Rồi cũng đến lượt
Sự biến mất của Hanoi Cinémathèque, một địa chỉ xem phim nghệ thuật đã có lịch sử gần 15 năm giữa lòng thành phố, đặt ra câu hỏi về sự thân thiện và nhạy cảm với văn hóa của các chính sách phát triển đô thị.
Gerald Herman, chủ nhân rạp phim Hanoi Cinémathèque. Nguồn: Internet
Cuối cùng thì, dù có cả báo chí, mạng xã hội cất lời tiếc nuối ngậm ngùi, cất cả những hi vọng hão huyền nào đó về phép màu tái sinh, Cinémathèque, rạp chiếu phim nhỏ bé với 89 chỗ ngồi ấy, cũng phải đóng cửa để nhường chỗ cho một trung tâm thương mại sắp được xây dựng. Chưa đủ 15 năm để người ta vận đến Kiều nhưng Cinémathèque, bởi tất cả những hoạt động điện ảnh đặc biệt cùng không gian trang nhã của nó, cũng đủ làm bao người đau đớn lòng và thầm hiểu rằng, sẽ ngày một ít đi những mẩu hình hài Hà Nội mà chỉ cần nhìn ngắm hay trải nghiệm một lần với nó, rất có thể nhân gian sẽ lắng lại, nhẹ nhõm và nhận ra mình một cách sâu sắc hơn.
Ra đi “đúng quy trình”
Cinémathèque, từ tên gọi đến cách thức tồn tại, mang vẻ lãng mạn điển hình của những những người yêu nghệ thuật thuần túy. Cinémathèque bắt đầu hoạt động từ năm 2002, được gây dựng và điều hành bởi Gerald Herman, người Mỹ nhưng đã chọn Hà Nội là đất nhà. Si mê điện ảnh và cũng từng được đào tạo bài bản về điện ảnh, Gerald Herman không những có kiến thức biết lựa chọn phim hay mà còn biến hoạt động chiếu phim trở thành một nhu cầu văn hóa, một “thiên đường” cho những “cinephile” (kẻ nghiện phim) thực thụ. Vì thế, điểm độc đáo riêng khác của Cinémathèque, từ lúc ra đời đến nay, là chỉ chiếu những kiệt tác điện ảnh của Việt Nam và thế giới. Cinémathèque cũng là địa điểm của nhiều tuần lễ phim quốc tế, các tiệc phim theo chủ đề, theo đạo diễn và thường xuyên là nơi chốn của gặp gỡ, thảo luận, trao đổi về phim ảnh. Khả năng truyền cảm hứng và định hướng thẩm mĩ điện ảnh của Cinémathèque, có thể nói, đã góp phần tạo dựng một lớp khán giả trung thành, sành sỏi và khá cập nhật về nghệ thuật thứ bảy.
Giữa lúc các rạp phim chỉ nhăm nhăm chiếu phim “bom tấn” để tối đa hóa lợi nhuận, sự tồn tại của Cinémathèque, quả thật, cứ như một sự “lạc đàn”. Tất nhiên, nhiều người đến Cinémathèque cũng còn vì lẽ không gian ở đó gợi nhắc phong cách “kiểu Pháp” sang trọng, lịch sự mà người Hà Nội, vốn dĩ tự cho mình hào hoa, không muốn thờ ơ. Dù nằm sâu trong ngõ 22A Hai Bà Trưng, và khép mình giữa “quần thể” nhà ở, khách sạn, Cinémathèque vẫn đủ bóng mát cây xanh, khoảng sân gạch và hành lang vuông vắn. Cửa sơn xanh, tường vàng nhạt và những tấm poster phim cũ/mới trưng lên khiến bất kì ai bước vào cũng thấy thư thái, thích thú. Đối diện Cinémathèque ở tầng 2 từng là trụ sở của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng Điện ảnh (TPD), một điểm hẹn khá nổi tiếng khác của dân cinephile, nơi tôi đã có hơn hai năm thực hiện chuyên mục “Từ sách lên màn ảnh”. Tựu trung, tôi tỉnh lẻ nhưng hàm ơn Hà Nội chủ yếu vì nơi đây cho tôi những xúc cảm nghệ thuật rất mực riêng tư.
Kết cục của Cinémathèque, theo tôi, dường như được báo trước vì đà tiến đầy nghịch lí của hoạt động phát hành, trình chiếu phim ở Việt Nam. Trong khi các rạp phim phát triển mạnh mẽ, luôn thu được kinh phí lớn nhờ các phim “giải trí, thương mại” thì hệ thống rạp dành cho phim “nghệ thuật” ngày một teo lại. Trước tiên, tôi phải nói rằng sự phân chia “giải trí”, “nghệ thuật” ở đây còn tùy quan điểm nhưng không khó để nhận ra thực tế này: Các phim đạt giải thưởng quốc tế rất khó tìm được nơi chiếu hoặc chiếu nhưng không nhiều khán giả.
