The Sandman: Cõi thần thoại của Neil Gaiman

Những loạt phim được Netflix chuyển thể từ truyện tranh và tiểu thuyết của Neil Gaiman – như Lucifer (2016), American Gods (2017), và mới đây là The Sandman (2022) – dường như đều thấm đẫm không khí thần thoại mà ông đã tiếp nhận từ tôn giáo và văn chương trong thời thơ ấu.

Neil Gaiman. Ảnh: Variety.

Từ đứa con của hai tôn giáo…

“Cuối cùng Neil sẽ phải lớn lên và kiếm một công việc đích thực. Trước lúc đó, cậu ấy sẽ tiếp tục bịa chuyện và viết chúng ra”. Đây là dòng tự giới thiệu khôi hài mà bạn tìm thấy trên trang Twitter của Neil Gaiman – tác giả của nhiều câu chuyện từng được chuyển thể thành phim ảnh như Coraline, Stardust, American Gods, hay The Sandman

The Sandman kể về hành trình của Morpheus, chúa tể Cõi Mộng – một trong bảy thực thể Vĩnh hằng, thoát khỏi 106 năm bị giam cầm, chu du qua các thế giới để khôi phục lại vị thế của mình. Sức lôi cuốn của The Sandman – loạt phim ăn khách nhất trên Netflix mùa này – dường như bắt nguồn từ thời thơ ấu của Gaiman, người tự nhận mình chưa bao giờ lớn.

Năm 1965, một cặp vợ chồng người Do Thái đưa đứa con 5 tuổi của mình – là cậu Neil Richard Gaiman – đến nhà thờ Scientology chi nhánh Anh Quốc. Được cây bút khoa học viễn tưởng L. Ron Hubbard thành lập trước đó hơn một thập kỷ, Scientology là một tôn giáo mới, lấy cảm hứng từ các kỹ thuật phân tích tâm lý của Sigmund Freud và Carl Jung. Trong các buổi thực hành phương pháp “Thấu tâm” (Dianetics), các tín đồ Scientology sẽ đưa nhau vào trạng thái “mơ màng” (reverie), rồi giúp nhau đối diện với các ký ức đau đớn đã bị đẩy xuống tầng tiềm thức của mình. Một ngày nọ, khi đang “thấu tâm”, vài tín đồ Scientology tin rằng mình đã nhìn được ký ức tiền kiếp. Theo lời họ, linh hồn con người là những thực thể bất tử đến từ hành tinh khác, mang tên Thetan. Câu chuyện này được Hubbard tin theo, và biến thành thần thoại chung cho giáo phái mới.1,2,3

Việc sống cùng lúc trong hai cộng đồng tôn giáo, Scientology và Do Thái giáo, đã đem lại may mắn cho cậu bé Neil Gaiman. Trước hết, như lời Neil hay đùa, một gia đình Scientology sẽ không ngăn con làm nhà văn viết truyện viễn tưởng. Kinh nghiệm thực hành Dianetics cũng giúp Neil quen với việc sáng tác bằng tiềm thức – để học viết theo lối siêu thực, và mô tả những chuyến du hành vào giấc mơ trong The Sandman. Đặc biệt, khi di chuyển qua lại giữa mẩu chuyện về Behemoth trong Do Thái giáo và mẩu chuyện về người ngoài hành tinh trong Scientology, ông đã hình thành một lối tiếp cận thần thoại đặc biệt. Thay vì nhìn thần thoại như một chuyện từng xảy ra, ông nhìn nó như một ẩn dụ hư cấu về thế giới. Để phục vụ đời sống tinh thần, mỗi người có thể tin bất cứ thần thoại nào mình muốn, pha trộn các thần thoại với nhau, và đưa chúng vào các vũ trụ truyện tranh. Quan điểm cấp tiến này đã được hiện thực hóa trong The Sandman – nơi Morpheus của thần thoại Hy Lạp, Lucifer của Kinh thánh và Milton, những con quạ trong bài thơ của Poe, và một con quỷ trong bức tranh của Dalí… cùng sống chung.4,5

