Quy hoạch Hà Nội: Hành trình tìm lời giải

Mỗi lần quy hoạch Thủ đô được điều chỉnh là một lần “bàn cờ quy hoạch” bị xáo trộn. Nhiều “dự án treo”, nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ, nhiều kiến trúc tuyến phố “siêu mỏng, siêu méo”... đều phần nào có nguyên nhân từ những dịp điều chỉnh quy hoạch hoặc nhỏ hoặc lớn.

Đô thị là một cơ thể sống, được sinh ra và phát triển nhằm tạo dựng môi trường sống thích hợp cho con người. Vòng đời của đô thị cũng có sinh, bệnh, lão… theo quy luật tự nhiên. Con người luôn muốn thích ứng với tự nhiên để tạo nên môi trường sống tốt cho mình, việc làm này cũng có quá trình từ tự phát đến tự giác.

Quá trình phát triển từ kinh đô Thăng Long đến Thủ đô Hà Nội là một quá trình đấu tranh để sinh tồn và phát triển. Đấu tranh với thiên nhiên nhiều bão dông, nắng lửa và đấu tranh với con người trong nhiều chiến trận ngoại xâm. Nhìn lại quá trình quy hoạch xây dựng Thủ đô để biết thêm về bài học của quá khứ là điều cần thiết.

Hai ý định “dời đô”, một thành một bại

Việc chuyển dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) tới vùng đất Hà Nội, nơi có thành cũ Đại La rồi tạo dựng nên kinh đô Thăng Long và sau là thủ đô Hà Nội, đã được lịch sử ghi nhận như một thành quả kiến tạo đất nước quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới của văn minh Đại Việt. Sự thành công của việc chuyển dời này bắt nguồn từ một “tầm nhìn quy hoạch” vừa bao quát vừa cụ thể của vị vua anh minh Lý Công Uẩn. Bao quát để thấy được vị thế của địa điểm này trong địa bàn lãnh thổ quốc gia “nơi tụ hội của bốn phương”(1) để chính quyền trung ương bao quát được hết các địa phương trong lãnh thổ của mình, khai thác tiềm năng đất nước trong việc bảo tồn và phát triển. Cụ thể để thấy được “nơi đó đất cao mà bằng phẳng, nhân dân không khổ vì ngập lụt, muôn vật giàu thịnh tốt tươi”(1).

Tầm nhìn sáng suốt dẫn đến quyết định hợp lý giúp cho địa bàn dân cư này có sức sống và phát triển, đảm nhận tốt những trách nhiệm nặng nề mà bất cứ thủ đô nào cũng phải gánh vác trước quốc gia dân tộc.

Sự hình thành một khu “thành thị quân vương” và liền kề là một khu dân cư “36 phố phường” là những cấu trúc cơ bản tạo nên khuôn hình, tạo nên bộ mặt cơ bản của chốn đô thành này. Tòa thành được tạo dựng theo một quy hoạch “không giống ai” bởi biết gắn kết khéo léo với địa hình địa vật và tận dụng những cái có sẵn từ thành Đại La cũ, được xem là một sáng tạo khoa học. Khu dân cư với các loại cấu trúc nhà ở truyền thống có nguồn gốc từ ngôi nhà nông thôn, được chuyển hóa để thích ứng với lối sống thành thị, vừa là nơi ở vừa là nơi làm nghề thủ công và chỗ bán hàng, cũng là một sáng tạo có giá trị không kém. Những cấu trúc nhân lõi của Thăng Long – Hà Nội này đã trở thành di sản văn hóa có giá trị của dân tộc.

Những biến cố lịch sử cũng như đòi hỏi mới của việc phát triển đất nước thường đặt ra cho con người nhiệm vụ tìm địa điểm mới cho chốn kinh đô. Việc ấy là bình thường, đã diễn ra ở nhiều nơi, được xử lý tốt sẽ là nhân tố tích cực cho sự phát triển ở thời kỳ mới. Lịch sử xây dựng đô thị hiện đại ghi nhận việc thủ đô của Brazil chuyển từ nơi cũ (Rio de Janeiro) đến nơi mới có địa thế rộng rãi hơn, tạo dựng thủ đô Brazilia được quy hoạch tốt với kiến trúc hiện đại nhiều sáng tạo, là một thành công.

