Sự khởi đầu của Tạ Duy

Năm năm đến với thủy mặc họa, với “một tâm hồn lành sạch bẩm sinh”, họa sỹ trẻ Tạ Duy đã đánh dấu “Sự khởi đầu” của mình bằng “một lối đi riêng, tự tại trong Thế giới phẳng của Nghệ thuật” như đánh giá của họa sỹ Lương Xuân Đoàn. Sau triển lãm “Sự khởi đầu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào đầu tháng 4/2018, anh đã trao đổi với Tia Sáng những suy nghĩ và sự lựa chọn của mình trong thủy mặc họa.

Bức Chim khuyên và cây bằng lăng.

Thế giới hội họa hiện nay đa dạng và nhiều hướng đi. Vậy điều gì khiến anh – một họa sỹ trẻ Việt Nam, lại chọn tranh thủy mặc, một loại hình hội họa cổ truyền Trung Quốc?

Trước hết phải thấy rằng, tranh thủy mặc đã trải qua hơn 2.000 năm lịch sử nhưng các nguyên tắc của Thủy mặc họa trong dụng bút, dụng mực về cơ bản vẫn đựoc tiếp tục kế thừa không gián đoạn và vẫn tiếp tục phát triển. Có thể nói, đó là thể loại hội họa có lịch sử và sức sống lâu bền nhất thế giới hiện nay. Người học vẽ thủy mặc luôn luôn phải trải qua giai đoạn sao chép các danh tác của người đi trước, đây là điều bắt buộc và không có ngoại lệ. Đó là cách để Tranh thủy mặc nói riêng và Trung Quốc họa nói chung giữ được ngọn lửa suốt hàng nghìn năm mà không sợ bị thất truyền. Tôi nghĩ đó là một điều đáng học hỏi và tiếp thu và đó cũng là một trong những lý do khiến tôi lựa chọn nó.

Dưới con mắt của anh, tranh thủy mặc có những nét gì hấp dẫn?

Trung Quốc họa nói chung và thủy mặc họa nói riêng mang trong nó những đặc điểm không thể trộn lẫn với bất cứ nền hội họa nào khác trên thế giới. Đặc điểm của nó là dùng mực hòa với nước để vẽ trên một bề mặt, bề mặt đó trong lịch sử từng là ván gỗ, tường, giấy, lụa, lĩnh, da dê, gốm sứ, thậm chí bây giờ cả trên da thịt con người (body art)…

Điều làm nên sự khác biệt chính là ở kỹ thuật dùng bút và mực. Không thể kể hết các loại bút pháp trong Thủy mặc họa truyền thống. Qua mỗi thời đại mỗi thế hệ họa gia lại có những phát triển riêng. Thế hệ sau bên cạnh việc kế thừa những thành tựu bút mực của thế hệ trước lại tiếp tục phát triển những kỹ thuật mới, điều đó khiến cho đến giờ, thủy mặc họa vẫn giữ được sức sống và sự tươi mới.

Bức Hoa đỗ quyên

Anh có nói đến một tính chất đặc biệt của tranh thủy mặc là người học vẽ luôn luôn phải trải qua giai đoạn sao chép các danh tác của người đi trước. Vậy khi Việt Nam chưa có được truyền thống phát triển tranh thủy mặc thì các họa sỹ Việt Nam như anh làm cách nào để học hỏi?

Đây đúng là một khó khăn của Việt Nam dù Việt Nam cũng có một số họa sỹ chọn thủy mặc họa. Trên thực tế thì những họa sỹ này, trong đó có tôi, chưa từng được theo một truyền thống được kế thừa. Do đó, thủy mặc Việt Nam nếu có chỉ đơn thuần là việc pha trộn mực tàu với nước để vẽ chứ không thông qua một quá trình rèn luyện bút mực công phu như thủy mặc Trung Quốc, đến nay đa phần là vẫn chỉ những mầy mò thể nghiệm riêng của mỗi cá nhân và chưa từng có một hệ thống kỹ thuật kinh điển được truyền thừa qua nhiều thế hệ.

Còn cách của anh?

Từ nhỏ, tôi đã may mắn được biết đến tranh thủy mặc qua các trang sách của bố – người xuất thân từ một gia đình nho học xứ Đoài. Từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc với kiệt tác của các danh họa Trung Quốc và Nhật Bản. Các tác phẩm của Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Ogata Korin, Kano Sansetsu… đã xuất hiện trong tâm trí tôi từng ngày từng giờ. Nâng niu từng trang sách có in các danh tác thủy mặc họa, ao ước một ngày sẽ bước tiếp họ. Và đến năm 2012, ước mơ đó đã đến khi tôi nhận được học bổng toàn phần tại Học viện Mỹ thuật Trung Quốc tại Hàng Châu, Chiết Giang – một trong những học viện mỹ thuật hàng đầu Trung Quốc về đào tạo thủy mặc truyền thống.

Bức Mướp và hoa phù dung

Sau khi về nước, anh đã tự tin để mở một cuộc triển lãm?

Trong thời gian học tại Trung Quốc, tôi đã cố gắng thu nhận và tích lũy kiến thức, học tập vô số bậc thầy, họa pháp, phong cách, khuynh hướng và tư duy. Và giờ tôi nghĩ đây là một thời điểm đáng phải ghi dấu trong bước đường khởi nghiệp của mình, nhất là đối với một thể loại đòi hỏi sự công phu khổ luyện như vậy. Đây là triển lãm đánh dấu 5 năm tôi chính thức bước chân vào Thủy mặc họa. 5 năm tuy không phải là nhiều, nhưng tôi tự thấy những thứ mình học cũng như trải nghiệm được lại không phải là ít. Tôi muốn thông qua triển lãm này để công chúng thấy quá trình học tập và trải nghiệm của mình với chất liệu vẫn còn mới mẻ với người Việt này.

Tranh trong triển lãm của anh dường như tập trung vào rất nhiều chủ đề

Hiện giờ tôi không muốn bấu víu vào một chủ đề bất biến nào cả. Mọi thứ trong cuộc sống va đập vào cái nhãn quan của tôi và gây cho tôi xúc động đều có thể được đưa lên tranh. Cuộc sống với tất cả diện mạo của nó đều đáng quý với nghệ thuật và là nguồn vốn lớn cho hội họa. Nghệ thuật của tôi chỉ đơn giản là cuộc sống được biểu đạt bằng nước và mực.

Bức Thợ mỏ 6

Sau 5 năm bước vào thế giới thủy mặc họa, anh đã tổ chức triển lãm đầu tiên. Vậy anh có nghĩ đến những mục tiêu tiếp theo?

Tôi không có nhiều mục tiêu to lớn lắm cho sự nghiệp của mình. Tôi vẽ tranh, vẽ thủy mặc đơn giản như cơm ăn nước uống hằng ngày, vì tôi yêu nó, muốn sống chung với nó. Tôi biết chắc chắn mình sẽ dành cả đời cho nó. Giản đơn vậy thôi. Còn nếu có thể, tôi mong mình sẽ có khả năng đem thủy mặc họa đến gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam.

Chúc anh thành công

Anh Vũ thực hiện

 

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)