Nhưng khi cha mình trở thành phát ngôn viên của Scientology tại Anh, cậu bé 7 tuổi của nhà Gaiman bắt đầu gặp rắc rối. Năm 1968, cậu bị đuổi khỏi trường tiểu học trực thuộc Anh giáo, vì gia đình cậu từ chối gạch tên con khỏi danh sách tín đồ Scientology. Bị xã hội bảo thủ coi như một tín đồ tà giáo, cậu phải chuyển trường, và vào một lớp toàn nữ sinh. Những lúc cảm thấy trường học và cuộc sống trở nên “không thể chịu được”, Gaiman lại giả đau đầu để được cho vào nghỉ trong thư viện. Tại đó, cậu trốn vào văn học giả tưởng – ban đầu là Biên niên sử Narnia của C. S. Lewis, cuốn sách cậu được tặng trong dịp sinh nhật trước đó nửa năm. Một chỗ trốn khác là bộ Chúa nhẫn của Tolkien, mà cậu tìm thấy trong thư viện trường học. Không tình cờ, khi Chúa nhẫnNarnia bao hàm hai hệ thống thần thoại hoàn chỉnh, mà cho đến giờ vẫn chưa bị tiểu thuyết giả tưởng nào khác vượt qua. Văn chương, đối với Gaiman, dường như là cách để tìm về cõi thần thoại đã mất.5,6

Đầu thập niên 80, thay vì học đại học, Gaiman bắt đầu kiếm sống bằng nghề viết báo, và xuất bản những truyện ngắn đầu tiên. Nuôi mộng viết văn, ông liên tục phỏng vấn những cây bút mà mình hâm mộ để học hỏi thủ pháp. Với kinh nghiệm sống cùng lúc trong nhiều thế giới, cây bút trẻ tỏ ra có tài bắt chước giọng điệu và cấu trúc tác phẩm của những bậc thầy khác nhau. Và cơ hội đã đến với Gaiman vào năm 1984, khi anh bắt đầu thích mê bộ truyện tranh Swamp Thing của Alan Moore, rồi tìm đến Moore để phỏng vấn.5

… đến người viết thần thoại hiện đại

Được Moore khuyến khích và hướng dẫn, Gaiman bắt đầu viết kịch bản truyện tranh, và đăng các tác phẩm ngắn trên nhiều tạp chí khác nhau. Chúng đã lọt vào mắt xanh của Karen Berger – biên tập viên phụ trách Moore tại DC Comics. Năm 1987, Berger chính thức thuê Gaiman, và bảo ông tùy ý viết một phiên bản mới cho nhân vật Sandman của DC. Trước khi Gaiman tham gia dự án, Sandman là một cái tên xuất hiện lần đầu vào năm 1939, dùng để gọi những nhân vật có khả năng điều khiển giấc mơ và ít được biết đến trong dàn siêu anh hùng của hãng truyện tranh DC Comics. Kết quả vượt quá sự kỳ vọng của Berger: ngày nay, The Sandman là một trong số ít truyện tranh từng được tờ New York Times đưa vào danh sách Best Sellers, và đã đem về cho Gaiman những giải thưởng văn chương danh giá.

Một cảnh trong phim The Sandman. Ảnh: Netflix.

Dù vậy, khi nhận việc, Gaiman đã rất căng thẳng. Ông nhận thấy mình không có khiếu viết truyện siêu anh hùng như Moore. Ông đành ra một quyết định táo bạo: viết về thứ ông quen thuộc nhất – các vị thần – và “đánh lừa” mọi người rằng đây là truyện tranh siêu anh hùng. Nếu Sandman trong bộ truyện năm 1939 là một nhà hóa học bắn khí gây mê vào tội phạm, còn Sandman thập niên 70 là một nhà tâm lý học kẹt trong cõi mơ, thì Sandman của Gaiman gần với nghĩa gốc của từ này: một thần ngủ trong truyện cổ tích Scandinavia, chuyên dùng cát để đưa con người vào giấc mơ hoặc ác mộng.7

Tự xưng là Morpheus (vị thần quản trị giấc mơ trong thần thoại Hy Lạp), hoặc đơn giản là Dream (giấc mơ), chàng Sandman mới có nhiều điểm chung với Gaiman. Trước hết là ngoại hình: cả hai đều có nước da trắng nhợt, gương mặt xương xẩu, chỉ mặc đồ đen, để tóc đen dài mọc vô tổ chức. Nếu Sandman là chủ nhân Cõi Mơ, nơi anh sáng tạo ra các giấc mơ và ác mộng, thì Gaiman là một nhà văn giả tưởng viết kịch bản truyện tranh. Nếu Sandman tạo ra Cõi Mơ để giúp con người khám phá các ước vọng và nỗi sợ, thì Gaiman xem văn học giả tưởng như một cõi thần tiên an toàn để trốn vào, học hỏi, rồi bước ra và làm chủ cuộc sống. Nếu Sandman đến từ một gia đình thần thánh bất tử mang tên Vô Hạn (the Endless), thì Gaiman đến từ một gia đình tin mình là chủng linh hồn bất tử (dù ông đã rời khỏi tổ chức, cả cha, mẹ lẫn hai em gái của ông đều trở thành cán bộ Scientology)… Gaiman đã hóa thân vào Sandman, từ đó tạo nên chiều sâu tâm lý của nhân vật.

