Teodor Currentzis: Muốn khám phá những thế giới kỳ diệu và độc đáo trong âm nhạc

Đằng sau các màn trình diễn mang tính đổi mới của nhạc trưởng Teodor Currentzis là sự tận tâm đến từng chi tiết âm nhạc và niềm đam mê trọn vẹn với việc thu âm.


Nhạc trưởng Teodor Currentzis lớn lên ở Hy Lạp và học chỉ huy ở St Petersburg. Nguồn: ekathimerini.com

Vienna – thành phố của Mozart và âm nhạc, chuẩn bị đón nhận Teodor Currentzis, một nhạc trưởng người Hi Lạp được đào tạo tại Nga. Anh đang có mặt ở thành phố này để chỉ huy hai buổi biểu diễn Requiem của Verdi trong khuôn khổ chuyến lưu diễn cùng dàn hợp xướng và dàn nhạc MusicAeterna của mình. Vào năm 2004, chỉ vài tháng sau khi anh thành lập MusicAeterna, François-Xavier Roth 1 cũng thành lập dàn nhạc Les Siècles và chính nhờ cả hai dàn nhạc đó mà hiểu biết của chúng ta về các nhạc cụ cổ đã tăng lên. Có một điểm thú vị là các nhạc cụ của MusicAeterna sẽ thay đổi từ dự án này sang dự án khác nhưng phần lớn nhân sự lại cố định. Mỗi giai đoạn tập luyện đào sâu vốn tiết mục từ Baroque đến hiện đại một cách linh hoạt và tinh tế.

Không như những các nghệ sỹ cổ điển nổi tiếng khác thường nhận được vô số lời khen, nhạc trưởng Currentzis khiến các nhà phê bình bị chia rẽ. Kể từ khi ký kết hợp đồng thu âm với Sony vào năm 2012, các bản thu âm của họ đã nhận được cả những lời tán tụng đến nghẹt thở cùng những phê bình mang tính miệt thị.

Địa điểm trình diễn Verdi là phòng hòa nhạc Konzerthaus ở ngoài rìa vành đai về phía Đông Nam, nơi nổi tiếng thứ hai Vienna chỉ sau Musikverein huyền thoại. Nó dường như đã trở thành ngôi nhà thứ hai của dàn nhạc MusicAeterna, kể từ mùa hè năm 2018 khi thu âm các giao hưởng số 5 và số 7 của Beethoven trước khi đến Salzburg và biểu diễn trọn bộ giao hưởng của nhà soạn nhạc thiên tài này. Không chỉ có vậy, các buổi biểu diễn bản giao hưởng số 2 và số 5 ở London cũng khiến các nhà phê bình và khán giả hòa nhạc ở Proms choáng váng. Tuy nhiên bản thân Currentzis lại có vẻ ngần ngại khi nói đến điều này. “Theo đồng hồ thì một số màn trình diễn còn có tốc độ biểu diễn nhanh hơn nhiều. Nếu đo tốc độ bằng máy đếm nhịp bạn sẽ thấy chúng hoàn toàn bình thường, chẳng có gì đặc biệt cả. Tôi cho rằng, điều làm nên sự khác biệt giữa màn biểu diễn của chúng tôi với những màn biểu diễn khác, nếu có, thì nằm ở góc nhìn âm nhạc của chúng tôi”.

Đường đến bục chỉ huy

 

Việc tìm hiểu những tài liệu và thu âm trong quá khứ đã khiến Currentzis tìm ra được cách xử lý và tốc độ tinh tế của riêng mình. Anh trích dẫn overture vở opera Le nozze di Figaro (Đám cưới Figaro), cách chỉ huy của nhạc trưởng Harnoncourt giống như Wagner đã từng làm – rất nhanh theo nhịp bốn chứ không phải nhịp đôi alla breve. Khi Wagner đang cùng dàn nhạc diễn tập, một cụ già dự khán đã phản đối: “Không, tôi đã có mặt khi Mozart chỉ huy và ông ấy đã chỉ huy rất nhanh theo nhịp đôi.” Về bản chất thì nhịp đôi alla breve có nét giống vũ khúc hơn.

