Tái khám phá bản thảo của Leonardo da Vinci sau 500 năm

Đã hơn 500 năm kể từ ngày mất của thiên tài Leonardo, ngoài những bức tranh nổi tiếng, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu sâu hơn về sự giao thoa giữa nghiên cứu khoa học với gia tài nghệ thuật vĩ đại hiển hiện trong khoảng 7000 trang bản thảo còn lại tới ngày nay, đại diện cho các chủ đề quan tâm phong phú của Leonardo: thực vật học, địa chất, thủy lực, kiến trúc, kỹ thuật quân sự, thiết kế trang phục, hình học, bản đồ, quang học, giải phẫu, thăm dò các bí ẩn của vũ trụ.

Nghệ sĩ đường phố người Ý, Valter Conti, đã tạc bức tượng Leonardo đang rảo bước về phía bảo tàng nghệ thuật Uffizi, vùng Toscana, Italia, nơi trưng bày các trước tác của Leonardo để du khách chụp ảnh.

Theo lời của nhà sử học nghệ thuật Martin Kemp và là học giả chuyên nghiên cứu về Leonardo, ở khoa Lịch sử nghệ thuật, Đại học Oxford, “Không ai trong số những tiền nhân hoặc đương thời cùng Leonardo có thể so sánh được về phạm vi sáng tạo, óc suy đoán sáng suốt và sức mạnh biểu lộ thị giác. Và chúng tôi biết không có gì thực sự có thể so sánh được trong nhiều thế kỷ tiếp theo”.

Giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật

Trong suốt 46 năm sự nghiệp của mình với phần lớn thời gian tại Florence và Milan, Leonardo luôn cố gắng tìm kiếm tri thức. Ông học tiếng Latin, sưu tầm thơ, đọc hình học Euclid và Archimedes. Khi người khác chấp nhận những gì cơ thể cảm nhận được, ông lại xem xét kỹ lưỡng những chi tiết vụn vặt – các góc hình học, sự dãn nở của đồng tử – tìm mối liên hệ giữa ngành này với ngành khác. Ông phác thảo hoa lẫn máy bay, các cỗ máy chiến tranh cho nhà bảo trợ của mình, công tước Ludovico Sforza; chế tác đồ trang trí sân khấu từ lông công, và lên kế hoạch đổi hướng dòng sông Arno giữa Florence và Pisa.

Leonardo đã vượt qua các bậc tiền bối của mình bằng phương pháp riêng: ông kiểm tra chéo các đối tượng và lật ngược chính các kết luận của mình. Đối với Leonardo, phương châm khoa học, gồm trình tự quan sát, đặt giả thuyết và thực nghiệm – cũng rất quan trọng trong nghệ thuật. Sức mạnh lớn nhất của ông là khả năng biến kiến thức thành hiện thực, và ông đã linh hoạt ứng dụng khả năng của mình trên cả hai lĩnh vực.

Hàng ngàn bản phác thảo, quan sát, nghi vấn đã thể hiện hành trình tìm kiếm tri thức không ngừng nghỉ của Leonardo. Một lượng lớn các trang gốc đã thất lạc. Những phần còn lại, nhiều trang được kết tập, cho thấy sự giao thoa giữa nghiên cứu khoa học tỉ mỉ với các gia tài nghệ thuật vĩ đại của ông.

Các nghiên cứu về giải phẫu học của Leonardo chính là sự giao thoa sống động nhất giữa khoa học và nghệ thuật. Ông phẫu tích thi hài và khám phá từng bắp cơ bên dưới, trong không gian ba chiều, để tự mình xem cách một cái chân gập lại hay cánh tay nâng lên. Những người đương thời của Leonardo, gồm cả đối thủ Michelangelo, cũng đã nghiên cứu cơ và xương để cải thiện khả năng mô phỏng cơ thể người trong các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng nhà sử học Domenico Laurenza cho biết Leonardo đã vượt xa những người khác. “Cách tiếp cận của ông như một nhà giải phẫu học thực thụ”.

Dữ liệu khoa học mà Leonardo thu thập trong các cuốn sổ chính là nền tảng cho mọi nét cọ của ông. Các nghiên cứu giải phẫu của ông đi sâu vào đặc điểm sinh học của các biểu hiện trên khuôn mặt. Dây thần kinh nào gây ra chau mày, hoặc bĩu môi, mỉm cười, ngạc nhiên? Ông tự hỏi trong các ghi chú của mình. Quá trình phân tích về ánh sáng và bóng tối cho phép ông tô vẽ các đường nét với sự tinh tế không gì sánh được. Ông loại bỏ cách phác thảo truyền thống, thay vào đó làm mềm các cạnh của vật thể bằng kỹ thuật sfumato. Quang học và hình học đã dẫn đến một đẳng cấp phối cảnh điêu luyện, được thể hiện trong bức họa “Bữa tối cuối cùng”. Những quan sát sắc sảo cho phép ông khắc họa chiều sâu cảm xúc trên từng hình thể, khuôn mặt, mềm mại mà không xơ cứng.

