Tại sao phim ngắn?
Trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông đa phương tiện, nhiều người trong giới trẻ Việt Nam, bộ phận đông đảo tham gia vào sinh hoạt kĩ thuật số như sự thường tình, đã không bỏ qua cơ hội làm phim ngắn. Nhưng mặc dù trăm nhà đua tiếng thì hi vọng về những nghệ sĩ đúng nghĩa vẫn chỉ có thể gửi gắm ở đôi người.
Một thực tế chẳng dễ lí giải là đã có những ứng xử không đồng nhất với phim ngắn (short film) diễn ra trong lịch sử điện ảnh thế giới. Trước khi được định nghĩa như một thể loại, “ngắn”, nếu chiểu theo dung lượng thời gian, đã từng là những thước phim đầu tiên và tồn tại suốt từ lúc khởi thủy, 1895 với anh em nhà Lumière, rồi đến kỷ nguyên phim câm qua thời đại phim tiếng. Khi có sự xuất hiện của những thước phim được mô tả là dài do việc gộp nhiều tập, kiểu như The life of Moses (1910), The Fall of Troy (1911) hay Vanity Fair (1911)…, thì vị trí của phim có thời giờ khiêm tốn mà đặc sắc nhất là phim hoạt hình, trong các rạp năm xu, chỉ như món khai vị khuyến mãi trộn lẫn cùng dòng tin tức thời sự cho người xem, ngoại trừ một ngoại lệ kinh điển là những thước phim hài của Charlie Chaplin. Sự tiến bộ của kĩ thuật làm phim, sự phát triển của hình thức tự sự và quyền lực của hệ thống phát hành đã đẩy phim truyện dài (feature film) lên vị trí trung tâm, nơi thể hiện trọn vẹn các kiểu mẫu về nghệ thuật, tầm vóc của các minh tinh, các đạo diễn cũng như tính thương mại vốn là yếu tố sống còn trong ngành công nghiệp điện ảnh. Phim truyện dài, do vậy, được ưu tiên để đầu tư sản xuất, có cơ hội đem lại vinh quang và tiền bạc, và sau đó, được phân tích, nghiên cứu như điển phạm trong các giáo trình sách vở. David Bordwell và Kristin Thomopson, trong các dẫn luận nổi tiếng của mình, là Film History và Film Art, cũng không xây dựng một chương nào để bàn về phim ngắn như cách họ đã làm kĩ lưỡng, hấp dẫn với các vấn đề trọng yếu khác.
Cho đến nay vẫn còn những than phiền và định kiến rằng phim ngắn chỉ là tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Bởi một phim ngắn “là những phim có độ dài khoảng 40 phút hoặc ít hơn” theo định nghĩa của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Hoa Kỳ, dường như không đủ sức diễn đạt những ý tưởng nghệ thuật lớn lao. Tuy nhiên, ngay ở vị trí bị xem nhẹ, phim ngắn là một cơ hội không thể khác và hiệu quả hơn cho những khởi sự. Không chỉ 40 phút mà thậm chí ít hơn (như liệt kê của nhà biên kịch Jean Marc Rudnicki chỉ ra: năm 2001, trong tổng số 379 phim ngắn được cấp giấy phép phát hành ở Pháp thì có 167 phim chỉ dài dưới 10 phút, 123 phim từ 20 – 30 phút), phim ngắn vẫn đủ sức cấp chứng chỉ cho một tài năng, là điểm đáng tin cậy đầu tiên cho sự thông hành phía trước. Tấm danh thiếp của Andrei Tarkovsky, David Lynch, Jean-Luc Godard, Rainer Werner Fassbinder, Martin Scorsese, Abbas Kiarostami… những đạo diễn vĩ đại và có phong cách cá nhân độc đáo bậc nhất, không chỉ được đánh dấu bằng các phim truyện dài, mà còn là các phim ngắn, cả trước và trong quá trình lập danh của họ1. Thưởng thức những phim ngắn của họ, trong tình thế đối sánh, thì thấy rằng một phim ngắn đồng nghĩa với một bài tập tốt nghiệp thời sinh viên nhưng cũng là một thử thách tái hồi thể loại khi họ đã chín muồi trong sự nghiệp. Lựa chọn phim ngắn, với họ, ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, không thể coi là cách giết thời gian hay thêm quả dâu tây trên cốc sinh tố, mà chủ yếu, để gói ghém một ý tưởng độc đáo, một thông điệp cô đọng có khả năng phát tán nhanh chóng. Với đòi hỏi ý tại ngôn ngoại hay hình ít ý nhiều thì phim ngắn nhiều lúc như bài tuyệt cú, thể haiku để ngỏ cho các nhà làm phim, ngay cả những người kì cựu ở phim truyện dài, nhập cuộc đôi lần cho thỏa chí.
