Thế giới hội họa của Trần Việt Phú

Trần Việt Phú là một trong số hiếm các họa sĩ trẻ Việt Nam đương đại hướng cái nhìn hội họa của mình theo xu hướng hiện thực- cổ điển, cả bằng tình cảm lẫn mỹ cảm. Thế giới hội hoạ của Phú không phức tạp, hoang tưởng, không đánh đố con mắt người xem, mà là những gì bình dị, hiện thực, tồn tại quanh anh, và anh nhìn thấy chúng hàng ngày, tự nhiên như: một góc nhà, một chiếc ghế mây, một góc bếp đơn sơ, một ô cửa sổ nhìn ra ngõ hẻm, một dàn hoa ngoài ban công...

Anh nhìn thấy ở đồ vật của mình cái đẹp giản dị, mộc mạc, thân quen và anh thường đánh thức các đồ vật của mình bằng thứ ánh sáng hội họa, nhẹ nhàng, êm dịu, làm cho chúng hiển hiện, lung linh, ánh lên các sắc trắng tinh khiết, quí giá. Và ta bỗng nhận ra rằng, đồ vật cũng có một đời sống tình cảm âm thầm, tận tụy, gắn bó với con người, cả các loài hoa vào đêm cũng có một vẻ đẹp quyến rũ đặc biệt.
 
Phú vẽ nhiều hoa, và hay vẽ các loài hoa đơn sắc, khiêm nhường, không rực rỡ phô trương, như hoa sen, hoa quỳnh, hoa hồng trắng… Anh vẽ cái đời sống sinh vật của hoa, cái vẻ đẹp mong manh, bí ẩn của chúng. Nhưng, đôi khi, cũng vì các loài hoa đêm phù du đầy nữ tính, vì bóng đêm mộng mị gợi tình, và đây đó cả những ám ảnh tình yêu, làm cho tranh của Phú phảng phất một cảm giác liêu trai, ảo mộng.

Các tranh chân dung của Phú đa phần vẽ về phụ nữ và trẻ em, và được họa sĩ vẽ với một tình cảm trong sáng đặc biệt như tình cảm tôn giáo. Phú thường dìm sâu nhân vật của mình vào bóng tối và chiếu thứ ánh sáng nhẹ, kỳ ảo như ánh sáng Phục hưng vào đối tượng, làm cho nhân vật có một vẻ đẹp hiền thục, xa xưa, bí ẩn (“Chân dung chị Hằng” 2000, sd). Đặc biệt là các bức chân dung bé gái (cháu ruột của họa sĩ), được họa sĩ vẽ nhiều lần với các kiểu bố cục và ánh sáng khác nhau. Một bé gái áo quần giản dị, tóc xõa ngang lưng, ngồi trong một nội thất ảm đạm, tranh tối tranh sáng, hoặc sau một bức tường cũ nát, nhưng em có một đôi mắt đẹp, trong trẻo và một khuôn mặt hài hòa, thánh thiện như đức mẹ đồng trinh. Các bức chân dung này giống như niềm tin của họa sĩ vào cái đẹp nhân bản, vĩnh hằng nơi con người.
Trong hội họa của Trần Việt Phú có thể thấy nhiều ảnh hưởng tinh thần cũng như thẩm mỹ anh tiếp thu được từ hội họa hiện thực của các danh họa châu Âu như Velazquer (1599-1660), Vermeer (1632-1675), Chardin (1699-1779), Goya (1746-1882)…, đó là cái đẹp chân chất, bình dị, tỏa ra từ chính đời sống hiện thực hàng ngày của người dân lao động, một đời sống nhiều khắc khổ, nhọc nhằn, nhưng cũng có những giây phút thanh thản, bình yên. Có thể thấy ở Phú cả những bài học từ Manet (1832-83, hoạ sĩ tiền ấn tượng Pháp) ở cách sử dụng nhiều tương phản đen- trắng, ánh sáng- bóng tối, hay cách vẽ bố cục dàn trải khắp mặt toan, tới tận lề bên như một bức ảnh cắt cúp tùy ý. Song các ảnh hưởng này đã được Phú chuyển hóa thành một phong cách hiện thực của riêng anh, một hiện thực trữ tình, bi cảm, thoáng nỗi buồn u uẩn và một đời sống nội tâm thầm lặng.

Con đường Phú đang đi chính là con đường của lao động nghệ thuật, ở đó có đủ ý nghĩa của sung sướng- khổ ải, hạnh phúc- bi kịch, giải thoát- lưu đày mà người nghệ sĩ tự nguyện dấn thân, phiêu lưu và trải nghiệm để đi tìm chính mình.

Chú thích ảnh:
Anh 1: Cháu gái – Phấn mầu – năm 2002
Anh 2: Loa kèn đỏ – mẫu đơn đỏ, Sơn dầu- năm 2001

Bùi Như Hương

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)