Trong số chùm giao hưởng của Beethoven thu âm cho Sony, giao hưởng số 5 đã được phát hành dưới ấn bản đĩa than. Một sự đam mê chăng? Currentzis giải thích, điều này gắn bó với tuổi thơ anh ở Athens. “Vào giữa những năm 1980, cha và mẹ tôi li dị. Tôi thường đến nhà cha để nghe nhạc – ông là người mê nhạc có một dàn hi-fi tuyệt vời – và tôi có thư viện đĩa của riêng mình ở đó. Rồi vào năm 1989 mẹ tôi mua thiết bị để tôi có thể tự nghe nhạc ở nhà mình. Đó là quãng thời gian tươi đẹp. Tôi có những người bạn làm việc trong các cửa hiệu bán đĩa than. Chúng tôi sẽ mang đĩa của mình vào cửa hiệu để có thể nghe cùng nhau và khám phá ra những thứ khó mà tìm thấy trong những ngày trước khi có internet”.

Bản giao hưởng số 5 không phải là trải nghiệm duy nhất của Currentzis theo hướng đó. “The Rite of Spring (Lễ bái Xuân) đã được phát hành đĩa than,” anh tiếp tục. “Cũng có nhiều ấn bản âm nhạc cổ điển như thế. Nhạc trưởng Ansermet2 với Dàn nhạc Suisse Romande, Boulez với Dàn nhạc Cleveland dưới nhãn đĩa CBS Masterworks3. Và sau này các nhãn đĩa đã thực hiện những ấn bản giá rẻ. Bạn có RiteFirebird và Petrushka cùng trên một ấn bản CD song với tôi, mỗi tác phẩm nên là một thế giới riêng biệt. Mỗi bản thu âm nên là một món quà độc nhất.”

Dù học violin từ thời thơ ấu, Currentzis được đào tạo để trở thành ca sỹ tại Nhạc viện Athens. “Tôi có một giọng hát rất tốt, và tôi đã hát rất nhiều vở opera cũng các ca khúc nghệ thuật. Nhưng tôi thấy rằng mình hơi… quá giỏi để trở thành ca sỹ.” Thấy tôi nhướn mày, anh nói tiếp: “Dành cả đời để hát opera Ý không phải là điều tôi muốn làm. Tài năng thực sự của tôi là sáng tác, và tôi đã sáng tác rất nhiều, hiện giờ tôi vẫn đang sáng tác và tôi muốn sáng tác nữa trong tương lai.” Việc chỉ huy sau này mới đến ư?  “Tôi nhận thấy có những màn trình diễn âm nhạc của Mahler rất nhàm chán vì nhiều nhạc trưởng không thấy nhiều ý tưởng trong tổng phổ. Do đó, tôi quyết định học chỉ huy, để nếu phải làm việc với một dàn nhạc thính phòng chẳng hạn, tôi sẽ đủ khả năng dẫn dắt mà không tỏ ra lố bịch”. Câu chuyện không dừng lại ở chỗ đó. “Sau vài bài học, tôi được bảo rằng: ‘Ồ, anh nên là nhạc trưởng.’ Và tôi cười, bởi vì đó không hề là việc tôi muốn làm. Nhưng tôi đã làm nghiêm túc hơn và thấy rằng điều đó hiệu quả. Ấy là đầu những năm 1990, tôi nói với cha mẹ rằng tôi phải đến St Petersburg. Và chuyện bắt bắt đầu từ đó.”

Kỹ thuật chỉ huy của Currentzis – không đũa chỉ huy, linh hoạt và đầy xúc cảm – có nền móng từ các lớp học của Ilya Musin4. Ngôi trường dạy chỉ huy nổi tiếng của Nga này bắt nguồn từ Fritz Stiedry5, một môn đệ Mahler định cư ở St Petersburg và truyền lại các cách thức trong thiên tài chỉ huy của Mahler cho Musin, trợ lý của mình. Khi ấy, Currentzis đã âm thầm làm việc cật lực tại Siberia khi gánh vác Nhà hát Opera Novosibirsk năm 2004 và thành lập MusicAeterna. Năm 2014, anh được trao quyền công dân Nga theo sắc lệnh của tổng thống. Giống như Dimitri Mitropoulos6 trước đó, anh được tiếp đón tưng bừng mỗi khi trở lại Athens: nhưng liệu anh có phải là một nhạc trưởng Hi Lạp theo nghĩa nào đó không?

Currentzis cười. “Tôi rất Hi Lạp, Hi Lạp đến chân tơ kẽ tóc! Đối với tôi, điều quan trọng nhất là ngôn ngữ. Là người Hi Lạp không phải là việc được sinh ra ở đây mà chính là việc hiểu được Sophocles và Homer cùng chiều kích gần gũi nhất với âm nhạc là thi ca.”

