Thiếu một chủ thuyết dẫn đường

Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: chúng ta đã có một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường tạo tiền đề cho một công nghệ quy hoạch thích hợp? Một phương pháp luận cải tạo, mở rộng và phát triển đô thị? Một bản kế hoạch hành động thiết thực dựa trên những luận cứ xác đáng? Trách nhiệm trả lời những vấn đề này thuộc về Bộ Xây Dựng và UBND thành phố Hà Nội. Đúng hơn, phụ thuộc vào khả năng tập hợp, thu hút và mạnh dạn tạo cơ chế cho đội ngũ chuyên gia đầu đàn, đa ngành của lãnh đạo Bộ và thành phố.

Những “vết sẹo khó tẩy”
Có người đã từng ví Hà Nội với nàng công chúa Lọ Lem. Nhưng có lẽ, ý kiến đó chỉ đúng với Hà Nội cách đây… 20 năm. Ngày nay, liệu Hà Nội có còn là một Lọ Lem đợi hoàng tử đến phát lộ vẻ đẹp? Cơn lốc kinh tế thị trường, sự bùng nổ đô thị và dân số cùng những yếu kém trong quản lý đã biến những vết lọ lem xưa của Hà Nội thành vô vàn vết sẹo hằn sâu khó tẩy. Thử cùng điểm lại 7 “vết sẹo” chính trên cơ thể đô thị Hà Nội:
Cấu trúc tổng thể đô thị đang rạn vỡ

Cách đây 20 năm, dân đô thị của Hà Nội xấp xỉ 2 triệu, chưa xuất hiện cái gọi là “khu đô thị mới”, hệ thống hồ ao, mặt nước đan xen khắp nơi, trung tâm thành phố lác đác vài nhà cao tầng, cấu trúc khu phố Cổ, khu phố Pháp chưa bị phá vỡ quá mức, dịch kiến trúc nhại cổ thực dân mới manh nha thời kỳ đầu… Năm 2008, Thăng Long sắp 1000 tuổi, dân số đã tăng gấp 3, ôtô xe máy ngập phố, hệ thống hạ tầng trở nên quá tải.

Hàng trăm, hàng nghìn dự án từ vài nghìn m2 đến vài chục ha đã và đang xâu xé cơ thể đô thị theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi dự án đều nhất quán phương châm: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa tư lợi. Hệ quả là hệ thống hạ tầng chung của đô thị lãnh đủ. Nhìn cảnh phố xá tắc nghẽn và ngập úng sau mỗi trận mưa cỡ trung bình tất rõ.
Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất, quy hoạch xây dựng đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch giao thông của Hà Nội hiện nay rõ rang thiếu đồng bộ, thường trật khớp. Nguyên nhân từ lối “tư duy nhiệm kỳ”, manh mún, “chỉ biết mình, được việc mình”, đồng hành với vấn nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Bên cạnh đó, sự thiếu vắng từ lâu một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường đã khiến chúng ta không thể xây dựng được công nghệ quy hoạch đúng tầm. Hệ quả là người dân không những không được hưởng lợi từ cấu trúc đô thị mạch lạc, khoa học, mà họ lại phải sống, tồn tại trong mạng cấu trúc đô thị lộn xộn, đứt gãy và ô nhiễm. Liên tiếp phát sinh những bực bội, stress, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế – văn hoá của thủ đô.
Các tuyến phố nhà ống tràn lan

Là hệ quả của quy hoạch chia lô thô thiển, những ngôi nhà bề ngang 3-4m, dài mươi mười lăm mét, cấu trúc bao diêm dựng đứng, với hình thức Pháp rởm, dễ dàng thấy ở mọi nơi, mọi lúc không riêng Hà Nội.
Cái gọi là “khu đô thị mới” mọc lên như nấm
Với mục tiêu trên hết là làm sao mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất “càng nhiều càng ít”, giảm thiểu tối đa không gian công cộng, cây xanh, mặt nước và bê tông hoá mặt phố bằng chung cư cao tầng. Đó là “triết lí phát triển” chung của tất cả những cái gọi là “khu đô thị mới” này. Toàn bộ hình thức kiến trúc của khu vực hoặc giả cổ (như Ciputra, The Manor…) hoặc nặng nề, đơn điệu theo kiểu Xô viết (như Trung Hoà Nhân Chính, Định Công, Đại Kim).
Sự hỗn tạp trong khu phố Cổ, phố Pháp và Thành Hà Nội
Trong những khu vực này mọc lên nhan nhản những kiến trúc giả cổ. Tâm điểm bùng phát virus kiến trúc nhại thực dân là khu vực các cơ quan công quyền. Chưa có một kịch bản quy hoạch sáng sủa cho hệ thống các công trình cao tầng trong khu cổ. Chiến lược bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc khu vực này quá yếu ớt, thiếu kiên quyết và hiệu quả, khiến những đặc sản kiến trúc của Hà Nội đang ngày một nhạt nhòa.
Hệ thống mặt nước bị thu hẹp

Hàng trăm, hàng nghìn dự án từ vài nghìn m2 đến vài chục ha đã và đang xâu xé cơ thể đô thị theo kiểu mạnh ai nấy làm. Mỗi dự án đều nhất quán phương châm: tối thiểu chi phí đầu tư hạ tầng nhằm tối đa tư lợi.

