Radu Lupu, người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo

“Nếu tôi được yêu cầu tóm tắt nghệ thuật của nghệ sĩ piano Radu Lupu trong một cụm từ duy nhất, thì đó sẽ là ‘Carlos Kleiber của cây đàn piano’, có nghĩa là chủ nghĩa hoàn hảo tới từng chi tiết kết hợp với trí tưởng tượng và khả năng bất biến trong việc nắm giữ sự thay đổi của âm nhạc trong từng khoảnh khắc ”, nhà phê bình âm nhạc Rob Cowan đã nhận xét như vậy về Radu Lupu, người đã qua đời vào ngày 17/4/2022.

Là một trong những nghệ sĩ bí ẩn và lập dị nhất thể giới, ông hiếm khi trả lời phỏng vấn, dị ứng với những mối quan hệ công chúng và dường như biến mất khỏi sự theo dõi của giới truyền thông sau khi rời khỏi ánh đèn sân khấu. Ngay cả khi biểu diễn, ông cũng không giống với bất kỳ ai. Bộ râu xồm xoàm, trang phục luộm thuộm, phong thái lầm lì, ở ông không toát ra vẻ lịch lãm thường thấy ở một nghệ sĩ piano nổi tiếng. Tư thế chơi piano của Lupu cũng rất khác biệt, thay vì ngồi thẳng lưng trên một chiếc ghế piano thông thường, ông lại lựa chọn một chiếc ghế có tựa. Ông ngồi ngả lưng vào ghế, cánh tay dang rộng để chạm vào những phím đàn ở xa, cơ thể gần như bất động, chỉ có sức mạnh toát ra từ những ngón tay. Phong cách của ông rất thoải mái, dường như chơi đàn trong nhà cho riêng mình mà không quan tâm đến sự có mặt của khán giả nhưng khi âm nhạc vang lên, nó toát ra một sức mạnh thôi miên thực sự, một điều gì đó đến từ thế giới tâm linh rất khó có thể định nghĩa và giải thích.

Muốn tạo dựng sự nghiệp với những chương chậm

Radu Lupu sinh ngày 30/11/1945 tại Gelati, Romania, một thành phố nằm gần biên giới với Liên Xô trong một gia đình Do Thái có bố, ông Meyer, một luật sư và mẹ, bà Ana Gabo là một nhà ngôn ngữ học tiếng Pháp. Gần như không nói được gì cho đến khi 3 tuổi và khi nói được thì cậu bé cũng thường xuyên bộc lộ bản thân bằng cách hát. Chính điều này đã khiến cha mẹ Radu mua cho con trai mình một cây đàn piano khi cậu lên 5 tuổi. Radu chính thức học piano vào năm 1951 với Lia Busuioceanu. Ngay từ nhỏ, tham vọng của cậu không phải trở thành một nghệ sĩ piano mà là một nhà soạn nhạc. Lupu sau này cho biết: “Tôi đã không chỉ chơi piano giống như các nghệ sĩ biểu diễn khác, tôi tạo ra các giai điệu trên đó. Ngay từ đầu tôi đã coi mình như một nhà soạn nhạc. Tôi chắc chắn và mọi người khác cũng khẳng định rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một nhà soạn nhạc nổi tiếng”.

Buổi ra mắt khán giả đầu tiên diễn ra khi Radu 12 tuổi bao gồm toàn bộ các sáng tác của cậu. Tuy nhiên, cậu đã từ bỏ việc sáng tác khi lên 16 tuổi và dồn toàn bộ tâm trí cho cây đàn piano vì nghĩ rằng mình sẽ “giỏi hơn nhiều với tư cách là một nghệ sĩ piano”. Năm 1959, cậu chuyển tới học piano tại nhạc viện Bucharest với Cella Delavrancea và Florica Musicescu (người từng là thầy giáo của Dinu Lipatti) cũng như sáng tác với Dragos Alexandrescu.