Nhưng The Sandman không phải là một tự truyện của Neil Gaiman: nó được hâm mộ vì đạt đến tầm vóc của một thần thoại mới. Trong The Sandman, các vị thần xuất hiện không phải để câu khách, mà để trình bày cái nhìn về thế giới của Gaiman. The Endless, tức gia đình của Dream, là một nhóm bảy vị thần bất tử: Destiny (Định mệnh), Death (Cái chết), Dream (Giấc mơ), Destruction (Hủy diệt), Desire (Ham muốn), Despair (Tuyệt vọng), và Delight (Niềm vui). Họ là hiện thân của bảy trạng thái lặp lại trong đời sống của mọi sinh vật, bao gồm con người; và sự “vô hạn” hay “vĩnh hằng”của họ cũng sinh ra từ đó. Như vậy, thay vì giải thích thiên nhiên bằng những vị thần đại diện cho từng hiện tượng vật lý, The Sandman tập trung giải thích cuộc sống của con người bằng câu chuyện về các trạng thái nội tâm.

Trước tiên, bộ thần thoại này khám phá cơ chế nằm mơ, cùng mối quan hệ giữa mơ và tỉnh. Đầu phim, Dream nói rằng vì con người dành những 1/3 đời mình để mơ, Cõi mơ của anh cũng quan trọng chẳng kém “thế giới thực” mà con người nhìn thấy khi thức. Dù các giấc mơ chỉ là ảo ảnh, chúng cho con người biết mình muốn gì, và giúp họ đối diện để làm chủ nỗi sợ của bản thân. Khi mơ, con người rút khỏi đời sống ngoại tại, và quay về khám phá nội tâm mình. Nhờ biết mơ, con người mới không lạc bước trong những dục vọng và nỗi sợ hỗn loạn.

Trong tập 5 của Mùa 1, Dream đã chiến đấu để bảo vệ những giấc mơ đẹp trước hiện thực tàn khốc – hoặc như cách nói của Gaiman trong một cuộc phỏng vấn, bảo vệ “sự thật chủ quan” trước sự thật khách quan. John Dee, kẻ nắm giữ viên Ruby chứa sức mạnh của Dream, muốn dùng nó để biến thế giới thành nơi không có người nói dối. Nhưng khi John buộc những người xung quanh “sống thật” với các ham muốn tức thời của họ, và tiết lộ mọi bí mật, ông đã chỉ khiến họ lao vào ngộ sát nhau, trước khi tự sát vì thất vọng về bản thân. Dù cái Tôi của con người cũng chẳng khác một hình ảnh tưởng tượng trong giấc mộng ban ngày (daydream), nó đã hiện diện trong tập phim như một phương tiện cần thiết để con người suy nghĩ, giao tiếp, chung sống, và thay đổi.

Nếu Freud coi việc sáng tác nghệ thuật như một dạng daydream8, thì Gaiman cũng biến The Sandman thành một thần thoại về nghệ thuật và nghệ sĩ. Dù Dream là người sáng tác các giấc mơ đẹp và các cơn ác mộng, mỗi tác phẩm của anh đều có đời sống riêng, nhân dạng riêng, và thường chống lại anh để đòi tự do. Nếu một cơn ác mộng của anh từng tìm cách trở thành mộng đẹp để được con người yêu mến, thì một giấc mộng đẹp lại giả làm người phàm để đi khám phá thế gian. Qua các tập phim, chúng ta chứng kiến mối quan hệ căng thẳng thường trực giữa tác giả và tác phẩm, cùng sự hiện diện của tác phẩm như một chủ thể tham gia giao tiếp. Rồi trong tập cuối của Mùa 1, Dream đạt được một hiểu biết mới, khi nhận ra mình không thượng đẳng: anh chỉ sinh ra từ các giấc mơ của thế nhân. Ở đây, tác giả khước từ tư cách chủ thể, khi nhận ra mình chỉ là một phương tiện của diễn ngôn: một không gian nơi các tác phẩm cũ va chạm để tạo nên tác phẩm mới.

