Tái cấu trúc làng nghề Hà Nội: “Vẽ” trên giấy thì dễ!

Thực trạng các làng nghề ở Hà Nội hiện nay cho thấy, các chính sách hỗ trợ phát triển kiểu “bao cấp” sẽ không khả thi.


Một số sản phẩm của làng đúc đồng Ngũ Xã.

Những người cuối cùng của làng nghề

Khi đứng trước ngôi nhà khang trang kiêm phòng trưng bày nằm ở số 178 Trấn Vũ (Tây Hồ, Hà Nội), tận mắt thấy tấm biển đề “Đúc đồng Ngũ Xã” và thấp thoáng sau cửa kính là rất nhiều tượng đồng, chúng tôi mới thực sự tin, làng nghề truyền thống 400 năm tuổi vẫn còn tồn tại. Hơn hai mươi năm nay, người Hà Nội đã quen gọi ngôi làng nằm ven hồ Trúc Bạch là “làng phở cuốn” vì hầu như nhà nào cũng kinh doanh ẩm thực. Chẳng ai còn nhớ nơi đây từng là một trong những “cái nôi” của nghề đúc đồng phía Bắc. Đón khách, ông Nguyễn Văn Ứng, nghệ nhân đúc đồng cuối cùng của Ngũ Xã, vui vẻ kể: “Dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, tôi đem sản phẩm tham dự triển lãm nghề thủ công truyền thống. Chủ tịch thành phố Hà Nội khi ấy – ông Hoàng Văn Nghiên đã rất ngạc nhiên vì cứ ngỡ ‘làng đúc đồng Ngũ Xã mất rồi’. Ngay sau đó, tôi được thành phố ‘cấp’ cho nhà trưng bày sản phẩm”. Trước đấy, dù không hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào, gia đình ông vẫn cố gắng duy trì nghề “cha truyền con nối”.   “Khó khăn nhất là thời bao cấp, sản phẩm làm ra chẳng bán được cho ai. Cả làng bỏ đúc đồng chuyển sang đúc nhôm. Nhà tôi cũng phải làm nhôm để kiếm sống và ‘nuôi’ nghề gia truyền. Tiết kiệm được chút nào là lại đúc đồng để… chơi. Riêng xưởng đúc đồng, vì vấn đề ô nhiễm môi trường, phải chuyển chỗ nhiều lần, mãi sau mới về số 15 đường Hồng Hà”, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng tâm sự.

Hiện, xưởng đúc đồng của gia đình ông với khoảng 20 nhân công đang phải “chạy” hết công suất. Như lời nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng, 10 năm gần đây, sản phẩm đúc đồng “đắt khách” trở lại. Do cả làng chẳng còn ai làm nghề, ông trở thành chuyên gia đúc tượng lớn của Hà Nội, đặc biệt là tượng Bác Hồ và các nhân vật lịch sử. Ngoài ra, các đơn hàng khác cũng đến tới tấp, chủ yếu là đồ thờ. Tiếc nhất là các hợp đồng với nước ngoài (Ấn Độ đặt chuông lắc, Nhật Bản đặt hàng nghìn đỉnh đồng…), ông buộc phải từ chối vì do cơ chế, một thời, đồ cổ không được phép “xuất ngoại”. Sau này, khi đã được “mở cửa” thì lại không có đủ nhân lực sản xuất. Chỉ cần ghé thăm phòng trưng bày và xưởng đúc đồng cũng thấy, nghệ nhân cuối cùng của làng đúc đồng Ngũ Xã đang “sống” rất “khỏe” bằng nghề cổ truyền. Nhưng nguyên nhân thì khá… trớ trêu. Một phần nhờ kinh tế phát triển, đời sống văn hóa – tín ngưỡng của người dân ngày một nâng cao. Một phần bởi làng đúc đồng Ngũ Xã đã bị… xóa sổ, hầu như cả làng đều bán nhà, chuyển hộ khẩu, sinh sống bằng nghề khác, người làng “gốc” bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay!

