Sự phản tỉnh về một giải thưởng

Ngày 11.10.2007, giải Nobel văn chương được công bố. Chỉ sau đó vài giờ đồng hồ, tin này đã được đưa trên mục văn hóa của một tờ báo điện tử ở Việt Nam với chi tiết tiểu sử và sự nghiệp văn chương của tác giả đoạt giải – nữ văn sĩ Doris Lessing. Một tuần sau đó, hầu như trang văn nghệ của các tờ báo lớn đều có bài viết về tác giả này và những đoạn trích dịch tác phẩm cũng bắt đầu xuất hiện. Thậm chí, chúng ta hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng, với sự nhanh nhạy của giới làm sách, chỉ trong năm tới, biết đâu, một vài tác phẩm của bà sẽ đến tay bạn đọc ở Việt Nam. Đáng mừng chăng? Phải chăng, cùng với thế giới, đời sống văn chương của chúng ta đang trở nên "phẳng"?

Một tuần trước khi được công bố, giải Nobel bắt đầu trở thành đề tài trong những cuộc đàm luận của giới văn chương ở Hà Nội. Ai sẽ là người có may mắn “ẵm” hơn một triệu đô la của giải thưởng đầy danh giá này? Rồi liệu những kẻ đã “xếp hàng” như Milan Kundera hay Haruki Murakami (đều đã được dịch ở Việt Nam, chứ không phải Philip Roth, một nhà văn hầu như còn xa lạ với người đọc bằng tiếng Việt) lần này có đến lượt? Hay lại như L. Tolstoi và J. Joyce. Có cả những tiếng xầm xì. Lại như mấy năm trước thôi. Orhan Pamuk, Dario Fo hay Imre Kertész. Ai (là ai?) biết đấy là ai? Một thứ dư luận sản phẩm của một sự vô minh được trình bày sang trọng ăn theo những trồi sụt bình thường của một giải thưởng lớn. Trên một website chuyên về văn chương, không khí Nobel thậm chí còn được làm nóng lên bởi tỉ lệ cá cược của một hãng nước ngoài, bởi những bàn luận về những ứng viên tiềm năng và những “vớ vẩn” của giải Nobel văn chương, những đại văn, đại thi hào có khả năng được giải. Tất nhiên là đều qua báo chí nước ngoài. Và cuối cùng thì giải đã được trao. Một người phụ nữ Anh (nhưng sinh ra ở thuộc địa), một cụ già đã ngoại bát tuần: Doris Lessing.
 


V.S. Naipaul, Nobel văn chương năm 2001.

Một tiểu thuyết của ông vừa được giới thiệu với bạn đọc Việt Nam qua bản dịch của Cao Việt Dũng.

