Tâm hồn của vỉa hè

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang đi theo hai hướng, khi đối mặt với vỉa hè. Trong cuộc vật lộn với việc quản lý một vỉa hè chật chội, đặc biệt là với những những hàng quán chen chúc mưu sinh trên đó, định hướng của Hà Nội là “giải phóng” vỉa hè cho người đi bộ. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh đã từ chối phương án này mà định quản lý bằng cách thu tiền những người kiếm sống trên vỉa hè.

Chơi cờ tướng trên vỉa hè năm 1960 và 2010.

Hai thành phố này không phải là trường hợp duy nhất trên thế giới đang phải suy tính lại về không gian công cộng sau thời kì COVID. Trong những tháng vừa qua, nhiều người trên khắp thế giới liên lạc với tôi bao gồm Singapore, San Francisco và Los Angeles (Mỹ) vì nghiên cứu và sách của tôi về văn hóa vỉa hè Việt Nam (xem thêm Đời sống Vỉa hè Sài Gòn xuất bản bởi Nhã Nam, 2022). Chúng ta vừa trải qua một đại dịch lịch sử toàn cầu đã khiến 6.9 triệu người thiệt mạng. Trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp giữa thời kì phong tỏa và đem đến hơi thở của đời sống công cộng tới cộng đồng đã thu mình lại vì dịch bệnh, những thành phố ở các quốc gia phát triển, vốn thường có các quy định nghiêm khắc trong việc gìn giữ vỉa hè hoàn toàn thông thoáng, đã phải đưa ra những thay đổi nhanh chóng chưa từng có. Dường như các thành phố không ngủ về đêm đã cho phép các cửa hàng sử dụng không gian công cộng để phục vụ hoạt động của mình. Đó là điều đáng ngạc nhiên và cũng là một cái may trong cái rủi mà COVID đem đến: sự thay đổi trên quy mô toàn thành phố đối với con đường, vỉa hè chúng ta đi và các quy định về đỗ xe mà không bao giờ chúng ta tưởng sẽ thành hiện thực nếu không có đại dịch. Người dân thành phố trên khắp thế giới bắt đầu ăn uống và giao lưu trên vỉa hè. Rất nhiều người giờ mới được trải nghiệm những tiện ích khác của không gian công cộng này. Và giờ đây khi đã kiểm soát được con virus, các thành phố đứng giữa ngã ba đường. Họ có nên trở về lối cũ hay không? Họ có thể muốn giữ lại điều gì?

Những câu hỏi này khuấy động lại những thảo luận gay gắt mà xưa cũ. Trước COVID, với mật độ dân cư cao kỉ lục do đô thị hóa và những thách thức về môi trường, những thị trưởng có viễn kiến ở các thành phố trên toàn cầu bắt đầu thử nghiệm với những dự án quy mô nhỏ để tìm những cách sống khác trên những con đường trong thành phố, như Ciclavia ở Bogota, khu đi bộ ở Quảng trường Thời đại, vỉa hè nối dài ở San Francisco, Cheonggyecheon – một không gian công cộng được kiến tạo như một “dòng nước mở” kéo dài hơn 10km cho phép người dân đi dạo hai bên bờ và lội nước trên đó. Cuộc chiến để giành không gian công cộng trong những thành phố không ngừng phình lên của chúng ta, với đủ loại nhu cầu và cảm hứng cạnh tranh lẫn nhau vốn đã có từ lâu và không ngừng nóng lên mà bán hàng rong trên vỉa hè đang là một điển hình. Câu hỏi cốt lõi là: “Rốt cuộc không gian công cộng này là của ai?” Liệu có phải là chủ cửa hiệu và chủ nhà, mà vỉa hè là không gian đặc biệt trước khu đất nhà họ không? Hay nó là không gian của người đi bộ, là nơi những người khuyết tật cần sự thông thoáng để có thể di chuyển? Hay là không gian cho những người thu nhập thấp có thể sống qua ngày? Nó có phải là một nơi để tái tạo và giao thông hiệu quả hay không? Một vài thành phố chỉ muốn trở lại trật tự như cũ. Một số khác như Los Angeles thì cố gắng dành chỗ cho những mục đích mới, giảm lệ phí của các nhà hàng trong việc sử dụng không gian vỉa hè từ 20,000 USD xuống còn 400 USD.