Tương tự như Ngũ Xã, Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) – ngôi làng từng được gọi là “Làng bách nghệ” cũng hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Hầu hết các nghề thủ công xưa đã lụi tàn từ lâu, chỉ còn lại vài ba nghệ nhân vẫn kiên trì giữ nghề, nhưng không phải ai cũng thành công. Đón chúng tôi, anh Nguyễn Huy Thọ, 36 tuổi, thuộc thế hệ thứ tư trong dòng họ Nguyễn Huy chuyên nghề phất trần, hào hứng khoe: “Mỗi ngày, nhà tôi sản xuất từ 400 đến 500 chổi phất trần đủ kích cỡ. Làm đến đâu, ‘xuất’ hết đến đó, thậm chí sang cả nước ngoài”. Do nhu cầu thị trường luôn ổn định nên bao năm nay, gia đình anh vẫn phát đạt nhờ vào nghề thủ công thường được gọi vui là “nghề lông gà, lông vịt”. Theo lời anh Thọ, trong làng, hiện còn khoảng 100 nhà vẫn làm nghề lông gà, lông vịt, nhưng họ chỉ chuyên thu gom nguyên liệu thô, mang về sơ chế rồi bán lại cho gia đình anh. Nói cách khác, dòng họ Nguyễn Huy đang là “trùm” phất trần duy nhất của làng Triều Khúc.

Trái với sự hồ hởi của anh Nguyễn Huy Thọ, bà Tạ Thị Vĩnh, nghệ nhân tết thao cuối cùng của làng Triều Khúc mời khách vào nhà với vẻ miễn cưỡng. Nhắc đến nghề gia truyền, giọng bà đượm buồn: “Nhà tôi, con cháu đều thạo nghề hết nhưng có việc đâu mà làm. Tôi thì làm túc tắc, để chơi là chính. Lâu nay, tôi không tham gia triển lãm làng nghề nữa vì có quảng cáo cũng chẳng bán được sản phẩm”. Bà Vĩnh vẫn nhớ, những năm chín mươi, nhờ nghề tết thao và chân chỉ hạt bột mà bà nuôi các con ăn học đàng hoàng. Nhưng sau đó, đơn hàng vãn dần. Những sản phẩm bà mất cả tháng trời kỳ công thêu, tết không đọ nổi với hàng chợ, tuy làm ẩu nhưng giá rẻ. Tuy thế, thi thoảng, vẫn có người tìm đến tận nơi đặt hàng bà Vĩnh. Như vừa rồi, bà nhận được một đơn hàng lớn – 100 quả cù đen lắp vào hộp sơn mài, xuất khẩu sang Nhật. Khi bà Vĩnh mang ra những sản phẩm tết thao và chân chỉ hạt bột được gấp cẩn thận, lưu giữ trong một cái hộp lớn làm kỷ niệm, chúng tôi đã sững sờ trước vẻ đẹp và nét tinh xảo mà hàng chợ chắc chắn không thể nào sánh nổi. Giá của những “tuyệt tác” ấy lên đến tiền triệu và đó chính là một trong những lý do khiến Triều Khúc không giữ nổi nghề tết thao còn chân chỉ hạt bột thì phải “thỏa hiệp” với cơ chế thị trường. Ngoài bà Vĩnh vẫn “khăng khăng” chỉ làm “hàng kỹ” thì các nhà khác trong làng đã chuyển sang sản xuất “hàng dối” từ lâu.

“Giữ nghề được đến đâu thì giữ”

