Shakespeare – Kịch tác gia hay luật gia?
Shakespeare được biết đến rộng rãi với hình ảnh của một đại thi hào. Nhưng với những người làm nghiên cứu luật, Shakespeare là một luật gia kịch Shakespeare, kịch của ông hàm chứa nhiều vấn đề pháp lý đáng suy ngẫm về hợp đồng.
Shakespeare là một luật gia?
Trước đây người ta thường đặt ra ranh giới rạch ròi giữa khoa học pháp lý và văn học. Bởi lẽ, văn học là ngành nghiên cứu về những tác phẩm được tạo ra bởi trí tưởng tượng, có thể phi thực tế. Trong khi đó khoa học pháp lý đòi hỏi những công trình nghiên cứu phải dựa trên thực tiễn, và nhằm giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Tuy nhiên, văn học là sự phản ánh xã hội vào thời điểm tác phẩm được viết ra và cũng là nguồn kiến thức pháp luật. Đặc biệt khi nghiên cứu cổ luật, với nguồn tài liệu khan hiếm thì những tác phẩm văn học hiện thực góp phần tái hiện bối cảnh xã hội và văn hoá pháp lý đương đại.
Với kịch Shakespeare nhiều nghiên cứu cho rằng, Shakespeare là một luật gia. Trong chương “Shakespeare với tư cách là một Luật sư” của quyển sách “The Shakespeare problem restated” do luật sư, Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, Greenwood viết, đã tuyên bố rằng các vở kịch và bài thơ của Shakespeare “cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy tác giả có kiến thức pháp luật rất sâu rộng và chính xác”1. Theo Edmond Malone: “Kiến thức của ông về các thuật ngữ pháp lý không chỉ đơn thuần có được bằng quan sát thông thường mà bằng bộ óc toàn diện của ông2”. Và Richard Grant White đề cập: “Không có nhà viết kịch nào vào thời đó sử dụng các cụm từ pháp lý với sự sẵn sàng và chính xác như Shakespeare, các cụm từ pháp lý là một phần vốn từ vựng và một phần suy nghĩ của ông chảy ra từ ngòi bút của ông”3 (Greenwood, 1908, p.371-373).
Ông có nhiều tác phẩm kịch phản ánh về pháp luật, nhưng nổi bật hơn cả là tác phẩm Người lái buôn thành Venice. Venice vào thế kỷ XVI là trung tâm thương mại với các thương nhân đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Điều duy nhất gắn kết những dân tộc đa dạng này là luật hợp đồng. Trung tâm câu chuyện là một hợp đồng vay tài sản có điều kiện. Nếu có thông tin cho rằng Venice không thực thi các hợp đồng – ngay cả những hợp đồng có điều khoản lóc thịt con nợ – các thương nhân sẽ đưa công việc kinh doanh của họ đi nơi khác. Venice không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi thỏa thuận. Điều đó cho thấy, tại đây, pháp luật về hợp đồng phát triển một cách khách quan, tự nhiên và tự do hợp đồng là không có giới hạn. Những vấn đề này không chỉ dành cho những ai nghiên cứu cổ luật châu Âu mà còn cho hậu thế ngày nay trong nhận thức và xây dựng pháp luật về hợp đồng.
Bassanio, thuộc tầng lớp quý tộc tại Venice, mong muốn cầu hôn Portia. Để cầu hôn Portia, anh ta cần 3.000 ducats. Bassanio tìm đến Antonio, Antonio hứa sẽ bảo lãnh khoản vay cho Bassanio, người cho vay là người Do Thái tên Shylock.
Giữa Antonio và Shylock có hiềm khích với nhau trước đó. Shylock đồng ý cho Bassanio vay số tiền này mà không tính lãi với kỳ hạn vay là ba tháng với điều kiện, nếu Antonio không thể trả nợ vào ngày đã định, Shylock có thể lấy một cân thịt của Antonio. Antonio tự tin rằng trước thời hạn thanh toán anh ta sẽ có tiền mặt, vì thế đã ký hợp đồng. Hợp đồng được công chứng.
Với số tiền trong tay, Bassanio rời đến Belmont cầu hôn Portia. Cha Portia để lại di chúc với điều kiện rằng cô chỉ thừa kế tài sản nếu thực hiện việc hôn nhân theo sắp xếp. Tại đây, Bassanio chọn chiếc hòm bằng chì và được kết hôn với Portia.
