Tchaikovsky và Brahms, đồng cảm và khác biệt

Cảm xúc của Tchaikovsky về Wagner hay Beethoven thường mang tính nước đôi, vừa căm ghét vừa đam mê, và trong thời kỳ cuối là vừa thấu hiểu vừa kính sợ. Trong khi đó, quan điểm của Tchaikovsky về âm nhạc Brahms, với những chứng cứ chúng tôi có, dường như không rõ ràng.

Trong một bài bình luận về Brahms viết năm 1872, Tchaikovsky khẳng định Brahms là “một nhà soạn nhạc tầm thường”, không phải là vị cứu tinh như hy vọng. Và trong một bài phỏng vấn với báo “Đời sống Saint Petersburg” năm 1892, Tchaikovsky đánh giá Brahms khó có thể đóng góp được nhiều cho lâu đài âm nhạc Đức. Có vẻ như nhận định của Tchaikovsky về Brahms vẫn không có gì thay đổi sau hơn 20 năm. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy.

Làm thế nào để hiểu được những đánh giá của Tchaikovsky về Brahms khi trong nhật ký ngày 9 (lịch cũ 21)-10-1886 (không dành cho xuất bản), Tchaikovsky đã đưa ra một từ gay gắt nhất về Brahms, gọi ông là “một tên vô lại”. Nhưng hai năm sau đó, trong bức thư đề ngày 2 (lịch cũ 14)-10-1888 gửi Đại công tước Konstantin Konstantinovic, ông gọi những nỗ lực trong âm nhạc của Brahms là “sự tinh khiết cao quý”? Việc giọng điệu của Tchaikovsky về Brahms thay đổi đột ngột, liệu có phải là do cuộc gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà soạn nhạc vào ngày 1-1-1888.

Tchaikovsky miêu tả cuộc gặp mặt này trong chương 5 cuốn tiểu sử tự thuật về chuyến biểu diễn ở nước ngoài năm 1888. Nhưng chúng ta có thể tham khảo một nguồn khác từ lời kể của Anna Brodsky, vợ nghệ sỹ violon nổi tiếng, cũng có mặt ở ngôi nhà nổi tiếng ở Leipzig, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ đáng ghi nhớ này. Thoạt đầu Tchaikovsky có vẻ miễn cưỡng đi vào căn phòng có Brahms đang tập luyện bản trio piano số 3 cùng Adolph Brodsky. Nhưng ngay sau đó ông đã bước ra ngoài và vị khách lẫy lừng từ nước Nga phải qua một hồi được thuyết phục mới chịu theo Adolph Brodsky vào phòng. Anna Brodsky mô tả những gì diễn ra sau đó:

“Tchaikovsky và Brahms chưa từng gặp mặt nhau. Thật khó mà tìm được hai người nào khác nhau đến vậy. Tchaikovsky, một người quý phái bẩm sinh, có phong thái hoàn toàn tao nhã, thanh lịch và cử chỉ rất lịch sự. Còn Brahms với dáng vẻ thô ráp hơn là bệ vệ và cái đầu xù xì, là một hình ảnh của sức mạnh và năng lượng; ông cũng từng thú nhận mình là kẻ thù của những thứ vốn gọi là “phong cách đẹp”. Cách biểu lộ của Brahms có vẻ hơi châm biếm. Khi Adolph Brodsky giới thiệu họ, Tchaikovsky nói với giọng mềm mại du dương: “Ồ tôi không làm phiền ông chứ?” “Không hề chút nào”, Brahms đáp lễ với giọng nói khàn khàn kỳ dị, “Nhưng tại sao ông lại nghe tác phẩm này thế? Nó không hề thú vị chút nào đâu.”

