Sự tầm thường của cái Ác trong The Zone of interest
The Zone of interest của đạo diễn Jonathan Glazer kể về cách một hệ thống vận hành bởi cái ác, cái ác đã trở thành điều hiển nhiên, cấp dưỡng cho những nhu cầu bình thường, và tạo môi trường màu mỡ cho những tha hóa tiềm ẩn của con người.
Có thể bằng một giọng điệu, phương thức khác Hannah Arendt trong một phóng sự về sự tầm thường của cái Ác, con người – những kẻ còn sống hay được sinh ra sau này, đã trở đi trở lại những trại tập trung – những lò sát sinh để biết, để hiểu, để lí giải và cắt nghĩa chuyện “có trời biết” về Holocaust. Mười năm sau nạn diệt chủng, Alain Resnais đưa cả thế giới đến Auschwitz bằng 32 phút phim Night and Fog (1955). Tuyệt tác tài liệu này phơi lộ những hình ảnh khủng khiếp với giọng hùng biện quyết liệt, song người xem thấy bàng hoàng trong chính cái cảm giác kép ấy, sự sắc lạnh của tội ác con người và sự sắc sảo của trí tuệ con người, sự im lặng vĩnh cửu của cái chết và sự gào thét lưu định của kí ức bi thảm. 78 năm sau nạn diệt chủng, Jonathan Glazer đưa cả thế giới đến một dinh thự, tổ ấm của kẻ thiết kế và quản lí Auschwitz bằng The Zone of Interest (2023), hứng đổ vào tai chúng ta tiếng đì đùng súng nổ, tiếng lép bép của ngọn lửa thiêu người, mệnh lệnh và la hét từ phía bên kia tường rào. Những gì Alain Resnais trưng ra để biện luận thì Jonathan Glazer giấu đi để gợi ra, và chính ở chỗ làm việc với hiện thực của tâm trí ấy, con người bị chất vấn, liệu mi có hiểu đủ về cái ác?
Tận cùng của cái ác có phải là khi cái ác trở nên bình thường?
Nếu Chủ nghĩa Phát xít đổ nhào giá trị nhân bản căn bản – quyền được sống bằng khuôn định pháp luật để sứ mệnh hóa tội ác diệt chủng thì The Zone of interest châm biếm đế chế ấy ở chỗ nghi vấn cách hiểu của nó về nhân tính, về con người trong cuộc sống thường tình và con người trong “những người sống sót sau chiến tranh thôi cũng tự thấy mình có lỗi” (Karl Jaspers). Vì thế, đó là sự châm biếm mà không thể cười về cái nghịch dị cải trang trong cuộc sống gia đình, nơi con cái đi học, bố đi làm, mẹ chăm sóc nhà cửa, cuối tuần đi dã ngoại và thỉnh thoảng đón tiếp bạn bè, họ hàng đến chung vui. The Zone of interest là một phim chiến tranh nơi chiến tranh thành ngữ cảnh quy chiếu, làm biến dạng mọi giá trị, cái ác được dung dưỡng hình thành. Nó cũng là một phim gia đình mà tổ ấm như loài hoa độc mọc lên thắm sắc một cách lạnh lùng liền kề lò sát sinh.
The Zone of interest không miêu thuật những ngôi nhà của người Do Thái, người Do Thái còn bận rộn bị kéo ra khỏi nhà, bị tống vào những toa tàu ngột ngạt đưa đến những trại tập trung, trở thành lao động khổ sai, để bị thẩy vào hố chôn tập thể, bị nghiền nát thành bánh xà bông, khuy áo, bột mịn rải vào đất trồng cây hay bay lượn trong cột khói lò thiêu. The Zone of interest tập trung trình hiện ngôi nhà của người Đức với nguyên vẹn ý nghĩa: Nhà là tấm lá chắn lớn, vừa nương náu, nuôi dưỡng vừa định vị, phân biệt với thế giới bên ngoài. May mắn cho ai sống trong ngôi nhà mà luôn muốn trở về, được trở về. Rudolf Höss và vợ Hedwig Höss có một căn nhà tiên cảnh ngay cạnh địa ngục trần gian, trại Auschwitz mà hắn chỉ huy. Căn nhà là cơ ngơi, là thành tựu đầy tự hào đến mức mà toàn bộ phim chỉ xoay quanh những sinh hoạt nơi ngôi nhà. Khi người chồng được thuyên chuyển công tác thì người vợ nhất định bám trụ lại căn nhà vì đó là ước mơ được gầy dựng thành công, nơi con cái đang khỏe mạnh, trưởng thành. Bộ phim kết thúc khi người chồng được quay lại công việc có vẻ không ai làm tốt và mẫn cán hơn hắn, vận hành chuỗi phân loại để giết người Do Thái trong trại Auschwitz, hắn gọi điện cho vợ thông báo mình sắp được về nhà. Hắn thuộc về phần nhân loại may mắn được trở về nhà.
