Thân thiết với cha mẹ từ nhỏ, tốt bụng hơn khi trưởng thành

Nghiên cứu của Đại học Cambridge chỉ ra rằng, một mối quan hệ gắn bó giữa cha mẹ và con cái ngay từ khi còn nhỏ giúp gia tăng đáng kể xu hướng đứa trẻ sau này sẽ trở thành người có ích cho xã hội, cũng như biết hành động tử tế và cảm thông cho người khác.

Mức độ gần gũi với cha mẹ ảnh hưởng đến xu hướng “công lợi” của đứa trẻ

Sử dụng dữ liệu của hơn 10.000 người sinh từ năm 2000 đến 2002, nghiên cứu này tìm hiểu về sự tác động giữa mối quan hệ của cha mẹ với trẻ nhỏ, xu hướng “công lợi” (prosociality) và sức khỏe tinh thần. Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét cách các yếu tố này tương tác với nhau trong một khoảng thời gian kéo dài từ thơ ấu đến tuổi thanh niên.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, ở những người từng có mối quan hệ ấm áp và giàu tình cảm với cha mẹ khi 3 tuổi, họ không chỉ có xu hướng ít gặp vấn đề tinh thần trong tuổi thơ và tuổi thanh niên, mà còn bộc lộ xu hướng công lợi cao hơn. Xu hướng “công lợi” muốn nói đến các hành vi, phẩm chất, mong muốn của một người nhằm giúp ích cho người khác và cho xã hội, ví dụ như sự tử tế, khả năng cảm thông, khả năng giúp đỡ, sự hào phóng và hoạt động tình nguyện.

Mặc dù cần có những nghiên cứu sâu hơn để xác định mối tương quan giữa quan hệ của cha mẹ-con cái và xu hướng công lợi khi trưởng thành, nghiên cứu này vẫn chỉ ra được một sự liên hệ khá lớn. Theo nghiên cứu, trung bình, mức độ gần gũi của đứa trẻ 3 tuổi với bố mẹ chúng cứ tăng lên một đơn vị (so với mức tiêu chuẩn bình thường), thì xu hướng công lợi của chúng ở tuổi thanh niên sẽ tăng lên 0,24%.

Ngược lại, những đứa trẻ từ nhỏ đã có mối quan hệ căng thẳng (về mặt cảm xúc) với cha mẹ, hoặc bị ngược đãi, theo thời gian sẽ có ít khả năng phát triển các hành vi công lợi. Nhóm nghiên cứu cho rằng kết quả này có thể củng cố cho các chính sách hỗ trợ những gia đình trẻ không được suôn sẻ khi xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái; chẳng hạn, những gia đình chật vật với áp lực tài chính, công việc và không có nhiều thời gian.

Mối quan hệ gắn bó với cha mẹ khi nhỏ sẽ giúp trẻ có tâm lý vững mạnh hơn khi trưởng thành.

Càng có nhiều vấn đề về tinh thần, xu hướng công lợi ở trẻ càng giảm

Những người từng có tuổi thơ hạnh phúc bên cha mẹ sẽ có xu hướng muốn đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Ảnh: VeryWell Family

Nghiên cứu cũng tìm hiểu việc sức khỏe tinh thần và xu hướng công lợi được hình thành vững chắc đến mức nào trong những người trẻ, và dao động đến mức nào trước những tình huống như thay đổi trường học, thay đổi các mối quan hệ cá nhân. Để phát triển một bức tranh toàn cảnh về động lực hình thành nên những đặc điểm này và cách chúng tương tác, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo lường cả hai yếu tố (sức khỏe tinh thần và xu hướng công lợi) ở những người thuộc độ tuổi 5, 7, 11, 14 và 17. Nghiên cứu được thực hiện bởi Ioannis Katsantonis và Ros McLellan, cả hai đều thuộc khoa Giáo dục, Đại học Cambridge.

Katsantonis, tác giả chính và là nhà nghiên cứu chuyên về tâm lý học và giáo dục, chia sẻ: “Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng sau một độ tuổi nhất định, chúng ta có xu hướng khỏe mạnh hoặc không khỏe mạnh về tinh thần, với một mức độ phục hồi cố định vừa phải. Xu hướng công lợi thay đổi nhiều hơn và kéo dài hơn, tùy thuộc vào môi trường của chúng ta”.