Một trong những tác nhân quan trọng làm thay đổi cách làm/xem phim ngắn của thế giới hiện nay là sự xuất hiện Internet và các phương tiện kĩ thuật số. Thông lệ cho những phim ngắn hay là chúng được lưu trữ ở các website hoặc các DVD (điển hình như The Journal of Short Film) xuất bản thường kì.
Phim ngắn có lợi thế hơn hẳn phim truyện dài nếu tính ở góc độ tự do tham gia một cách phi lợi nhuận. Và đây cũng là tinh thần của các liên hoan phim ngắn thế giới, nơi công việc tuyển lựa nghiêm cẩn không kém phim truyện nhưng vinh quang, nếu có, lại mang tính dự báo nhiều hơn, tức không quẳng phao cho người đã vào bờ.
Nhìn từ Việt Nam
Những diễn biến trên có thể tìm thấy, vào thời điểm hiện tại, ở Việt Nam vài nét tương tự. Chưa lúc nào chúng ta đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển phim ngắn như dăm năm qua, bỏ qua một giai đoạn quá khứ chưa mấy khi được chú trọng. Cuộc bùng nổ các phương tiện truyền thông đa phương tiện và giới trẻ, bộ phận đông đảo tham gia vào sinh hoạt kĩ thuật số như sự thường tình, sẽ không bỏ qua cơ hội trở thành nhà làm phim độc lập. Đến sau nhưng lại nhanh chóng cập nhật công cụ làm phim, từ máy ảnh, máy quay đến các phần mềm cắt dựng, người làm phim ngắn ở Việt Nam hoàn toàn thỏa mãn đam mê phim ảnh của mình. Nhưng phải đợi đến khi, một tác nhân khác, quan trọng hơn, đến từ nhu cầu nội tại của một cộng đồng điện ảnh Việt đang có dấu hiệu trưởng thành, thì phim ngắn mới có được sức đột phá trên bình diện phong trào, mạnh mẽ đến mức, khó đưa ra số lượng phim chính xác.
Phong trào làm phim ngắn ở Việt Nam hiện nay có thể lấy ra từ bốn nguồn. Thứ nhất, như mặc định, là các bài tập tốt nghiệp của sinh viên các trường sân khấu điện ảnh. Một số những tác phẩm tiêu biểu từ đây sẽ có mặt trong ngày phim sinh viên hoặc Liên hoan phim Ong vàng do chính sinh viên, giáo viên trong trường tổ chức. Thứ hai, có xu hướng ngắn gọn và hiệu quả, là mô hình từ chương trình giảng dạy làm phim do các tổ chức/quĩ nước ngoài tài trợ mà những Dự án Điện ảnh (Film Studies Program) của Trường ĐHKHXH-NV Hà Nội; Dự án 10 tháng 10 phim và Chúng ta làm phim của Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh (TPD) hay các khóa làm phim tài liệu của DocLab (Viện Goethe). Thứ ba, hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng làm phim trẻ Việt Nam của các công ty truyền thông như: dự án 89600Km+…, cuộc thi Làm phim 48 giờ, cuộc thi phim ngắn Hiểu về trái tim, Super 8… Thứ tư, trộn lẫn giữa tính nghiệp dư thuần túy và nỗ lực chuyên nghiệp hóa làm phim là các nhóm hoặc cá nhân chuyên thử sức ở phim ngắn. Dù tự phát hay tự giác thì đây vẫn là bằng chứng thuyết phục cho mức độ sinh sôi phim ngắn tại Việt Nam.
Nhưng làm phim thì phải có xem, đánh giá phim. Bởi vậy không gì thu hút lượng phim ngắn qui tụ đông đảo hơn là các cuộc thi phim ngắn. Hiện nay, ngoài cuộc thi phim ngắn toàn quốc do Hội Điện ảnh tổ chức (sau 7 mùa giải có sân chơi riêng thì từ năm 2010 phim ngắn được đưa vào một hạng mục của giải Cánh diều vàng) như một kênh đánh giá của hội nghề nghiệp thì còn có nhiều cuộc thi phim ngắn theo chủ đề (môi trường, sức khỏe, giáo dục) do các cơ quan, cá nhân khác – thường là tình nguyện – đảm nhận. Điển hình cho nét mới mẻ, bài bản và bắt đầu gây dựng uy tín cao là Tiệc phim trực ngắn tuyến YxineFF, được tổ chức từ năm 2010, dành cho phim ngắn, không chỉ của trong nước mà còn của khu vực và quốc tế. Tăng nhanh về số lượng (năm 2010, YxinFF có 120 phim tham dự, 54 phim được chọn trình chiếu; năm 2011 tỉ lệ này là 150 và 120), thiết lập các chủ đề mở (tình yêu, niềm tin, đời sống cá nhân), tôn trọng các sáng tạo độc đáo, YxineFF đã biến hoạt động làm phim ngắn độc lập ở Việt Nam thành việc làm có định hướng, được ghi nhận và đánh giá đích đáng.