Radu Lupu không chỉ là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất, nồng nhiệt nhất, sâu sắc nhất mà tôi từng nghe, mà còn là một người đàn ông tốt bụng, nhân hậu, khiêm tốn và hài hước. Steven Isserlis

Năm 1961, ở tuổi 16, Lupu nhận được học bổng tại nhạc viện Tchaikovsky và theo học tại đây trong bảy năm. Ban đầu thầy giáo của anh là Galina Eguiazarova và sau đó Lupu được nhận vào lớp của huyền thoại Heinrich Neuhaus. Sau khi Neuhaus qua đời vào tháng 10/1964, anh tiếp tục học với con trai của Neuhaus là Stanislav. Năm 1965, Lupu được xếp hạng năm tại cuộc thi piano quốc tế mang tên Beethoven được tổ chức tại Vienna. Trong cuộc thi Van Cliburn tổ chức tại Texas vào năm 1966, anh đã chinh phục khán giả bằng piano concerto số 2 của Sergei Prokofiev (được miêu tả là bốc lửa và sấm sét) và piano concerto số 5 của Ludwig van Beethoven. Alicia de Larrocha, thành viên của ban giám khảo đã gọi anh là thiên tài. “Tôi hoàn toàn không mong đợi điều đó. Tôi không nói nên lời”, Lupu đã thốt lên như vậy sau cuộc thi. Ngoài phần thưởng trị giá 10.000 USD, Lupu còn được biểu diễn tại Carnegie Hall trong một recital vào tháng 4/1967. Anh được cho là từ chối nhiều lời mời khác để tập trung vào công việc học tập tại Nhạc viện Tchaikovsky. Mặc dù từng nói: “Các cuộc thi rất căng thẳng. Tôi thực sự không thích các cuộc thi chút nào”, nhưng sau đó anh tiếp tục tham dự hai cuộc thi piano nữa và đều giảnh giải nhất. Đó là George Enescu tại quê nhà vào năm 1967 và Leeds vào tháng 10/1969. Fanny Waterman, nhà sáng lập cuộc thi Leeds, cho biết: “Khi nhìn lại lịch sử các cuộc thi của Leeds, tôi cảm thấy như thể tôi đã gặp cả thế giới âm nhạc. Tôi rất vui vì Leeds đã tạo ra rất nhiều người trong số họ: Lupu, Perahia…”. Cũng trong năm 1969, Lupu tốt nghiệp nhạc viện Tchaikovsky và bắt đầu chặng đường mới của một nghệ sĩ piano chuyên nghiệp.

Mặc dù xuất thân từ trường phái piano Nga, nổi tiếng với những màn trình diễn mạnh mẽ, bốc lửa và cũng sở hữu một nền tảng kỹ thuật không thua kém bất kỳ ai nhưng Lupu lại muốn tạo dựng sự nghiệp với “không gì khác ngoài những chương chậm”. Phần lớn danh mục biểu diễn của Lupu thuộc trường phái Đức-Áo với những tên tuổi Wolfgang Amadeus Mozart, Beethoven, Franz Schubert, Robert Schumann và Johannes Brahms với chỉ một chút chệch hướng qua Claude Debussy, Leoš Janáček, Béla Bartók và một vài cái tên ít ỏi khác. Lupu giải thích về quyết định này của mình: “Quyết định không liên quan đến âm nhạc tôi thích, mà là âm nhạc thích tôi. Tôi yêu Chopin, nhưng khi tôi chơi nhạc của Chopin, âm thanh lại luôn giống như âm thanh của Brahms hay gì đó bởi có lẽ, tôi chơi nhiều hơn cho chính mình”. Nhưng dù bất cứ tác phẩm nào, Lupu cũng gợi ra một thứ âm nhạc huyền bí, như đến từ một thế giới khác. Ông dường như không tạo ra âm thanh mà khơi gợi nó, dẫn dắt người nghe vào một không gian đặc biệt của riêng mình với sự trầm ngâm, tĩnh tại và êm đềm. Nhà phê bình Harold C. Schonberg đã so sánh Lupu với Vladimir Horowitz và Alfred Cortot và nhận xét: “Lupu biết cách định hình một giai điệu mà không hề cường điệu và chỉ những người được chọn mới có được sự trôi chảy dễ dàng, không thể cưỡng lại này”.

Tháng 4/1970, Lupu thực hiện đĩa nhạc đầu tiên của mình cho Decca, hãng thu âm còn gắn bó với ông trong 23 năm sau đó và đã lưu trữ hầu hết những di sản ít ỏi nhưng quý giá mà ông để lại, như RhapsodyIntermezzo của Brahms và piano sonata D. 784 của Schubert. Trên thực tế, Lupu không thích phòng thu âm cũng như đài phát thanh. Ông cấm việc đưa những buổi biểu diễn của mình lên sóng radio, một trong những hành động càng khiến Lupu bị đánh giá là lập dị. Các đĩa nhạc chỉ ghi lại được một phần ít ỏi trong ánh hào quang mà Lupu đã tạo dựng.

