Rimsky-Korsakov và các học trò

Không chỉ là nhà soạn nhạc tài năng, Nikolai Rimsky-Korsakov còn là nhà sư phạm xuất chúng. Trong suốt 37 năm giảng dạy tại Nhạc viện Petersburg, ông đã đem đến cho nền âm nhạc Nga hơn 200 nhạc sỹ, trong đó có những tên tuổi lớn.

Nikolai Rimsky-Korsakov chưa bao giờ được hưởng một nền giáo dục âm nhạc theo lối cổ điển. Theo truyền thống gia đình, khi còn nhỏ, ông đã được đào tạo để trở thành sỹ quan hải quân, còn âm nhạc chỉ được coi như sở thích. Dẫu sao tài năng phi thường và lòng khao khát hiểu biết đã thúc đẩy ông hướng theo con đường sáng tác.

Năm 27 tuổi, Rimsky-Korsakov được mời tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Petersburg. Ông thừa nhận: “Khi đó, nếu hiểu biết hơn, tất nhiên tôi sẽ không dám nhận đề nghị này, tôi lao vào con đường điên rồ đó bởi hoàn toàn không hiểu gì. Để cứu vãn bản thân trước nguy cơ bị “thất sủng” học trò, tôi phải lao đầu vào sách vở, nghiên cứu lý thuyết âm nhạc hằng đêm.” Chỉ vài năm sau, ông đã trở thành một trong những nhà giáo dục âm nhạc hàng đầu nước Nga.

Sinh viên nhạc viện không chỉ học từ bài giảng mà cả từ các buổi hòa nhạc của ông, nơi sự bay bổng của trí tưởng tượng được nâng đỡ bởi kiến thức rộng lớn. Một nét đặc sắc trong tài năng của Rimsky-Korsakov là khả năng nhận biết màu sắc của âm thanh. Ông gắn mỗi khóa nhạc với một sắc thái màu sắc riêng, nhờ đó âm nhạc của ông tăng thêm ấn tượng hình ảnh và tác động mạnh mẽ đến thị giác.

Nét đó cũng được thể hiện rõ ở các học trò của ông, đơn cử như Anton Arensky.

Arensky là sinh viên đầu tiên của vị giáo sư trẻ tuổi. Sau khi nhận huy chương vàng trong lễ tốt nghiệp, Arensky nhanh chóng trở thành một trong những nhà soạn nhạc được yêu thích nhất ở Nga. “Arensky có một cá tính riêng biệt trong âm nhạc”, chính P.I.Tchaikovsky đã nhận xét như vậy, trong khi Leo Tolstoy cũng ủng hộ: “Trong số các tác giả mới, Arensky là người xuất sắc nhất, anh ấy có tất cả những giai điệu giản dị và vĩ đại nhất”.

Dưới sự hướng dẫn của Rimsky-Korsakov, Arensky đã nắm bắt được những vấn đề chính của nghệ thuật: âm nhạc của ông được biết đến bởi vẻ đẹp giàu cảm xúc và độ chính xác đến tinh xảo. Nối tiếp thành công của người thầy, Arensky đã sáng tác nhiều tác phẩm xuất sắc ở thể loại opera, trong đó phải kể đến vở opera “Raphael”, đề tặng người nghệ sỹ vĩ đại nhất thời kỳ Phục hưng. Cũng giống như Rimsky-Korsakov, Arensky là bậc thầy trong các tác phẩm viết cho dàn nhạc: các tác phẩm giao hưởng, các bản tổng phổ ballet…

Arensky cũng bộc lộ khả năng sư phạm đáng ngưỡng mộ. Ông từng giảng dạy nhiều năm tại Nhạc viện Moscow. Các học trò nổi tiếng của ông là Sergei Rachmaninoff và Alexander Scriabin.

“Dây mơ rễ má” âm nhạc của Rimsky-Korsakov xuất hiện khắp trong và ngoài đế chế Nga. Một trong số đó là Nikolai Cherepnin, cũng hết sức vượt trội về sáng tác và giảng dạy. Năm 1921, sau khi di cư sang phương Tây, Cherepnin thành lập Nhạc viện Nga tại Paris. Trong số hàng trăm học trò của Cherepnin có Sergei Prokofiev. Ngoài ra, còn là một nhạc trưởng tài ba, Cherepnin đã xây dựng khoa chỉ huy đầu tiên ở Nga. Ông là người chèo lái những dàn nhạc lớn nhất của nước này, dẫn dắt những buổi hòa nhạc đã đi vào lịch sử, chỉ huy chương trình hòa nhạc “Russian seasons” ở Paris và London mà tất nhiên bao gồm cả các tác phẩm của Cherepnin.