Từ “Chạy trốn” đến “Trái tim xanh”
Trong lúc trăm nhà đua tiếng, với không hiếm ngẫu hứng, thì việc điểm mặt anh tài, lưu chiểu những tiếng nói ấn tượng là không dễ. Thiển nghĩ, phim ngắn, dù chấp nhận các đáp án khác nhau, từ hoạt hình, tài liệu hoặc phim truyện thì vẫn buộc người làm phim, trước hết, làm bằng ý thức thể loại. Nếu không xuất phát từ điểm cốt yếu này, thì dung lượng thời gian chỉ là tấm áo trời ơi đất hỡi vừa vặn trong cảm giác ngắn ngủn mà đánh mất tốc độ, năng lực truyền đạt của ý tưởng, câu chuyện trong đó. Bởi vậy, với cá nhân tôi, trong phần dưới đây của bài viết, sẽ bắt đầu từ hai hướng cho một nhu cầu sắp xếp danh mục ưng ý tạm thời và chưa thể nói là bao quát đầy đủ: dựa vào tiểu thể loại và dựa vào kiểu tính cách của bộ phim.
Theo tiểu thể loại thì áp đảo và có sức hút hơn cả là dạng phim truyện chính kịch (drama) với tinh thần tìm kiếm một câu chuyện hư cấu được xây dựng bằng ngôn ngữ điện ảnh hướng vào diễn biến nội tâm nhân vật, tái hiện một tình huống có khả năng đem lại thông điệp cụ thể. Có thể kể tên một số tác phẩm ấn tượng: Tũn (Bùi Thọ Thịnh) – chất dân dã và tín niệm dân gian; Cõi vui (Đặng Thái Huyền) – dí dỏm về đời thực và diễn; Những người đàn bà (Cù Kim Chi) – cách hiểu về đàn bà xây tổ ấm; Chỉ một đô la (Nguyễn Mạnh Hà) – sắc sảo bởi tiếng cười giễu nhại, về Tây lẫn ta, trong tình huống quen thuộc của văn hóa du lịch; Đường về (Trần Quang Minh) – giải mã Phật tính; Mẹ thương con (Nguyễn Huỳnh Bảo Anh) – thương con của người mẹ tần tảo; Bố yêu con thế nào? (Hà Quỳnh Anh) – cái nhìn khác về người cha; Salem tím (Chu Ánh Nguyệt) – ngụ ngôn kể lại; Trái tim xanh (Đặng Cao Cường) – tâm hồn anh nhi; Một chuyến đi thành phố (Nguyễn Thị Thu Hương) – một cảm thức mất mát; Hồ nước (Đào Đức Hải) – xung đột ngầm của vùng miền… Không quá cầu kì trong đặt vấn đề, phần phát triển câu chuyện nhanh chóng, cắt dựng đơn giản, những phim trên trước sau nhắm vào ý tứ và chăm chút một cái kết bất ngờ kéo theo bùng nổ cảm xúc. Và để giảm bớt trạng thái uy nghiêm già nua, chúng còn được gia giảm chất hài hước tươi tắn, một thủ pháp đa năng từng được nhiều người làm phim ngắn trên thế giới sao đi tẩm lại. Có cái hài vướng víu chút non nớt ô mai như Làm bạn ma (Đỗ Thanh Hà), Đùi gà đại chiến (Phan Huyền My)…và cũng có cái hài được tính toán để đánh động suy nghĩ như Bố yêu con thế nào, Chỉ một đô la, Chở đá đi chơi (Trần Ngọc Sáng). Nhưng hài hước lại ít ỏi hoặc không có trong những phim đậm chất ưu tư, lồng ghép luận đề “kiểu nội địa” như Thánh giá (Nguyễn Hồng Quân), Chạy trốn (Bế Nguyễn Minh Anh), Hồi ức (Nguyễn Việt Anh), Thinh không (Vũ Ngọc Phượng), Tất cả mọi thứ đều quay trở lại (Lê Lâm Viên), A good day to die (Nhóm YoungMedia), Bữa ăn cuối cùng (Thanh Trung)…, hay “kiểu hải ngoại” như Một cuộc thẩm vấn (Trang Nghiêm), The man who was there (Andy Nguyễn), BlackCoffee (Trần Quốc Bảo)… Điểm chung giữa hai kiểu này là tâm trạng bất an, hoài nghi, sám hối của người [trẻ] hôm nay, bày biện cả sự mơ hồ hóa những lựa chọn trong tình yêu, niềm tin hay sự tồn tại, chứng tỏ bất cứ không gian sống ở đâu cũng đang đẩy từng cá nhân tự vấn một cách riết róng. Các bộ phim đặt góc máy vào nhân vật chính mệt mỏi, cô độc, chạy trốn trước thực tại và cách để chấm dứt những truy đuổi nội tâm thường là tìm kiếm cái tạm thời, cái có thể an thần thoáng chốc. Tuy nhiên, dẫu biết người trẻ thường thích triết lí nhưng nếu bớt vòng vo phức tạp thì những phim trên sẽ truyền đạt ý tưởng gọn gàng và thấm thía hơn. Trong khi chờ đợi sự hoàn hảo, có thể coi Trái tim xanh là phim ngắn đạt được các tiêu chí cần có của thể loại, nhất là kịch bản, một thử thách then chốt mà người làm phim phải giải quyết.
