Thẩm mỹ hàng nhái và giả cổ

Ngày càng xuất hiện nhiều những kiến trúc từ bé đến lớn đi tìm cái đẹp trong sự sao chép và cải biên từ các di sản. Điều này thể hiện tâm lý thiếu tự tin, sùng ngoại và nệ cổ vốn là những rào cản đối với mọi sáng tạo. Phải chăng thẩm mỹ hàng nhái và giả cổ là tất yếu đối với một nước đang phát triển và lên cơn sốt đô thị hóa?

Câu chuyện trở nên gay gắt khi chuyển sang chủ đề kiến trúc. Một KTS Pháp có bố chết ở Điện Biên Phủ, rất yêu Việt Nam, về sống ở Tây Bắc mở một khu nhà nghỉ theo kiến trúc dân gian hoàn toàn, nửa đùa nửa thật: “Moa muốn có cái búa để đập hết những gì các bạn đang xây cất ở xứ này!” Anh KTS trẻ nhất bàn nhậu phát biểu đồng tình: “Hắn nói quá đúng. Toàn hàng nhái và đồ giả cổ!” Tôi không ngạc nhiên nhưng vẫn bị bất ngờ vì hai ý kiến phản biện “quyết liệt” và ngắn gọn trên.

Nghệ thuật nước ta nếu thua “trên sân nhà” thì đau nhất là “anh” kiến trúc rồi mới đến anh mỹ thuật và các ngành khác. Những tưởng thời kỳ đô thị hóa, mở cửa và hội nhập 25 năm qua phải là thời kỳ vàng son của kiến trúc, của đội ngũ KTS đông đảo chưa từng có, như 30 năm đầu thế kỷ 20 khi diễn ra cuộc đô thị hóa và hội nhập lần thứ nhất. Di sản kiến trúc của giai đoạn này từ Nhà thờ Phát Diệm tới cầu Long Biên, từ quy hoạch Hà Nội, Sài Gòn tới Phong cách Đông Dương, từ các công trình kiến trúc mẫu mực, phong phú về thể loại, khuynh hướng và cá tính, từ các tòa công sở, nhà phố, villa, nhà vườn, tới bệnh viện, trại lính, nhà hàng, các khu nghỉ dưỡng, du lịch… ở các đô thị khác to nhỏ… tất cả còn là những bài học mẫu không thể vươn tới! Sự hội nhập quốc tế trong quá trình hình thành và định hình một thứ văn hóa đô thị “lai-căng, nửa phong kiến nửa thuộc địa” đã làm hàng loạt ngành nghệ thuật mới ra đời và bừng nở rực rỡ: kiến trúc, văn học, hội họa, âm nhạc sân khấu, nhiếp ảnh… Vậy mà lần này ta độc lập- thống nhất, tự chủ- chủ động hội nhập lại không thành công.

Trở lại bài học thất bại cụ thể của kiến trúc hiện nay. Hàng chục thành phố được mở rộng, hàng trăm đô thị nhỏ và khu đô thị được xây mới hoàn toàn, hàng ngàn con phố vào loại đắt nhất hành tinh, hàng vạn công sở và cao ốc, khu thương mại, du lịch xuất hiện, hàng triệu ngôi nhà dân được xây cất vậy mà khó có thể tìm ra được một công trình nào “bén gót” các di sản! Người làm văn hóa nghệ thuật càng ngẫm càng đau. Ba thí dụ về ba loại hình kiến trúc: Tòa nhà Bộ Tài chính nhái kiến trúc Pháp xưa một cách thô thiển, từng bị giới kiến trúc phản biện gay gắt. Chùa Bái Đính nguy nga đồ sộ lắp lại các kiểu kiến trúc cổ nước ta và nước ngoài, chép lại và phóng to tượng cổ các nơi. Khu vui chơi Đại Nam miên man thành cổ với hình nộm lính gác nhái tranh Tàu, nhái chùa mái cong và làm giả Cột Cờ Hà Nội… Ba món giả cổ khổng lồ này ngay từ ý tưởng của chủ đầu tư đã loại bỏ mọi sáng tạo mà đi tìm cái đẹp trong sự sao chép, cải biên đồ cổ. Điều này thể hiện tâm lý thiếu tự tin, sùng ngoại và nệ cổ vốn là những rào cản đối với mọi sáng tạo.

Công thức chia lô bán nền 4x16m làm toàn dân xây nhà ống nhái kiểu nhà phố-phường buôn bán nhỏ cuối thế kỷ 19. Tất cả nhà ở đều quay mặt ra sát đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, xã lộ… nhái nhà phố bán lẻ mấy trăm năm trước. Mặt tiền trở thành chiến địa-chiến tuyến thương mại giả tạo. Khu tập thể Trung Tự từng nhái khu tập thể xây tấm lớn của Cuba, nay khu Nhân Chính nhái khu ở thời XHCN Đông Âu và khu Phú Mỹ Hưng nhái khu đô thị Singapore hay Đài Loan vài chục năm trước. Khắp nơi ta thấy cái mái giả mái đá đen, cột giả cột Doris, các biệt thự giả biệt thự thời Tây và các resort y sì như mọi resort Đông Nam Á. Đố mà phân biệt được “thiên đường” nào với “thiên đường” nào! Tìm một building có cá tính, để dấu ấn, tạo hình ảnh đô thị là ảo tưởng. Rất nhiều văn phòng KTS nước ngoài làm ăn thành công ở Việt Nam nhưng ta thất bại về kiến trúc. Các công trình này chỉ thuộc hạng ba hạng tư về thẩm mỹ nhái những cái hạng nhất hạng nhì của chính họ mà thôi. Các KTS nội “uất ức” mà bó tay. Nhà dân chia lô 4x16m xé lẻ nguồn lực đất đai và tài chính cũng như công nghệ, “manh mún” hóa toàn đô thị, “ổ chuột hóa” lối sinh hoạt của người ở. Và tất nhiên với cái nhà riêng “bằng cái lá đa” đó thì chả chủ nhà nào cần tới KTS. Họ đọc các tạp chí “nhà xinh, nhà thông minh, nhà đẹp…”, xem các catalogue nội thất, nhòm ngó các nhà đã xây rồi “cóp” mỗi nơi một tý.

KTS chỉ quyết định 1/10. Quyết định vẻ đẹp, công năng, hiệu quả kinh tế của nó là chính quyền doanh nghiệp và người dân tức các chủ đầu tư. Tiếc thay các chủ đầu tư này đang chạy theo thị hiếu chuộng hàng nhái và đồ giả cổ. Quyết định xây cái gì như thế nào luôn là quyết định của người nắm quyền và nắm tiền. Ý chí thẩm mỹ của họ là như vậy làm sao lay chuyển nổi. Phải chăng thẩm mỹ hàng nhái và giả cổ là tất yếu đối với một nước đang phát triển và lên cơn sốt đô thị hóa?

Nếu chĩa tia nhìn sang các ngành khác ta cũng sẽ thấy điều tương tự ở các mức độ và với các biểu hiện khác nhau. Từ mỹ thuật, điện ảnh, truyền hình, âm nhạc tới sân khấu, múa, nhiếp ảnh, thời trang, design… đều nhất lượt như vậy.

Một biện chứng bất khả kháng của thẩm mỹ thời đại? Có thể đây là một đề tài “nghiên cứu khoa học liên ngành” rất cơ bản chăng?

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)