Tchaikovsky ngồi xuống ghế và chăm chú lắng nghe. Theo nhận định riêng của Brahms, như ông kể lại với chúng tôi sau đó, Tchaikovsky có ấn tượng tốt về tác phẩm nhưng nhà soạn nhạc Nga có vẻ không thấy thoả mãn với nó. Khi bản trio kết thúc, tôi nhận thấy rằng Tchaikovsky dường như không thoải mái. Sẽ tự nhiên hơn nếu như Tchaikovsky có thể nói một vài câu. Tuy nhiên ông ấy không thể thốt ra những lời khen vô thưởng vô phạt như người khác. Tình hình có vẻ như hết sức căng thẳng nhưng vào khoảnh khắc đó, cánh cửa đã bất ngờ mở tung và bước vào là những người bạn thân thiết của chúng tôi: Grieg và vợ. Như cách họ vẫn thường làm, nhà soạn nhạc Na Uy đã đem mặt trời lại với chúng tôi.”

Chắc chắn nguyên nhân chính khiến Tchaikovsky ác cảm với Brahms trước khi gặp mặt là do ảnh hưởng bởi các nhà phê bình âm nhạc Đức, và trên tất cả là từ nhà phê bình Eduard Hanslick (1825–1904), người tuyên bố rằng Brahms đã trở thành người bảo vệ cho di sản của trường phái Cổ điển do Beethoven truyền lại để chống lại xu hướng “suy đồi” của Liszt và Wagner. Hoàn toàn không thích phong cách rất đỗi giản dị của Brahms, Tchaikovsky đã tức giận bởi cách những nhà phê bình lờ đi hoặc chê bai những tác phẩm của ông trong những lần hiếm hoi được trình diễn ở Đức và thay vào đó là ca ngợi sự mẫu mực trong cách viết giao hưởng (vào năm 1876, Brahms đã hoàn thành bản giao hưởng đầu tiên của mình, hay còn gọi là bản giao hưởng số 10 của Beethoven như cách gọi ở Đức). Như lời thú nhận của Tchaikovsky trong bức thư gửi ngày 19 (lịch cũ 31)-3-1878 tới Nadezhda von Meck, ông thanh minh vì sao ông không muốn là người đại diện cho đất nước mình tại Cuộc triển lãm quốc tế tại Paris: âm nhạc Nga vẫn còn ít được biết đến ở phương Tây, điều đó có nghĩa là nếu gặp gỡ bất kỳ “người châu Âu nổi tiếng nào”, ông cũng cảm thấy e ngại rằng mình sẽ phải nhún mình. Việc đó quả là khó khăn vì tính kiêu hãnh của ông.

Tchaikovsky tất nhiên không phải là kẻ đạo đức giả, bởi ngay cả trước nghệ sỹ piano và nhạc trưởng xuất sắc Hans von Bülow, người đã nhiệt tình giới thiệu âm nhạc của Brahms cho ông, ông cũng không giấu giếm sự thờ ơ của mình với âm nhạc Đức.

Tchaikovsky lần đầu gặp Hans von Bülow trong chuyến lưu diễn tại Nga của ông vào năm 1874 và vui mừng khi tìm thấy một người giới thiệu âm nhạc của mình ở phương Tây và Mỹ, nơi Bülow. Bülow là người nổi tiếng với nhận định về bộ ba âm nhạc “Bach – Beethoven – Brahms”! Khi chuẩn bị cho chuyến lưu diễn tại Nga lần thứ hai trong mùa diễn 1884–1885, Bülow đã kiên quyết “đem lại thành công ở Nga cho Maestro Brahms, người chưa được chấp nhận tại đây”. Tại buổi hòa nhạc tổ chức ở Hội âm nhạc Nga, Saint Petersburg vào ngày 12 (ngày 24 lịch cũ)-1-1885, ngoài tổ khúc số 3 của Tchaikovsky được công diễn lần đầu, ông cũng trình diễn và chỉ huy bản Piano Concerto số hai của Brahms. Đó là thời điểm âm nhạc của Tchaikovsky chia sẻ thành công với Brahms qua những tràng vỗ tay của khán giả và các nhà phê bình. César Cui hết sức tán dương tổ khúc mới của Tchaikovsky nhưng lại cho rằng với tác phẩm của Brahms, ông chỉ quan tâm đến phần kỹ thuật. Trong buổi diễn tập tổ khúc số 3, Bülow đã nói với Tchaikovsky về Brahms, và khi nhạc sỹ Nga thẳng thắn nêu quan điểm của mình về Brahms, ông đã cho rằng một ngày nào đó, Tchaikovsky cũng sẽ nhìn thấy ánh sáng và chuyển hướng sang Brahms. Tchaikovsky đã hồi tưởng lại trong chương 5 cuốn tiểu sử tự thuật, và ghi rằng thật đáng tiếc là “sự phát hiện này” đã không đến.