Khó có thể coi bà là một nhà văn tầm thường, một kẻ vô danh. Bà nổi danh trong đời sống văn chương của phương Tây từ những năm 1950. Bà là một nhà văn theo chủ nghĩa nữ quyền, chống chủ nghĩa thực dân, đã từng là một Đảng viên cộng sản. Ít nhất, trong bộ sưu tập của bà, có những giải thưởng văn chương danh giá của đủ cả các nước châu Âu : Giải Médicis dành cho tác phẩm nước ngoài của Pháp, giải mang tên Somerset Maugham của Anh, giải Asturias của Tây ban nha, giải German Federal Republic Shakespear… Và bà cũng là một ứng viên không quá xa lạ của giải Nobel văn chương. Tác phẩm của bà cũng không quá khó tiếp cận với người Việt. Nếu chỉ cần làm một cuộc tìm kiếm bằng cỗ máy Google, có thể thấy khoảng gần hai chục đầu sách của bà đã được dịch sang tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ phổ biến ít nhất cũng ngang ngửa tiếng Nga và tiếng Trung trong giới nghiên cứu văn học nước ngoài ở Việt Nam. Và giờ đây, tên tuổi của bà càng dễ trở thành quen thuộc đối với người Việt Nam. Trước hết là nhờ giải Nobel. Sau đó là nhờ báo chí. Và sau nữa là…
Trong những năm gần đây, có thể nhận thấy một sự nhanh nhạy của các dịch giả và giới làm sách trong việc giới thiệu văn chương đương đại thế giới ở Việt Nam. Nếu chỉ tính từ giải Nobel được trao năm 2000 cho nhà văn gốc Trung Quốc Cao Hành Kiện, có thể thấy trong số bảy tác giả (Orhan Pamuk, Harold Pinter, Elfriede Jelinek, John Maxwell Coetzee, V.S. Naipaul, Imre Kertész, Cao Hành Kiện), tác phẩm của bốn người đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Kỹ lưỡng nhất là Cao Hành Kiện. Tác phẩm Linh sơn của ông có tới hai bản dịch, từ tiếng Pháp và từ tiếng Trung. Lần này, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng sau giải Nobel, tác phẩm của Doris Lessing sẽ được dịch sang tiếng Việt. Có thể là Cuốn sổ vàng. Và kèm theo là cả hy vọng rằng đó sẽ không phải là một thảm họa dịch thuật.
Vậy thì liệu tất cả những điều đó có đủ để chúng ta lạc quan về mối quan hệ giữa đời sống văn học ở Việt Nam và thế giới? Hãy thử làm một phản đề. Liệu trước giải Nobel, có ai trong số chúng ta biết đến Cao Hành Kiện, J.M. Coetzee hay V.S. Naipaul? Liệu trước giải Nobel, có ai trong số họ đã được dịch tác phẩm sang tiếng Việt? Và bao nhiêu người trong số ấy có vị trí trong trương trình giảng dạy và nghiên cứu của các đại học và các trung tâm nghiên cứu văn chương chính của cả nước? Và rộng hơn nữa, chúng ta có được bao nhiêu chuyên gia về những nền văn học đương đại của các nước trên thế giới như Anh, Hoa Kì, Đức, Ý, và kể cả Pháp, Nga (đặc biệt là hậu Xôviết), Trung Quốc? Và ngay cả với Doris Lessing. Chúng ta biết gì về bà trước Nobel? Hãy thử đặt cạnh nhau cả chục bài báo xuất hiện trong thời gian vừa qua trên các mục tin văn nghệ của các nhật báo, tuần báo, tạp chí, ấn bản giấy và ấn bản điện tử. Cần phải nói thẳng rằng những bài báo ấy dẫu giọng điệu có thể khác nhau nhưng đều có dáng dấp của những sản phẩm được đúc từ cùng một khuôn. Cũng vẫn lời tuyên bố của Viện Hàn lâm, vẫn tiểu sử nhà văn, vẫn những tiêu đề sách, những giải thưởng, những đánh giá. Và cuối cùng là mấy từ “theo…” hay “tổng hợp từ…”. Ở đâu đó, có thể có thêm một bài phỏng vấn, một trích đoạn bài viết nào đó. Nhưng tất cả, tất cả, liệu có thoát khỏi những thông tin báo chí mà người làm báo, trước yêu cầu của tính thời sự khẩn trương tìm kiếm và tổng hợp từ internet? Không thể trách các nhà báo, họ đã làm việc với tất cả lương tâm nghề nghiệp, trách nghiệm và sự cẩn trọng cần thiết. Thế nhưng chúng ta liệu có thể lạc quan trước tất cả những điều đó?
Phải chăng, giải Nobel chính là dịp để chúng ta phản tỉnh? Về mối quan hệ giữa nền văn chương của chúng ta và chính chúng ta với phần còn lại của thế giới.