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đã kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ, ấm trà đã nguội và cạn từ lâu. Chúng tôi chuyển sang rượu vang. “Âm nhạc là một ngôn ngữ, và giống như một ngôn ngữ nói, nó nén một ý tưởng thành một tín hiệu cho phép chúng ta giao tiếp. Bạn có thể nghe tôi chỉ huy các giao hưởng Beethoven và bảo: “Đoạn này không hay, chỗ này quá nhanh, chỗ kia quá thô, nhưng chương hai thì đẹp và đẹp và đẹp”.

 

Giữa lằn ranh khen chê

 

Currentzis luôn tìm thấy những điều hữu ích cho âm nhạc khi lục lọi các bản thu âm cũ, “chẳng hạn như Tam tấu giọng Si giáng trưởng của Schubert với Cortot, Thibaud và Casals, và tôi thấy họ cho mình trải nghiệm xúc cảm nhiều hơn tất cả. Bạn không quan tâm đến chất lượng mà hơn cả là cảm xúc. Và đó là những gì tôi muốn làm – để tạo ra không chỉ âm thanh hay mà cả một phương tiện để khám phá những thế giới kỳ diệu và độc đáo trong âm nhạc.”

Với quan điểm đó, Currentzis không được nhiều nhà phê bình ủng hộ. Thái độ hoài nghi và ngờ vực những tham vọng như vậy có lẽ đã đạt đến đỉnh điểm vào tháng 9 năm ngoái khi bầu đoàn MusicAeterna một lần nữa kéo nhau vào Vienna, mang theo bộ ba vở opera Mozart /da Ponte. Theo nhà phê bình của một trong những tờ nhật báo uy tín nhất ở Vienna, Figaro của MusicAeterna là “một trong những điều tồi tệ nhất mà tôi có thể nhớ: một dàn nhạc hạng ba với các nghệ sỹ solo hạng ba, dưới đũa chỉ huy của một nhạc trưởng được quảng cáo thổi phồng là vị cứu tinh của giới nhạc cổ điển.”


Nhạc trưởng Teodor Currentzis và dàn nhạc MusicAeterna biểu diễn tại Proms năm 2018. Nguồn: The Guardian

Sự khẳng định vào khả năng Currentzis sẽ “thay đổi diện mạo của âm nhạc cổ điển” của những nhà phê bình thiện chí có lẽ không giúp xua tan ấn tượng không thiện cảm về một nhạc trưởng siêng quảng cáo. Nhưng nếu quan sát một cách kỹ lưỡng thì chính sự tận tụy của Currentzis cho từng buổi tập đã khiến các nhạc công và ca sỹ cảm thấy hào hứng. Anh giải thích, cần phải truyền năng lượng cho các nghệ sĩ, ví dụ với việc tập bản giao hưởng số 9 của Beethoven, tác phẩm khó nhất, đỏi hỏi nặng nề nhất trong tất cả chín giao hưởng của nhà soạn nhạc. Anh chỉ ra đoạn recitative (hát nói) dành cho cello ở chương kết là điểm dễ gục ngã của nhiều dàn nhạc bởi nó “mang tính chất của một recitative thông thường nhưng lại nghiêm ngặt về nhịp độ. Vì thế, vô cùng khó để cello và bass chơi theo kiểu như đang ngâm nga ca từ”, và anh hát giai điệu phần này bằng giọng basso profondo. “Để làm tốt điều này như ý đồ của Beethoven, tôi đã phải thực hiện các buổi diễn tập từng đoạn trong một tuần riêng với các cặp nghệ sỹ cello và contrabass.”

Sáng hôm sau, tôi thấy Currentzis tua đi tua lại từ đầu đến cuối các chương nhạc Verdi. Ngoại trừ Christoph von Dohnányi, tôi chưa từng thấy nhạc trưởng nào mất nhiều năng lượng đến thế để tính toán từng phút âm điệu. Với sự điềm tĩnh riêng có của mình, anh yêu cầu các nhạc công lặp lại lần thứ 20 của những tiếng kèn lệnh thông báo phần “Tuba mirum”. Để có được một buổi diễn hoàn hảo, anh không ngại yêu cầu các nhạc công trompet ngoài sân khấu di chuyển vị trí của họ, đi tới đi lui dọc theo cánh gà phía trên của khán phòng Konzerthaus, kiên nhẫn loại bỏ các vấn đề về tầm nhìn và những bất thường về âm thanh. Cuối cùng, anh giơ ngón tay cái biểu thị sự hài lòng với các nhạc công trompet. Và từ chỗ nào đó, âm thanh dàn dây kết dính một cách độc đáo của MusicAeterna dâng trào trong khán phòng trống với cách chạy gam vun vút. Cả đoạn này cũng được chơi một cách tinh tế tới chín hay mười lần – nên nhớ là họ đã phải mất tới hai tuần để làm được điều này.

