Sáng tác thơ dân tộc Chăm- một chặng đường 5 năm

Có thể nói, thành tựu về nghiên cứu ngôn ngữ trong những năm 90, với: Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm, Ngữ pháp tiếng Chăm…nhất là khi bộ ba Văn học Chăm – khái luận văn tuyển của Inrasara được xuất bản, giới sáng tác văn chương Chăm đã có được nền tảng cần thiết cho các trang viết sắp tới của mình. Rồi khi tập thơ đầu tay của tác giả dân tộc: Tháp nắng được trao Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1997, họ tìm thấy ở đó một chất kích thích lớn. Nhưng đâu là đất cho các tài năng ấy nẩy mầm và phát triển? Tuyển tập Tagalau có mặt là bởi lẽ đó. Rất kịp thời! 5 năm đi qua, từ khi Tagalau ra mắt số đầu tiên vào mùa Katê năm 2000, nhìn lại, có những thành tựu đáng ghi nhận. Bởi, thế hệ Chăm hôm nay đã biết đến những gì cha ông họ để lại, rút tỉa tinh hoa văn học dân tộc mình, học tập các dân tộc anh em, từ đó thể hiện đầy sáng tạo vào các trang viết.

1. Chúng ta đã học được gì từ cha ông?
Văn hóa một dân tộc tồn tại ở bản sắc, phát triển ở tiếp nhận và sáng tạo. Nhưng ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một cái khác/những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa Chăm? Ở lĩnh vực hẹp hơn: văn học chẳng hạn, đâu là cái khác biệt nổi bật của văn học Chăm khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học Việt Nam?
Với văn chương Chăm, có khá nhiều cái khác biệt:
– Về nội dung-đề tài: 250 minh văn Champa sáng tác bằng cả tiếng Phạn lẫn tiếng Chăm cổ phải được kể đầu tiên. 5 sử thi-akayet có xuất xứ từ/mang âm hưởng Ấn Độ, một sáng tác đặc trưng Chăm, là hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. 3 trường ca trữ tình nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa hai tôn giáo Hồi – Bàlamôn dẫn đến đổ vỡ tình yêu và cái chết của ba cặp tình nhân, là một dị biệt khác.
– Còn hình thức thể hiện? Chăm có thể thơ như lục bát Việt mà chúng tôi tạm gọi là lục bát Chăm: thể ariya. Nhưng khác với Việt, lục bát Chăm gieo cả vần bằng lẫn vần trắc, và vần gieo duy nhất ở chữ thứ tư câu tám chứ không ở chữ thứ sáu như trong lục bát Việt. Đặc biệt hơn nữa trong sáng tác, ariya Chăm được sử dụng theo cách đếm âm tiết hay nén âm/tính trọng âm của từ đa âm tiết (như thể thơ Tân hình thức-New Formalism vậy), tùy khuynh hướng sáng tác của tác giả. Riêng thể pauh catwai (biến thể từ ariya), mỗi cặp lục bát đứng biệt lập như một bài thơ hoàn chỉnh với đầy đủ ý nghĩa, được kết nối liên hoàn đến cả mấy trăm câu mà giọng điệu, tư tưởng vẫn thống nhất, hình thức không khác mấy so với Choka (trường ca) của Nhật (Choka là Shika: 5 âm – 7 âm được kết nối liên hoàn).
– Ngôn ngữ: Người Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Bia Võ Cạnh (Nha Trang) – năm 192 sau Công nguyên, được xem là bia ký đầu tiên bằng chữ Phạn ở Đông Nam Á. Cũng vậy, bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mỹ Sơn được viết vào cuối thế kỉ thứ IV là minh văn bằng chữ bản địa có mặt sớm nhất khu vực. Ngôn ngữ-chữ viết phát triển thúc đẩy văn học phát triển. Nên, song hành với văn học bình dân: panwơc yaw-tục ngữ, panwơc pađit-ca dao, dalikal-truyện cổ…, là nền văn học viết có mặt từ rất sớm: văn bi ký, sử thi, trường ca, thơ thế sự, thơ triết lý, gia huấn ca… Đại bộ phận sử thi Chăm đã được văn bản hóa. Do đó chúng có khác biệt rất lớn với sử thi các dân tộc Tây Nguyên: tất cả chỉ dồn vào kịch tính, dẫn câu chuyện phát triển.
