Sách và Nhà nước

Sách có vai trò đối với con người tương tự như các Vitamin. Nó không đe dọa tức thời sự tồn tại của con người nhưng thiếu nó trong một thời gian dài sẽ dẫn đến trạng thái mất cân bằng và những sự lệch lạc trong phát triển. Từ đó, có thể thấy, việc khuyến khích đọc sách, tạo thói quen đọc sách trong toàn xã hội là một việc cần phải làm. Và đó là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Vậy trong sự nghiệp chung đó, đâu là vai trò của các thiết chế Nhà nước?

Ở Việt Nam hiện nay dường như đang tồn tại hai thái cực trong quan hệ Nhà nước – Xã hội. Một mặt, dường như là một thói quen tồn lại từ thời bao cấp, có một tâm lí coi Nhà nước như một vị cứu tinh toàn năng. Khi thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng nóng bỏng với những “tỉ phú sau một đêm”, thì dự án luật đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán luôn bị phản đối kịch liệt. Nhưng một năm sau, khi thị trường liên tục “thủng đáy” thì vị cứu tinh đầu tiên mà các “nhà đầu tư” cầu cứu khẩn thiết lại chính là Nhà nước. Thế nhưng ngược lại, lại có một khuynh khác tồn tại như một đối cực. Đó là việc, cùng với khái niệm “xã hội hóa”, vai trò chủ đạo của nhà nước dường như đang bị xem nhẹ trong không ít lĩnh vực.
Phát triển một sự nghiệp “toàn dân đọc sách” là một bộ phận trong sự nghiệp chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân. Liệu trong lĩnh vực này, vai trò của Nhà nước có bị rơi vào một trong hai thái cực nói trên? Nhìn vào những con số thống kê thể hiện sự gia tăng đều đặn của số lượng thư viện và lượng sách lưu trữ trong thư viện, nhìn vào những série sách, đặc biệt là những série sách có tính kinh điển (tác phẩm của các nhà văn kinh điển của văn học Việt Nam hiện đại, công trình của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước…) không thể phủ nhận công lao của Nhà nước trong lĩnh vực này. Tất nhiên, chừng nào chưa có những con số cụ thể về các lĩnh vực đầu tư của nhà nước cho sự nghiệp “toàn dân đọc sách”, chưa có những điều tra xã hội học đủ độ sâu và rộng, chưa thể đánh giá gì về hiệu quả của những đầu tư đó, tuy vậy, bước đầu nhìn trên bề mặt hiện tượng đã có thể thấy một số hiện tượng đáng phải suy nghĩ.
Trước hết, nếu để tâm quan sát thị trường sách ở Việt Nam trong những năm gần đây có thể nhận thấy một hiện tượng đó là sự lan tràn của sách “khổ to, bìa cứng”. Đành rằng có một số loại sách cần phải in với hình thức bìa cứng, khổ to chẳng hạn như sách lịch sử hoặc giáo trình nghệ thuật, những vựng tập các loại, những  loại sách có giá trị kinh điển, tuy nhiên, khi một cuốn tiểu thuyết trinh thám của Dan Brown  hay một cuốn giáo trình lịch sử văn học dành cho sinh viên đại học cũng được “bìa cứng hóa”, “khổ to hóa” thì quả thật hiện tượng trên có một cái gì đó bất bình thường. Bất bình thường hơn nữa khi mà với đa phần các cuốn sách này, ngoài version “khổ to, bìa cứng”, độc giả không có bất cứ một lựa chọn nào khác. Nếu so sánh