Qua khảo sát các làng nghề truyền thống trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận ra một thực tế đáng buồn: Ngay những nghệ nhân đang phát đạt nhờ nghề gia truyền cũng chẳng biết có thể giữ nghề được đến bao giờ. Nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng chia sẻ, ông từng truyền nghề cho hàng trăm “đệ tử” nhưng chẳng mấy người trụ lại, mà đấy là tiêu chí đào tạo đã giảm nhẹ so với quy trình vô cùng khắt khe thời trước. Xưa, để trở thành một nghệ nhân đúc đồng, thợ học việc phải thuần thục cả năm, sáu “môn”: Vẽ, tạo hình, làm khuôn đúc, chạm khắc, lấy màu… Nay, mỗi học trò chỉ phải rèn luyện đúng một khâu, thế nhưng, hầu hết đều kêu “chán” rồi bỏ ngang. Đó là lý do ông Ứng không thể mở rộng quy mô sản xuất hay nghĩ đến một chiến lược phát triển nghề bền vững hơn, chẳng hạn, kết hợp chặt chẽ với du lịch. Mỗi năm, phòng trưng bày đồ đồng Ngũ Xã đón rất nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài. Nhưng nơi đây chỉ bày các sản phẩm tượng và đồ thờ có kích cỡ từ vừa đến lớn, không hề có văn bản giới thiệu, tư liệu ảnh hay video giúp người xem hình dung rõ nét hơn về một làng đúc đồng nức tiếng thuở trước. Ngoài ra, cũng không có các phiên bản tượng mi ni, các đồ lưu niệm nhỏ gọn để khách quốc tế dễ dàng mua về làm quà như cách các làng nghề của Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã làm rất hiệu quả. Ông Ứng giải thích, dù muốn cũng khó có thể sản xuất đồ lưu niệm vì thiếu nhân lực.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Thọ cũng nhận định, nghề làm phất trần của gia đình mình khó có thể “hưng thịnh” như xưa và cũng chỉ ổn định độ mươi năm nữa là may, bởi nguồn nguyên liệu đang ngày một khan hiếm. Khi trước, lông gà, lông vịt được “nhổ” bằng tay, còn nay, “tuốt” bằng máy nên dập gãy hết, không dùng được. Chưa kể, người làng rủ nhau bán đất, chuyển đi nơi khác. Lớp thanh niên thì chê nghề lông gà, lông vịt hôi hám, vất vả, không ai muốn đụng tay. Nguy cơ thiếu nhân lực là điều dễ thấy. Ngoài ra, phất trần Triều Khúc cũng đang bị các sản phẩm “rởm” xuất xứ từ nơi khác cạnh tranh quyết liệt, nhưng anh Thọ thì hoàn toàn chưa nghĩ đến việc quảng bá “hàng xịn” một cách bài bản. Vậy nên, dù đơn hàng vẫn làm không kịp, nhưng cũng như nghệ nhân tết thao Tạ Thị Vĩnh, anh Thọ tiễn chúng tôi bằng tiếng thở dài: Giữ nghề được đến đâu thì giữ!

Bảo tồn làng nghề – “sàng lọc” hay bao cấp toàn bộ?

Theo thống kê của báo Thanh niên vào tháng 7 năm 2016, 21 làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Nội được đưa vào danh sách bảo tồn, phục hồi trong một đề án “nghìn tỷ” do UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Nhưng qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, các làng nghề này có nguy cơ chỉ “sống lại” trên… giấy vì nghề truyền thống ở đây hoặc đã “chết”, hoặc đang “hấp hối” trước sức ép của nền kinh tế thị trường cùng những khó khăn về nhân lực, vốn, cơ sở hạ tầng…., mỗi nghề chỉ còn lại một nghệ nhân như hiện trạng của đúc đồng Ngũ Xã và tết thao Triều Khúc.

Chúng ta có nên cố khôi phục tất cả các làng nghề Hà Nội, cố bảo tồn những sản phẩm truyền thống, giữ lại những giá trị không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường?
Điều đáng nói, đây không phải là đề án khôi phục làng nghề duy nhất đã, đang và sắp được triển khai trên địa bàn thủ đô. Về mặt chính sách, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đã sớm có chủ trương phát triển ngành nghề nông thôn, khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và hợp tác xã …, trong đó, đặc biệt ưu tiên phát triển làng nghề. Các chính sách này cũng phân loại rõ ba nhóm làng nghề để có hướng hỗ trợ cụ thể, bao gồm: làng nghề gắn với hoạt động du lịch, quy hoạch lại những làng nghề gây ô nhiễm môi trường, khôi phục những làng bị mai một. Tuy nhiên, nhiều khả năng, các chính sách hỗ trợ làng nghề đang được coi là đồng bộ hiện nay đều không phù hợp với tình hình thực tế.