Tại Venice, tàu của Antonio bị mất tích trên biển nên Antonio không thể hoàn trả khoản tiền vay vào ngày đáo hạn. Vì thế, Shylock đã đưa Antonio ra tòa.
Tại Belmont, Bassanio nhận tin Antonio không có khả năng trả khoản vay từ Shylock. Lúc này Portia và Bassanio đã kết hôn. Bassanio đến Venice với số tiền từ Portia, để cứu mạng Antonio bằng cách trả nợ cho Shylock.
Tại phiên tòa của Công tước Venice, Shylock từ chối lời đề nghị của Bassanio trả gấp đôi số tiền vay mà đòi Antonio một cân thịt vùng gần tim. Công tước muốn cứu Antonio nhưng không thể vô hiệu hóa hợp đồng, đã chuyển vụ việc cho luật sư, Balthazar (Portia cải nam trang). Với tư cách là Balthazar, Portia yêu cầu Shylock thể hiện lòng nhân từ, rằng lòng nhân từ “là phước lành gấp đôi: Nó ban phúc cho người cho và người nhận” (Đoạn IV, Cảnh 1, dòng 185) (William Shakespeare (1596-1599).
Tuy nhiên, Shylock kiên quyết từ chối mọi khoản bồi thường và nhất quyết đòi bằng thịt. Khi tòa án trao cho Shylock quyền thực hiện điều khoản phạt, Portia đã khéo léo sử dụng lập luận của Shylock về “buộc thực hiện nghĩa vụ” (specific performance) rằng hợp đồng cho phép Shylock chỉ lấy thịt chứ không lấy máu của Antonio. Nếu Shylock làm đổ bất kỳ giọt máu nào của Antonio, tài sản của anh ta sẽ bị tịch thu theo luật của Venice. Đồng thời phải cắt chính xác một cân thịt, nếu cân không đúng Shylock sẽ phải chết và tất cả của cải của ông ta sẽ bị tịch thu (William Shakespeare (1596-1599)4.
Bị đánh bại, Shylock đồng ý chấp nhận lời đề nghị trả tiền của Bassanio nhưng Portia từ chối, với lý do Shylock đã từ chối nó khi bắt đầu phiên tòa. Cô trích dẫn một điều luật Venice theo đó Shylock, với tư cách là người Do Thái, người ngoại quốc tại Venice, đã cố gắng lấy mạng một công dân, theo luật phải bị tịch thu tài sản của mình, một nửa cho chính phủ và một nửa cho bị hại, phó mặc mạng sống của mình cho sự nhân từ của chính phủ. Antonio thắng kiện.
Hợp đồng giữa Antonio, Bassanio và Shylock
Hợp đồng giữa Antonio, Bassanio và Shylock là hợp đồng vay tài sản. Bên cho vay là Shylock, bên vay là Bassanio, Antonio là người thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Sau đó, Bassanio sẽ thanh toán lại cho Antonio khi điều kiện cho phép. Vai trò của Antonio không phải là người bảo lãnh mà là người thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng vì người bảo lãnh chỉ thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người vay không thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc thực hiện không đầy đủ (Điều 335 Bộ luật dân sự Việt Nam 2015).
Hợp đồng vay không tính lãi với giá trị hợp đồng là 3.000 ducats, thời hạn vay là ba tháng với điều kiện nếu Antonio không thanh toán đúng số tiền, thời gian, địa điểm đã thỏa thuận thì Antonio phải trả cho Shylock 1 cân thịt tươi, ở trên cơ thể của Antonio, chỗ nào sẽ do Shylock chọn.
Về điều kiện phạt vi phạm hợp đồng là cắt một cân thịt trên người con nợ, ngày nay không có quốc gia hiện đại nào cho phép ký kết một hợp đồng dẫn đến tổn hại vật chất trên cơ thể cho bên vi phạm. Nhưng vào thời điểm đó có vẻ như đề xuất của Shylock và ngòi bút của Shakespeare đã dựa vào những câu chuyện có thật cho phép hình phạt như vậy đối với việc vỡ nợ. Ngoài thịt ở ngực, việc chặt mắt, tai, mũi và bàn chân được cho là những hình phạt phổ biến. Luật La Mã cho phép các chủ nợ chia thi thể của con nợ cho nhau, như thể điều đó sẽ mang lại bất cứ điều gì ngoại trừ cái chết cho người vỡ nợ. Ngược lại, luật Do Thái không bao giờ cho phép lấy mạng sống của con nợ làm hình phạt cho việc vi phạm (Itamar Rosensweig Shua Mermelstein, 2022).
