Quốc hoa

Tôi đọc thấy thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đang chuẩn bị lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam, và có lẽ hoa sen sẽ được chọn. Tôi không tán thành lựa chọn này và cảm thấy đó là một lựa chọn sai lầm.

Ấn Độ đã chọn hoa sen làm quốc hoa của họ, và có một bề dày lịch sử, văn hóa về hoa sen. Hoa sen trong tâm thức Ấn Độ (Hindu) là một thứ hoa thần thánh, linh thiêng. Thần thoại Hindu đã cho ba vị thần Brahma, Vishnu, Shiva ngồi trên tòa sen, mà một hình ảnh muộn hơn là Phật Thích Ca Mâu Ni với hoa sen có lẽ cũng không nằm ngoài truyền thống văn hóa này của Ấn Độ. Câu chú Om mani padme hum có trực nghĩa là ngọc quý trong tâm sen.
Ngoài truyền thống văn hóa về hoa sen, Ấn Độ còn được coi là nơi phát tích, đất bản địa của hoa sen về mặt khoa học. Chính vì có những đặc điểm như vậy mà hoa sen trong tiếng Anh còn được gọi là Indian lotus, Sacred lotus.
Như vậy xét về đặc điểm truyền thống, văn hóa và khoa học, Việt Nam không có một điểm nào có thể so được với Ấn Độ trong chuyện hoa sen.

Ngoài Ấn Độ có Macau cũng lấy hoa sen làm biểu tượng. Nhưng Macau không phải là một quốc gia. Biểu tượng hoa của các thành phố, tỉnh, hay các vùng lãnh thổ có thể trùng nhau, bởi vì ở đấy đặc điểm văn hóa dân tộc không phải là yếu tố chủ đạo. Hoa sen có mặt trong văn hóa Việt Nam chủ yếu là do ảnh hưởng của Phật giáo với xuất xứ từ Ấn Độ. Những đặc điểm của hoa sen mà có lẽ nhiều người Việt tưởng rằng là nét riêng biệt, đặc sắc của Việt Nam như kiểu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” cũng đã có mặt trong văn hóa Ấn Độ. Nếu Việt Nam muốn chứng tỏ rằng mình là một bản sao văn hóa của Ấn Độ hay một tương đồng với địa vị của Macau thì lấy hoa sen làm quốc hoa.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý là hay có nhầm lẫn, nhập nhằng giữa hoa sen và hoa súng. Quốc hoa của Sri Lanka là hoa súng (tên khoa học là Nymphaea nouchali), chứ không phải là hoa sen. Hoa sen và hoa súng là các loài hoa khác nhau. Hoa sen có tên khoa học là Nelumbo nucifera, trong khi hoa súng thuộc chi Nymphaea. Quốc hoa của Ai Cập cũng là hoa súng với tên khoa học là Nymphaea coerulea, khác với quốc hoa của Sri Lanka. 

Suy nghĩ về lựa chọn quốc hoa, tôi thấy tại sao lại giới hạn chọn một loại hoa duy nhất làm quốc hoa, mà không chọn một bộ hoa gồm một số loại hoa tiêu biểu làm quốc hoa. Với ý nghĩ này tôi đề nghị chọn: đào-sen-mai làm quốc hoa. Bộ hoa đào-sen-mai này tiêu biểu cho văn hóa ba miền Bắc-Trung-Nam của đất nước. Đặt hoa sen trong bộ đào-sen-mai tránh được sự trùng hợp với quốc hoa của Ấn Độ. Hoa đào đặc trưng cho miền Bắc, hoa mai đặc trưng cho miền Nam, hai điểm này ai cũng dễ đồng ý. Hoa sen có tượng trưng cho miền Trung? Nhân đỉnh, một trong chín cái đỉnh đặt ở Thái Miếu của triều Nguyễn, có khắc hình hoa sen, sông Hương, núi Ngự, cho thấy ngay từ xưa hoa sen đã là một nét đặc trưng tiêu biểu của Huế.
Vậy chọn ba loại hoa cùng làm quốc hoa có kỳ quặc không? Tôi cho rằng không. Trung Quốc chưa chọn quốc hoa chính thức, nhưng họ cũng đang tranh luận về lựa chọn quốc hoa. 62 viện sĩ viện Hàm lâm của Trung Quốc đã đề nghị chọn song hoa quốc là hoa mẫu đơn và hoa mai. Bên cạnh song hoa quốc, người Trung Quốc còn có đề nghị chon tứ hoa quốc (mẫu đơn-mai-cúc-súng) hay ngũ hoa quốc (mẫu đơn-cúc-mai-lan-súng). Nếu Việt Nam chọn bộ đào-sen-mai làm quốc hoa thì Việt Nam sẽ đi trước Trung Quốc trong sáng tạo quốc hoa không phải là một loại hoa đơn nhất.
Bộ hoa đào-sen-mai tránh được nhược điểm mà một loại hoa trong ba loại hoa này đứng riêng rẽ. So với những lựa chọn khác như tre, cau… bộ đào-sen-mai có ưu thế hơn hẳn. Bộ đào-sen-mai có một nhược điểm là hoa sen nở vào mùa hè, khác mùa nở hoa của đào và mai. Không biết có hoa sen nở vào mùa xuân không? Nếu có hoa sen mùa xuân thì bộ đào-sen-mai rất toàn bích.

(Theo blog của Đông A)

Tác giả