Quốc ca và nhạc cổ điển

Rất ít tác giả quốc ca là nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, trừ trường hợp Charles Gounod là tác giả quốc ca Vatican, Rabindranath Tagore là tác giả quốc ca của hai nước Ấn Độ và Bangladesh, Joseph Haydn là tác giả quốc ca Đức. Từ điển âm nhạc Grove đã bình luận rằng các bài quốc ca “hiếm khi được chú ý vì chất lượng âm nhạc” thế nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn kiên định giữ lại quốc ca của mình.

Quốc ca cho Olympic Luân Đôn 2012

Nhà soạn nhạc, nhạc trưởng kiêm nghệ sĩ cello Philip Sheppard là người hiểu rõ hơn ai hết về vấn đề này. Ông là người vừa thu âm các bản chuyển soạn quốc ca của 205 nước sẽ tham dự thế vận hội Olympic Luân Đôn 2012 cho dàn nhạc giao hưởng. Hơn 50 giờ thu âm đã được Philip Sheppard tiến hành cùng 36 nhạc công Dàn nhạc giao hưởng Luân Đôn trong vòng một tuần lễ của tháng 5/2011. Dự kiến các bản thu âm này sẽ được sử dụng tại các các lễ trao nhận huy chương và nhiều khoảnh khắc nghi thức long trọng của thế vận hội vào năm tới.

Philip Sheppard cũng chính là tác giả của phiên bản chuyển soạn bài God Save the Queen (quốc ca Vương quốc Anh) đã được dàn nhạc chơi tại lễ bế mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Để có thể chuyển soạn 205 bài quốc ca, ông đã phải dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu tại thư viện Anh. Có đến 140 quốc ca chưa từng được vang lên tại các lễ trao huy chương Olympic và khoảng 70 quốc ca vẫn còn bị giữ bản quyền. Một số quốc ca thì không cần lời giới thiệu vì đã quá quen thuộc với thế giới, như The Star-Spangled Banner (quốc ca Mỹ) hay La Marseillaise (quốc ca Pháp). Tuy nhiên nhiều bài khác rất ít được thế giới biết đến như quốc ca của những nước nhỏ ở những góc xa xôi nhất trên địa cầu. Philip Sheppard khoe rằng kiến thức địa lý của ông đã được tăng lên đáng kể sau công việc này: “Tôi cảm thấy tự do. Giờ tôi hiểu khá rõ ràng các bài quốc ca này và tôi đã tạo ra một cơ sở dữ liệu cực kỳ khổng lồ. Tôi biết nước Comoros ở đâu, nước Karabati và Tuvalu ở đâu, và thậm chí cả nước Bhutan – thật tuyệt vời!”

Sheppard đã rất thận trọng với quốc ca Đức bởi: “Tôi là ai mà dám thay đổi hòa âm của Haydn?” Theo Sheppard, mặc dù âm nhạc trong nhiều quốc ca nghe như các khúc quân hành trích từ các vở operetta hạng ba của thế kỉ 19 nhưng bài quốc ca nào cũng chở nặng ý nghĩa lịch sử và chính trị. Do đó trong quá trình chuyển soạn không thể dại dột đối xử với chúng một cách nông nổi. Hơn nữa các bản thu hoàn tất sẽ còn được gửi tới quốc gia liên quan để được phê chuẩn.

Bản quốc ca được khai thác nhiều nhất

“La Marseillaise” (Bài ca của người Marsaille), quốc ca hiện nay của Cộng hòa Pháp được Claude Joseph Rouget de l’Isle, một người Bảo hoàng, sáng tác tại Strasbourg vào ngày 25/4/1792.

Tên ban đầu của ca khúc là “Chant de guerre de l’Armée du Rhin” (Hành khúc của đội quân vùng sông Rhin) và được đề tặng cho nguyên soái Nicolas Luckner, một sĩ quan Pháp quê gốc Bavarian. Nó đã trở thành lời kêu gọi tập hợp trong cuộc Cách mạng Pháp và mang tên “La Marseillaise” do được nghĩa quân từ Marseille là những người đầu tiên hát vang trên đường phố khi họ tiến vào Paris.

Lời ca được lấy cảm hứng từ một tấm áp phích tuyên truyền rất phổ biến thời đó. Nguồn gốc âm nhạc thì gây tranh cãi nhiều hơn vì “La Marseillaise” không được ký tên (trái ngược với những sáng tác khác của Rouget de l’Isle) và nó có vẻ như quá phức tạp so với trình độ âm nhạc của tác giả vốn không phải là một nhạc sĩ lớn. Cảm hứng về âm nhạc có thể từ oratorio Esther (1775) của Jean-Baptiste Grisons (1746-1815), thầy cả của một nhà thờ nhỏ ở Saint-Omer. Khi nghe, không ai có thể nghi ngờ điều này.

“La Marseillaise” được lấy làm quốc ca Pháp theo một sắc lệnh ban hành vào ngày 14/7/1795 nhưng rồi sau đó lần lượt bị Napoleon I, Louis XVIII, và Napoleon III cấm ngặt. Quốc ca này được phục hồi một thời gian ngắn ngủi sau Cách mạng tháng 7/1830 và chỉ trở thành quốc ca chính thức lâu bền từ năm 1879.

