Tâm lượng rộng lớn

“Khi đã nếm trải hương vị của bầu trời, bạn sẽ vĩnh viễn ngước nhìn lên”. Hãy cảm nhận thật kỹ câu nói này của Leonardo da Vinci, mở rộng mọi giác quan để cảm nhận sự kết nối vô hình giữa bản thể của bạn với vũ trụ vô tận, có thể bạn sẽ mơ hồ nhận thấy một rung động kỳ lạ trong tâm khảm.

Rung động kỳ lạ đó có nguồn gốc từ bản năng có trong mọi cá thể, khát vọng chinh phục vị thế trong không gian, từng được người viết đề cập trong bài Vị thế và không gian (I): Luận về cội nguồn nghệ thuật1; và Vị thế và không gian (II): Luận về cội nguồn tôn giáo và khoa học2. Trong bài viết lần này, tôi sẽ phác thảo một bức tranh có tính hệ thống hơn, trước hết chỉ ra mối liên hệ giữa bản năng chinh phục vị thế trong không gian với trí tuệ Bát Nhã, và xa hơn là một ý thức hướng tới điều mà Einstein gọi là Đạo của vũ trụ cũng như ý nghĩa thực tiễn của nó trong đời sống, không chỉ trong tôn giáo mà cả khoa học, nghệ thuật, và rộng hơn nữa.

Trí tuệ Bát Nhã

Dưới cái nhìn của nhà Phật, tâm người có thể chia thành hai phần: phần nổi là những dục vọng; phần chìm là Phật tính. Phật tính ai cũng có nhưng không dễ nhận biết vì thường bị dục vọng che mờ. Vì vậy, một cách logic, con đường tu hành trong Phật giáo có mục đích giúp con người tìm thấy Phật tính của mình, bằng cách gạn đục khơi trong, yêu cầu người tu hành kiểm soát các dục vọng, không để chúng làm chủ thân – tâm mình. Tuy nhiên, trở ngại mấu chốt trên con đường này là không ít người trong chúng ta không có định hình cụ thể và rõ ràng về Phật tính. Chúng ta thường nghe về đức Phật đại từ, đại bi, những khái niệm nghiêng về sắc thái siêu phàm, một biểu tượng để ngưỡng vọng hơn là cái đích gần gũi, cụ thể, phù hợp để mọi người có thể phấn đấu hướng tới. Điều đó dẫn tới sự thiếu định hướng của người tu hành trong quá trình kiểm soát dục vọng. Một cách dễ hiểu, khi ta không có mục tiêu và định hướng rõ ràng, thì việc kiểm soát dục vọng, một đối tượng đầy sức mạnh bản năng và tưởng chừng bắt rễ sâu trong từng tế bào, là điều vô cùng gian nan, và người ta mặc định rằng chỉ có những bậc chân tu ý chí sắt đá mới được coi là phù hợp cho việc tu hành. Mặt khác, cũng không ít người quan niệm sai lệch, đánh đồng Phật tính với sự vắng lặng, dẫn tới nỗ lực triệt bỏ dục vọng một cách máy móc, hoặc là thái độ chấp vào chủ nghĩa hư vô.

Từ khoảng thế kỷ thứ 7, Lục tổ Huệ Năng đã chỉ ra một cách tiếp cận về tu hành có tính khoa học, trái ngược với phương thức triệt bỏ dục vọng theo quán tính máy móc. Tập Pháp Bảo Đàn Kinh ghi lại những chỉ dẫn về tu hành, có cấu trúc chia thành mười phẩm, thì ngay từ phẩm thứ hai đã chỉ ra đâu là mục tiêu tối hậu mà người tu hành cần hướng tới: trí tuệ Bát Nhã. Trí tuệ Bát Nhã có thể hiểu tóm lược là “tâm lượng rộng lớn như hư không”. Đó là sự biểu hiện trực quan nhất của Phật tính với sự tương phản sâu sắc với những dục vọng của chúng sinh.

Chúng ta thường mưu sinh trong những không gian hẹp – không gian ở đây hiểu theo nghĩa trừu tượng, không nhất thiết là không gian vật lý – gắn với những mối làm ăn, những quan hệ xã hội, những biến hóa được/mất. Bản năng chinh phục không gian khiến chúng ta say mê theo đuổi, đắm chìm trong những không gian ấy, kèm theo đó là vô tận những dục vọng không ngừng sinh sôi và phát triển. Ta không có ý thức, hoặc không coi trọng thực tế rằng đó chỉ là những không gian hẹp so với thế giới rộng lớn bên ngoài chúng. Đồng thời, ta cũng không nhận ra rằng thế giới nội tâm của mình thực chất có thể phong phú, phức tạp, và sâu thẳm hơn những điều bấy lâu nay mình hằng vướng bận.

Việc nhận biết về trí tuệ Bát Nhã, hay “tâm lượng rộng lớn như hư không” là một sự thức tỉnh. Sự thức tỉnh đó không chỉ có trong Phật giáo, cũng không chỉ giới hạn trong các tôn giáo, mà có thể trên mọi lĩnh vực, trong đó điển hình là khoa học và nghệ thuật. Những bậc vĩ nhân khi đi đủ xa trên hành trình khám phá trong từng lĩnh vực hẹp của mình đều nhận thấy khát vọng chinh phục, hòa cái tôi riêng lẻ vào một không gian tối hậu cuối cùng.