Tuy nhiên việc âm nhạc của Brahms được đón nhận nồng nhiệt tại Nga trong chuyến lưu diễn của Bülow đã khuyến khích Tchaikovsky nghiên cứu nghiêm túc âm nhạc Đức trong những năm tiếp theo. Sau này Nikolai Kashkin kể lại rằng mỗi khi đến Maidanovo giữa những năm 1885 và 1888, ông và Tchaikovsky thường xuyên chơi piano duet các bản chuyển soạn tác phẩm của Brahms: “Tchaikovsky đã kính trọng thật sự sự chân thành, nghiêm trang và tính khiêm tốn của nhà soạn nhạc Đức sau tất cả những thành công ông đã nhận được. Dường như Tchaikovsky đã có chút cảm tình với các tác phẩm của Brahms, vốn trước đây ông vẫn thường chê rằng nó quá lạnh lẽo và khô khan. Tchaikovsky có xu hướng gán sự thiếu thiện cảm của mình với Brahms vì mình thiếu sự am hiểu về âm nhạc của nhà soạn nhạc Đức, nhưng ngay cả khi ông nghiên cứu và chơi chúng một cách kỹ lưỡng thì tình cảm lúc đầu của ông về chúng cũng không hề thay đổi”.

Cũng không đáng ngạc nhiên khi Tchaikovsky tới Đức vào cuối năm 1887 trong chuyến lưu diễn đầu tiên ở phương Tây, những “câu hỏi gây đau đớn” về vị trí của Brahms tại đất nước này tiếp tục giày vò Tchaikovsky, như lời ông viết trong chương 11 cuốn tiểu sử tự thuật. Hiểu biết về Brahms đã nhanh chóng xua tan quan niệm sai lầm về nhà soạn nhạc Đức. Bây giờ Tchaikovsky đã nhìn thấy sự khiêm tốn và nhún nhường trong tính cách Brahms và điều quan trọng là dưới vẻ  cộc cằn bề ngoài của Brahms, ông cảm nhận được nét gì đó dễ bị tổn thương kiểu con trẻ, thứ khiến cho những người hiểu Brahms, đặc biệt là Clara Schumann, quý mến ông.

Tchaikovsky quan sát tất cả điều đó với sự ân hận như ông đã viết trong bản tiểu sử tự thuật rằng ông và Brahms không phải là những người bạn thân thiết như trong trường hợp với Grieg. Có lẽ, đây là một trường hợp đặc biệt bởi ngoại trừ những đặc điểm khác biệt giữa hai người, thì trong cả con người Brahms và Tchaikovsky chắc chắn đều có chung một nỗi sầu muộn, và có thể hiểu được vì sao cuối cùng sự hân hoan và ngây thơ của Grieg và Nina, vợ ông, lại được Tchaikovsky yêu thích hơn cả. Và Tchaikovsky đã thất bại khi cố gắng trở thành bạn tốt của Brahms (tuy có tham gia vào tất cả các cuộc “chè chén vui vẻ kiểu bạn bè”) bởi mỗi người đều nghi ngại về âm nhạc của người khác.

Theo cách đó, khi nghe hai tác phẩm mới của Brahms (bản tam tấu piano số 3 và double concerto), Tchaikovsky cũng không thay đổi quan niệm của mình. Trái lại, ông đã viết trong cuốn tiểu sử tự thuật rằng những giai điệu đẹp trong tác phẩm Brahms hoàn toàn thiếu vắng và về tổng thể âm nhạc Brahms “có gì đó khô khan, lạnh lẽo, u ám và mơ hồ khiến trái tim Nga phải cự tuyệt”. Những giá trị ít ỏi mà Tchaikovsky công nhận ở Brahms chủ yếu là sự tiết chế những hiệu ứng hào nhoáng của dàn nhạc, tính “anh hùng” khước từ mọi sự nhân nhượng với trường phái Wagner.