– Văn học vừa là nhân vừa là quả của ngôn ngữ-tư duy, cả tư duy bình dân lẫn tư duy bác học (tư duy phức hợp, tư duy trừu tượng, siêu hình, tư biện, suy lý…), biểu hiện ở bề nổi lẫn phần chìm trong mọi khía cạnh, lĩnh vực. Thơ triết lý là mảng sáng tác quan trọng, trong đó Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai, Ariya Nau Ikak… hầu như được mọi nông dân Chăm thuộc lòng.
2. Bản sắc Chăm qua sáng tác hiện đại
a. Trước 1975:
Champa đã dựng nên nền văn học truyền thống lâu đời và độc đáo. Nhưng sau hai thế kỉ biến cố lịch sử qua đi, khi Chăm hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học ở cấp độ cao vẫn còn tồn tại nơi dân tộc này. Đó là cái chúng ta vẫn chưa thực sự nhận biết.
Trước 1975, phong trào mới manh nha, Chăm có vài người viết bằng tiếng Việt. Jaya Panrang, Huyền Hoa, Jalau, Chế Thảo Lan… là thế hệ sáng tác bằng tiếng Việt đầu tiên. Nếu kể luôn âm nhạc, không thể không nhắc đến Từ Công Phụng, nổi bật lên trong giới sáng tác Sài Gòn cũ. Riêng sáng tác tiếng Chăm, Đàng Năng Quạ, Châu Văn Kên, TanTu, Jaya Mưyut Chăm… có vài bài thơ, ca khúc khá sáng giá.
Đa phần các tên tuổi này xuất hiện /nhờ sự có mặt của hai đặc san Panrang và Ước vọng. Sau khi đất nước thống nhất, khi 2 nội san này đình bản, tất cả đều im ắng.
b. Sau 1975:
Mãi đến giữa thập niên 80, Amư Nhân xuất hiện trong giới ca nhạc Việt Nam gây nên phong trào khá sôi nổi. Rồi khi Inrasara với hàng loạt tập thơ ra đời cùng với các giải thưởng văn chương, dân tộc Chăm mới thực sự có tiếng nói trên văn đàn cả nước. Có thể nói: Nhu cầu sáng tác và thưởng thức văn chương của Chăm là có thực. 5 năm qua, Tagalau – tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm ra đời đáp ứng phần nào nhu cầu đó. Nó là “sân chơi của những tay viết không chuyên Chăm gặp mặt, trao đổi và thể hiện để cùng học tập, sẻ chia” (Lời mở – Tagalau1). Qua 7 kì Tagalau, vài khuôn mặt mới xuất hiện và khẳng định. Dù Tuyển tập chỉ được phát hành trong phạm vi nhỏ hẹp ở vài tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống, nhưng thực tế nó đã góp được một tiếng nói nhất định.
Điều đáng mừng là người viết Chăm hôm nay biết sáng tác trực tiếp bằng cả hai thứ tiếng: Việt và Chăm. Hiện tượng này làm phong phú lối nghĩ, lối viết của các tác giả dân tộc thiểu số đồng thời đóng góp tích cực bản sắc vào vốn ngôn ngữ-văn chương chung. Đó là một thế hệ biết tiếp nhận, thâu thái các nền văn học mới và dám làm mới:
– Về hình thức thơ: Đã có vài thử nghiệm thể pauh catwai vào sáng tác hiện đại:


Sử thi Chăm trên giấy bản

 Suy tư theo dòng đời
Viết Poh Cha tôi qua lời thơ.

Đá nổi mà vông chìm
Là không dưng kiến ăn tươi kiến.
    (Pauh Catwai, Inrasara dịch)
Có thể nói Bài thơ không viết thoát thai từ chính thể thơ này:
Có những bài thơ không viết bao giờ
Không phải bài thơ tôi không muốn viết.

Nho độ nhụy đầu mà trời làm rét
Vạn chùm xanh bỗng cọc giữa mùa.

Cặp tình nhân hãi cả ước mơ
Chịu chôn đứng bên này bờ thường nhật.