Cũng giống như Rimsky-Korsakov, nhiều tác phẩm của Cherepnin xoay quanh các truyền thuyết, ngụ ngôn và các câu chuyện về ma thuật. Ông đã khéo léo đan xen các motif hiện thực với tưởng tượng để làm nên những bức tranh âm nhạc đẹp đến mê hồn. Ngay cả trong những tác phẩm cuối đời của Cherepnin, vốn được hoan nghênh nhiệt liệt ở châu Âu, và được viết ra dưới các nguyên tắc thẩm mỹ mới của thế kỷ 20, người ta vẫn dễ dàng nhận thấy những yếu tố ông được thừa hưởng từ người thầy vĩ đại của mình, Rimsky-Korsakov – những “hoạt cảnh âm thanh” của ông đều sống động kỳ lạ với những cánh rừng lộng gió, tiếng chim hót, biển cả rì rào, những con sóng cuồn cuộn hay chuyến bay của một con ong nghệ…

Kỹ năng phi thường về âm sắc viết cho dàn nhạc đã được ông truyền thụ cho các học trò của mình và ở khía cạnh này, người học trò xuất sắc nhất của ông chính là Igor Stravinsky. Stravinsky đã khéo léo lựa chọn các âm sắc, sau đó pha trộn và sắp xếp chúng để tạo nên những bức tranh âm thanh mới mẻ và sống động hơn bao giờ hết… Ngay từ những tác phẩm giao hưởng đầu tiên, Stravinsky đã công khai đưa ra một cái nhìn độc đáo về nghệ thuật, tuy nhiên trong một thời gian dài, âm nhạc của Stravinsky rõ rệt chịu ảnh hưởng từ sự khuyên bảo của người thầy, Rimsky-Korsakov. Ngay cả ở tác phẩm “Lễ bái xuân” mang tính cách mạng triệt để, vượt rất xa khuynh hướng thẩm mỹ của thế kỷ 19, thì dường như tác giả vẫn đang chịu cái nhìn đầy kiên định từ người thầy nghiêm khắc của mình.

Có thể nói rằng một trong những nét đặc biệt của Rimsky-Korsakov và các học trò của ông là sự chia sẻ trong nghệ thuật – mối quan tâm đến những câu chuyện thần thoại Nga. Rimsky-Korsakov thấm đẫm thể loại opera với những motif thần thoại trong khi Stravinsky thực hiện điều đó trong các vở ballet. Vở “Chim lửa” huyền thoại đã đem lại thành công chưa từng thấy cho nhà soạn nhạc Nga trẻ tuổi vô danh ở châu Âu,  được hình thành từ những đặc điểm thần tiên có trong những vở opera của Rimsky-Korsakov.

Một đặc điểm trong nghệ thuật của Rimsky-Korsakov là việc sử dụng những motif dân gian Nga và các đoạn trích. Trong vở opera “Chuyện kể của Sa hoàng” của Rimsky-Korsakov có chi tiết con sóc thần làm vỡ vỏ hạt dẻ vàng trên nền giai điệu một điệu múa vòng tròn dân gian Nga. Người ta có thể tìm thấy yếu tố tương tự trong các tác phẩm của Stravinsky trẻ tuổi. Trong vở ballet “Petrushka”, Stravinsky đã sử dụng một đoạn trích điển hình trong bài hát thành Petersburg thế kỷ 19.

Stravinsky chưa bao giờ hoàn thành chương trình học tại Nhạc viện. Là con trai của một nghệ sỹ opera nổi tiếng của nhà hát Hoàng gia, ngay từ nhỏ Stravinsky đã am hiểu về âm nhạc và sân khấu. Nhà soạn nhạc trẻ đã không có ý định hệ thống chúng tại bất cứ một hệ thống giáo dục nào và chỉ giới hạn niềm say mê âm nhạc tại các lớp học tư với những giáo sư hàng đầu Petersburg.