Dù tỏ ra hết sức lịch thiệp với Brahms nhưng Tchaikovsky không che giấu cảm giác thật sự của mình với những người ông gặp ở Đức. Ví dụ, Anna Brodsky kể lại rằng sau buổi diễn tập bản piano trio mới của Brahms và sau khi tác giả đã ra về, chồng bà đã hỏi Tchaikovsky rằng ông nghĩ gì về tác phẩm này. “Đừng cáu với tôi nhé, ông bạn thân mến của tôi,” Tchaikovsky trả lời, “nhưng tôi không hề thích nó một chút nào”. Adolph Brodsky hết sức thất vọng, bởi ông ấy nuôi hy vọng rằng buổi biểu diễn bản trio với sự tham gia của Brahms sẽ đem lại ấn tượng đặc biệt và giúp Tchaikovsky thấy được sự xuất sắc trong âm nhạc Brahms một cách nguyên vẹn. Tchaikovsky không có nhiều cơ hội nghe nhạc Brahms và đó là nguyên nhân duy nhất giải thích vì sao nó lại ít gây ấn tượng với ông như vậy.

Ngay cả buổi trình diễn bản double concerto của Brahms tại Gewandhaus cũng “thất bại khi không đem lại những ấn tượng dù mong manh nhất” trong con người Tchaikovsky, như ông thú nhận trong cuốn tiểu sử. Trong quan điểm của Brahms về Tchaikovky như ta biết từ phần cuối tiểu sử tự thuật thì Brahms cũng thích chương 1 trong tổ khúc số 1 của nhà soạn nhạc Nga nhưng không thích những phần tiếp theo, đặc biệt là chương 4 Marche miniature.
Dẫu giọng điệu Tchaikovsky dùng để thảo luận với Brahms trong cuốn tiểu sử đã nhiều thân thiện và kính nể hơn nhưng vẫn sót lại chút gì đó bất bình và cay đắng trước sự sùng bái Brahms tại Đức, vẫn còn lờ mờ trong lời lẽ ông kể về buổi hòa nhạc do chính ông dàn dựng tại Hamburg vào ngày 20-1-1888 (Brahms đã không tới dự buổi hòa nhạc này). Tchaikovsky đã mỉa mai nhận xét rằng chương Tema con variazioni trong tổ khúc thứ 3 không được hồ hởi đón nhận vì “sự hào nhoáng của phần phối khí” đã phải hứng chịu sự nguyền rủa từ những thị dân tốt bụng của thành phố quê hương Brahms.

Cuộc gặp mặt lần đầu tiên với Brahms rõ ràng đã khiến Tchaikovsky phải xem xét lại những tuyên bố của mình trước đây và dường như cảm thấy đáng tiếc cho những dòng nhật ký đầy giận dữ năm 1886. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để Tchaikovsky thay đổi quan điểm của ông về âm nhạc Đức đương đại, vốn được thể hiện rõ ràng trong hai bức thư đầy lôi cuốn gửi đại công tước Konstantin Konstantinovich mùa thu năm 1888. Tchaikovsky đã đi quá xa khi miêu tả Brahms là “bức tranh biếm hoạ của Beethoven” nhưng ít nhất ông cũng bày tỏ được với đại công tước (người hình như rất thích âm nhạc của Brahms) rằng ông mong đợi được nghiên cứu tổng phổ Ein deutsches Requiem một cách cẩn thận.

Tchaikovsky gặp Brahms lần thứ hai tại Hamburg vào ngày 12-3-1889, khi ông thực hiện chuyến lưu diễn thứ hai tại phương Tây. Tchaikovsky tới Hamburg vào ngày 11-3 và hài lòng khi sáng hôm sau phát hiện ra rằng Brahms cũng đang ở cùng khách sạn và chính Brahms cũng đã hoãn lại chuyến đi để tham dự buổi tập dượt đầu tiên bản giao hưởng số 5 của Tchaikovsky với Philharmonic Orchestra.

