Thanh thiếu niên thời công nghệ số: Áp lực tinh thần kiểu mới

Hơn 20% trẻ vị thành niên gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, phổ biến nhất là lo âu và trầm cảm là kết quả của cuộc khảo sát cuối năm 2021 trên 38 tỉnh thành Việt Nam1. Con số này thúc đẩy nhiều suy ngẫm về những áp lực tinh thần mà thanh thiếu niên thời đại mới đang chịu đựng.

Ảnh: Shutterstock.

Thế hệ trẻ đang sống trong bối cảnh đặc trưng bởi “PAID” gồm áp lực (Pressure), luôn trong trạng thái kết nối số (Always on), bị quá tải thông tin (Information overload) và bị phân tâm (Distracted). Bài viết này sẽ điểm lược một số kiểu áp lực tinh thần của thanh thiếu niên sống trong bối cảnh “PAID”.

Áp lực về việc tạo ra bản dạng số

Bản dạng số (digital indentity) là hệ thống dữ liệu trên không gian mạng về một cá nhân. Thanh thiếu niên là lứa tuổi mà việc định hình bản sắc cá nhân (identity) trở nên cốt lõi. Thành tựu của thanh thiếu niên là bước đầu nhận ra mình là ai, có chính kiến, cảm nhận tương đối rõ về điều gì phù hợp với mình và ngược lại. Nếu không đạt được thành tựu đó, thanh thiếu niên sẽ chật vật trong sự mù mờ bản sắc và ảnh hưởng đến các giai đoạn phát triển tâm lý – xã hội tiếp theo. 

Với sự xuất hiện của mạng xã hội, quá trình định hình bản sắc cá nhân thông qua bản dạng số trở nên năng động hơn. Thông qua các tài khoản mạng xã hội, mỗi cá nhân kiểm soát được cách mình miêu tả bản thân thông qua việc chọn lọc được những thông tin để chia sẻ như ảnh đại diện, bài đăng trạng thái, video tự quay theo xu hướng thịnh hành, video ngắn, dẫn lại thông tin, bản phát trực tiếp,… Sự tương tác trở lại của người xem cung cấp một lượng lớn phản hồi về điều gì được cổ vũ, yêu thích, chấp nhận, phản đối hoặc thờ ơ. Tiếp đó, cá nhân sẽ điều chỉnh sự tự thể hiện bản dạng số, thường là theo xu hướng nhận được sự chấp nhận từ người khác. Có hai kiểu tự thể hiện bản dạng số phổ biến là lấy lòng người khác (ingratiation) và tự đề cao (self-promotion)2. Tự thể hiện bản dạng số theo kiểu lấy lòng là xu hướng thể hiện hình ảnh dễ chịu, đáng yêu, hòa nhập với người khác. Tự đề cao là làm nổi bật một số đặc điểm của riêng mình như tài năng, ngoại hình, hiểu biết, phong cách,…

Thanh thiếu niên sống trong thời đại số có thể bị áp lực từ việc bạn bè, người theo dõi chấp nhận, coi trọng mình như thế nào, từ đó có thể tạo ra sự thể hiện bản dạng số khác với con người thật của mình.

Trong độ tuổi tập trung vào bản ngã mạnh này, thanh thiếu niên rất nhạy cảm với phản hồi của bạn bè hoặc người theo dõi trên mạng xã hội. Phản hồi tiêu cực có thể ảnh hưởng đến lòng tự trọng và cảm nhận xứng đáng được yêu thương của thanh thiếu niên và ngược lại. Vì thế mà thanh thiếu niên sống trong thời đại số có thể bị áp lực từ việc bạn bè, người theo dõi chấp nhận, coi trọng mình như thế nào, từ đó có thể tạo ra sự thể hiện bản dạng số khác với con người thật của mình.