Thực trạng lụi tàn của rất nhiều nghề thủ công truyền thống cho thấy, nếu những sản phẩm đó không còn phù hợp với thị hiếu tiêu dùng thì dù có cố khôi phục làng nghề, nghề truyền thống cũng vẫn “chết” vì không còn nghệ nhân và cũng không có “đầu ra”. Đó là lý do nghệ nhân tết thao Tạ Thị Vĩnh khẳng định, bà chỉ “túc tắc” làm nghề “cho vui”, không có ý định “lên báo, đài” và có đi triển lãm thì cũng chỉ “đi cho vui” vì sản phẩm chắc chắn không bán được. Ngược lại, những nghề đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường thì vẫn phát triển mạnh mẽ. Những hộ bao năm qua tự “đứng vững” bằng nghề truyền thống, họ không cần đến sự bao cấp của nhà nước về vốn, nguyên liệu, nhân lực hay “đầu ra”. Cùng lắm, như trường hợp của nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng, ông cũng chỉ cần thành phố hỗ trợ một phòng trưng bày để thuận tiện “bắt tay” với du lịch. Việc cần làm với đúc đồng Ngũ Xã bây giờ không phải là “rót” thêm tiền mà là hướng dẫn nghệ nhân cách thức thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Từ thực tế đó, câu hỏi đặt ra là, chúng ta có nên cố khôi phục tất cả các làng nghề Hà Nội, cố bảo tồn những sản phẩm truyền thống, giữ lại những giá trị không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường?

Theo TS. Đào Thị Hoàng Mai, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, rất nhiều đề án phát triển làng nghề hiện nay đều mắc phải “lỗi”: hỗ trợ “cào bằng”, “bao tất cả các ngành trong một” để “rót tiền” mà không tính đến đặc thù của từng ngành, từng nghề cụ thể. Rõ ràng, biện pháp hỗ trợ này vừa tiêu tốn ngân sách vừa không mang lại hiệu quả thực tiễn. Bà Mai phân tích, riêng đối với những nghề, làng nghề đang trên bờ vực “biến mất”, thuộc diện “cần khôi phục” trong các đề án phát triển làng nghề, việc cố gắng bảo tồn theo kiểu “bao cấp” là bất khả thi, bởi đơn giản, không có “bầu sữa bao cấp” nào là vĩnh viễn. Ngoài việc phân nhóm làng nghề để hỗ trợ hiệu quả, theo bà Mai: “Nên để các làng nghề tự thích ứng với nhu cầu của thị trường, cụ thể như làm ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, áp dụng phương thức sản xuất mới, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Nếu làm được thì sẽ tồn tại, còn không thì bị đào thải, đó cũng là một quy luật của sự phát triển. Do vậy, biện pháp tốt nhất là ‘thuận theo tự nhiên’, để các làng này phát triển bằng nội lực của chính mình và phù hợp với quy luật của thị trường”.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Trung tâm Di sản các nhà khoa học, nhận định: “Các nghệ nhân và làng nghề cần là một cơ chế quản lý thông thoáng tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, con em họ được giáo dục bài bản và có thể ứng dụng những tri thức mới trong phát triển nghề truyền thống chứ không phải là hỗ trợ kiểu  bao cấp”. Ông Huy cũng cho rằng, với các làng nghề đã  bị mai một tới mức chỉ còn lại  một nghệ nhân và nghệ nhân đó cũng chỉ có rất ít hoặc thậm chí không tìm được học trò thì nên  lưu giữ bằng hình ảnh, tư liệu về nghề theo hình thức bảo tàng.  Để tránh trường hợp mất toàn bộ các di sản và không kịp lưu trữ, công tác bảo tồn đi sản bao gồm: lưu giữ lại các tài liệu, hiện vật, quá trình sản xuất các sản phẩm thủ công cũng như kinh nghiệm và kỹ năng cần được tiến hành ngay với sự tham gia của các nghệ nhân.  Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, “Với những nghề thủ công đã mất, cần tư liệu hoá ngay và huy động các nghệ nhân tham gia vào công tác này. Như Hàn  Quốc, Nhật Bản, họ làm tư liệu hóa về kinh nghiệm của người thợ thủ công nghề và các làng nghề đã và đang mai một rất tốt. Còn ở ta, hầu như chưa có đơn vị nào làm một cách bài bản, hệ thống. Và hậu quả là có những nghề, như nghề giấy làm giấy sắc phong ở Nghĩa Đô, khi nghệ nhân duy nhất còn lại là cụ Lại Văn Bằng ra đi, chưa kịp làm tư liệu hóa thì cụ đã mang theo toàn bộ bí quyết nghề”.

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)