Ông dự tính hoàn thành các chuyên luận về nhiều chủ đề, bao gồm cả địa chất và giải phẫu học. Còn các bản phác thảo được để lại cho người bạn đồng hành trung thành Melzi sắp xếp. Trong những thập kỷ sau khi Leonardo qua đời, 2/3 đến 3/4 các trang gốc đã bị đánh cắp hoặc làm mất. Mãi đến cuối thế kỷ 18, nghĩa là hơn 200 năm sau, hầu hết các trong còn sót lại mới bắt đầu được xuất bản. Kết quả là, chúng ta còn biết rất ít về di sản của Leonardo với tư cách là một nhà khoa học. Nhưng nhân loại của nhiều thế kỷ sau đó vẫn đang phải cố gắng bắt kịp ông.

Nhà giải phẫu học

Di sản của Leonardo ngày càng rực rỡ hơn dưới sự soi sáng của khoa học y học thời hiện đại. J. Calvin Coffey, trưởng khoa phẫu thuật tại trường y khoa thuộc đại học Limerick, Ireland, đã tiến hành nghiên cứu trong nhiều năm và đưa đến một khám phá đáng kinh ngạc: Một quan sát của Leonardo vào năm 1508 đã xác nhận giả thuyết mà Coffey đang cố chứng minh. Coffey nghiên cứu về mạc treo, một cấu trúc hình rẻ quạt kết nối ruột non và ruột già với thành sau ổ bụng. Kể từ ngày xuất bản cuốn giải phẫu kinh điển của Gray vào năm 1858, sinh viên được dạy rằng mạc treo bao gồm một số cấu trúc riêng biệt. Nhưng khi càng thực hiện nhiều ca phẫu thuật đại trực tràng, Coffey bắt đầu nghi ngờ mạc treo thực chất là một cơ quan liên tục.

Quyết tâm hiểu rõ từng thớ thịt trong cơ thể, Leonardo đã phẫu tích xác động vật và người. Ông đã vẽ lại xương và cơ cánh tay, vai và bàn chân và từng định xuất bản một chuyên luận giải phẫu. Nếu thực hiện, có lẽ ông đã được công nhận là ông tổ của ngành giải phẫu học hiện đại, danh hiệu sau này được trao cho Andreas Vesalius. Ảnh: Royal Collection Trust/© Her Majesty Queen Elizabeth II 2018
Michael Grimaldi, giám đốc hội họa tại học viện mỹ thuật New York, tôn sùng Leonardo từ khi còn nhỏ. Trong một dự án hợp tác độc đáo với đại học y khoa Drexel tại Philadelphia, các sinh viên mỹ thuật của Grimaldi kết hợp cùng cùng với các sinh viên y khoa cùng tiếp xúc với thi hài và phác thảo cơ thể người.

Khi ông và các đồng nghiệp nghiên cứu cấu trúc giải phẫu để chứng minh giả thuyết này, Coffey đã tim thấy một bức vẽ của Leonardo mô tả mạc treo như một cấu trúc không gián đoạn. Coffey hồi tưởng lại khoảnh khắc đó rất rõ ràng. Ông đã lướt qua nó, nhưng sau đó liền nhìn lại. Euréka “Tôi hoàn toàn kinh ngạc về những gì đã thấy, nó tương quan chính xác với thực tế. Nó là một kiệt tác tuyệt đối”.

“Giờ đây, chúng ta mới biết rằng cách giải thích của da Vinci là đúng”. Coffey ngạc nhiên về khả năng phẫu tích toàn bộ cơ quan của Leonardo, vốn là một kỳ công do sự phân tầng phức tạp của cấu trúc giải phẫu. “Không phải bác sĩ phẫu thuật nào hiện nay cũng có thể lặp lại [những đường phẫu tích] như Leonardo từng thực hiện”.

Tầm nhìn của Leonardo được thúc đẩy bởi niềm tin của ông vào tạo hóa, dù là rễ cây hay con hà mã. Ông viết, sự khéo léo của con người, “sẽ không bao giờ nghĩ ra bất kỳ phát minh nào đẹp hơn, và cũng đơn giản hơn, và có mục đích hơn mẹ thiên nhiên đã tạo tác; bởi không gì do dục vọng, không có gì thừa thải”. Mọi động mạch, mọi mô, mọi cơ quan đều tồn tại cho mục đích của nó.