“Mối quan hệ với cha mẹ khi còn nhỏ có vẻ là một tác động lớn. Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta tiếp nhận các khía cạnh trong mối quan hệ với cha mẹ mình – được định hình bằng cảm xúc, sự quan tâm và ấm áp. Điều này ảnh hưởng đến khuynh hướng trở nên tốt bụng và biết giúp đỡ mọi người của chúng ta trong tương lai”.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ 10.700 người từng tham gia Nghiên cứu Tập thể Thiên niên kỷ (Millennium Cohort Study) – một nghiên cứu theo dõi sự phát triển của một nhóm số lượng lớn những người sinh ra ở Anh từ năm 2000 đến 2002, trong đó có bao gồm thông tin khảo sát về xu hướng công lợi của họ, các dấu hiệu vấn đề tinh thần “bên trong” (ví dụ như sự căng thẳng hay lo âu) và các dấu hiệu “bên ngoài” (ví dụ như sự hung hăng).

Một mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái ở tuổi lên 3 được định hình như thế nào bởi sự ngược đãi (bạo hành về thể chất lẫn lời nói), xung đột tình cảm, sự gần gũi (ấm áp, an toàn, quan tâm) cũng là thông tin được cung cấp trong Nghiên cứu Tập thể Thiên niên kỷ. Các yếu tố khác có khả năng gây xáo trộn mối quan hệ – như bối cảnh dân tộc và tình trạng kinh tế xã hội – cũng được đưa ra xem xét cùng.

Tiếp đó, nhóm nghiên cứu của trường Cambridge sử dụng một dạng phân tích thống kê phức tạp để tìm hiểu xem các dấu hiệu sức khỏe tinh thần và khuynh hướng công lợi của những người tham gia sẽ bộc lộ thành những đặc điểm tính cách cố định, ở từng giai đoạn trưởng thành của họ, như thế nào.

Sau đó, nghiên cứu đã tìm thấy một số bằng chứng về mối liên hệ giữa các vấn đề sức khỏe tinh thần và xu hướng công lợi. Điều đáng chú ý là, với những đứa trẻ bộc lộ những dấu hiệu “bên ngoài” của vấn đề tinh thần cao hơn mức trung bình, về sau sẽ ít có xu hướng công lợi hơn so với thông thường. Cụ thể, khi dấu hiệu bên ngoài của vấn đề tinh thần tăng thêm 1 đơn vị, xu hướng công lợi của chúng sẽ giảm đi 0,11 – với cùng một đơn vị tương ứng – ở tuổi 11.

Tuy nhiên, không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy có thể áp dụng giả thiết ngược lại. Mặc dù ở bất kì độ tuổi nào, những đứa trẻ có xu hướng công lợi cao hơn mức trung bình thường có một sức khỏe tinh thần tốt hơn, điều này lại không có nghĩa là sức khỏe tinh thần của chúng cũng sẽ được cải thiện khi lớn lên. Trên cơ sở của phát hiện này, nghiên cứu gợi ý rằng những nỗ lực của các trường học nhằm thúc đẩy hành vi công lợi của học sinh sẽ có hiệu quả hơn nếu được lồng ghép, một cách bền vững lâu dài, vào chương trình giảng dạy, thay vì được thực hiện dưới hình thức can thiệp một lần – giống như những tuần lễ được mở ra để giáo dục về bạo lực học đường.

Ngoài việc trở nên đóng góp cho xã hội hơn, những đứa trẻ từng có mối quan hệ thân thiết với cha mẹ khi 3 tuổi cũng có xu hướng mang ít dấu hiệu về vấn đề tinh thần hơn, cả trong những năm sau đó và trong giai đoạn thanh niên.

Katsantonis cho biết, những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng một mối quan hệ bền chặt giữa cha mẹ và con cái ngay từ sớm, điều mà vốn đã được nhiều người công nhận là cần thiết để hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ trong các lĩnh vực khác.

Theo Katsantonis, một số cha mẹ sẽ cần được hỗ trợ để học cách xây dựng sự thân thiết với con trẻ, nhưng bên cạnh đó, đóng vai trò quan trọng không kém là việc họ có dành đủ thời gian ở bên cạnh con hay không. “Sự thân thiết chỉ có thể phát triển theo thời gian. Đối với những cha mẹ phải sống hoặc làm việc trong áp lực và các điều kiện hạn chế, thời gian họ dành cho con cái thường không đủ”.

Lan Oanh tổng hợp

Nguồn: https://www.sciencedaily.com/releases/2023/10/231009191705.htm

https://www.forbes.com/sites/nickmorrison/2023/10/08/children-who-are-close-to-their-parents-are-kinder-study-finds/?sh=4990ae143f72

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)