Áp lực về hình ảnh cơ thể trong nền văn hóa đề cao diện mạo

Vẫn là tác động của không gian số, nơi mọi người đều có thể nhìn thấy những hình ảnh cơ thể khỏe khoắn, đẹp chuẩn mực là kết quả của chăm sóc kĩ lưỡng, chế độ luyện tập nghiêm ngặt và cả nhiều trường hợp có sự can thiệp mạnh của kĩ thuật chỉnh sửa hình ảnh và cả chỉnh hình thẩm mỹ. Tâm lý tự nhiên của độ tuổi thanh thiếu niên là tìm kiếm và coi trọng hình ảnh bản thân, trong đó có ngoại hình. Tiếp xúc nhiều với các hình ảnh diện mạo đẹp tỉ lệ vàng, lý tưởng hoặc thậm chí siêu thực trên truyền thông và mạng xã hội có liên quan đến đánh giá tiêu cực về hình ảnh cơ thể bản thân của thanh thiếu niên. Lý do là thanh thiếu niên sẽ có xu hướng nội tâm hóa (internalization) và cho rằng vẻ ngoài hoàn hảo trên truyền thông mới là chuẩn mực thực tế, từ đó gượng ép cơ thể mình theo những tiêu chuẩn chỉ phù hợp với ngành truyền thông quảng cáo, dẫn đến nhiều căng thẳng tinh thần và có thể là chứng chán ăn tâm lý3

Với những thanh thiếu niên đang có căng thẳng tâm lý, kết quả của một thực nghiệm đã gợi ý giảm sử dụng phương tiện truyền thông xã hội xuống mức tối đa một giờ một ngày, liên tục trong vòng ba tuần có thể giúp nâng cao lòng tự trọng về ngoại hình4

Trên không gian số, thanh thiếu niên luôn nhìn thấy những hình ảnh đẹp chuẩn mực, được chỉnh sửa kỹ lưỡng. Các hot tiktoker hay hot facebooker đều luôn thể hiện hình ảnh đẹp không tì vết.

Trên thực tế, can thiệp giảm thời gian sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ở thanh thiếu niên không có vấn đề sức khỏe tinh thần là rất khó. Do đó, khuyến nghị phù hợp hơn là xây dựng các chương trình phòng ngừa tâm lý, trong đó đề cập đến áp lực về hình ảnh cơ thể trong nền văn hóa đề cao diện mạo của truyền thông số, cùng thanh thiếu niên phân tích về các chuẩn mực, sự hợp lý và phi lý, chấp nhận sự nội hóa chuẩn mực ở thanh thiếu niên ở góc độ tích cực như một nền tảng để thúc đẩy các hành vi chăm sóc sức khỏe thể chất lành mạnh.

Áp lực đồng trang lứa về hành vi tình dục

Áp lực đồng trang lứa là cảm nhận thôi thúc phải thực hiện các hành vi mà nhóm bạn ngang hàng, người cùng độ tuổi gián tiếp ủng hộ hoặc trực tiếp gây sức ép. Nhóm bạn ngang hàng là nguồn hỗ trợ cảm xúc rất quan trọng của thanh thiếu niên, giúp các em có cảm giác được thuộc về một nhóm, được khẳng định bản sắc cá nhân. Hành vi tình dục là một trong những lĩnh vực mà thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng từ bạn thân và bạn cùng trang lứa. Thanh thiếu niên có thể quan hệ tình dục sớm nếu tin rằng bạn bè của họ có thái độ cởi mở với tình dục, về việc sinh con, có quan điểm dễ dãi về tình dục hay đã quan hệ tình dục5

Mặc dù bình thường hóa và tìm cách phù hợp để nói về tình dục ở độ tuổi thanh thiếu niên là hành vi được khuyến khích, song nếu nhầm lẫn sự “phù hợp” với “tự do” khi nói về tình dục, sẽ dẫn đến căng thẳng tâm lý ở thanh thiếu niên. Chẳng hạn, các em cảm thấy rằng mình chưa quan hệ tình dục là có vấn đề, chỉ bởi vì các bạn xung quanh kể nhiều về các trải nghiệm tình dục, hoặc các em cảm thấy bị thúc ép thực hiện hành vi, kiểu trải nghiệm tình dục mình không mong đợi, thậm chí là không an toàn, nhưng chỉ vì tin rằng bạn bè đều thấy hành vi đó là bình thường.