với các nước phương Tây, dường như chúng ta đang có một hành trình ngược. Nước Pháp là một ví dụ. Được nhà Albin Michel sáng tạo ra từ đầu thế kỉ XX, cho đến nay khổ sách bỏ túi đã có một sự phát triển đáng kinh ngạc. Nó không phải chỉ là một hình thức in ấn dành cho truyện trinh thám và “tủ sách hồng” mà còn được áp dụng với mọi loại sách, kể cả các tác phẩm văn chương kinh điển, triết học, tiểu luận, nghiên cứu khoa học xã hội cũng như từ điển và từ điển chuyên ngành. Và với một giá hết sức “hời”. Những ai đã từng trải qua thời học hành hàn vi ở Pháp chắc chắn sẽ không thể không có tình cảm biết ơn những cuốn sách “bỏ túi” các loại, nhiều khi lại còn được bán dưới dạng sách cũ (nghĩa là đã được dùng qua nhưng được giữ gìn hết sức cẩn trọng và được bán lại với giá chỉ bằng phân nửa giá bìa) trong các sảnh đường đại học hoặc những tiệm sách, kể cả tiệm sách lớn. Nhìn người không khỏi nghĩ đến ta. Cách đây không lâu, một nhà xuất bản vào loại lớn nhất nhì Việt Nam tổ chức kỉ niệm ngày thành lập với một série sách tham khảo có giá trị được tổ chức bản thảo và xuất bản hết sức chu đáo. Chỉ đáng tiếc là toàn bộ số sách này đều được in dưới dạng “khổ to, bìa cứng”, một thách thức đối với bất cứ những ai có tham vọng có một thư viện cá nhân trong điều kiện nhà ở luôn luôn chật chội và đồng lương luôn luôn teo tóp cùng với đà lạm phát. Tạm gạt sang một bên những cuốn sách được xuất bản theo cơ chế kinh doanh thì điều đáng phải suy nghĩ là không ít những cuốn sách “khổ to, bìa cứng” này lại được xuất bản bằng nguồn tài trợ của nhà nước. Người viết bài này đã từng mua một bộ toàn tập của một nhà văn lớn của văn học Việt Nam do một nhà xuất bản có tên tuổi vào hàng nhất nước về xuất bản sách văn học với một cái giá chỉ bằng một nửa giá bìa. Điều đáng suy nghĩ là bộ sách này nằm trong loạt sách được nhà nước tài trợ và còn đáng suy nghĩ hơn nữa khi bộ sách này không thể coi là đạt chuẩn mực mà một bộ toàn tập đáng phải có. Tạm chưa bàn đến quan niệm hết sức quái đản của một số giám đốc nhà xuất bản là xuất bản toàn tập tác giả nhưng lại “có chọn lọc”, gạt ra những văn bản mà người biên tập cho là “không có lợi” thì việc sưu tầm và biên tập cuốn toàn tập kia cũng đáng bị coi là một tai họa. Tất cả các văn bản được chọn in trong sách đều không có bất cứ một thao tác khảo cứu văn bản nào đi kèm (tác phẩm được xuất bản bao nhiêu lần, có những thay đổi gì trong các lần xuất bản, bản trong sách là lấy theo bản nào). Cũng phải nói thêm là bộ toàn tập này do chính ái nữ của nhà văn tham gia sưu tầm, biên soạn. Từ đây, đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất, liệu có nên thay đổi chiến lược sử dụng kinh phí đầu tư của nhà nước theo hướng tiết kiệm trong in ấn và tăng cường đầu tư cho nội dung? Và từ đó đặt ra câu hỏi thứ hai là Nhà nước có nên đi tiên phong trong việc “bình đẳng hóa” quyền được tiếp cận với sách bằng những série sách giá rẻ  nhưng có chất lượng tốt về nội dung?