Ở mức độ cơ bản nhất, hợp đồng là một thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên. Luật pháp Anh có quan điểm rằng khi một người thể hiện sự đồng ý một cách khách quan với một cuộc thương lượng thì họ sẽ bị ràng buộc. Cụm từ tiếng Latinh: “caveat emptor” (J.W.Loewenthal, 1891), người mua hãy cẩn thận, một nguyên tắc cơ bản của luật hợp đồng ở Anh, tòa án sẽ không có thiện cảm với những người bội ước và miễn là hợp đồng rõ ràng và được tự do ký kết, tòa án sẽ thực thi nó. Quan điểm thân thiện về mặt thương mại, tôn trọng tự do hợp đồng của các tòa án Anh là một trong những lý do hỗ trợ sự phát triển của Vương quốc Anh như một cường quốc công nghiệp trong thế kỷ 18 và 19, và là lý do khiến thành phố London ngày nay trở thành thủ đô tài chính của thế giới.
Trở lại câu chuyện, sau khi thỏa thuận miệng, các bên đưa hợp đồng đến Công chứng viên, hợp đồng được công chứng hợp pháp tại Venice, đã ký kết hợp đồng thì phải chịu ràng buộc. Khi giới hạn pháp luật trong khuôn khổ quốc gia không còn phù hợp trong thời kỳ thương mại quốc tế phát triển rực rỡ, hành lang pháp lý chưa theo kịp thì hợp đồng chính là luật riêng của các bên. Chỉ với pháp luật hợp đồng mềm dẻo, nới rộng quyền tự do giao kết, công nhận hiệu lực và bảo đảm thực hiện của chính quyền mới có thể giúp kinh tế phát triển đặc biệt ở những thành bang như Venice.
Vì thế, hai nhân vật đóng vai trò quan trọng trong phiên tòa cuối truyện, công tước và luật sư đã phát biểu từ đó minh thị cho pháp luật hợp đồng mềm dẻo ở đây: (1) Ngài Công tước nói rằng muốn cứu Antonio và tuyên hợp đồng trên vô hiệu do vi phạm đạo đức, tuy nhiên ngài không thể làm như vậy vì nếu làm như vậy niềm tin vào luật lệ của các thương nhân đặc biệt là thương nhân nước ngoài đang hoạt động tại Venice sẽ mất, điều đó ảnh hưởng lớn đến kinh tế và xã hội tại thành bang. (2) Luật sư, Portia, hùng hồn tuyên bố không có một quyền lực nào có thể làm vô hiệu một hợp đồng đã giao kết theo thể thức hợp pháp, vì thế nếu tại phiên toà tuyên hợp đồng vô hiệu sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, làm công chúng đặc biệt là các thương nhân nước ngoài đang hoạt động tại Venice mất lòng tin vào nhà nước, vào hiến chương của bang và công bằng, công lý và thỏa ước. Ngoài ra, chính Antonio giải thích với một người bạn rằng Venice không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực thi thỏa thuận: “Công tước không thể phủ nhận đường lối của luật pháp, Vì hàng hóa mà người nước ngoài có với chúng tôi ở Venice, nếu tuyên hợp đồng vô hiệu, thương buôn nước ngoài sẽ luận tội nhà nước với các hiến chương và luật lệ đã cam kết về tự do hợp đồng” (Mark L. Movsesian, 2021). Do đó, vì thương mại và lợi nhuận của thành phố thỏa thuận giao kết hợp pháp phải được thực thi.
Về chủ thể hợp đồng, đủ điều kiện giao kết hợp đồng, về nội dung do các bên tự thỏa thuận một cách tự nguyện, về hình thức hợp đồng được công chứng. Pháp luật Venice tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên, không có giới hạn nào cho tự do hợp đồng tại Venice. Hợp đồng vì thế được công nhận hiệu lực tại Venice và được bảo vệ bởi tòa án thành ban.