Công nghệ số làm cảm giác ghen tị, so sánh với những bạn khác (thường là người trẻ thành công) trên mạng xã hội, phản hồi tiêu cực từ mọi người khiến mức độ tổn thương tinh thần do áp lực học tập nặng nề hơn. 

Do đó, trong bối cảnh tự thanh thiếu niên có thể dễ dàng tìm hiểu về tình dục, càng cần hệ thống giáo dục tổ chức dự phòng tâm lý để các em có hiểu biết đúng không chỉ về hành vi tình dục, an toàn tình dục, mà còn về quyền tự quyết, sự đồng thuận, chấp nhận khác biệt với nhóm, tôn trọng cơ thể của bất kì ai, rung cảm và tình yêu.

Áp lực về thành tích học tập

Áp lực này vốn đã rất quen thuộc trong văn hóa giáo dục Việt Nam, thậm chí còn trở thành giá trị được đề cao như cách chúng ta vẫn hay nói: cá chép vượt vũ môn, áp lực tạo kim cương.

Nhưng đã đến lúc nhìn về áp lực học tập và sức khỏe tinh thần với con mắt nghiêm túc hơn. Đó cũng là thông điệp trên Chuyên san The Lancet Child & Adolescent Health. Áp lực học tập được biểu hiện ra thành “nỗi sợ thất bại, lo lắng về tương lai, căng thẳng thường xuyên về khối lượng công việc và các kỳ thi, lo lắng về kỳ vọng của cha mẹ và sự cạnh tranh về điểm số với bạn bè cùng trang lứa”6. Áp lực ấy có mối liên hệ với thiết kế giáo dục tập trung vào thành tích và mong đợi thành tích từ phụ huynh. 

Một nghiên cứu tổng hợp các bài báo khoa học về mối liên hệ giữa áp lực học tập và trầm cảm, lo lắng, tự làm hại bản thân, ý định tự tử, toan tự tử và hành vi tự tử ở thanh thiếu niên trên các cơ sở dữ liệu MEDLINE, PsycINFO, ERIC và Web of Science đến ngày 24/11/2022 đã khẳng định mối liên hệ thuận chiều giữa áp lực học tập và ít nhất một vấn đề về sức khỏe tinh thần, chủ yếu là lo âu và trầm cảm7. Một giải thích về mặt cơ chế tác động là do xung đột cha mẹ – con cái, khả năng tự kiểm soát của trẻ, cảm nhận hạnh phúc8. Nghĩa là không phải cứ xuất hiện áp lực học tập là thanh thiếu niên gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, mà là sự xung đột giữa cha mẹ – con cái trong gia đình làm cho áp lực học tập trở thành nguy cơ gây hại cho sức khỏe tinh thần của con cái. Tương tự như vậy, nếu thanh thiếu niên bị thiếu năng lực quản lý căng thẳng, quản lý triển khai các nhiệm vụ học tập và cuộc sống, hoặc cảm nhận hạnh phúc chủ quan không tốt (nhiều cảm xúc tiêu cực, không được tự chủ, thiếu mối quan hệ tin cậy nâng đỡ, không có cảm giác kiểm soát được cuộc sống, không có mục tiêu,…) thì áp lực học tập sẽ làm các vấn đề sức khỏe tinh thần của các em thêm trầm trọng.

Gần đây, loạt phim Back Mirror đề cập đến các áp lực tinh thần khủng khiếp trong thời đại số.

Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên ở các trường có thành tích là nhóm nguy cơ cao. Công nghệ số làm cảm giác ghen tị, so sánh với những bạn khác (thường là người trẻ thành công) trên mạng xã hội, phản hồi tiêu cực từ mọi người khiến mức độ tổn thương tinh thần do áp lực học tập nặng nề hơn. Một thực nghiệm trên học sinh thuộc trường thành tích cao cho thấy ảnh hưởng của so sánh xã hội đến các triệu chứng tinh thần nội hiện (khó khăn cảm xúc, nhiều lo âu,…) là nhất quán ở mọi nhóm. Trong khi đó, ảnh hưởng của phản hồi tiêu cực đến từ không gian mạng xã hội có liên hệ với hành vi vi phạm quy tắc ở phần lớn các nhóm thực nghiệm (5/6)9.

Những kết quả này gợi ý rằng, áp lực học tập càng có nguy cơ làm giảm sức khỏe tinh thần ở thanh thiếu niên, trong bối cảnh số, khi mà các em và phụ huynh đều bị ảnh hưởng mạnh bởi sự so sánh mình với người khác, bởi phản hồi của người khác trên không gian ảo.

Áp lực của thời đại nâng cao sức khỏe tinh thần

Một nghịch lý về nỗ lực nâng cao sức khỏe tinh thần xuất hiện: Bất chấp những nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe tinh thần, vấn đề sức khỏe tinh thần được báo cáo vẫn gia tăng. Nghịch lý ấy được khái quát thành giả thuyết “lạm phát phổ biến” (prevalence inflation hypothesis)10. Nghĩa là càng được nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần, những triệu chứng tâm lý càng được báo cáo rõ ràng hơn. Hơn nữa, một số cá nhân báo cáo và luận giải những muộn phiền nhẹ như là vấn đề trầm trọng về sức khỏe tinh thần. 

Thế hệ trẻ có vốn từ vựng tốt hơn các thế hệ trước về sức khỏe tinh thần, bao gồm các từ vựng khoa học và cả từ vựng phổ thông. Lượng từ vựng và khả năng truy cập thông tin về các vấn đề sức khỏe tinh thần giúp cho thanh thiếu niên mô tả tốt hơn về trạng thái tâm lý của mình, nhưng họ cũng có thể quy gán những vấn đề trầm trọng cho những biểu hiện đang hoàn toàn có khả năng tự phục hồi, hoặc tự biến mất. Như vậy, bên cạnh nỗ lực chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người trẻ, cũng cần lưu ý đến phản ứng khái quát hóa quá mức về vấn đề tinh thần mà thuật ngữ “thế hệ bông tuyết” dùng để mô tả sự mong manh, thiếu kiên cường nội tâm của họ.

Thanh thiếu niên sống trong thời đại được gia tăng hiểu biết về sức khỏe tinh thần cũng tồn tại một nguy cơ tác dụng ngược, khi trở nên nhạy cảm và diễn giải quá mức sức khỏe tinh thần của mình.

Hai tác giả của giả thuyết lạm phát phổ biến này là Foulkes và Andrews đã hệ thống một số nghiên cứu khác đề cập đến xu hướng cá nhân diễn giải quá mức về suy nghĩ, cảm xúc, hành vi tiêu cực như triệu chứng rối nhiễu và trạng thái tổn hại tâm lý. Bên cạnh đó, một số chiến dịch thúc đẩy việc nên nói về các vấn đề sức khỏe tinh thần như biểu hiện của sự dũng cảm và đáng ngưỡng mộ. Điều này giúp giảm kì thị và nâng cao khả năng tiếp cận sự giúp đỡ, nhưng cũng chuyển đi thông điệp rằng sức khỏe tinh thần tạo ra giá trị xã hội, được tôn vinh và lãng mạn hóa (Beeker & cs, 2021; Conrad & Slodden, 2012; Haslam & cs, 2020, Jadayel  & cs, 2017; Rick, 2016, theo Foulkes & Andrews, 2023). Một thực nghiệm về dạy các các nguyên tắc trị liệu hành vi nhận thức (CBT) cho thanh thiếu niên tại trường học đã dẫn đến sự gia tăng các triệu chứng nội hiện (chẳng hạn cảm xúc tiêu cực, lo lắng) so với các nhóm đối chứng không được can thiệp (Andrew & cs, 2022, theo Foulkes & Andrews, 2023). Một thực nghiệm khác trên thanh thiếu niên hoàn thành chương trình học CBT cũng báo cáo kết quả rằng một số em mặc dù ban đầu cảm thấy tích cực, nhưng trở nên hoang mang hơn khi cố gắng xác định những suy nghĩ tiêu cực (Garmy & cs, 2015, theo Foulkes & Andrews, 2023). 