Hà Nội vốn tự hào về hệ thống hồ ao và sông ngòi trong lòng đô thị. Trái tim Thủ Đô là hồ Gươm, hồ Tây giữ vai trò lá phổi lớn, sông Hồng uốn khúc đầy tiềm năng. Song, trên thực tế, vô số hồ ao đã bị các dự án vụ lợi tấn công, dân cư tha hồ “nhảy dù” ra mặt nước trước sự thỏa hiệp, buông xuôi của các cấp quản lý. Cảnh quan xung quanh hồ hết sức lộn xộn, nhà cửa khập khiễng, vô lối. Hiệu quả thoát nước tự nhiên, điều hòa vi khí hậu của hệ thống hồ ao bị hạn chế đáng kể. Vai trò độc đáo của yếu tố mặt nước trong cảnh quan chung của đô thị không được phát huy.
Thiếu vắng không gian công cộng
Hầu hết quảng trường ở Hà Nội chỉ là nút giao thông, không có chỗ cho con người lưu lại vui đùa, đối thoại. Tuyệt nhiên không có tuyến phố đi bộ đúng nghĩa. Tranh cãi mấy chục năm nay về việc biến Tràng Tiền thành phố đi bộ đến giờ vẫn chỉ là tranh cãi suông. Hệ thống công viên, cây xanh ngày càng bị thu hẹp, chưa kể nguy cơ bị các dự án đầu tư nuốt chửng. Ta tự hào Hà Nội là thành phố xanh, nhưng chỉ cần nhìn sang công viên trung tâm bạt ngàn giữa Manhattan (New York, Mỹ) hay cánh rừng lớn trong lòng Moscow (Nga) thì mới thấy khoảng xanh của Hà Nội còn khiêm tốn lắm.

Sự biến mất của các làng trong đô thị

Những làng truyền thống như Ngọc Hà, Kim Liên, Nghi Tàm, Nhật Tân…, cũng không thoát khỏi sự tấn công của dịch chia lô, giả cổ. Cấu trúc và thế cân bằng sinh thái bị phá vỡ nghiêm trọng. Còn đâu những ốc đảo xanh, những lễ hội nghề tưng bừng, những không gian của Alibaba… Tất cả đều bị sức ép kinh tế thị trường cuốn phăng.

“Lộ trình thoát ra khủng hoảng”
Điểm qua bảy vết sẹo lớn để thấy Thăng Long – Hà Nội còn rất nhiều bề bộn. Kỷ niệm 1000 năm tuổi không chỉ là những lễ hội, những cuộc mít tinh, những dự án vội vàng mà cái cần hơn, thiết thực hơn là từ nhận thức về thực trạng trầm kha của quy hoạch kiến trúc, chúng ta chủ động kiến tạo một lộ trình thoát ra khủng hoảng. Chỉ khi dám đối diện với những sự thật ấy, Thăng Long mới có cơ may dần trở thành… nàng công chúa xinh đẹp.
Để làm được điều đó, đòi hỏi trước nhất là một giải pháp đồng bộ, đa ngành nhằm chấn chỉnh toàn diện cấu trúc tổng thể đô thị. Muốn vậy, cần nghiên cứu đổi mới công nghệ quy hoạch vốn lạc hậu và xơ cứng lâu nay. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: chúng ta đã có một chủ thuyết quy hoạch dẫn đường tạo tiền đề cho một công nghệ quy hoạch thích hợp;  một phương pháp luận cải tạo, mở rộng và phát triển đô thị; một bản kế hoạch hành động thiết thực dựa trên những luận cứ xác đáng? Trách nhiệm trả lời những vấn đề này thuộc về Bộ Xây Dựng và UBND thành phố Hà Nội, đúng hơn, phụ thuộc vào khả năng tập hợp, thu hút và mạnh dạn tạo cơ chế cho đội ngũ chuyên gia đầu đàn, đa ngành của lãnh đạo Bộ và thành phố.

Song song với tiến trình lập kế hoạch, nhất thiết phải củng cố, tăng cường năng lực quản lý đô thị. Để bộ mặt đô thị nhếch nhác, nhiều nơi hỗn độn có nguyên nhân không nhỏ từ những yếu kém, tham nhũng trong quản lý đô thị và đầu tư xây dựng. Đã đến lúc cần biện pháp mạnh, không khoan nhượng tránh nguy cơ căn bệnh hỗn loạn trong kiến trúc quy hoạch di căn.
Một điểm nữa là giới chuyên môn, những người trực tiếp làm ra sản phẩm kiến trúc quy hoạch vẫn chưa được Nhà nước chính thức công nhận quyền sáng tạo và chịu trách nhiệm tối cao trước xã hội. Hội KTS đã soạn thảo Pháp lệnh hành nghề KTS công phu từ nhiều năm, đã làm việc với Bộ Xây Dựng và có kiến nghị áp dụng thí điểm tại TP HCM song đến nay vẫn dừng trên giấy. Thiếu quyền hành nghề, quá trình sáng tạo của KTS luôn bị can thiệp thô bạo bởi chủ đầu tư đến cả những người quá ít kiến thức về kiến trúc, quy hoạch.
Qua những đồ án kiến trúc quy hoạch của kiến trúc sư trẻ cùng một số dự án do nước ngoài thực hiện, có thế thấy nạn dịch kiến trúc nhại cổ, nhại thực dân và nhà ống rồi tất yếu bị đẩy lùi. Vấn đề là khi nào, bởi lẽ những nhân tố tích cực nói trên vẫn chỉ như những đốm sáng hiếm trong bức tranh tổng thể.
Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Xây Dựng và Ủy Ban NDTPHN có là những hoàng tử đúng tầm? Cô Lọ Lem Hà Nội có thành công chúa xinh đẹp hay không? Cả nước đang trông đợi và hy vọng vào các vị.

Hoàng Thúc Hào

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)