Những bài học về hợp đồng trong kịch của Shakespeare
Thứ nhất, tự do hợp đồng và giới hạn của tự do. Một trong các nguyên tắc giao kết hợp đồng là tự do giao kết. Việc thừa nhận tự do hợp đồng vì những lý lẽ sau: (1) Một người giao kết hợp đồng trong hoàn cảnh đủ năng lực nhận thức, sáng suốt, tự nguyện, hiểu rõ nội dung và thống nhất ý chí thì phải chịu trách nhiệm; (2) Chỉ có các bên mới hiểu rõ, tường tận nội dung của hợp đồng mà các bên giao kết; (3) Tự do kết ước là quyền con người và đi kèm với quyền là trách nhiệm phải thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng đã giao kết; (4) Trong môi trường giao thương quốc tế hợp đồng chính là điểm kết nối về pháp lý, nới rộng giới hạn của pháp luật quốc gia, luật hợp đồng giữa các bên có thể vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia và do đó những điều khoản trong hợp đồng cần phải được các bên tôn trọng và pháp luật bảo vệ.
Thứ hai, quản trị rủi ro khi giao kết hợp đồng. Shylock đề ra điều kiện rất khắc nghiệt, tuy thế Shylock không ép buộc Antonio phải ký kết hợp đồng, cũng không làm cho con tàu của Antonio bị mất tích trên biển nhằm đẩy Antonio vào thế phải chịu phạt, mà chính rủi ro trong kinh doanh tạo ra. Việc con tàu mất tích trên biển là rủi ro, khách quan, không mong muốn và không phải trò chơi khăm của Shylock. Như vậy, phải chịu phạt một phần là do chính bản thân Antonio không quản trị tốt rủi ro trong kinh doanh và quá tự tin rằng anh ta sẽ có tiền mặt trước hạn thanh toán khi các con tàu cập bến. Không có bất kỳ khoản dự phòng chắc chắn nào nhưng Antonio vẫn tự tin ký vào hợp đồng, thống nhất ý chí rằng nếu không trả đúng hạn sẽ mất một cân thịt.
Thứ ba, ngôn ngữ sử dụng trong hợp đồng và giải thích hợp đồng
Chỉ khi hợp đồng được soạn thảo tốt thì bản chất thực sự của thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý mới có thể hiện rõ. Thật thú vị khi lưu ý rằng ngôn ngữ là một phần quan trọng của tất cả các thành phần cơ bản của hợp đồng. Nhưng bản chất của ngôn ngữ phức tạp vì thế có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, vì vậy việc giải thích hợp đồng cũng quan trọng như việc nghiên cứu và soạn thảo ra nó, cần được kiểm soát bởi các nguyên tắc luật định.
Ta thấy, có nhiều cách giải thích khác nhau về cùng một hợp đồng:
Shylock bám vào hợp đồng và đòi hỏi phải thực hiện hợp đồng. Shylock khẳng định, anh ta đại diện cho luật pháp ở đây, thể hiện một cách giải thích tàn nhẫn về luật hợp đồng.
Một cách giải thích hợp đồng khác, Portia đã đảo ngược cách diễn đạt của hợp đồng để buộc tội Shylock. Portia vô hiệu hóa hợp đồng của Shylock về mặt kỹ thuật trong cách diễn đạt, rằng Shylock chỉ có thể lấy một cân thịt chứ không lấy máu. Portia áp dụng các nguyên tắc xây dựng hợp đồng theo nghĩa đen. Một nguyên tắc pháp lý khác mà Portia sử dụng là nguyên tắc biểu đạt “unius est exclusio alterius: một thứ được bày tỏ sẽ loại trừ một thứ khác” (LexisNexis, 2024). Vì thế, nếu là thịt thì loại trừ máu. Đó chỉ là cách giải thích đã mở đường cho chiến thắng của Portia. Shakespeare một bậc thầy về ngôn ngữ, không khuyến khích việc kiên quyết bám theo một cách giải thích và mở ra cánh cửa cho những cách giải thích khác. Sự tinh tế mà Portia diễn giải đã làm nổi bật vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Những nguyên tắc biểu đạt được đề cập đến trong kịch của Shakespeare cũng là những điều được lưu ý trong các phiên tòa hiện đại.