Những bàn luận này cho thấy thanh thiếu niên sống trong thời đại được gia tăng hiểu biết về sức khỏe tinh thần cũng tồn tại một nguy cơ tác dụng ngược, khi trở nên nhạy cảm và diễn giải quá mức sức khỏe tinh thần của mình.

Trên đây là một số dạng áp lực tinh thần lên thanh thiếu niên trong thời đại mới. Có những áp lực mới hoàn toàn so với thế hệ trước, có kiểu áp lực đã tồn tại trước đây nhưng được phức tạp hóa hơn trong bối cảnh công nghệ.□

—–

Chú thích

1 Institute of Sociology, University of Queensland, and Johns Hopkins Bloomberg School of Public Health. (2022). Viet Nam Adolescent Mental Health Survey: Report on Main Findings. Hanoi: Institute of Sociology

2 Pérez-Torres, V. (2024). Social media: a digital social mirror for identity development during adolescence. Current Psychology (4). https://doi.org/10.1007/s12144-024-05980-z

3 Vuong, A. T., Jarman, H. K., Doley, J. R., & McLean, S. A. (2021). Social Media Use and Body Dissatisfaction in Adolescents: The Moderating Role of Thin- and Muscular-Ideal Internalisation. International journal of environmental research and public health18(24), 13222. https://doi.org/10.3390/ijerph182413222

4 Thai, H., Davis, C. G., Mahboob, W., Perry, S., Adams, A., & Goldfield, G. S. (2024). Reducing social media use improves appearance and weight esteem in youth with emotional distress. Psychology of Popular Media, 13(1), 162–169. https://doi.org/10.1037/ppm0000460

5 Peci, B. (2017). Peer Influence and Adolescent Sexual Behavior Trajectories: Links to Sexual Initation. European Journal of Multidisciplinary Studies, 2(3), 96-105

6 The Lancet Child & Adolescent Health (2023). Time to take academic pressure seriously. Editorial, 7(10), 671. DOI: https://doi.org/10.1016/S2352-4642(23)00231-6

7 Thomas, S., Muñoz, C. G., Sullivan, A., Lewis, G. (2023). The association between academic pressure and adolescent mental health problems: A systematic review. Journal of Affective Disorders (339), 302-317. https://doi.org/10.1016/j.jad.2023.07.028.

8 Jiang, M. M., Gao, K., Wu, Z. Y., & Guo, P. P. (2022). The influence of academic pressure on adolescents’ problem behavior: Chain mediating effects of self-control, parent-child conflict, and subjective well-being. Frontiers in psychology13, 954330. https://doi.org/10.3389/fpsyg.2022.954330

9 Luthar, Suniya S., Suh, Bin C., Ebbert, Ashley M., Kumar, Nina L. (2020). Students in High-Achieving Schools: Perils of Pressures to Be “Standouts”. Adversity and Resilience Science, 1(2), 135–147.doi:10.1007/s42844-020-00009-3 

10 Foulkes, L., Andrews, J. L. (2023). Are mental health awareness efforts contributing to the rise in reported mental health problems? A call to test the prevalence inflation hypothesis, New Ideas in Psychology, 69(4). DOI: https://doi.org/10.1016/j.newideapsych.2023.101010

Tác giả

(Visited 76 times, 3 visits today)