Tôi vui vì được yêu cầu chia sẻ những gì tôi học được từ vỉa hè của Việt Nam cho những nơi như Singapore và Mỹ, nghiên cứu của tôi cho thấy rằng Việt Nam có nhiều điều để kể lại cho thế giới. Vỉa hè có một đời sống riêng mà không thể kiểm soát theo mệnh lệnh từ trên xuống. Một phần đó là bởi bản chất của vỉa hè: rất hẹp nhưng cũng rất rộng mở, lan tỏa khắp thành phố, khiến cho lực lượng an ninh theo dõi từng tấc đất của nó là bất khả thi. Đây là điều mà các nhà kinh tế học gọi là hàng hóa không có tính loại trừ – có nghĩa là sẽ rất tốn kém và phi thực tiễn để loại trừ những cá nhân không trả tiền cho hàng hóa đó. Thay vào đó, nó chỉ có thể được điều phối bằng các hoạt động thường nhật, dựa trên các quy chuẩn xã hội, từ dưới lên. Văn hóa, mối quan hệ hàng xóm láng giềng, sự thỏa hiệp, đều đóng góp vào “lực lượng” điều khiển không gian công cộng đặc biệt này.

Annette Kim và nghiên cứu của cô trên báo chí Việt Nam.

Trăm năm kiểm soát vỉa hè

Rất nhiều chế độ khác nhau, bằng tầm nhìn và chương trình nghị sự của riêng mình đã cố gắng kiểm soát vỉa hè của Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng trong hàng trăm năm lịch sử: từ hoàng thành thời phong kiến, đến quy hoạch khu người Hoa, đến đô thị trung tâm của thuộc địa Pháp, đến đầu não của chế độ hậu thuộc địa, đến một thành phố dưới thời xã hội chủ nghĩa. Những bằng chứng lịch sử cho thấy rằng đời sống thường nhật ngoài vỉa hè vẫn chảy trôi giữa những biến động của lịch sử Việt Nam. Tôi tập hợp các dữ liệu thực chứng về vỉa hè từ chuyến điền đã thời hiện đại cho đến những giai đoạn giờ chỉ còn lưu trong văn khố, dữ liệu, tài liệu quy hoạch của quốc gia, hồi kí, ảnh chụp cũng như xem xét các nghiên cứu của những nhà sử học trong nhiều thời kì lịch sử. Chúng cho thấy, so với các đô thị khác, đời sống vỉa hè Sài Gòn có một tâm hồn riêng. Nó có một truyền thống lâu dài trong việc luồn lách khỏi những quy định của chính quyền để thực hành buôn bán cùng muôn vàn hoạt động sôi động khác.

Sự khác biệt giữa chính sách vỉa hè của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không khiến người ta ngạc nhiên bởi hai nơi có lịch sử và thiết kế đô thị khác nhau. Thiết kế đô thị của Hà Nội chịu ảnh hưởng từ các thị tứ truyền thống của Trung Hoa cho đến tận cuối triều Đường chuyên chế, thiết kế này có mạng lưới tường bao với các quy định nghiêm ngặt hạn chế sự di chuyển của dân cư dựa trên hệ thống phân cấp xã hội. Nhà sử học đô thị nổi tiếng Nguyễn Đình Đầu giải thích với tôi rằng trái ngược với Hà Nội, Sài Gòn là một thành phố trẻ hơn, không có khu phố cổ và có ít quy định về sử dụng không gian công cộng. Mọi người có thể đi bộ xung quanh hầu hết các nơi trong thành phố, chỉ có một số khu vực cấm dân thường. Một lệnh cấm hiếm hoi là ở các đền chùa, buộc người dân phải đỗ xe ngựa tại một cột đá và đi bộ vào trong trong khi chỉ có duy nhất vua là được đỗ xe ngay trước cửa. Ông Nguyễn Đình Đầu nhấn mạnh ví dụ hiếm gặp này là một chỉ dấu cho thấy kể từ khi Sài Gòn vươn mình trở thành một vị trí đô thị dành cho thương mại quốc tế, nó đã phát triển một quy phạm khá tự do về việc sử dụng không gian công cộng.

Thành phố Hồ Chí Minh thật đặc biệt trong cách người dân vẫn luôn dung chứa người khác để họ vừa mưu sinh, vừa tận hưởng những niềm vui giải trí trên vỉa hè.

Dưới thời Pháp thuộc, có rất nhiều bằng chứng cho thấy người Việt Nam không sống trong khu trung tâm như ý đồ của các nhà thiết kế đô thị người Pháp. Trong khi vẻ ngoài của Sài Gòn đã chuyển mình với những đại lộ với hàng cây hai bên, bùng binh và công viên, quy định của chính quyền thuộc địa Pháp nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hành vi của người dân Việt Nam trên vỉa hè. Đọc những lệnh cấm đó thấy khá thú vị bởi cách người xưa sử dụng vỉa hè cũng giống hệt như người ngày nay: bán hàng rong, xe kéo/xe ôm, ăn, uống, đánh bạc và trưng bày hàng hóa.