Dạng thứ hai, không phổ biến vì độ khó của nó, là phim hoạt hình, mà thoạt xem tưởng dành cho trẻ con, song lại có khả năng chờ đợi người lớn hiểu thêm về tính cộng đồng như trong Chiếc cầu xoay (Vũ Mạnh Hùng) và Xin chào bút chì (Phạm Phương Anh); về nói đi đôi với làm trong Dưới bóng cây (Đoàn Trần Anh Tuấn), về tự do trong Freedom (Phạm Việt Dũng), về bất công trong Chú bé đánh giày (Doãn Thành)… Khác với phim truyện, loạt phim hoạt hình này sớm bộc lộ phong cách làm phim riêng, từ kĩ thuật đến nội dung, xướng lên hi vọng về đà tiến của một kiểu hoạt hình thuần Việt.
Dạng thứ ba là phim tài liệu ngắn. Thợ hồ (Hà Văn Hòa), Tình già (Đỗ Thanh Hà), Nhọc nhằn than (Lê Mỹ Cường), Khi ta 20 (Nguyễn Anh Thư), Nghề giật lùi (Cao Xuân Mạnh)… là các cách ghi hiện thực như nó vốn có. Trung thành với góc máy khách quan, hạn chế lời bình, các phim cho thấy sự tìm kiếm, thiết kế câu chuyện là hoàn toàn xác tín. Những phim này, nhờ thái độ chịu góp nhặt và chịu đựng sự thật đang là, sẽ dần giảm bớt nỗi ám ảnh về tính ngụy tạo hình ảnh từng có trong nhiều phim tài liệu trước đây và do đó, cho người xem nhiều trải nghiệm tận đáy.
Nguy cơ mất hút
Dù trăm nhà đua tiếng thì vẫn còn đấy một nguy cơ mất hút của đa số người làm phim ngắn. Bởi cuộc chơi năm ăn năm thua khi ghi lại dăm phút hình ảnh rất khác với đường dài ngựa hay khi làm phim truyện nhựa. Họ, tức phần đông, nằm trong lời cảnh báo được coi như thuốc đắng dã tật của Yasujiro Ozu: trước tiên, là anh ta phải có khả năng làm việc như một nghệ sĩ. Để hi vọng rằng họ không phải đang làm một đoạn phim quảng cáo cho phim truyện dài tương lai mà phải là đạo diễn chuyên nghiệp của phim truyện trong tương lai [gần], tức như một nghệ sĩ đúng nghĩa, thì chỉ có thể gửi gắm ở đôi người. Một tinh thần làm phim ngắn để đi xa như của Bùi Thạc Chuyên (Cuốc xe đêm), Phan Đăng Di (Sen, Khi tôi 20), hai trong số ít ỏi đạo diễn có phong cách điện ảnh cá nhân và hiện đang tham gia vào các khóa đào tạo phim ngắn tại Việt Nam, vẫn chưa thật rõ ràng vào thời điểm hiện tại. Khi hai đạo diễn này đang trải nghiệm sự thờ ơ của khán giả Việt với dòng phim truyện (nghệ thuật) mà họ đeo đuổi thì cơ hồ nhiều người làm phim ngắn hẳn đã dự trù cách tìm an toàn ở đâu. Bởi thế, con đường zigzag, như Roman Polanski hình dung về nghề điện ảnh, vẫn luôn cần ý chí kiên định, sắt đá.
—
1. Hoàn toàn có thể xem được các phim ngắn của các đạo diễn nổi tiếng này: Je vous salue Sarajevo (1993) của Jean-Luc Godard; Tuyển tập The Short Films [gồm Six Times – 1966, The Alphabet – 1968, The Grandmother – 1970, The Amputee – 1974, The Cowboy and the Frenchman – 1988] của David Lynch; The Big Shave (1967) và The Key to Reserva (2007) của M. Scorsese; The City Tramp (1966) và The Little Chaos (1966) của R. Fassbinder; The Bread and Alley (1970) và The Chorus (1982) của A. Kiarostami…