Tại Anh, trong phán quyết mang tính bước ngoặt của Investors Compensation Scheme Ltd v West Bromwich Building Society [1998] 1 All ER 98 (Oxbridge Applications, 2024), sau này thường được trích dẫn khi nghiên cứu về luật hợp đồng, Chủ tọa Hoffman nhận xét rằng, khi giải thích hợp đồng, nghĩa của các từ không phải là nghĩa đen mà là nghĩa được hiểu một cách hợp lý trong ngữ cảnh và nghĩa đó không nên mâu thuẫn với quan điểm thông thường về nội dung của một hợp đồng. Các giao dịch trước đó không được chấp nhận khi giải thích hợp đồng. Phán quyết này đưa ra năm nguyên tắc trong giải thích hợp đồng: (1) Giải thích theo cách một người bình thường có đầy đủ kiến thức nền tảng sẽ hiểu; (2) Giải thích theo bối cảnh của hợp đồng; (3) Giải thích hợp lý theo ngữ cảnh hiện tại loại trừ tương tự theo thoả thuận trước đó giữa các bên; (4) Giải thích theo hướng hợp lý không giải thích theo nghĩa đen; (5) Giải thích dựa trên giả định rằng mọi người không dễ mắc lỗi ngôn ngữ trong các văn bản có tính chính thức.
Một phán quyết khác tại Anh, trong vụ Chartbrook Limited vs Persimmon Homes Limited (Judgments – Chartbrook Limited (Respondents) v Persimmon Homes Limited and others (Appellants) and another (Respondent), 2009) đã khẳng định rằng có thể có trường hợp định nghĩa hoặc cách giải thích theo nghĩa đen (dù tuân theo ngữ pháp thông thường nhưng không có ý nghĩa thương mại) sẽ dẫn đến kết quả phi lý về mặt thương mại; và trong những tình huống như vậy, tòa án nên đưa ra phán quyết để sửa chữa những sai lầm đó. Quan điểm của Viện Quý tộc Anh, mặc dù các cuộc đàm phán trước vẫn không được chấp nhận khi giải thích các hợp đồng, nhưng điều quan trọng là các cuộc đàm phán này phải được ghi chép đầy đủ và lưu giữ làm bằng chứng. Bằng chứng này có thể mang tính quyết định trong các yêu cầu ngăn chặn hoặc nhận được lệnh cải chính.
Một phán quyết liên quan đến giải thích hợp đồng tại Ấn Độ, cho thấy bối cảnh cũng quan trọng trong hoạt động giải thích pháp luật, vụ án Novartis Vaccines and Diagnostics Inc với Aventis Pharma Limited (High court of Bombay, 2007), lý lẽ trong phán quyết là trong khi soạn thảo hợp đồng giữa hai bên, có một quan niệm được hình thành từ trước, các từ ngữ phải được hiểu theo nghĩa thông thường và phổ biến của chúng, vì các bên tham gia hợp đồng phải được coi là có ý định, sử dụng các từ và cụm từ theo nghĩa được hiểu và chấp nhận rộng rãi. Hợp đồng cần được đọc một cách tổng thể, có tính đến tính chất và mục đích của hoạt động kinh doanh. Ngay cả khi điều khoản và toàn bộ hợp đồng đã rõ ràng thì tòa án cũng cần xem xét các tình tiết của vụ việc. Cần phải thấy mối liên hệ giữa các từ, câu, điều khoản, chương và toàn bộ tài liệu. Hợp đồng không thể được đọc một cách cô lập. Ngoài ra, không thể bỏ qua khía cạnh niềm tin, mối quan hệ ủy thác và sự hiểu biết giữa các bên khi giải thích bất kỳ tài liệu thương mại riêng tư nào. Vì vậy, cần xem xét toàn diện nhiều khía cạnh để giải thích đúng ngôn ngữ của hợp đồng. Thêm vào đó, ngôn ngữ hợp đồng cần đơn giản. Nếu những người soạn thảo sử dụng các thuật ngữ kỹ thuật, thuật ngữ pháp lý và những từ cổ xưa khiến các luật sư cũng phải bối rối và tạo ra sự hỗn loạn cho các bên. Vì thế, soạn hợp đồng nên sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu. Để đạt được sự đơn giản của ngôn ngữ, người ta phải nhận ra và tìm hiểu sự phức tạp của chính ngôn ngữ.