Theo hầu hết các tài liệu, đường phố và vỉa hè TP. Hồ Chí Minh trở nên trống vắng và tĩnh lặng dưới thời xã hội chủ nghĩa, trong những năm tháng sau cách mạng 1976-1985. Nhưng kể cả khi đó, những nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vẫn tồn tại một nền kinh tế phi chính thức với quy mô khiến người ta không thể phớt lờ. Ghi lại của những người quan sát khác thấy rằng vỉa hè của Hà Nội ngập tràn những người bán rong vào năm 1982. Trong nghiên cứu của David Koh về chính sách và quy định bán hàng rong ở vỉa hè Hà Nội từ trước thời kì Đổi mới 1986, cho thấy rằng, hiện tượng bán hàng rong hẳn đã xuất hiện ở một quy mô lớn tới nỗi nhà cầm quyền phải ban hành quy định chính thức. Ông dẫn Nghị định được tuyên truyền năm 1981, 1983 và 1984, bao gồm cả chiến dịch mang tên “Gọn nhà, sạch phố, đẹp Thủ đô”. Các Nghị định này nhấn mạnh vỉa hè là dành cho người đi bộ và các mục đích sử dụng khác phải được sự cho phép của Sở Giao thông Vận tải và Công trình Đô thị Hà Nội. (Koh 2007)

Sự thất bại của các chiến dịch giải tỏa vỉa hè

Cuốn sách của tôi, phân tích rất nhiều chiến dịch nhà nước cố gắng giải tỏa vỉa hè ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Như hầu hết lịch sử của các nghị định và chiến dịch thất bại chỉ ra, những gì lực lượng an ninh có thể làm được là rất hạn chế. Một trong những lí do là kiệt sức: Khi một chiến dịch mới ra đời, chỉ được một giai đoạn cao trào là sau đó mọi nỗ lực dần xẹp xuống. Tính luẩn quẩn của những chiến dịch giải tỏa vỉa hè cộng với lịch sử vững chắc và bền bỉ của sự phi chính thức trên vỉa hè đòi hỏi nếu thay đổi những quy tắc trên đó sẽ cần một quá trình tái thiết xã hội rộng hơn.

Hình 3: Những vạch được sơn trên vỉa hè để đẩy khu vực đỗ xe về sát tường, đề dành một lối thông thoáng cho người đi bộ và không gian cho các hoạt động giải trí gần phía lòng đường.

Và vẫn còn nhiều thứ để ngưỡng mộ và đáng học hỏi từ vỉa hè của Việt Nam. Tôi từng thường xuyên thăm Việt Nam kể từ năm 1996 và sống một năm trong một gia đình Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh trong năm 2000. Trong năm tuyệt vời đó, tôi đi bộ trên những vỉa hè hằng ngày, tiến hành công việc của mình nhưng đồng thời cũng tận hưởng một đời sống văn hóa phong phú. Bởi vẫn chưa thực sự hiểu rõ những gì mình trải nghiệm khi đó, tôi quay lại vào năm 2010 và thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu tại TP. Hồ Chí Minh, đưa ra những bản đồ phân tích đời sống phong phú ở vỉa hè như một hiện tượng kinh tế, xã hội và văn hóa. Chúng tôi dựng nên 3.876 loại hoạt động vỉa hè của 6.490 con người và 2.609 hộ kinh doanh trên bảy phường ở hai quận, thực hiện 275 cuộc phỏng vấn với những người bán hàng rong và cán bộ phường và chụp hơn 3000 tấm ảnh và phim. Tôi xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Anh vào năm 2014 có tên là Thành phố Vỉa hè, ấn hành bởi Nhà xuất bản Đại học Chicago và thực hiện một triển lãm liên quan đến nghiên cứu đó. Truyền hình quốc gia đến đưa tin và thậm chí bài viết về nghiên cứu này được xuất hiện trên trang bìa tờ Tuổi trẻ.

Có sự khác biệt đáng kể trong việc sử dụng vỉa hè giữa các khu vực khác nhau trong thành phố, nhưng tựu trung lại, phần lớn không gian vỉa hè là để trông, đỗ xe máy và cho các chủ cửa hiệu bày bán hàng hóa, chứ không phải dành cho những người bán hàng rong. Chúng tôi cũng nhận ra dù hàng rong chỉ chiếm một không gian nhỏ hơn trên vỉa hè, nhưng cho phép nhiều người hơn hưởng lợi từ nó, cả về mặt lao động lẫn dịch vụ mà nó cung cấp.