Nước ta vào thời kỳ đối phó cuộc chiến tranh khốc liệt của không quân Mỹ, Hà Nội đứng trước nguy cơ chẳng may khi nước lũ sông Hồng dâng cao mà kẻ địch đánh bom phá hủy đê điều, thì nạn hồng thủy là rất nguy hiểm. Thêm nữa vào lúc phải tính toán chi li cho sản xuất nông nghiệp “năm tấn một hecta”, để tránh phải lấy đất nông nghiệp cho xây dựng đô thị thì việc chuyển hướng phát triển đô thị đến những vùng đất cao ít màu mỡ là điều phải tính đến. Cùng với nhiều lý do khác nữa, có thời gian việc phát triển xây dựng thủ đô Hà Nội phải tìm đến vùng đất cao ở chân núi Tam Đảo. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tình hình “quy hoạch di dời” này không khả thi, có người đã nhận xét là “duy ý chí” trong giải pháp phát triển đô thị khi đó (ý kiến cố giáo sư Đàm Trung Phường viết trong sách Đô thị Việt Nam, T1, Nxb Xây dựng, 1995).

Khi tính nhu cầu phát triển thủ đô vào thời kỳ đất nước thống nhất thì yêu cầu đất đai để mở rộng vô cùng lớn mà quĩ đất “thuận lợi cho xây dựng đô thị” ở quanh Hà Nội lại không nhiều. Vùng đất “cao ráo sáng sủa, nhân dân không khổ vì ngập lụt” mà chiếu dời đô nói tới thực ra chỉ đủ cho đô thị khi qui mô chưa quá lớn (như phạm vi thành cổ, khu 36 phố phường và làng xóm bao quanh). Hà Nội phát triển đến thời Nguyễn và nhất là khi người Pháp mở rộng đô thị về phía Nam đã phải lấy vào vùng đất thấp, dễ ngập úng. Độ cao mặt đất ở đây so với đỉnh lũ sông Hồng thấp hơn 6 đến 7 m, là điều bất lợi cho xây dựng đô thị.

Từ đó một chủ trương: hạn chế phát triển khu Hà Nội cũ (khoảng nửa triệu dân), quy hoạch khu này thiên về cải tạo, còn phần mở rộng để phát triển mới (cho số dân tăng thêm khoảng nửa đến một triệu) phải tìm tới vùng đất mới cao hơn, không màu mỡ, là điều có cơ sở.
Chỉ có điều vào lúc đó, sự nghiệp giải phóng đang thắng lợi rực rỡ, niềm lạc quan quá mức vào nội lực đã không thuận lợi cho sự phân tích khoa học về điều kiện kinh tế cần có khi đối mặt với công cuộc “xây dựng thủ đô mới”.

Có thể hình dung điều này qua lời kể của “người trong cuộc” khi đó, cố GS Ngô Huy Quỳnh, một cán bộ lãnh đạo có uy tín của ngành xây dựng đô thị ngày Hà Nội mới giải phóng, được ghi lại trong tập sách “Kiến trúc Pháp ở Hà Nội” (tác giả: Hữu Ngọc, Lady Borton, NXB Thế giới, 2006): “Tôi nhớ là suốt những năm 70 người ta có bàn về việc dời một phần của Hà Nội lên khu vực đồi núi của tỉnh Vĩnh Phú để việc mở rộng thủ đô không lấn vào đất nông nghiệp. Tôi đưa ra một bản báo cáo chứng minh sự cần thiết của việc giữ nguyên vị trí của thủ đô. Bản báo cáo này cũng được gửi đến các cơ quan chính phủ khác nhau, bao gồm cả Văn phòng Thủ tướng. Sau này, ban quản lý cấp cao hơn đã duyệt kế hoạch dời thủ đô. Một người bạn đã đăng bản báo cáo của tôi trong tờ Tạp chí Kiến trúc Quốc gia. Tôi bị buộc tội chống lại kế hoạch đã được phê duyệt và phải đối mặt với một hội đồng kỷ luật đặc biệt. Tôi chỉ ra rằng mình đã viết bản báo cáo này trước khi kế hoạch được duyệt chính thức và do vậy đã thoát thân mà không hề hấn gì. Như các bạn biết đấy, thủ đô đã không bao giờ bị dời đi và vẫn còn ở phía trong Sông Hồng.