Một nghệ sĩ nghiêm túc

Sự lảng tránh giới truyền thông tạo cho Lupu một vỏ bọc là một người sống ẩn dật nhưng không hẳn là như vậy. Trong nhiều năm trời, ông duy trì một lịch biểu diễn khá dày đặc, lên tới khoảng 80 buổi trong một năm, cả độc tấu và với dàn nhạc. Tháng 8/1970, Lupu lần đầu tiên xuất hiện tại Proms trong piano concerto số 1 của Brahms, cùng với BBC Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của Edo de Waart. Tháng 11/1970, ông có bản thu âm concerto đầu tiên, piano concerto số 3 của Beethoven (tác phẩm mà Lupu đã chinh phục ban giám khảo tại chung kết cuộc thi Leeds) cùng Lawrence Foster và London Symphony Orchestra. Đây được coi là bước chạy đà hoàn hảo cho trọn bộ piano concerto của Beethoven được Lupu thực hiện sau đó với Israel Philharmonic và Zubin Mehta. Kể từ lần ra mắt tại Carnegie Hall vào tháng 4/1967, Lupu chính thức ra mắt khán giả Mỹ với tư cách nghệ sĩ piano chuyên nghiệp vào tháng 2/1972 trong piano concerto số 1 của Brahms cùng Cleveland Orchestra dưới sự chỉ huy của Daniel Barenboim và tháng 10/1972 với Chicago Symphony Orchestra và Carlo Maria Giulini trong piano concerto số 3 của Beethoven.

Nghệ sĩ Radu Lupu (giữa) giành giải nhất cuộc thi Leeds năm 1969. Nguồn: bachtrack.com

Lupu luôn thể hiện phong thái nghiêm túc trên sân khấu, không bao giờ trò chuyện hay thậm chí mỉm cười với khán giả, điều này có một sự tương đồng với Arturo Benedetti Michelangeli. Nhưng khác với Michelangeli, ở Lupu như có chút gi đó của sự bất cần và xa cách  khiến đôi khi bị nhầm lẫn với tính tự cao tự đại và không tôn trọng khá giả. Ngược lại, Lupu phủ nhận rằng ông chỉ chơi cho riêng mình: “Yếu tố khán giả là thứ quan trọng nhất trong buổi hòa nhạc. Nhưng cũng đúng là nếu tôi có thể tạo ra âm nhạc cho chính mình, ngay cả khi đang luyện tập, và cảm thấy xúc động với nó, thì điều đó sẽ dẫn chiếu đến khán giả. Vì vậy, có vẻ như tôi đang chơi cho chính mình, nhưng không hoàn toàn như vậy”. Là người ngưỡng mộ Horowitz và Arthur Rubinstein nhưng Lupu cho biết nghệ sĩ piano có ảnh hưởng với ông nhất là Mieczysław Horszowski: “ông ấy nói với tôi khác biệt với bất cứ ai”. Lupu cũng giải thích cách tiếp cận âm nhạc của mình là nghiên cứu tác phẩm bằng cách đọc bản nhạc trước rồi mới luyện tập nó trên piano: “Đọc tác phẩm dễ dàng hơn khi rời xa nhạc cụ và đó là cách duy nhất để học”. Ông cho biết thêm: “Nếu bạn có bất kỳ khái niệm nào về âm thanh, bạn sẽ nghe thấy nó ở trong tai của mình. Tất cả những gì bạn phải làm là khớp âm thanh đó trên nhạc cụ. Toàn bộ sự cân bằng, âm sắc, giai điệu, được nhận thức và kiểm soát từ cái đầu”. Lupu miêu tả việc tạo ra âm thanh là “quá trình hòa hợp với sự luyện tập” và sự tiếp xúc trực tiếp với bàn phím là “một thứ rất riêng biệt được xác định từ màu sắc, âm sắc mà bạn nghe được và cố gắng đạt được”.