Có ba bài học tôi rút ra từ nghiên cứu của mình về vỉa hè của TP. Chí Minh:

1. Dùng thời gian để tăng không gian

Việt Nam thật đặc biệt ở chỗ có nhiều loại hoạt động đan xen trên vỉa hè và khả năng chia sẻ và luân phiên sử dụng vỉa hè của người dân, THEO KHUNG THỜI GIAN. Đời sống vỉa hè của TP. Hồ Chí Minh dạy chúng ta rằng có thể thực hiện quy hoạch đô thị với khái niệm không gian/thời gian thay vì chỉ với không gian nhằm mở rộng tiềm năng của không gian công cộng. Nói cách khác, thay vì chỉ áp dụng một bộ quy tắc trong suốt 24 giờ một ngày, chúng ta có thể tạo ra nhiều quy định khác nhau cho từng thời điểm trong ngày. Hoạt động của từng nhóm người được phép diễn ra trong vài tiếng một ngày, cho phép nhiều loại mục đích sử dụng và nhiều người cùng hưởng lợi từ vỉa hè.

Hình 4

Bản đồ (Hình 4) phân tích việc sử dụng không gian vỉa hè trên một khu phố điển hình của TP. Hồ Chí Minh và cách chúng thay đổi từ năm giờ sáng đến 10 giờ tối. Có thể thấy nhiều màu sắc khác nhau thể hiện những hoạt động khác nhau cùng diễn ra như trông xe, ăn uống, bán hàng rong, giải trí, và các ngành nghề khác. Bên phải là cột ảnh mô tả những nhóm người và hoạt động khác nhau thay phiên diễn ra trên một không gian nhỏ cụ thể của vỉa hè trong ngày.

2. Quản lý vỉa hè cuối cùng là sự thỏa hiệp của mọi người trong một khu phố

Trên thực tế, những gì xảy ra trên vỉa hè rốt cục là một cuộc đàm phán quy mô nhỏ cấp độ khu phố. Trải qua hàng thập kỉ với một loạt các chính sách giải tỏa vỉa hè khác nhau từ thời thuộc địa, đời sống vỉa hè vẫn vô cùng bền bỉ và bén rễ sâu vào văn hóa người Việt. Đó là lí do mà xã hội Việt Nam thừa nhận nó gần như một điều hiển nhiên. Trong 275 cuộc phỏng vấn với những người bán hàng rong và lực lượng an ninh, chúng tôi thấy hầu hết mọi người đều bày tỏ sự đồng cảm và rất nhiều trường hợp cảnh sát và những chủ nhà có vỉa hè giúp đỡ những gánh hàng rong, một điều rất khác lạ với những gì diễn ra ở các thành phố khác trên thế giới. Chúng tôi đã nghiên cứu những xung đột và cách sử dụng vỉa hè trên toàn cầu và nhận thấy rằng TP. Hồ Chí Minh thật đặc biệt trong cách người dân vẫn luôn dung chứa người khác để họ vừa mưu sinh, vừa tận hưởng những niềm vui giải trí trên vỉa hè.

Chúng tôi quan sát rằng trong lịch sử, chính sách của nhà nước và quan điểm của công chúng là sự giằng co giữa hai tham vọng: a) trật tự, vệ sinh và b) lòng trắc ẩn muốn mọi người vừa được mưu sinh vừa được tận hưởng cuộc sống. Chúng tôi cũng thấy rằng dù có nỗ lực bao nhiêu thì các chính sách giải phóng vỉa hè vẫn không thành công hoặc không bền vững.

Thay vào đó, điều vẫn cứ diễn ra là sự thỏa hiệp về việc chia sẻ không gian vỉa hè giữa cán bộ phường, các chủ nhà có vỉa hè và người bán hàng rong. Trong chuyến điền dã của mình, chúng tôi phát hiện rất nhiều thử nghiệm thú vị thực hiện ở các phường khác nhau. Chẳng hạn, trong bức ảnh phía dưới (Hình 3), chúng ta thấy những vạch được sơn trên vỉa hè để đẩy khu vực đỗ xe về sát tường, đề dành một lối thông thoáng cho người đi bộ và không gian cho các hoạt động giải trí gần phía lòng đường.

3. Đời sống Sài Gòn là một hiện tượng văn hóa được du khách quốc tế trân trọng

Một lí do được đưa ra bảo vệ cho những chính sách giải tỏa vỉa hè là liên quan đến du khách quốc tế và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Suy nghĩ rằng giờ đây để trở thành một thành phố “đẳng cấp thế giới” và thu hút khách du lịch quốc tế, đời sống vỉa hè cần được “dọn dẹp sạch sẽ” để ngày càng giống như mô hình của Singapore.