Lâu nay, đây đó, trong đủ các loại diễn đàn, chúng ta đã được nghe các văn nghệ sĩ cũng như các dịch giả, giới nghiên cứu, phê bình cũng như những người làm công tác quản lí văn hóa và văn chương nói về khát vọng giới thiệu văn chương Việt Nam ra nước ngoài. Chúng ta nâng lên đặt xuống về chuyện tác phẩm này hay tác phẩm kia liệu có xứng đáng đại diện cho văn chương Việt Nam để trình ra với thế giới. Chúng ta băn khoăn về những động cơ và chúng ta lo lắng vì những “tại sao” và “làm thế nào”. Tất cả là một khát vọng nhưng liệu khát vọng ấy có phải là một ảo tưởng? Đã bao giờ chúng ta thực sự tự đặt câu hỏi, rằng, nền văn học của chúng ta đang ở đâu trong bản đồ văn chương thế giới, rằng chúng ta có băn khoăn cùng những băn khoăn của nhân loại, có nói cái ngôn ngữ chung của văn chương thế giới (ngôn ngữ không chỉ giới hạn trong một thứ tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Đức cụ thể nào). Và trên hết, liệu chúng ta biết gì về cái phần còn lại của thế giới đang cùng tồn tại. Hơn nữa, cái biết ấy liệu có thực sự là một cái biết?
Nhìn vào việc giới thiệu văn học nước ngoài ở Việt Nam, dường như chúng ta vẫn đang thiếu một chiến lược lâu dài và căn cơ. Trong thế giới được coi là phẳng này, người đọc Việt Nam có thể “phẳng” rất nhanh với Harry Potter và Dan Brown. Vì đó là những cái phẳng mang lại lợi nhuận. Kể cả khi, đôi lúc, nó phẳng nhờ những “thảm họa dịch thuật”. Trái lại, việc giới thiệu những giá trị đích thực nhiều khi lại là một thứ “ăn theo”, dù hết sức sang trọng: ăn theo những giải thưởng, những cuốn sách Best seller. Và đã là “ăn theo” thì nó mất đi cái tư thế chủ động của người tìm hiểu. Đó là chưa kể tới sự bất cân xứng một cách không bình thường trong mối quan hệ giữa các dịch giả, các nhà xuất bản và giới hàn lâm mà trong đó, các dịch giả và những nhà sách luôn là những người tiên phong. Sự kiện một hội thảo về Haruki Murakami không phải do một thiết chế có tính hàn lâm được cấp kinh phí nghiên cứu mà do một đơn vị xuất bản sách phối hợp với những tổ chức nước ngoài thực hiện là một sự kiện đáng để chúng ta phải suy nghĩ.
Công tâm mà nói, vẫn có những tín hiệu đáng để chúng ta lạc quan. Sự biết, dẫu có “ăn theo” cũng là một sự biết. Nó vẫn tốt hơn là một sự vô minh hoàn toàn. Và đây đó, vẫn có những nỗ lực. Nếu như trong mảng sách triết học và lịch sử chúng ta có dự án của quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh thì trong mảng sách văn chương, một cách đơn lẻ vẫn có những sáng kiến. Trong khoảng mười năm vừa qua, nhờ nỗ lực của một số cá nhân dịch giả, nhà phê bình và nghiên cứu cũng như những trung tâm xuất bản (Nhà xuất bản Phụ nữ, Hội nhà văn, Công ti Phương Nam, công ti Nhã Nam, nhà sách Kiến thức…), ít nhất, người đọc văn chương Việt Nam đã được biết đến chủ nghĩa hậu hiện đại, đến M. Kundera, đến H. Murakami, đến Paul Auster, đến Georges Perec. Một cách chủ động. Ngoài tác động của mọi thứ giải thưởng. Thế nhưng chúng tôi vẫn cứ phải nhấn mạnh rằng ở bề rộng, chúng ta đang thiếu một chiến lược ở tầm cỡ quốc gia trong việc tìm hiểu và giới thiệu những giá trị đương đại (nhưng đã kịp thành cổ điển) của văn chương thế giới. Tình hình đó tạo nên không ít hệ lụy mà đơn giản và dễ thấy nhất là việc giới phê bình thỉnh thoảng lại “nhảy dựng lên” trước những yếu tố tân hình thức, nữ quyền hay hậu hiện đại của một vài nhà văn Việt Nam dù điều đó đã trở nên rất đỗi bình thường trên thế giới. Chính sự thiển cận đã làm cho họ mất đi một tư thế bình thản và khách quan trong sự tiếp nhận và đó chính là cơ hội cho những giá trị ảo lên ngôi, những nhà văn kí sinh tên tuổi và sự nổi tiếng bằng việc phục sinh những xác chết ngoại nhập.
Cuối thế kỉ XIX, nền văn chương của người Nhật bắt đầu chuyển mình một làn sóng dịch thuật văn chương châu Âu một cách quy mô và hệ thống. Và chỉ sau hơn nửa thế kỉ, họ đã có những giải Nobel văn chương và những giá trị được cả thế giới công nhận. Bài học của người Nhật còn nguyên giá trị cho chúng ta ngày nay. Có lẽ đã đến lúc tất cả chúng ta cần phản tỉnh về tình trạng đóng cửa của chúng ta với thế giới. Và đối tượng cần phải phản tỉnh nhất chính là giới hàn lâm.
     ————–

Lương Xuân Hà.

Tác giả