậu hiện đại).
Từ lý luận này, và trên thực tế một số công trình của các tác giả đã nhắc đến ở trên, có thể xây dựng một cách tiếp cận văn học mới: phê bình văn học từ văn hóa. Đây là một phương pháp có nhiều thuận lợi, bởi lẽ nó dẫn người ta đi từ cái đã biết đến cái chưa biết, cái biết nhiều đến cái biết ít, cái toàn thể đến cái bộ phận bằng con đường loại suy. Ví như, trong tác phẩm Mắt thơ, tôi đã thao tác như vậy. Coi Thơ Mới là sản phẩm của văn hóa đô thị, chúng tôi đi tìm đặc điểm của văn hóa đô thị qua các phạm vi không gian, thời gian, con người…, một mặt để khu biệt với văn hóa nông thôn, mặt khác để làm cái nền chung cho bức tranh văn học bấy giờ. Thơ Mới dĩ nhiên là phải chịu ảnh hưởng của những đặc điểm này. Và mỗi nhà Thơ Mới cũng vậy. Nhưng đến đây thì bắt đầu có sự chống lại của văn học đối với văn hóa. Thi nhân (và nghệ sĩ nói chung) với những đặc điểm riêng biệt về thể xác và linh hồn, với những trải nghiệm nhân sinh và trải nghiệm thẩm mỹ khác nhau đã tạo ra những thi phẩm khác nhau, vừa có một, vừa là một mà vẫn không xa lạ với đa số, với muôn đời. Đến với văn học từ văn hóa, cái khó là phải tìm ra cho được cái mắt thơ riêng của mỗi nhà thơ.
Tóm lại, thức nhận được, về mặt lý luận, bản chất của mối quan hệ văn hóa và văn học có thể giúp cho nghiên cứu văn học Việt Nam xử lý được một số trường hợp vướng mắc, mâu thuẫn do cách tiếp cận cũ để lại, đồng thời có cơ sở lý thuyết để xây dựng một phương pháp phê bình văn học mới: Tiếp cận văn học từ văn hóa. Phương pháp này bước đầu có sự thuận lợi của việc đi tìm cái giống nhau ở những cái khác nhau, nhưng sau đó gặp phải sự khó của việc đi tìm cái khác nhau ở những cái giống nhau. Đó là cách của Hàn Tín(8) khiến các nhà phê bình buộc phải trở thành nhà phê bình, để góp phần thúc đẩy làng nghiên cứu văn học Việt Nam nhanh chóng hòa nhập vào làng văn học thế giới.
 
(1) Xem thêm: Thomas L. Friedman (2006), Thế giới phẳng, Nxb trẻ; E.Morin (2002), Trái đất tổ quốc chung, Tuyên ngôn cho thiên niên kỷ mới, Nxb Khoa học xã hội.
(2) Ví như, người ta nghiên cứu văn hóa ẩm thực ở Nguyễn Tuân, văn hóa vườn ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trà đạo, tửu đạo, hoa đạo, âm nhạc… ở chưởng Kim Dung. Những chủ đề này, theo lý luận văn học hiện đại, cũng chỉ là tài liệu.
(3) Xem thêm: Trần Đình Hượu (1995), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb Văn hóa Thông tin.
– Trần Ngọc Vương (1995), Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục.
– Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới cái nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục
– Đỗ Lai Thúy (1999), Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa dân tộc; – Đỗ Lai Thúy (2000), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Nxb Văn hóa Thông tin.
(4) M. Bakhtin (2003), Những vấn đề thi pháp Đôxtoiepxki (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch), Nxb Giáo dục.
– M.Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch và giới thiệu), Nxb Hội nhà văn.
(5) Xem thêm: Đỗ Lai Thúy (2006), Phê bình văn học hôm nay: Cách tiếp cận hệ thống, Tạp chí Văn học Nước ngoài, số 4 -2006, tr. 159- 166.
(6) Cách tiếp cận hình thái, tức xã hội học Mác xít sẽ khó giải thích được tại sao văn học 1932- 1945 lại phát triển đỉnh cao như vậy, sau  1945 thì không, mà đáng lẽ phải ngược lại, v.v…
(7) Khái niệm “văn minh” hiện được dùng theo nghĩa khác nhau: Văn minh bộ phận, khu vực và văn minh tổng thể, phổ biến của xã hội loài người. Ở đây chúng tôi dùng khái niệm văn minh thứ hai, văn minh tổng thể.
(8) Để buộc quân sĩ phải chiến đấu hết mình, Hàn Tín, một danh tướng thời Hán, thường đưa quân sang phía bên kia sông, phía có quân địch để bày trận và sau đó chặt cầu đốt thuyền để không còn đường rút lui. 

Đỗ Lai Thúy

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)