Rudolf Höss và Hedwig Höss là những nhân vật, thành tố tiêu biểu cho “sự tầm thường của cái Ác’ – cho một hệ thống vận hành bởi cái ác, nơi cái ác đã trở thành điều bình thường hiển nhiên. Không có câu chuyện theo ý nghĩa câu chuyện tựu thành sự kiện, họ không làm ra sự kiện cho riêng mình, họ sẽ bị sự kiện lịch sử phán xét, sau này. Họ là chủ thể nguy hiểm mà không cần giấu giếm. Họ huyên náo một cách tham lam, thực dụng một cách thản nhiên. Có tính cách mà không có nội tâm, họ tồn tại như mắt xích hoàn hảo đảm bảo chức năng trong hệ thống vận hành và bấu bám vào hệ thống sẽ cấp dưỡng cho những nhu cầu trong đời sống riêng, gia đình. Vững tin vào sự trường tồn của chế độ, họ mong chờ chiến tranh kết thúc, công cuộc diệt chủng thắng lợi, thôi không phải vận hành cái cỗ máy giết người hàng loạt kia, họ sẽ trở về chăm sóc nhà cửa, cuốc đất làm nông. Diễn xuất của Sandra Hüller trong vai Hedwig Höss và Christian Friedel trong vai Rudolf Höss có nhiều tương đồng trong cái thần thái khô cứng khệnh khạng, vẻ ưu tư mà không thấu cảm. Họ di chuyển bằng cách nhấn mạnh sự hiện diện. Họ mang cử điệu đơn điệu gánh theo những tham vọng, thỏa mãn không cùng. Đặc biệt diễn xuất của Sandra Hüller như ngọn nến cháy, thu hút ở phần sáp chảy hơn ngọn lửa ở phần dây bấc, nó khuấy động ở phần kìm giữ, hoặc bão hòa.
Giản lược tính tự sự, đạo diễn Jonathan Glazer làm nổi bật tính hình tượng (conceptual) trong The zone of interest. Bộ phim gây sửng sốt trong từng khoảnh khắc tương phản chứ không phải cảm giác ghê sợ về diễn trình của ác. Cái bình thường của cuộc sống đang được trình hiện thành ra bất thường khi kề bên và đối lập với cái bất thường mờ bóng. Chỉ cách nhau một bức tường, địa đàng kề bên địa ngục. Niềm vui sống kề bên (những) cơn đau chết. Tôi có một gia đình phải chăm lo và vài triệu người để giết. Tội ác không còn là chuyện bất thường lạc lối, nó là sự mê say tư lợi, nó nằm ở trong quyết định thường ngày của tên đồ tể trong vai trò của một viên chức mẫn cán, nó nằm ở mọi bánh răng của hệ thống. Chúng ta chứng kiến người vợ phân phát mớ đồ lót lấy về từ lò sát sinh kề bên cho gia nhân trong nhà, thích gì chọn nấy, mỗi người một cái; phần cô ta là hạnh phúc ướm thử chiếc áo choàng lông, thỏi son trong cùng đợt thu hoạch. Chúng ta chứng kiến gã chồng rải tiền trên bàn, thống kê nhẩm đếm khi nhận tin thăng chức, biết đâu ở một vị trí cao hơn, rời xa cái lò sát sinh hắn đang vận hành, việc làm kinh tế lại khó khăn hơn. Rõ là “cái ác tầm thường”, nên chúng ta có thể viết lại những câu trên theo lối logic xoàng xĩnh: Niềm vui sống của tôi được tạo nên từ (những) cơn đau chết của kẻ khác; tôi có một gia đình phải chăm lo nên vài triệu người bị giết. The Zone of Interest – Địa đàng được cất dựng bởi/ của vợ chồng Höss bị cô lập, vây hãm bởi chính địa ngục được cất dựng bởi/ của hắn. Nhưng Rodulf của The Zone of Interest, hay cả ngàn Roduft khác trong môi trường luật pháp thể chế hóa và bảo hộ cho hành vi diệt chủng, dung dưỡng cho sự tha hóa tiềm ẩn của con người, không phải chịu trách nhiệm đạo đức gì hết. Nên khi Rudolf đứng đăm chiêu trước sự mênh mông của thiên nhiên, trong khu vườn đêm tối, hay tựa lan can dòm vòm trần nhà hát thì không phải hắn đang phản tư việc hắn làm mà là đang tự mãn trước thành quả sức mạnh của mình, hắn đang khởi tạo những cải tiến để cỗ máy giết chóc tối ưu.