Lý do để chứng minh “sự cần thiết của việc giữ nguyên vị trí của thủ đô” được cố giáo sư đề cập không gì khác hơn là những điều kiện kinh tế của một nước nghèo lại mới ra khỏi cuộc chiến tranh, trong khi đó miền đất Thăng Long đã tích tụ một bề dày di sản văn hóa không dễ bỏ qua.

Từ “đô thị xã hội chủ nghĩa” tới đô thị “kinh tế thị trường”

Thời kỳ người Pháp lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch đô thị trên địa bàn Hà Nội, khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, để lại nhiều sản phẩm đô thị có giá trị. Vào lúc này châu Âu đã có quá trình xây dựng đô thị phát triển và đã có ngành khoa học về xây dựng đô thị. Người Pháp đến Việt Nam mang theo nhiều kinh nghiệm phát triển đô thị của châu Âu mong áp dụng cho quy hoạch đô thị Hà Nội. Kết quả là nhiều không gian đô thị có phong cách mới được tạo dựng bên cạnh những cấu trúc đô thị Việt Nam truyền thống. Điển hình là các khu vực đáp ứng cơ chế đô thị mới như khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm (với tòa Đốc lý, Bưu điện, Kho bạc, ngân hàng, Bắc Bộ Phủ…) kéo dài tới khu cơ chế văn hóa mới: Nhà hát Lớn, Trường Đại học Y Dược khoa… Một tuyến phố đậm chất châu Âu để nối Nhà hát Lớn tới khu thành cổ là Tràng Tiền, Tràng Thi… Nhiều khu biệt thự phong quang, nhiều công trình công cộng theo phong cách cổ điển châu Âu, nhiều đường phố rợp bóng cây, nhiều công viên cho nhu cầu giải trí…

Nhưng không phải không có những cái “can thiệp vào cơ thể đô thị” thiếu tế nhị để lại tiếc nuối, như việc phá đi nhiều di tích đền đài cổ, nhiều tường thành, nhiều cửa ô và thậm chí cả việc mở đường mới cắt chéo vào một góc của khu thành cổ. Thời gian hoạt động xây dựng đô thị không đủ dài để người Pháp có thể thực hiện nhiều ý tưởng về không gian đô thị hoành tráng vốn là thế mạnh của các đô thị châu Âu.

Sau ngày miền Bắc được giải phóng, với tư thế chủ nhân ông thực sự của đất nước, quy hoạch thủ đô Hà Nội được đặt ra ở một tầm cao mới. Trong điều kiện kinh nghiệm và nhân lực ít ỏi, việc nhờ cậy sự giúp đỡ của nước bạn XHCN khi đó là điều bắt buộc. Ngày đó Liên Xô – đất nước đã xây dựng lại hàng nghìn thành phố từ đống đổ nát sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, với mong muốn tạo nhiều phúc lợi công cộng cho người dân – đã cử nhiều chuyên gia giúp Hà Nội lập quy hoạch đô thị. Trong quy hoạch Hà Nội thời đó, ý tưởng này thể hiện rõ với việc tạo dựng vùng cây xanh lớn bao quanh toàn bộ Hồ Tây để làm “công viên văn hóa và nghỉ ngơi” của đông đảo người dân lao động.

Ý tưởng nhân văn cao cả đó hiển nhiên là khó khả thi khi nền kinh tế còn kém phát triển. Và đến thời kinh tế thị trường thì nó mất hẳn, cây xanh công cộng bao quanh Hồ Tây chỉ còn như “sợi chỉ nhỏ” cạp vào xung quanh bờ nước. Cũng như vậy, khác với việc xây dựng đô thị XHCN với vai trò chủ thể hoàn toàn thuộc nhà nước, bước sang nền kinh tế thị trường thì xây dựng đô thị không còn là để “thỏa mãn những nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội” mà bị phụ thuộc rất lớn vào lợi ích của nhà đầu tư. Lợi ích này không xung đột với lợi ích nhà nước thì sẽ có những khu đô thị tốt, tiếc rằng trong thực tế không phải luôn luôn như vậy.