Ở một diễn biến khác, những cửa hàng bán đĩa phim (DVD) nghệ thuật tại Hà Nội đã, đang biến mất một cách mau chóng. Trước sự nở rộ của các website phim và thói quen xem phim trên internet đã ăn sâu, không còn mấy người bách bộ ra phố mua DVD phim, nhất là phim nghệ thuật không có phụ đề tiếng Việt. Các shop đĩa phim trên phố Báo Khánh, Tạ Hiện trước đây đông khách thì giờ đã chuyển sang kinh doanh ăn uống. Chúng ta đang có mặt ở nơi mà quán ăn, ngay đến quán ốc luộc, cũng luôn trương phình khắp mọi chốn, đẩy lùi các bước chân tìm kiếm “món ăn tinh thần” tuy có thể vu vơ nhưng cần thiết cho một xã hội phát triển hài hòa, cân bằng. Vào thời điểm này, câu hỏi “ăn gì ở đâu” dường như sốt sắng và dễ trả lời hơn rất nhiều so với “xem gì ở đâu”cho đáng mặt tử tế. Bởi vậy, sự ra đi của Cinémathèque thật “đúng quy trình” vì cao lương mĩ vị trong nghệ thuật đương nhiên khó nuốt gấp vạn lần so với tu một vại bia.
Cinémathèque luôn có khán giả lí tưởng. Nhưng chỉ một “nhúm” người hiểu biết nghệ thuật và mơ mộng ấy, dù thế nào, cũng không đủ sức chống nổi bản phác họa trung tâm thương mại lung linh sắp được hiện thực hóa. Vì Cinémathèque, đã có một chiến dịch mang tên “Mourning-Thương tiếc” trên mạng xã hội nhằm để kêu gọi các chính sách phát triển đô thị cần thân thiện và nhạy cảm hơn với văn hóa. Tuy vậy, lời thỉnh nguyện này cũng chỉ làm cho đoạn kết của Cinémathèque thêm phần mê-lô vì ta thừa hiểu rằng, có rất nhiều địa danh đậm “chất” Hà Nội không kém, cũng đang trong tình trạng bất khả níu giữ1. Bản thân những người yêu Cinémathèque và điện ảnh nghệ thuật chỉ có thể rút ra được bài học là họ quá nhỏ bé và lép vế trước sức mạnh thị trường.
“Vàng”, “kim cương” và tấm vé xem phim nghệ thuật
Trong con mắt của các nhà đầu tư, Cinémathèque nằm đúng vị trí “vàng”, “kim cương” theo thuật ngữ của giới kinh doanh bất động sản. Đương nhiên, chúng ta nên vui vì ngày càng có nhiều trung tâm thương mại hoành tráng, nhiều khu tổ hợp vui chơi hiện đại. Xã hội hưởng thụ theo năng lực kiếm tiền không có chỗ cho bình quân chủ nghĩa. Vì vậy, cũng chẳng phàn nàn được gì nếu một trung tâm thương mại đem đến nhiều tiền bạc hơn, thỏa mãn thú mua sắm của số đông thị dân trưởng giả. Chỉ có điều, dù có hàng chục trung tâm thương mại, cự li tiến đến một thành phố ưa chuộng văn hóa nghệ thuật chưa hẳn đã ngắn lại.
Vì thế, rất nên dừng lại chốc lát để hình dung về sự thật mà đạo diễn Đặng Nhật Minh nhắc đến khi nghe tin Cinémathèque đóng cửa: “Tôi cho rằng việc mất Cinémathèque đồng nghĩa Hà Nội đánh mất niềm kiêu hãnh lớn. Bởi kiến tạo một không gian văn hóa khó gấp vạn lần xây một trung tâm thương mại2. Niềm kiêu hãnh hay không gian văn hóa thì chẳng có nhà kinh doanh nào tính ra được bằng tiền. Nhưng vì chẳng quy được ra tiền nên nó sẽ bị gạt phăng đi trong “tư duy nắm xôi” ăn ngay của thời thế thực dụng.
1“Mất đi” hay “biến mất” là cụm từ thường dùng để chỉ một Hà Nội nay rất khác xưa cả về không gian lẫn tính cách. Xem thêm ở đây: https://www.youtube.com/watch?v=OK4Eh8627JU; ở đây: http://cand.com.vn/Xa-hoi/Tinh-trang-xuong-cap-chat-choi-va-phe-tich-366911/ và ở đây: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nguoi-ha-noi-dang-mat-dan-net-thanh-lich-2399770.html
2Xem thêm ở đây: http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-anh/rap-chuyen-chieu-phim-kinh-dien-o-ha-noi-dong-cua-sau-12-nam-3502372.html