Ngôn ngữ quẩn quanh hàng rào sự thật
Trăm ngõ ra chẳng lấy một lối vào…
    (Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng)

– Về cách nói: Thâu thái cách nói của người bình dân Chăm:
Tôi sinh ra/níu/trần cánh tay cha
sờn lưng áo mẹ/gầy còng
tôi níu bóng tháp/tháp luống tuổi
tôi níu vào cái không thể níu/lớn lên..

    (Inrasara, Hành hương em).
Rõ ràng thiên nhiên vùng Chăm, sinh hoạt hàng ngày Chăm, chất liệu Chăm đã được cảm nhận và tái hiện qua một lối nghĩ mới, một cách nói mới.
– Về cách biểu hiện: Cuộc thế thay đổi, giọng thơ cũng phải thay đổi. Nếu hôm nay chúng ta còn khóc người yêu như Xapatan Dawi khóc Dewa Xamưlaik cách đây 4 thế kỉ: kể lể uốn éo, ngân nga đầy nhạc tính:
Dom nan Xapatan Dawi
Cauk xơp nhu hari grơp nưgar jang paxơng
Ia di kraung đwơc mưng ngauk mai tơl
Camauh patri cauk nan ia dawing đwơc o truh
Thế rồi công chúa Xapatan khóc
Tiếng khóc thảm thiết như ngâm, cả xứ sở động lòng
Và dòng sông / Từ trên cao chảy lại
Nước cuộn xoáy mãi không nỡ trôi đi

    (Akayet Dewa Mưno, Inrasara dịch)
thì chỉ làm thiên hạ nực cười. Bây giờ người ta nấc, nghẹn và lắm khi, không cần đến nước mắt. Cũng vậy, hôm nay chúng ta không thể viết về tháp Chàm như Chế Lan Viên khi xưa. Giọng thơ thế hệ mới của Chăm khinh khoái hơn, lãng đãng hơn. Chúng ta cũng không tấn công “đối tượng” trực diện như Pauh Catwai nữa:
Dom lac mưkrư siam bbiak
Bboh mưh pariak ba gơp pahlap
Từng nói ta đây ngon lành
Thấy bạc vàng hùa nhau ăn có.

Ngôn ngữ thơ Chăm hôm nay lung linh mà góc cạnh hơn, đưa những ý tưởng len lỏi bất ngờ vào ngõ ngách tâm hồn con người thời đại hơn:
Gió vẫn thổi về plây
Xóa nhòa dấu chân tha phương cầu thực
Con đường vẫn dẫn về plây
Người vùi say chỉ còn sóng biển thổn thức
Đẩy đưa từng hạt cát làm Ghur
Mở vòng tay gầy guộc khoan dung
Ôm chặt đứa con đi hoang cùng đường trở lại

     (Trà Vigia, Tagalau2)
Tôi gọi đó là tiếp thu sáng tạo.
Hay Trà Ma Hani (sinh 1948), cây viết nữ có bản thảo tập thơ cho thiếu nhi: Em, hoa xương rồng và nắng, Giải thưởng cuộc thi thơ 2001-2002 của Nxb. Kim Đồng. Đây là một bài thơ tiêu biểu: GIÓ
Gió về từ biển, gió nói với lá điều gì mà lá reo vui
Lá reo vui từ chiếc này sang chiếc khác, tàn này qua tàn khác,
hàng cây này nối hàng cây khác

(…) Đôi khi gió cũng biết chập chững từng bước rất nhẹ,
thật khẽ qua vòm tóc chúng bạn khiến nó vờn bay
Vờn bay cùng giấc mơ tuổi nhỏ.

