Thơ và vật lý hiện đại

Vào những năm 1960, một sự kiện văn học đã đẩy tôi vào một tình trạng hết sức trầm luân về vật chất cũng như tinh thần.

Như thói quen mỗi khi gặp vận hạn, tôi thường tìm đến sách như tìm đến những người bạn tử tế và trường kỳ tận tụy.

Tôi nói khó với Hội Nhà Văn giới thiệu xin một thẻ đọc Thư viện Khoa học tại phố Lý Thường Kiệt.

Đây là việc tối cần thiết trên hai phương diện: một là kiếm sống, thư viện có nhiều tài liệu có thể dịch sinh nhai, hai là bổ sung vốn kiến thức mà tôi cảm thấy còn nhẹ ký cũng như thiếu cập nhật vì đã gần 20 năm do bận kháng chiến và hoạn nạn, tôi không có điều kiện trau dồi.

Từ khi cầm bút, tôi đã quan niệm việc cách tân thơ Việt là mục đích quan trọng nhất của đời mình (lẽ dĩ nhiên có làm được hay không lại là một chuyện khác).

Một hôm, một anh bạn trẻ (anh bạn trẻ thời đó hôm nay đã tóc bạc, đó là nhà vật lý lý thuyết Đặng Mộng Lân) giới thiệu với tôi cuốn Einstein: cuộc đời, tư tưởng và lý thuyết của Kouznetsov.

Lâu lắm, tôi mới được đọc một cuốn sách khoa học viết hấp dẫn đến thế. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Cuốn sách đã dạy tôi rất nhiều về lý thuyết tương đối nhưng hơn thế, nó còn dạy tôi một bài học lớn lao về cách sống và cách nghĩ cua một người tìm tòi.

Khoa học thực nghiệm cổ điển đã đem lại cho nhân loại những bước tiến lớn thoát khỏi những vũng lầy mê tín nhưng nó cũng có nhược điểm dễ khiến người ta quá chú trọng đến những hiện tượng tai nghe mắt thấy mà lơ là những khía cạnh sâu xa và bí ẩn của tự nhiên mà chỉ tư duy mới nhìn thấy.

Vật lý hiện đại và thơ hiện đại khuyến khích những giả thuyết thoạt nhìn như rồ dại nhưng cũng có khả năng mở ra những khía cạnh kỳ bí của ngoại giới (cũng như thiết kế những tập hợp chữ mới vượt qua biên giới cảm nhận sang những vùng tri nhận phức hợp và quyến rũ, chuyện sự chú tâm của người làm thơ vào những tác hiệu (siguifiants) đa nghĩa sống động hơn vào những thụ hiệu (siguifiés) minh bạch nhưng cằn cỗi).

Lý thuyết về những photon đã khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của những cấu trúc gián đoạn thay thế những cấu trúc liên tục từng chế ngự khoa học cũng như thơ ca trong nhiều thế kỷ.

Đẫ hết rồi thời đại của những chân lý tuyệt đối. Ngay từ cuối thế kỷ 19, một nhà triết học Đức với trực giác nhạy bén của một nghệ sĩ thiên tài dã bận tâm đến nguy cơ con người có thể ngạt thở vì chân lý.

Ai cũng biết xác suất là trung tâm của vật lý lượng tử, mà đã nói đến vật lý lượng tử không thể không đề cập đến ngẫu nhiên, đến may rủi nó cũng là cơ sở của thơ hiện đại.

Những nguyên lý bất định, nguyên lý bổ sung của vật lý lượng tử đã giải phóng nhân loại khỏi lý thuyết nhân quả tất định cứng nhắc cũng như những quy tắc nghiệt ngã nhiều khi bảo thủ của ngữ pháp.

Chúng đã đánh một đòn chí mạng vào lý thuyết chết người “loại trừ vế thứ ba” của logic coorddieenr từng gây ra bao thảm họa cho loài người (mà không phải chỉ trong phạm vi tư tưởng). Không nên quên hệ quả cao điểm của nó là định thức. “Kẻ nào không đi với ta là chống lại ta”. Các nhà vật lý lượng tử đã góp phần thiết kế cho nhân loại một phạm trù mới: cái khác. Từ trước đến nay, tư duy cổ điển chỉ vận hành trên hai trục đúng sai, giờ đây cái vạc hai chân kia đã thêm một trụ mới, trụ thứ ba về cái khác góp phần tạo nên một cách ứng xử mới, mở ra kỷ nguyên đối thoại thay thế thói quen độc thoại chuyên chế và bạo lực.

Heisenberg và Bohr được nhân loại tôn vinh không phải đơn thuần như những nhà vật lý kiệt xuất mà còn như những nhà tư tưởng dân chủ quan trọng trong lịch sử.

Không nên quên rằng khái niệm “những trạng thái chung sống” (états coexitants), hệ quả của nguyên lý bổ sung, đã xuất hiện trên diễn đàn vật lý từ rất lâu trước khi khái niệm”chung sống hòa bình” xuất hiện trên diễn đàn chính trị thế giới.

Bài viết này của tôi không phải để nói về những vấn đề thuần túy vật lý mà chủ yếu là để nói lên lòng biết ơn của một nhà thơ già với vật lý hiện đại.

Tôi cũng xin phép được cộng hưởng lời kêu gọi thiết tha của nhà bác học người Bỉ, Prigogine cho một cuộc liên minh mới (nouvelle alliance) giữa khoa học tự nhiên, khoa học nhân văn, triết học, văn học nghệ thuật nhằm tạo nên “một cái nghe mới thú vị” đối với cuộc sống muôn màu muôn vẻ.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)