Tìm lời giải trong “định hướng 2030, tầm nhìn 2050”

Sau khi địa giới hành chính được mở rộng, thủ đô Hà Nội có dịp thay tấm áo quy hoạch cũ chật chội bằng tấm áo quy hoạch mới rộng rãi hơn, một sự rộng rãi có phần quá mức cần thiết. Không tránh khỏi sự băn khoăn về một “đô thị rỗng” như có nhà khoa học đã nói tới khi sự mở rộng lãnh thổ vượt quá khả năng phát triển của nền kinh tế. Quy hoạch đô thị “phủ kín ranh giới hành chính” mang trong mình nó những rủi ro nhất định trong việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng đất đai.

Quy luật thông thường của phát triển đô thị, nhất là những đô thị có tuổi đời nghìn năm, là sự mở rộng lan tỏa theo những vành tròn đồng tâm từ nhỏ đến lớn (tựa như những vòng sinh trưởng ở thân cây) mà hạt nhân là những trung tâm lịch sử. Điều này được thấy rõ tại các đô thị lớn, có lịch sử phát triển dài lâu như thủ đô Paris với hạt nhân lịch sử là đảo Cité trên sông Seine hoặc thủ đô Moskova với hạt nhân lịch sử là điện Kremlin bên sông Moskova. Nhu cầu phát triển tới đâu thì đô thị mở rộng lan tỏa tới đó, diện tích đất cần mở rộng được tính từ nhu cầu phát triển chứ không phải ngược lại. Thủ đô Moskova đang dự tính mở rộng đất gấp đôi là được tính từ nhu cầu phát triển.

Sơ đồ phát triển thủ đô Hà Nội là một sơ đồ “lệch tây” do bám theo địa giới hành chính, đã bỏ qua những khả năng phát triển thuận lợi hơn nhiều ở phía đông (chẳng hạn khu vực Từ Sơn thuộc Bắc Ninh). Sự phát triển lệch về một phía là nguyên nhân dẫn tới giao thông “kiểu con lắc”, điều đã được thấy ở nhiều đô thị. Trong quy hoạch Hà Nội đã phải “mọc ra” con đường Ba Vì – Hồ Tây mặc dù chức năng của nó không hoàn toàn rõ ràng, chính là do sơ đồ quy hoạch “lệch tây” gây nên.

Trong thời gian không dài nhưng số lần quy hoạch đô thị được làm đi làm lại, được “điều chỉnh” lại không nhỏ, hiển nhiên cho thấy việc đầu tư sức người, sức của cho công việc này chưa đem lại hiệu quả mong muốn. Một lần quy hoạch được điều chỉnh là một lần “bàn cờ quy hoạch” bị xáo trộn và kéo theo không biết bao nhiêu điều bất lợi cho những dự án xây dựng và phát triển. Nhiều “dự án treo”, nhiều khu đô thị thiếu hạ tầng đồng bộ, nhiều kiến trúc tuyến phố “siêu mỏng, siêu méo”… đều ít nhiều có nguyên nhân từ những dịp điều chỉnh quy hoạch hoặc nhỏ hoặc lớn.

Bản đồ quy hoạch là cơ sở để tạo ra đô thị, nhưng có bản đồ mới là “đô thị trên mặt bàn”, muốn có “đô thị trên mặt đất” như mong muốn còn đòi hỏi nhiều kỳ công của bộ máy quản lý đô thị đủ mạnh cả về kỹ năng và tư cách. Nâng cao phẩm chất bộ máy này sẽ đẩy lùi tình trạng xây dựng không phép, sai phép hoặc “xin phép để làm phép”.

Bản đồ quy hoạch mới của thủ đô đem lại nhiều hy vọng cho một quá trình phát triển mới. Nhưng để đi tới một đô thị văn minh theo đúng nghĩa của nó còn không ít khó khăn phải vượt qua.

(1) Trích ý trong Chiếu dời đô
 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)