 

Những ước mơ

 

Cho đến mùa hè năm ngoái, MusicAeterna đã đặt đại bản doanh của mình tại Perm, cách Moscow một ngàn dặm về phía Đông, nơi Currentzis bắt đầu làm giám đốc nhà hát opera vào năm 2011. Anh chỉ huy dàn nhạc nhà hát cho các dự án như các vở opera Mozart/da Ponte. Nhóm nhạc này hiện có trụ sở tại St Petersburg, và nhạc trưởng chia phần lớn thời gian của mình giữa nó và Dàn nhạc Giao hưởng SWR ở Stuttgart. Với cả hai nhóm hòa tấu, anh điều hành những gì anh gọi là “các phòng thí nghiệm”: các buổi tập mở cửa cho công chúng tham dự, nhất là các chương trình âm nhạc mới cần được chuẩn bị cả về mặt khán giả lẫn nhạc công cho các tiết mục kết hợp táo bạo trong vốn tiết mục tác phẩm của các nhà soạn nhạc Feldman và Brahms.

Trong kế hoạch của Currentzis còn nhiều thứ hay ho khác, ví dụ dàn dựng opera Little Match Girl của Helmut Lachenmann là một ước mơ chưa được thực hiện. Việc cộng tác với Peter Sellars trong bản Mass giọng Si thứ của Bach, sau sự cộng tác tay đôi đầy xúc động giữa họ trong vở Iolanta của Tchaikovsky cùng Perséphone của Stravinsky ở Madrid cũng vậy. Quả thực Currentzis tự hào về một vốn tiết mục sắp tới đa dạng hơn vốn tiết mục của bất kỳ nhạc trưởng nào hiện nay, trải rộng từ Indian Queen của Purcell đến Die Eroberung von Mexico của Wolfgang Rihm đến Carmen, Don CarlosDas Rheingold – lần cuối cùng với MusicAeterna cho Ruhrtriennale7 năm 2015. Nếu bất cứ ai có sự táo bạo để dàn dựng bộ opera The Ring bằng loại nhạc cụ cổ thì đó chính là Currentzis. Anh ngẫm ngợi: “Tôi cho là Wagner cần những âm vang từ những nhạc cụ đó hơn Verdi rất nhiều. Hãy nghe khúc Prelude màn III vở Tristan mà xem. Trong khoảnh khắc đó, bạn có cảm giác về một quá trình hình thành một điều gì đó lớn lao. Tiếng kèn horn Anh độc tấu một hồi dài… Với tôi, đó là khoảnh khắc mê say nhất trong âm nhạc kể từ tác phẩm St John Passion của Bach.”

 

Ngọc Anh lược dịch

Nguồn:

https://www.gramophone.co.uk/features/article/teodor-currentzis-interview-i-didn-t-want-beautiful-those-things-you-criticise-were-exactly-what-i-wanted-to-achieve-but-with-another-morality

—–

1. François-Xavier Roth (1973–): nhạc trưởng người Pháp, sáng lập viên dàn nhạc Les Siècles (Những thế kỉ).

2. Ernest Alexandre Ansermet (1883–1969): nhạc trưởng người Thụy Sỹ, sáng lập viên Dàn nhạc Suisse Romande (OSR)

3. Năm 1980, Nhãn đĩa Columbia Masterworks được đổi tên thành CBS Masterworks Records. Năm 1990, sau khi Sony giành được CBS Records, nhãn đĩa được đổi tên thành Sony Classical Records.

4. Ilya Aleksandrovich Musin (1904–1903): nhạc trưởng người Nga, nhà sư phạm xuất chúng và nhà lý luận chỉ huy.

5. Fritz Stiedry (1883–1968): nhà soạn nhạc và nhạc trưởng người Áo.

6. Dimitri Mitropoulos (18961960): nhạc trưởng, nghệ sỹ piano và nhà soạn nhạc người  Hi Lạp. Ông đạt được danh tiếng quốc tế cả trên tư cách nhạc trưởng lẫn tư cách nhà soạn nhạc.

7. Ruhrtriennale hay Ruhr Triennale: liên hoan nghệ thuật và âm nhạc tại vùng Ruhr nước Đức được tổ chức ba năm một lần.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)