Là một thần thoại hiện đại, The Sandman phản ánh các giá trị phổ biến trong xã hội phương Tây hiện nay – như nhân bản, dân chủ, đa nguyên. Thay vì mô tả những con người quy phục thánh thần hoặc hướng đến cái thiêng, nó mô tả những vị thần phục vụ con người và tiếp thu nhân tính. Thay vì là một vị thần toàn năng có quyền phán xét nhân loại, Dream đã phải trải nghiệm cái hữu hạn và yếu ớt của thân phận con người, khi anh bị phàm nhân bắt nhốt trong suốt thế kỷ 20. Sau khi trốn thoát nhờ tình thương của một người phàm, anh phải đối mặt với một nhân loại đã vứt bỏ giấc mơ để được tự do khỏi thần thánh. Muốn giành lại vị thế cũ, Dream phải học cách xin lỗi những nạn nhân bị anh làm hại, những đầy tớ muốn tự do khỏi anh, những người phàm mà anh muốn kết bạn nhưng lại khinh khi… Thay vì chăm sóc một “nhân loại” trừu tượng chung chung, anh học cách bảo vệ ước mơ riêng, bản dạng riêng của từng con người cụ thể (Trên điểm này, The Sandman là truyện tranh đầu tiên có dàn nhân vật gồm người chuyển giới). Sau cùng, Dream hiểu rằng ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở vị thế hay quyền năng, mà ở kỷ niệm mình có với mọi người – như người bạn đợi anh ở một quán ven đường suốt hàng trăm năm. Đây là thần thoại quen thuộc về ý nghĩa của kiếp người trong thời hiện đại – khi mọi đại tự sự đều bị hoài nghi, khiến các tiểu tự sự trở thành nguồn tạo nghĩa chính cho đời người.

Tựu lại, The Sandman là một hiện tượng thú vị. Để xây dựng nó, tác giả đã tháo rời nhiều thần thoại cũ ra, rồi nhặt các biểu tượng xưa để viết nên một thần thoại mới. Khi khối tình cảm rối ren mà công chúng dành cho các biểu tượng cũ – như Sandman hay Lucifer – được chuyển di vào câu chuyện mới, chúng sẽ được tháo gỡ bằng một cốt truyện phản ánh đúng bối cảnh xã hội hiện nay, và giải quyết được nhu cầu tạo nghĩa của con người ngày nay. Những mâu thuẫn trong lòng người, mà xung đột giữa tôn giáo cũ với nhịp sống mới gây ra, sẽ được tháo gỡ nhờ đó. The Sandman đáp ứng đúng nhu cầu tinh thần của một công chúng kẹt giữa tôn giáo và khoa học, giữa nhiều hệ giá trị đồng tồn trong thời đại của Internet, nhờ đó nó thành công. Thành công này đáng hoan nghênh và nghiên cứu thêm, khi văn hóa đại chúng đang tác động đến đời sống tinh thần của người dân còn nhiều hơn sinh hoạt tôn giáo.

Và phải chăng cuộc hòa giải giữa thần thánh với người phàm trong The Sandman cũng phản ánh một cuộc hòa giải trong lòng tác giả – giữa Scientology với xã hội, giữa cõi thần thoại bị bắt nhốt trong thời ấu thơ với thế giới của người trưởng thành? Từ cậu bé bị cấm mơ, Gaiman đã trở thành người bảo vệ và khơi gợi những giấc mơ đa dạng.□

——

Chú thích:

1 https://thegoldennews.ca/neil-gaiman-talks-about-his-relationship-with-scientology/

2 https://www.cs.cmu.edu/~dst/pubs/sfn98/

3 https://www.britannica.com/topic/Scientology

4]https://www.nytimes.com/interactive/2022/08/01/magazine/neil-gaiman-interview.html

5 https://www.newyorker.com/magazine/2010/01/25/kid-goth

6 https://web.archive.org/web/20131029211637/http://cosmedia.freewinds.be/media/articles/tim130868.html

7 https://www.theguardian.com/books/2022/jul/30/neil-gaiman-sandman-netflix-interview

8 https://kilopad.com/ky-nang-song-c68/phan-tam-hoc-nhap-mon-b2714/chuong-22-nhung-phuong-sach-thanh-lap-trieu-chung

Tác giả

(Visited 36 times, 2 visits today)