Cái bình thường và sự tàn ác vô hạn trong cùng một khung hình
Ý niệm kề bên được khai triển trong phim nằm ở nhiều tầng vỉa khác nhau. Nó ngưng tụ trong bố cục từng khung hình. Con người hiện diện giữa những vây bọc, đường ngang nét sổ, dù tiện nghi hay đẹp đẽ sặc sỡ mướt mượt vẫn bức bối. Ở ngoại cảnh căn nhà gia đình Höss, hệ thống trại Auschwitz hiện diện bằng tháp canh, tường rào, mái úp ở hậu cảnh. Ở nội cảnh trong từng căn buồng mỗi thành viên gia đình Höss, giấc ngủ của chúng như được chiếu sáng, thiêu thức bằng những cột lửa rực đỏ ngoài cửa sổ. Nó tuôn loang luễnh loãng âm thanh chết chóc bên ngoài khung hình vào trong khung hình làm thành một thứ âm thanh nền gây dựng điêu tàn trên cái vẻ thư thái diệu vợi đang diễu. Nó gối chồng không tương thích đường hình đường tiếng khiến xô gấp hiện thực từ mặt phẳng thành nếp nhăn nhúm đầy nghi hoặc. Kết quả của sự phối âm lại là dẫn dụ ra những đơn âm, những âm thanh sống mà chấp chới, giăng đầy mà không liên kết. Cảnh quan ngồn ngộn mà vẫn lộ ra vẻ tước đoạt thiếu hụt. Đó là cái hữu hình kề bên cái vô hình của những luồng hơi chết.
Cấu trúc The zone of interest cũng được triển khai theo ý niệm kề bên bằng sự song hành của các tuyến nhân vật nhưng chúng giống như những mảnh rời rạc không gầy dựng nổi sự nhịp nhàng phức hợp của cuộc sống, tâm trí người xem đã sẵn bị ám thị sự rền rĩ buồn bã. Phân đoạn này kề bên mà không bổ nghĩa, triển nở từ phân đoạn kia. Các tuyến nhân vật chỉ xoay quanh cuộc thảm sát theo hai cách phản ứng, chịu đựng và tận hưởng. Giữa mưu toan công việc của người chồng và niềm vui thu vén vườn tược hoa cỏ của người vợ; giữa ngày sinh nhật của tên đồ tể nhận con thuyền, món quà tâm đắc cho những cuộc du sông và những kẻ mới chết, xác vừa kịp nghiền đổ trôi lênh láng trên mặt nước; giữa cần thêm nhiều nhà kính để trồng hoa vào mùa sương giá và cần thêm nhiều phòng kín để phun thuốc độc giết người; giữa bố mẹ sụt sịt hoài niệm, lo toan tương lai và con cái tò mò chơi những trò chơi chiến trận, đếm số răng người Do Thái; giữa chủ nhà hãnh diện hào phóng và khách thăm thích thú- tháo chạy; giữa cơn say ngủ vô ưu của bà chủ và trắng đêm tìm rượu để giải sợ của người hầu; giữa dương bản cổ tích hoang đường của người bố đọc và âm bản con gái lang thang mang trái cây vùi giấu cho những người khổ sai… Đặc biệt phân đoạn cuối phim, nhà làm phim mang hiện tại kề bên quá khứ, hư cấu kề bên hiện thực. Trong hành lang hun hút tối, sau cơn nôn khan, Rudolf Höss, từ quá khứ đưa mắt ném ánh nhìn về phía chúng ta, khán giả, con người ở hiện tại, kẻ đọc sách lịch sử, xem phim hư cấu, viếng thăm Auschwitz như khách bảo tàng.
Sự thật không thể là một nửa, nhưng hạnh phúc có vẻ là một nửa của cái nhìn thấy, cái nghe thấy. The Zone of interest làm về hạnh phúc của những kẻ thượng đẳng cho phép mình chỉ cần nhìn, nghe những điều mình muốn. Đó vừa là lí do, vừa là liệu pháp cho cái ác vậy. Lịch sử chạm khắc những cái tên và cũng bôi xóa đến vô tăm tích những số phận. Cái nhìn của Rudolf Höss, cú dựng của Jonathan Glazer vượt qua cái kề bên tương phản đả kích, nó là sự mời gọi tiếp nối những đối thoại. Ở chỗ vi mô, người xem có thể đặt “kề bên” cách sống, cách nuôi dạy con cái, gầy dựng và thụ hưởng hạnh phúc trong cái nhân loại rộng lớn nhưng ranh giới giữa các thế giới thật mỏng manh này. □
———–
“Cái ác trong Đế chế Thứ ba đã mất đi cái đặc tính để phần lớn người ta nhận ra nó – đặc tính cám dỗ. Nhiều người Đức và nhiều Nazi, có lẽ một đa số áp đảo của họ, chắc đã được cám dỗ không giết người, không trộm cướp, không để cho láng giềng đi vào chỗ chết (tất nhiên, vì những người Do Thái bị chở đến chỗ chết mà họ đã biết, cho dù nhiều người trong số họ còn chưa biết những chi tiết ghê tởm) và không trở thành tòng phạm trong tất cả những tội ác này vì được hưởng lợi từ chúng. Nhưng, có trời biết, họ đã học cách cưỡng lại cám dỗ.”
(tr 182. Eichmann ở Jerusalem – Ký sự pháp đình: Một phóng sự về sự tầm thường của Cái Ác. Tác giả Hannah Arendt. Dịch giả Hiếu Tân. NXB Tri Thức năm 2020)