Thứ hai, thói quen đọc sách là một thói quen được xác lập từ nhỏ và ở đây, xuất hiện vai trò của toàn bộ thiết chế Nhà trường. Vậy mà đây lại là khâu hết sức “có vấn đề” ở nước ta. Trong phân bố chương trình của học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở không hề có phần dành cho việc đọc sách, dù chỉ là một hoạt động ngoại khóa. Làm sao mà có thể có những người trưởng thành có thói quen đọc sách khi mà từ nhỏ không được rèn luyện thói quen đọc sách. Tất nhiên, chúng ta có thể nói đến vai trò của gia đình trong việc xác lập các thói quen cho con em nhưng rõ ràng, điều kiện kinh tế của các tầng lớp cư dân khác nhau là rất không đều nhau và không lẽ, Nhà nước khoanh tay trước tình trạng bất bình đẳng trong phát triển này? Từ một góc độ khác, thói quen đọc sách liên quan rất nhiều đến môn Văn ở nhà trường. Vậy mà môn văn lại đang có vấn đề. Dẫu chưa có điều kiện tiến hành khảo sát sâu nhưng chúng tôi hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định rằng từ 1975 đến nay, chương trình văn học ngày càng có khuynh hướng kinh viện hóa và “xơ cứng hóa”. Xin lấy một ví dụ: ở thời Pháp thuộc, khi giảng một tác giả như V. Hugo, hệ thống giáo dục chỉ định ra một cái khung vấn đề rồi sau đó để cho giáo viên tùy chọn các đoạn trích giảng. Khi đi thi, người ta có thể chọn một đoạn bất kì trong di sản văn chương của V. Hugo để hỏi miễn là liên quan đến khung kiến thức được pháp quy hóa. Đó là chưa kể ở tất cả các bậc học, đề thi đều được ra theo hướng mở nghĩa là bắt buộc người người đọc phải nêu ý kiến cá nhân của mình. Theo chúng tôi được biết, cách ra đề thi môn Văn này vẫn còn được duy trì đến tận giai đoạn kháng chiến chống Mĩ. Chính vì vậy, bắt buộc học sinh phải có một kiến văn rộng và đó phải chăng cũng chính là một lí do khiến cho thanh thiếu niên ham đọc sách. Trái lại, trong hệ thống giáo dục Văn chương ở Việt Nam sau năm 1975, chương trình văn học chỉ tập trung vào giảng dạy một số lượng cố định tác giả – tác phẩm và chương trình thi cũng đóng khung trong con số này. Đó là chưa kể tới việc diễn giải tác phẩm cũng được cố định hóa theo Sách giáo viên. Vậy thì việc gì phải đọc thêm sách? Sơ với lối dạy văn này, chương trình Văn cải cách mà hiện nay đang là đợt triển khai thực hiện đầu tiên đã có những thay đổi cơ bản với hai định hướng mà theo tôi là có ý nghĩa tích cực đối với thói quen đọc sách của học sinh : phát triển kĩ năng đọc – hiểu (nghĩa là trang bị cho học sinh phương pháp tự đọc để tự tìm kiến thức trong sách) và bắt buộc người học cũng như người dạy phải đọc tài liệu tham khảo. Tuy vậy, muốn thực hiện được điều này, phải làm được hai việc : 1. Nâng cấp hệ thống thư viện trường học đủ đáp ứng như cầu đọc, ít nhất là theo chuẩn mực của sách giáo khoa. 2. Liệu  Bộ giáo dục có thể cách mạng hoàn toàn cách thi môn văn theo hướng “cứng” về khung chương trình và chuẩn kiến thức nhưng “mềm” về diện văn bản được lựa chọn cũng như cách ra đề. Ai cũng biết rằng lối thi chỉ tập trung vào một số văn bản đã gây ra những lối học hết sức quái đản theo kiểu “yêu căm liệt lạc, Dậu Pha Phèo” . Vấn đề là liệu các cơ quan quản lí giáo dục có thể mạnh dạn thay đổi thực trạng này. Tóm lại, vấn đề cuối cùng là liệu Bộ giáo dục có thể làm được hai yêu cầu nói trên để cuộc cải cách giáo dục của mình đừng trở thành một cải cách nửa vời hay không?