Jalau Anưk (sinh năm 1975) là khuôn mặt mới mang hơi thở mới vào thơ tiếng Việt. Ngôn ngữ đời thường cùng cách thể hiện hiện đại phơi lộ tâm tình thế hệ Chăm sinh sau 1975: khỏe khoắn, dân tộc mà “không thiếu thế giới”.
Đừng trách tao sao không cùng tụi mày luý tuý men say, hùng hục sức trai tơ bên những ả bắt đầu cuộc đời lúc chiều chạng vạng!
Đừng trách tao sao không chịu soi gương lượm lặt những cọng tóc bạc lấm tấm như những xác vôi vãi bậy dưới chân tường cao ốc phết qua loa!
Đừng trách tao sao không tự thấy mình cô độc quá đỗi, rách túi mà chẳng có gì lọt thỏm bạn đường, ngơ ngác buồn mấy đứa nhỏ xin ăn!
Đừng trách tao! Đừng trách – khi trái đất vẫn còn, lòng người vẫn ấm những mùa đông, tầng ozon vẫn chưa thủng hẳn, tia cực tím vốn chỉ rọi lẻ tẻ xuống đời những mầm mống ung thư!

(…) Đừng cười tao tụi mày nhé, đừng cười!
Đời là cả một chuỗi ngày dài. Gian nan cùng lắm cũng chỉ là vài đợt Tsunami, động đất, chiến tranh, thù hận, ghét-thương, nghèo khó, cô đơn…

Cười lên tụi mày nhé!
Hết mùa trăng, sao vẫn sáng bình thường (Gửi bạn).
Các cây bút đã có tuổi hăng hái nhập cuộc, vẫn rất sung sức như ngày nào: Phutra Noroya, Cahya Mưlơng, Hồng Loan… Riêng Tantu và Jaya Hamu Tanran để hết tâm sức sáng tác bằng tiếng dân tộc. Và chỉ tiếng dân tộc.
Nhưng, nhìn cách tổng thể, Tagalau chính là đất cho các người viết trẻ Chăm thể hiện: Bá Minh Trí (đoạt giải thơ Bút Mới lần thứ V của Báo Tuổi trẻ), Huy Tuấn, Thông Minh Diễm, Thạch Giáng Hạ (nữ, 15 tuổi)… xuất hiện đều đặn qua mỗi số Tagalau.
3. Kết luận: từ dân tộc đến hiện đại?
Truyền thống, bản sắc có lẽ là khái niệm được sử dụng nhiều hơn cả khi nhắc tới văn hóa thời gian qua. Nhưng thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Chăm? Nó được người Ấn mang tới hay do một nghệ sĩ Chăm nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo, như chúng ta dễ dãi nói thế). Trong hành động “phá” này, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần “phá” càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.
Như vậy, bản sắc chính/đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về là dũng cảm, dám và biết phá càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc (cũ), chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với xung quanh. Và, chẳng nhích lên tới đâu cả!
Phác nguệch ngoạc vài khuôn mặt tiêu biểu Chăm thời gian qua, nhấn mạnh vào sự sáng tạo cái mới trên nền tảng truyền thống: một bức chân dung còn khá mờ nhạt, dù đây đó đã có vài tín hiệu đáng mừng. Thế nhưng, ở bề sâu lịch sử, tiềm lực sáng tạo của người Chăm rất mạnh. Thế hệ trẻ Chăm hôm nay đã đón nhận được hơi thở đó chưa? Câu trả lời chân thật là: chưa! Trong lúc nhiều chân trời mới đang mở trước mắt chúng ta đòi hỏi tầm sáng tạo tương ứng. Trong lúc nhu cầu thưởng thức sản phẩm nghệ thuật ngày càng cao, càng khắt khe của mọi tầng lớp xã hội. Và trong khi hơn lúc nào hết, chúng ta cần có những đóng góp mới bên cạnh cái đã có tự ngàn xưa.
Nhưng dù sao thế hệ sáng tác thơ người Chăm đang trên bước đường định hình.
Hy vọng trong tương lai không xa, bằng sự đầu tư đúng mức vào việc sưu tầm và bảo tồn vốn cổ quý giá, bằng sự bồi dưỡng có định hướng một đội ngũ sáng tạo trẻ, bằng các cuộc tổ chức giao lưu học hỏi giữa các dân tộc anh em và nhất là bằng các nỗ lực cá nhân, tiềm lực sáng tạo sẽ được đánh thức đúng nghĩa. Khi đó, thế hệ trẻ Chăm sẽ có những đóng góp xứng đáng hơn nữa vào nền văn hoá đa dân tộc của Việt Nam.

Chú thích ảnh trên cùng: Bia ký Chiên đàn

Inrasara

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)