Bản phác họa chi tiết trái tim bò đã được lấy ra khỏi cơ thể. Leonardo đã xem xét kỹ lưỡng hình thái để hiểu rõ đặc tính cơ học: Các hình vẽ nghiên cứu động mạch chủ và các tĩnh mạch chủ trên và dưới, cũng như mô tả van ba lá, cả trạng thái mở và đóng.

Francis Charles Wells, bác sĩ phẫu thuật tim tại bệnh viện Royal Papworth, Cambridge, Anh, đã tình cờ tham dự một triển lãm các búc vẽ giải phẫu của Leonardo tại Học viện Nghệ thuật  Hoàng gia tại khu phố Piccadilly, London, năm 1977 và Wells choáng ngợp trước những hiểu biết của người nghệ sĩ. Sau khi phẫu tích thi hài một người đàn ông 100 tuổi, Leonardo đã trình bày mô tả đầu tiên về chứng xơ vữa động mạch trong lịch sử y học.

Leonardo đã thiết kế một mô hình thủy tinh của van động mạch chủ chứa nước và hạt cỏ, cho phép ông hình dung mô hình dòng chảy của máu và cách van đóng mở, các chi tiết này cuối cùng đã được chứng thực vào những năm 1960. Hơn tất thảy, các bản thảo của Leonardo đã như lời tiên tri, mở mang tầm nhìn về logic tinh tế của cấu trúc và cơ học của trái tim – không chỉ mô tả chính xác cơ quan trông như thế nào mà còn cả lý do tại sao nó phát triển.

Một sáng mùa thu, khi Wells đứng bên lồng ngực đang mở của bệnh nhân trong phòng mổ tại bệnh viện Papworth, ông chỉ vào van hai lá và hỏi: “Thấy không? Thật đáng kinh ngạc”. Phương pháp phẫu thuật của Wells được hướng dẫn bởi châm ngôn mà ông học từ Leonardo: Mỗi cấu phần phức tạp của van, gồm các lá van, các dây chằng, các cơ nhú, đều hiện diện và được thiết kế để duy trì lực đẩy lên của nó. Nguyên lý cơ bản đã định hình phương pháp sửa chửa van tim của Wells. “Bạn có thấy thứ nhỏ gì trong cái kẹp forceps của tôi không? Đó là các sợi dây chằng bị đứt và là nguồn gốc của vấn đề”. Wells có thể chọn loại bỏ toàn bộ van và thay thế bằng một chiếc nhân tạo, cách tiếp cận được nhiều bác sĩ phẫu thuật ưa chuộng.

Nhưng không. Ông cẩn thận thay từng sợi bằng chỉ khâu Gore-Tex, bảo tồn càng nhiều cấu trúc ban đầu càng tốt. Leonardo không thể dự đoán sẽ xuất hiện phương pháp phẫu thuật này, nhưng những gì ông vẽ đã dạy Wells xem xét cẩn trọng, dừng lại và suy nghĩ, cũng như nắm bắt đầy đủ và tìm cách duy trì khả năng vốn có và thành thạo của van để thực hiện đúng nhiệm vụ của nó. Wells đã thu thập những hiểu biết của mình trong một cuốn sách dày 256 trang, “Trái tim của Leonardo”.

Tại Mỹ, những ghi chép về cách  bay của các loài chim của Leonardo đã truyền cảm hứng cho phòng thí nghiệm của David Lentink, nhà sinh học và kỹ sư cơ khí tại Stanford. 500 năm sau, Lentink vẫn tiếp tục cố gắng trả lời cho câu hỏi của Leonardo: chuyển động của cánh trong không khí tạo lực đẩy thế nào? Làm thế nào để cơ của chim điều khiển việc vỗ cánh. Làm thế nào chúng lượn? Tất cả các câu hỏi vẫn rất thời sự.

Ngày nay, nhóm của Lentink có các công cụ công nghệ mà thời của Leonardo không ngờ tới: Các cảm biến và ảnh chụp tốc độ cao cho phép họ đo lực nâng mà cánh chim tạo ra. Một trong những dự án nổi bật của họ là con chim cơ khí PigeonBot, có đôi cánh lông vũ và một hệ thống điều khiển vô tuyến. Nhóm nghiên cứu sử dụng kính hiển vi tia X độ phân giải 1 phần 1 triệu mét để xác định các đặc tính của bề mặt lông vũ và sự tương tác giữa các lông vũ liên kề. Khung xương và các chốt gắn lông được in 3D. PigeonBot được trang bị gia tốc kế, con quay hồi chuyển, cảm biến vận tốc, GPS, la bàn và bộ thu phát tín hiệu vô tuyến truyền thông tin chuyến bay về máy tính. PigeonBot không chỉ là mẫu vật trưng bày. Kỹ thuật mô phỏng ngược con chim cho phép các nhà khoa học nắm được từng giai đoạn trong cơ chế bay và hiểu rõ chức năng của từng bộ phận – cuối cùng sẽ chạm đến lời giải cho các câu hỏi liên quan của Leonardo.