Nikolai Kashkin kể lại trong hồi ký rằng khi trở lại Nga, Tchaikovsky thường xuyên nhớ lại cuộc gặp gỡ lần thứ hai với Brahms: “Brahms đã mời Tchaikovsky ăn trưa, thết đãi ông ấy một bữa tiệc thịnh soạn, trong cuộc trò chuyện đầy thân thiết bên bàn ăn, Brahms đã thú thật rằng ông không thích bản giao hưởng một chút nào. Theo lời Tchaikovsky, điều đó được nói ra một cách chân thành và giản dị và không phải là ông không bị xúc phạm bởi lời phê bình cứng rắn nhưng ngay lập tức, ông có sự đồng cảm lớn lao với sự thẳng thắn của người nghệ sỹ này, người khiến ông thực sự kính trọng.

Tchaikovsky đã trình bày quan điểm của mình về phạm vi sáng tác… của người đối thoại nổi tiếng. Và cuối cùng họ chia tay nhau như hai người bạn thân thiết, dẫu sau đó họ không bao giờ gặp nhau nữa”.

Brahms không ở lại Hamburg để dự buổi hòa nhạc của Tchaikovsky vào ngày 15-3-1889. Đây chính là buổi hòa nhạc do nhà soạn nhạc Nga đích thân chỉ huy và là buổi trình diễn thứ hai ngoài Nga của tác phẩm, sau buổi trình diễn tại Prague vào ngày 30-11-1888. Một điều đáng ngạc nhiên là tại thành phố quê hương của Brahms, bản giao hưởng số 5 đã được chào đón nồng nhiệt trong khi buổi ra mắt của nó tại chính Saint Petersburg vào năm trước lại không được thành công như vậy.

Trong bức thư Tchaikovsky gửi NXB Jurgenson từ Leipzig vào ngày 17-2 (lịch cũ 1-3)-1889, Tchaikovsky kể rằng ông đã thành công khi mời Massenet, Dvorák, và Klindworth tới Moscow, dàn dựng nhiều bản giao hưởng trong mùa diễn 1889–90. Tchaikovsky hy vọng là sẽ mời được Brahms tham gia: “Tôi sẽ cố gắng mời Brahms. Bây giờ điều đó sẽ thật thú vị!” Ngay tại bữa ăn trưa ngày 12-3 ở Hamburg, Tchaikovsky hiển nhiên đã chộp lấy cơ hội và nhân danh Hội Âm nhạc Nga mời Brahms tới Nga vào cuối năm đó.

Hai nhà soạn nhạc đã không gặp nhau thêm lần nào nữa. Dù vào tháng 9-1889, NXB Đức Daniel Rahter của Tchaikovsky gặp Brahms tại Hamburg, và ông đã kể lại cho Tchaikovsky lúc đó đang ở Nga: “Câu đầu tiên mà Brahms hỏi tôi là Tchaikovsky đang ở đâu, ông ấy như thế nào. Sau đó Brahms nhờ tôi chuyển những lời chúc tốt đẹp nhất cho bạn”. Tuy nhiên một lần nữa, hành động thiện ý này không phải là căn nguyên làm ấm lên thái độ của Tchaikovsky với âm nhạc Brahms. Điều đó có thể đến vào một trong hai chuyến lưu diễn cuối cùng của Tchaikovsky tới thành phố Hanseatic vào tháng 1-1892 và tháng 9-1893. Nhà phê bình âm nhạc Josef Sittard đã nhắc lại điều này trong lời cáo phó của ông về cái chết của Tchaikovsky: “Trong trường hợp của Wagner, do tất cả những nhận thức sâu sắc của tài năng, ông ấy đã nhìn thấy sự sụp đổ của thứ âm nhạc nguyên chất, còn với trường hợp Brahms, “nhà toán học của âm thanh” như một lần ông ấy đã miêu tả với tôi, ông ấy chỉ thuần phục duy nhất khả năng nổi bật về phát triển chủ đề. “Ông ấy không có cảm hứng, không có cảm xúc”, Tchaikovsky đã nói như vậy khi tôi cố gắng thuyết phục ông ấy tìm thấy thêm một điều gì đó ở Brahms”.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)