Vào năm 1905, Rimsky-Korsakov thiết lập mối quan hệ với Sergei Diaghilev. Ông bầu trẻ tuổi giàu nhiệt huyết cảm thấy mình bị bó hẹp trong không gian ở Nga, và ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng chinh phục thế giới. Năm 1906, Diaghilev mở một salon nghệ thuật ở Paris và ra mắt chương trình hòa nhạc Nga. Một năm sau đó, thủ đô nước Pháp đã trở thành nơi tổ chức 5 buổi hòa nhạc Nga với phần chủ chốt là các tác phẩm của  Rimsky-Korsakov. Năm 1908, sau khi nhận lời mời của Rimsky-Korsakov tới dự buổi hòa nhạc của Stravinsky ở Petersburg, Diaghilev nhận ra nhà soạn nhạc mới nổi này sẽ còn nổi tiếng hơn nữa trong tương lai. Như vậy, Nikolai Rimsky-Korsakov thực sự trở thành đường dẫn tới mối quan hệ khăng khít trong nghệ thuật giữa Stravinsky và Diaghilev. Sau này, chính Diaghilev đã mang tác phẩm của Stravinsky đi trình diễn khắp châu Âu, Mỹ và sau đó là toàn thế giới.

Năm 20 tuổi, Stravinsky gặp Rimsky-Korsakov. Thật kỳ lạ, Stravinsky lại quen biết con rể của Rimsky-Korsakov, nhà soạn nhạc Maximilian Steinberg, trước khi tới ra mắt vị giáo sư đáng kính này. Phải nói thêm rằng, Maximilian Steinberg cũng là một “sản phẩm chất lượng” của lò luyện Rimsky-Korsakov. Sau khi học hòa âm với Rimsky-Korsakov, Maximilian Steinberg đã học thêm đối âm với Alexander Glazunov. Ông tiếp nối con đường của người thầy, người cha vợ bằng việc giảng dạy ở Nhạc viện với chức danh giáo sư về sáng tác và phối âm kể từ năm 1915. Sau khi Rimsky-Korsakov qua đời, chính Steinberg đã biên tập và hoàn chỉnh công trình lớn của Rimsky-Korsakov “Những nguyên lý của phối âm”, rồi đem xuất bản tại Paris. Bản thân Steinberg cũng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống âm nhạc Soviet, trong đó đáng kể nhất là người thầy của các nhà soạn nhạc Dmitri Shostakovich, Galina Ustvolskaya và Yuri Shaporiva.

Qua cầu nối Maximilian Steinberg, Stravinsky đã đưa cho Rimsky-Korsakov xem những tác phẩm đầu tiên của mình mà qua đó bộc lộ tài năng cũng như chỉ ra những vấn đề nhà soạn nhạc trẻ cần phải học hỏi thêm về hòa âm. Vị giáo sư tận tâm đã đề xuất cho Stravinsky một số giáo viên giỏi và tỏ ý muốn được quan tâm đến những tác phẩm tiếp theo của con người nhiều hoài bão này. Trong năm năm sau đó, tác giả trẻ và nhà soạn nhạc lão luyện đã có mối quan hệ khá khăng khít. Những cuộc gặp gỡ giữa họ không chỉ giới hạn ở những bài học âm nhạc mà mở rộng ra những chủ đề bên ngoài nghệ thuật. Một cách nhanh chóng, Stravinsky đã trở thành vị khách thường xuyên tại ngôi nhà ở Petersburg, nơi vị giáo sư nổi tiếng cư ngụ. Có khi Stravinsky được mời đến làm phiên dịch vì ông nói tiếng Đức lưu loát trong khi ngôi nhà của Rimsky-Korsakov thường xuyên có các vị khách nước ngoài tới thăm. Chính tại đó Stravinsky đã được gặp gỡ các nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nhạc công nước ngoài nổi tiếng đang đi lưu diễn… Nhiều năm sau đó, chính các vị khách âm nhạc này mới nhận ra nhà soạn nhạc nổi tiếng toàn châu Âu lại là chàng thanh niên khiêm tốn đeo kính, người đã từng hỗ trợ họ trong các cuộc đàm thoại với Rimsky-Korsakov.

Trong suốt cuộc đời, Igor Stravinsky đã nhiều lần thay đổi nguyên tắc thẩm mỹ của mình, vì điều đó ông được mệnh danh là “nhà soạn nhạc của hàng ngàn phong cách”. Dẫu sao trong những tác phẩm cuối đời của nhà soạn nhạc xa tổ quốc này, người ta có thể nhận thấy rõ gốc rễ Nga, đường dẫn không thể tẩy xóa được với nghệ thuật của người thầy vĩ đại Rimsky-Korsakov.

Thanh Nhàn lược dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)