Là một bài ca cách mạng, “La Marseillaise” đã được nhiều nhà soạn nhạc cổ điển khai thác sử dụng trong các tác phẩm của họ.

Hector Berlioz có hai phiên bản chuyển soạn lại “La Marseillaise” của Rouget de l’Isle: bản cho hợp xướng và dàn nhạc (năm 1830 – năm ông soạn Symphonie Fantastique) và bản cho tenor solo và hợp xướng (năm 1848). Ở đầu phân phổ, ông đề một cách trân trọng: “Pour tout ce qui a un cœur, une voix, et du sang dans les veines” (Dành cho tất cả những ai có trái tim, giọng hát và máu trong huyết mạch).

Năm 1840, trong khi phổ nhạc một số bài thơ của Heinrich Heine, Robert Schumann đã sử dụng một phần “La Marseillaise” trong lied “Die beiden Grenadiere” (Hai vệ binh), Op. 49 No.1 ở khổ cuối khi người lính Pháp hi sinh. Schumann cũng dùng giai điệu “La Marseillaise” làm motif chính trong overture “Hermann und Dorothea” Op.136 sáng tác năm 1851, lấy cảm hứng từ thơ của Goethe.

Nhà soạn nhạc nổi tiếng của Hoàng gia Áo Johann Strauss con từng có thời kỳ đứng về phe những người cách mạng khi Vienna bị cuốn theo cuộc cách mạng tư sản vào ngày 24/2/1848. Điều này được thể hiện qua tựa đề của những tác phẩm mà ông đã sáng tác trong giai đoạn đó như các điệu valse “Freiheitslieder” (Bài ca tự do) Op.52; “Burschenlieder” (Bài ca sinh viên) Op.55, cũng như các hành khúc “Cách mạng” Op.54 và “Studenten Marsch” (Hành khúc sinh viên) Op.56 vô cùng sôi nổi. Điều này lý giải vì sao Hoàng gia Áo đã hai lần từ chối ông vị trí “KK Hofballmusikdirektor” (Giám đốc âm nhạc của vũ hội hoàng gia) danh giá – vị trí được phê chuẩn lần đầu đặc biệt dành cho cha ông như một sự thừa nhận những đóng góp về âm nhạc của Johann Strauss cha. Hơn nữa Strauss con còn bị chính quyền Vienna chỉ trích gay gắt vì đã cho công diễn “La Marseillaise” nung nấu tinh thần cách mạng. Tuy nhiên, về sau thì ông được tuyên trắng án. Không lâu sau đó, ông soạn bản “Geißelhiebe Polka” (Polka Cái roi) Op.60 trong đó chứa nhiều yếu tố của “La Marseillaise” trong phần Trio như một lời đáp trả bằng âm nhạc cho việc chính quyền đã bắt giữ ông. Trong lúc đó Johann Strauss cha vẫn giữ lòng trung thành với nền quân chủ Danube và soạn tác phẩm “Hành khúc Radetzky” Op.228 đề tặng Thống chế vùng Habsburg là Joseph Radetzky von Radetz mà về sau nó trở thành tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Jacques Offenbach cũng dùng chủ đề “La Marseillaise” trong opera Orphée aux enfers (Orphée ở địa ngục) sáng tác năm 1858 để minh họa cho “cuộc cách mạng” giữa những nam thần và nữ thần Olympia. Trong đó, lời ca được đổi thành “Aux armes Dieux et Demi-Dieux” (Hãy cầm lấy vũ khí hỡi các nam thần và bán nam thần).

Năm 1882, Pyotr Ilitch Tchaikovsky sử dụng những trích đoạn cuối từ “La Marseillaise” để tượng trưng cho quân đội Pháp xâm lược trong Overture 1812 nổi tiếng của mình. Đây là một sơ ý của Tchaikovsky vì “La Marsellaise” là quốc ca Pháp vào thời Tchaikovsky chứ không phải vào thời Napoleon.

Có một sự trùng hợp thú vị là ta cũng thoáng thấy giai điệu của “La Marseillaise” trong Piano Concerto No.25 (KV 503) của Mozart được sáng tác sáu năm trước khi “La Marsaillaise” ra đời. Mozart đã hoàn thành Piano Concerto No. 25 vào ngày 4/12/1786, trong đó piano chơi bằng tay trái 12 nốt nhạc đầu của “La Marseillaise” ở cuối chương thứ nhất (Allegro maestoso). Trong suốt thế kỉ 19, bản concerto này thường được so sánh với bản Giao hưởng số 3 “Eroica” của Beethoven hay bản Giao huởng số 41 “Jupiter” của Mozart. Nhà âm nhạc học Stanley Sadie cho rằng bản Piano Concerto No. 25 “hùng vĩ và long trọng” nhất trong những concerto của Mozart. Nhận định này có lẽ phần nào chịu ảnh hưởng từ sự nổi tiếng về sau này của “La Marseillaise”.

 

Tác giả