Leonardo cũng ghi vào sổ tay của mình những phát minh chưa từng được chế tạo, bao gồm cả một chiếc máy được thiết kế cho phép thợ lặn thở dưới nước. Các thiết kế thuở xưa của Leonardo đã được phát triển cao hơn trong hải quân hiện đại. Tại cảng Messina, một lính đặc nhiệm hải quân Ý đang huấn luyện trong bộ đồ lặn có điều áp có thể đạt độ sâu 1000 feet. Ảnh: Paolo Woods, Gabriele Galimberti

Nhạc sĩ

Không chỉ gồm những ghi chép rõ ràng, các cuốn sổ cũng chứa đựng những ý tưởng giả định thoáng lên hy vọng sẽ được hiện thực hóa. Các bản vẽ của Leonardo đã thúc đẩy nghệ sĩ dương cầm người Ba Lan Sławomir Zubrzycki nghiên cứu sâu hơn. Ông khao khát được nghe âm nhạc của Leonardo.

Cùng với nhiều sáng tạo khác, Leonardo đã ứng tác trên lira da braccio, một nhạc cụ dây thời kỳ Phục hưng, và nghiên cứu sự phức tạp của âm học và thiết kế âm nhạc trong sổ ghi chép. Năm 2009, Zubrzycki nhận ra mình vừa lướt qua một ghi chép về một chiếc viola organista, nhạc cụ phím kết hợp dây cung. Bị cuốn hút bởi khả năng có thể kết hợp cả hai loại nhạc cụ thành một, Zubrzycki bắt tay chế tạo nó.

Không có bản vẽ chi tiết nào, nên Zubrzycki phải mày mò 5 giờ mỗi ngày trong suốt bốn năm để nghiên cứu và xây dựng thiết kế của mình. Anh đã thử nghiệm các mẫu gỗ, tìm ra rằng cần có 61 phím, và chế tạo 4 cung tròn được phủ lông đuôi ngựa để lướt trên dây đàn và tạo ra âm nthanh. Để đưa nhạc cụ này đến với cuộc sống, Zubrzycki đã dựa vào sức mạnh quan trọng đã thúc đẩy Leonardo: trí tưởng tượng.

Leonardo thiết kế mọi thứ, từ bánh xe và tay quay cho đến các phát minh thú vị hơn như con sư tử cơ khí mà ông nghĩ ra cho vua nước Pháp. Bức vẽ năm 1485 phác thảo một chiếc máy để nâng vật nặng. Khả năng đặc biệt có thể hình dung đối tượng từ nhiều góc độ trong không gian ba chiều cho phép ông mô tả cần trục ở dạng hoàn chỉnh và khi tách rời từng cấu phần. Ảnh: Veneranda Biblioteca Ambrosiana/Bridgeman Images.

Kết quả thật ngoạn mục. Được sơn màu lam bên ngoài với nội thật màu đỏ, chiếc đàn viola organista duyên dáng của Zubrzycki kết hợp khả năng đa âm của bàn phím – cho phép phát nhiều giai điệu đồng thời – với độ nhạy và tinh tế về âm thanh của dây đàn. Trong âm nhạc, và cũng như mọi lĩnh vực khác, Leonardo chưa bao giờ hài lòng với chuẩn mực thông thường. “Ông luôn tìm kiếm giải pháp tiếp theo”, Zubrzycki nói.

Nghiên cứu mới về các bản thảo của Leonardo sẽ còn cung cấp thêm nhiều chất liệu cho các học giả trong tương lai. Laurenza và Kemp đã hợp tác cùng nhau phân tích bản thảo Codex Leicester của Leonardo, cho thấy nó có thể đã ảnh hưởng đến sự ra đời của ngành địa chất hiện đại. Và sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu tỉ mỉ về cuộc đời và sự nghiệp của Leonardo, Bambach của bảo tàng Metropolitan đang xuất bản một đại tác phẩm bốn tập, “Leonardo da Vinci Rediscovered” [Tái khám phá Lenonardo da Vinci].

Các nhà nghiên cứu về Leornado mong muốn, các cuốn bản thảo ghi chép của Leonardo đến gần với công chúng và một ngày không xa, tất cả bản thảo sẽ được dịch, số hóa hoàn toàn, để từ đó công chúng sẽ được thấy Leonardo trong ánh hào quang vĩ đại. □

Cao Hồng Chiến lược thuật

Nguồn bài và ảnh:

https://www.nationalgeographic.com/magazine/article/leonardo-da-vinci-artistic-brilliance-endures-500-years-after-death

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)