Tương đồng với Anh và Ấn Độ, nguyên tắc giải thích hợp đồng theo pháp luật Việt Nam như sau: (1) Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng; (2) Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng. (3) Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng. (4) Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng. (5) Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng. (6) Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia (Điều 404, Bộ luật Dân sự 2015).□
—
Về các tác giả:
Thạc sĩ Hồ Thị Thanh Trúc, Giảng viên Khoa Kinh tế – Luật, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM
Tiến sĩ Hoàng Xuân Sơn, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH)
Chú thích:
1 Nguyên văn: “supply ample evidence that their author . . . had a very extensive and accurate knowledge of law”
2 Nguyên văn: “His knowledge of legal terms is not merely such as might be acquired by casual observation of even his allcomprehending mind”
3 Nguyên văn: “No dramatist of the time . . . used legal phrases with Shakespeare‟s readiness and exactness . . . legal phrases flow from his pen as part of his vocabulary, and parcel of his thought”
4 Nguyên văn: “if the scale do turn, But in the estimation of a hair, Thou diest and all thy goods are confiscate”.
—
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1. Amarjit Singh (2023), The Scandalous Contract of Venice, Journal of Legal Affairs and Dispute Resolution in Engineering and ConstructionArchive, Vol. 2, No. 2, Nguồn: https://ascelibrary.org/doi/10.1061/%28ASCE%29LA.1943-4170.0000033, ngày truy cập 25/01/2024
2. Greenwood (1908), The Shakespeare problem restated, Nguồn: https://sourcetext.files.wordpress.com/2018/01/greenwood_restated.pdf, ngày truy cập 31/01/2024
3. High court of Bombay (2007), Novartis Vaccines and Diagnostics Inc với Aventis Pharma Limited, Nguồn: https://www.the-laws.com/Encyclopedia/browse/Case?CaseId=317002061200&Title=NOVARTIS-VACCINES-AND-DIAGNOSTICS-INC-Vs.-AVENTIS-PHARMA-LTD, ngày truy cập 25/01/2024
4. Itamar Rosensweig Shua Mermelstein (2022), Rights and Duties in Jewish Law. Nguồn:https://digitalcommons.tourolaw.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=3368&context=lawreview, ngày truy cập 23/01/2024
5. J.W.Loewenthal (1891), Caveat Emptor. Nguồn: https://core.ac.uk/download/pdf/216733605.pdf, ngày truy cập 23/01/2024
6. Judgments – Chartbrook Limited (Respondents) v Persimmon Homes Limited and others (Appellants) and another (Respondent) (2009), Opinions of the lords of appeal for judgment in the cause, Nguồn: https://www.bailii.org/uk/cases/UKHL/2009/38.html, ngày truy cập 25/01/2024
7. LexisNexis (2024), Unius inclusio, alterius exclusio definition, Nguồn: https://www.lexisnexis.co.uk/legal/glossary/unius-inclusio-alterius-exclusio, ngày truy cập 23/01/2024
8. Mark L. Movsesian (2021), Reading Law with The Merchant of Venice, Nguồn: https://lawliberty.org/reading-law-with-the-merchant-of-venice/, ngày truy cập 23/01/2024
9. Matthew-Stubbs, F. A (1999), The Legal Issues in Shakespeare’s The merchant of Venice and Jonson’s Volpone. Edith Cowan University. https://ro.ecu.edu.au/theses_hons/801, ngày truy cập 08/01/2024
10. N.X.Y (2009), Luận bàn về án tử hình, Nguồn: https://cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Luan-ban-ve-an-tu-hinh-i297052/, ngày truy cập 23/01/2024
11. Smith v Hughes (2021), Case: Smith v Hughes (1871) LR 6 QB 597. Nguồn: https://www.lawteacher.net/cases/smith-v-hughes.php, ngày truy cập 23/01/2024
12. Tatevik S. Karapetyan (2019), Legal Interpretation of Shylock’s Bond, International Journal of Humanities Social Sciences and Education (IJHSSE) Volume 6, Issue 8, August 2019, PP 86-94, http://dx.doi.org/10.20431/2349-0381.060809.
13. William Shakespeare (1596-1599), The Merchant of Venice. Nguồn: https://www.varsitytutors.com/ap_literature-help/interpreting-words-and-excerpts/interpreting-excerpts?page=5, ngày truy cập 16/01/2024