Lupu đã biểu diễn với hầu hết các nhạc trưởng và dàn nhạc nổi tiếng nhất trên thế giới. Năm 1978, ông được Herbert von Karajan mời biểu diễn trong liên hoan Salzburg với piano concerto số 3 của Beethoven. Cùng với đó là những lần xuất hiện với vienna Philharmonic hay Concertgebouw Orchestra. Lupu thường xuyên từ chối trả lời báo chí, với lí do “sợ bị hiểu nhầm hoặc trích dẫn sai”. Chính sự bí ẩn bên ngoài sân khấu cũng như vẻ ngoài bụi bặm của ông đã làm dấy lên những lời bình luận. Independent từng miêu tả ông như một kẻ “vô tình bị ai đó lôi vào phòng hòa nhạc và yêu cầu để chiếc bát ăn xin của mình ở ngoài”. Chiếc ghế đặc biệt mà ông ngồi khi biểu diễn cũng khiến khán giả ngạc nhiên. Lupu giải thích đơn giản rằng khi ngồi trên ghế chuyên dụng, ông có xu hướng nghiêng về phía trước, vai nâng cao, trở nên cứng và đau toàn thân. Còn ngồi trên một chiếc ghế có tựa, ông cảm thấy thoải mái và tự nhiên hơn. Những phẩm chất mang tính hướng nội đã tạo nên một sức mạnh kỳ lạ trong các màn biểu diễn của Lupu. Trong các concerto, ông và dàn nhạc lắng nghe nhau một cách chăm chú, mỗi buổi biểu diễn như một cuộc trò chuyện, tâm tình, chứ không phải là một cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai bên.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Lupu chỉ để lại hơn 20 bản thu âm cho Decca và một vài bản cho CBS Masterworks, EMI Classics và Teldec, một con số ít ỏi với nghệ sĩ tầm cỡ như ông. Hầu hết trong số chúng đều có chất lượng nghệ thuật rất cao. Màn trình diễn trong các tác phẩm dành cho 2 piano/piano 4 tay của Mozart và Schubert được ông thực hiện cùng Murray Perahia được đánh giá là tuyệt vời, trong đó Fantasia của Schubert là một trong nhưng phiên bản xuất sắc nhất của tác phẩm này, khi giữa hai nghệ sĩ có sự hòa quyện và đồng cảm về mặt tâm hồn, tạo lập được sự cân bằng và thống nhất. Tám Impromptu của Schubert, được Lupu thực hiện vào tháng 6/1982 đã được New York Times khen tặng: “Phải ở đây nghe thì mới tin được. Tiếng đàn của Lupu không hề làm giảm đi các giá trị trong cá tính âm nhạc của Schubert. Ông đã nắm bắt được bản chất ca hát của nhà soạn nhạc với vẻ đẹp hiếm có và khi ông làm như vậy, Lupu đã khẳng định lại một lần nữa khả năng của những người biểu diễn ngày nay để mang đến sự công bằng cho một tác phẩm trong quá khứ”.

Bất chấp việc những đĩa nhạc của ông luôn được đón nhận, nhưng Lupu lại thấy những trải nghiệm này rất đau đớn. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi được thực hiện với nhà phê bình Alan Blyth, ông cho biết: “Có những ngày tôi muốn thực hiện một bản thu âm nhưng lại không có lịch thực hiện, những ngày khác khi tôi bắt thực hiện thu âm thì tôi lại muốn thoát ra – chứng sợ micro, ông có thể gọi như vậy”. Lupu ngừng hoàn toàn việc thu âm vào giữa những năm 1990 nhưng vẫn cho phép ghi hình trực tiếp khi ông biểu diễn trên sân khấu.

Từ năm 2019, Lupu chính thức từ giã sự nghiệp vì tình trạng sức khỏe giảm sút dẫn tới việc từng nhiều lần phải hủy bỏ chương trình. Ông qua đời ngày 17/4/2022 tại nhà riêng ở Lausanne, Thụy Sĩ ở tuổi 76.□

Ngọc Tú tổng hợp

Nguồn:

https://www.nytimes.com/2022/04/20/arts/music/radu-lupu-dead.html

https://musicianguide.com/biographies /1608003215/Radu-Lupu.html

https://www.npr.org/sections/deceptivecadence/2022/04/18/1093419034/radu-lupu-celebrated-romanian-pianist-dies-at-age-76

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)