Điều đó thể hiện rõ khi Einstein viết về Đạo của vũ trụ trong cuốn Thế giới như tôi thấy của ông: “Một cá nhân cảm thấy sự phù phiếm trong những  ham muốn và mục đích của con người, [tương phản với] sự hùng vĩ cùng trật tự huyền diệu hiển hiện trong thiên nhiên cũng như trong thế giới nội tâm. Sự tồn tại của cá nhân đối với anh ta trở nên như một thứ tù ngục và anh ta muốn trải nghiệm tất cả vũ trụ như một chỉnh thể thống nhất đầy ý nghĩa.3

Khi “tâm lượng rộng lớn như hư không” thì tất cả những không gian khác mà lâu nay chúng ta vẫn đắm đuối chợt lộ rõ tầm vóc khiêm tốn của chúng. Ta chợt nhận ra rằng trong những không gian hẹp người ta có thể đạt được sự thỏa mãn tạm thời, nhưng ta sẽ sớm trở nên thất lạc, chán nản nếu không tìm thấy sự gắn kết với thế giới bên ngoài chúng. Chỉ khi tâm mình hòa thành một thể thống nhất với không gian rộng lớn như hư không thì mới đạt tới sự viên mãn chân chính. Câu nói của Leonardo da Vinci, người họa sỹ kiêm sáng chế gia thiên tài, cũng như suy nghiệm của Einstein trên đây, đều có hàm ý này.

Một vài ý nghĩa thực tiễn 

Như vậy, “tâm lượng rộng lớn như hư không” là một chỉ dấu giúp chúng ta định vị mình, từ đó chỉ ra phương hướng đúng đắn, tuy không quá cụ thể nhưng khá trực quan, trên con đường của mình. Dù là ai, ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ta đều có thể dừng lại tự hỏi: liệu tâm lượng mình có đang nhỏ hẹp hay không, có đang mê chấp trong một ảo vọng hay không, liệu tâm ta có thể rộng rãi và khoáng đạt hơn một chút hay không. Và khi trái tim cùng tâm trí ta đã được điều tiết để mở rộng hơn một chút như vậy, một thời gian sau ta lại lặp lại cùng một quá trình đó, để tâm lượng mình lại tiếp tục mở rộng thêm một chút. Đó là một tiến trình lâu dài, có thể là vô tận, nhưng có định hướng rất rõ ràng, phù hợp với sự tu hành nhập thế của tất cả mọi người.

Cũng với tinh thần như vậy, chúng ta có một căn cứ định vị để đánh giá các giá trị trong xã hội, để biết đâu là cái chân chính, đâu là hư ngụy. Ta sẽ không dễ bị dao động ảnh hưởng bởi những xu thế sùng bái của đám đông. Cái thiện và cái đẹp chân chính vốn ẩn chứa sẵn trong mỗi con người, cụ thể là trong “tâm lượng rộng lớn như hư không”; mọi sự tinh tế, huyền diệu đều hàm chứa trong đó. Khi ta lắng nghe một bản nhạc và xúc động thì cái đẹp đó không phải từ bên ngoài thâm nhập vào trong ta, mà thực chất đó là sự gợi ý, đánh thức cái đẹp sẵn có trong ta tỉnh dậy. Bởi vậy, những giá trị chân chính phải là những gì đánh thức cái đẹp, cái thiện tiềm ẩn sẵn trong ta, khiến tâm lượng ta mở rộng hơn, về gần hơn với “tâm lượng rộng lớn như hư không”.

Ý nghĩa thực tiễn cuối cùng chính là cách chúng ta giáo dục thế hệ tương lai. Hãy đặt câu hỏi rằng một đứa trẻ sinh ra vốn đã sẵn có “tâm lượng rộng lớn như hư không”, vậy điều gì đã làm nó quên mất điều ấy? Phải chăng lỗi do chính chúng ta, những người nuôi dạy chúng? Và nếu như vậy ta phải làm gì để đứa trẻ nhớ lại bản ngã lớn lao của nó? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời đầy đủ, nhưng để ngắn gọn, ta có thể nói rằng: cần một tâm lượng rộng lớn để vun trồng, chăm sóc đúng nghĩa một tâm lượng rộng lớn khác.
———
1 http://tiasang.com.vn/-van-hoa/phan-1-luan-ve-coi-nguon-nghe-thuat-4530
2 http://tiasang.com.vn/-van-hoa/phan-ii-luan-ve-coi-nguon-ton-giao-va-khoa-hoc-4536
3 Nguyên văn: “The individual feels the futility of human desires and aims and the sublimity and marvelous order which reveal themselves both in nature and in the world of thought. Individual existence impresses him as a sort of prison and he wants to experience the universe as a single significant whole.”

 

Tác giả

(Visited 141 times, 2 visits today)