Sách về các vị thần trong văn hóa Việt Nam

TS Đinh Hồng Hải vừa cho ra mắt tác phẩm "Các vị thần", giúp người đọc tìm hiểu nguồn gốc và sự phát triển của các vị thần như Thần Đất, Thần Bếp, Thần Tài, Thánh Gióng, Di Lặc và Ông Trời trong văn hóa Việt Nam.

Đây là tập 2 trong bộ sách “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hoá truyền thống Việt Nam”, tiếp theo tập 1 mang tên “Các bộ trang trí điển hình” phát hành năm 2012.

Trong phần đầu cuốn sách, tác giả đã đặt ra một loạt các câu hỏi: Tại sao người ta có thể bỏ ra tiền tỷ để cầu cúng, “trấn yểm” cho đất đai, nhà cửa, tài sản của mình nhưng rất ít người nghĩ xem mình có nhầm không khi chưa biết rõ tên gọi, nguồn gốc và “hành trạng” của vị thần mà mình đang cầu cúng, khấn vái? Liệu có việc đặt nhầm hoặc cúng nhầm vị thần nào đó không? Để trả lời cho những câu hỏi đó, tác giả hướng người đọc đến việc phải tìm hiểu nguồn gốc và quá trình phát triển của các vị thần cũng như các loại hình tín ngưỡng này trong chính nền văn hóa mà nó tồn tại. Bởi vậy, có thể nói, Các vị thần là không chỉ là một tài liệu tham khảo dành cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên, sinh viên mà còn là một cuốn sách mà bất kỳ ai đã từng cúng Thổ công, Ông Táo, ai đã từng thờ Thần Tài – Ông Địa,… đều nên đọc.

Chuyên khảo này dày 270 trang, do NXB Thế giới ấn hành tháng 4/2015, được Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (NAFOSTED) tài trợ trong đề tài mã số VIII1.3-2012.01.

Đinh Hồng Hải là Tiến sĩ Nhân học văn hoá, nghiên cứu sinh trao đổi (Visiting Fellow) tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ 2008-2010, hiện làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của ông là văn hóa và biểu tượng trên nền tảng kí hiệu học và nghệ thuật học.

Tác giả