Trên đây chỉ là hai trong số nhiều hiện tượng đáng suy nghĩ về vai trò của Nhà nước trong sự nghiệp khuyến khích toàn dân đọc sách. Còn nhiều vấn đề khác cần được suy nghĩ như trợ giá sách cho vùng sâu vùng xa, in sách bằng tiếng các dân tộc thiểu số, phát triển hệ thống thư viện… Tuy vậy, chừng nào những con số cụ thể về những họat động này còn chưa được công khai thì chừng đó, còn chưa thể bàn về những hoạt động này.
      
1. Tương truyền, trước đây để đi thi đại học, người học chỉ cần nắm được bốn vấn đề (tinh thần yêu nước, căm thù giặc, oanh liệt, lạc quan) và ba nhân vật chính (anh Pha, trong tác phẩm Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao). Tất nhiên, đây hoàn toàn có thể là một sự cường điệu nhưng không phải là nó không chứa đôi phần sự thật.

NHỮNG CON SỐ. SÁCH VÀ ĐỌC SÁCH Ở VIỆT NAM

Hiện nay ở Việt Nam, vẫn chưa có một khảo sát đủ độ sâu và rộng về các chỉ số để có thể mang lại một hình dung đầy đủ về ngành công nghiệp sách, các con đường tiếp cận với sách cũng như mức độ tiêu thụ sách của các nhóm cư dân. Những nguồn thông tin liên quan đến các hoạt động này là nguồn của Tổng cục thống kê công bố hàng năm, Báo cáo của Cục xuất bản, Bộ Văn hóa và Thông tin trước đây, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông và các số liệu công bố trên website của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch liên quan đến hoạt động thư viện. Tuy vậy, các nguồn số liệu này đều có một số hạn chế. Nguồn số liệu trong các báo cáo của các Bộ đương nhiên là đầy đủ, phong phú nhưng do mục đích quy định, chỉ tập trung vào một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động của ngành trong khi đó, nguồn của Tổng cục thống kê lại không đầy đủ về độ chi tiết của số liệu. Qua những nguồn này, có thể rút ra một số thông tin như sau liên quan đến sách và tiêu thụ sách ở Việt Nam :
– Trong năm 2006, tổng khối lượng sách xuất bản (kể cả sách giáo khoa và sách ngoại văn) là 229,9 triệu bản, trong khi đó, dân số Việt Nam là 84.155.800 người. Tỉ lệ trung bình của hai con số này (số sách xuất bản / dân số) là 2,73. Con số này tạm coi là lượng mua sách mới trung bình tính theo đầu người trong năm 2006 ở Việt Nam (nghĩa là một năm, trung bình một người dân mua 2,73 cuốn sách mới).
– Số lượng sách xuất bản trong năm liên tục tăng, cả về số lượng đầu sách lẫn số lượng bản in. Nếu trong năm 1995, số đầu sách xuất bản là 8186 và số bản sách xuất bản là 169,8 triệu bản thì năm 2006, hai con số tương ứng là 20.149 và 229,9 triệu bản.
– Về hệ thống thư viện, tổng số thư viện trong do tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương quản lí liên tục tăng, từ con số 575 năm 1995 lên 679 năm 2006. Xét về từng loại hình thư viện, số thư viện trung ương giảm từ 4 năm 1995 đến năm 2006 chỉ còn 1, số thư viện dành cho thiếu nhi cũng giảm từ 20 năm 1998 đến năm 2006 chỉ còn 15. Trái lại, số thư viện thuộc cấp tỉnh, thành phố và cấp quận, huyện, thị xã liên tục tăng. Tính trung bình mỗi quận huyện, thị xã đều có một thư viện (tỉ lệ là 0,9). Về số lượng sách do thư viện lưu trữ, chiều hướng chung là có tăng, từ 14.519.000 bản năm 1995 đến 20.027.000 bản năm 2006, tuy vậy, lại có năm số lượng sách trong các thư viện sút giảm, cụ thể là từ năm 1998 đến năm 2002, số lượng sách giảm từ 17.201.000 xuống còn 15.060.000 do số lượng thư viện giảm từ 645 xuống còn 642.

Phạm Xuân Thạch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)