Để kiểm chứng quan điểm này, chúng tôi nghiên cứu những phản hồi của khách du lịch nước ngoài từ nguồn tiếng Anh, Nhật, Hàn và Trung Quốc và thấy rằng họ thường bình luận về đời sống vỉa hè như một điều tuyệt vời và cảm nhận chủ yếu là rất tích cực. Nói cách khác, đời sống vỉa hè Sài Gòn là một phần tạo nên cá tính và là tài sản của thành phố này.

Tháng 12 năm ngoái, tôi cuối cùng cũng đến thăm lại TP. Hồ Chí Minh để tham dự buổi ra mắt sách và Ủy Ban Nhân dân Thành phố, quận và các quan chức trong ngành vận tải ngỏ ý muốn gặp tôi. Thấy sự phát triển kinh tế thành công của Việt Nam và sự kiên cường chống chọi với đại dịch COVID-19, tôi thấy cảm động trước việc các lãnh đạo thành phố đang chân thành tìm kiếm giải pháp để khiến thành phố trở nên đáng sống với tất cả mọi người và họ đang nhận ra và trân trọng văn hóa không gian công cộng đặc biệt của Việt Nam.

Chúng tôi thảo luận nhiều phương án có thể trong tương lai dựa trên nghiên cứu của tôi. Chúng tôi thảo luận rằng, sau nhiều thập kỷ nỗ lực giải tỏa, cần phải có cách nào đó bền vững hơn để quản lý vỉa hè. Chúng tôi cũng thảo luận về thách thức để cân bằng giữa trật tự, vệ sinh và cho phép mọi người sử dụng nó như một không gian văn hóa và kinh tế, như nó vẫn vậy.

Họ có yêu cầu tôi làm một vài đề án. Thực ra tôi đã làm một đề xuất từ năm 2010, theo lời mời của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, trình bày một cách tiếp cận mới đối với du lịch dành cho người đi bộ, gọi là “Con đường Di sản”. Thay vì giải tỏa hoặc phải xây dựng một công trình to lớn nào, chúng tôi đề xuất những người khách du lịch sẽ được dẫn đi dọc đời sống vỉa hè đang hiện hữu, qua nhiều khu phố với những di sản kiến trúc thông qua một vạch kẻ trên vỉa hè mà họ lựa chọn để đi theo. Nó sẽ đòi hỏi quản lý ở cấp phường. Tôi ngạc nhiên UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận và cấp số cho dự án vào ngày 10-5-2011, “Số: 2139 /UBND-DTMT. Về tổ chức tuyến đi dạo phục vụ du lịch cho Khu trung tâm thành phố.” Nhưng nó chưa bao giờ được thực hiện. Có lẽ chưa đúng thời điểm và mọi người cũng chưa sẵn sàng.

Nhưng sau cuộc gặp tháng 12 năm ngoái, họ nhắc tôi đề xuất lại một lần nữa. Và giờ đây thành phố có vẻ đã sẵn sàng để triển khai một mô hình quản lý vỉa hè mới, phù hợp với văn hóa và cố gắng cần bằng việc sử dụng không gian công cộng bằng cách để mọi người chia sẻ nó theo từng thời điểm trong ngày. Hơn bất kì dự án nào, tôi thực lòng cảm động khi thấy những người dân Việt Nam tâm huyết với việc đóng góp cho đời sống xã hội và cộng đồng cũng như trân trọng văn hóa và truyền thống của họ về không gian công cộng. Tôi cảm thấy lạc quan về tương lai. □

Hảo Linh dịch

—-

Annette Kim:

Annette Kim là một nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu và một người làm giáo dục. Chị sáng lập và điều hành SLAB, nơi thử nghiệm với nhân học không gian và bản đồ học phê phán để tái quan sát thành phố. Tác phẩm sắp đặt video của chị đã được công chiếu ở nhiều nước trên thế giới. Chị cũng là Phó Giáo sư tại Khoa Price về Chính sách công Đại học Nam California, nơi chị giúp xây dựng RAP – một nỗ lực tập thể xoay quanh chủng tộc, nghệ thuật và tái tạo không gian. Chị tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Quy hoạch thành phố và khu vực, Thạc sĩ ngành Nghiên cứu thị giáng tại Đại học California, Berkeley, Thạc sĩ ngành Chính sách công Đại học Harvard và Cử nhân ngành Nghệ thuật studio và kiến trúc tại Wellesley College.

Tác giả

(Visited 25 times, 1 visits today)