Thơ Việt Phương: Một thời trăn trở Đổi mới
Thơ ca của Việt Phương đan xen giữa tính thực tế của một người hoạch định kinh tế và nét tình cảm của một nhà thơ. Chính điểm giao cách ấy đã khiến cho không chỉ tác phẩm của nhà thơ Việt Phương mà cuộc đời của chính ông cũng tạo được sức cuốn hút với nhiều người.
Đan xen giữa con người thơ và con người lý luận
Năm 1970, khi tập thơ Cửa mở của nhà thơ Việt Phương được xuất bản, nó đã lập tức gây nên tiếng vang lớn bởi những quan điểm đổi mới so với cách nhìn nhận của thời đại lúc bấy giờ.
Cửa mở khi ấy quả thực đã mở ra một cánh cửa gợi mở những suy tư về thời cuộc. Khi ấy, “những năm 1970-73, xung quanh chúng tôi tràn ngập thơ Tố Hữu. Nhưng rồi tập thơ Cửa mở như một luồng gió mới, làm say mê tuổi trẻ của chúng tôi. Quả thực ở thời điểm đó, đó là những bài thơ mới lạ, nói lên những vấn đề chân thực, đụng chạm đến tình cảm sâu xa của con người”, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) chia sẻ tại buổi toạ đàm giới thiệu sách “Suy nghĩ về ngày mai” và Tuyển tập thơ Việt Phương do Tia Sáng phối hợp cùng Hội nhà văn tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua.
Tề tựu trong buổi toạ đàm, những người bạn thơ, người đồng nghiệp lúc sinh thời, và cả những nhà thơ thế hệ sau đã cùng nhìn lại cuộc đời của nhà thơ Việt Phương, người mà theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan mô tả là “sự đan xen giữa con người thơ và con người lý luận”.
Là người đã có dịp làm việc với nhà thơ Việt Phương trong Tổ Tư vấn của Thủ tướng Phan Văn Khải, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhớ rằng Tổ tư vấn lúc ấy là những người có cái nhìn rộng mở, đầy tính phản biện về những vấn đề của đất nước. “Đấy là những người đã đóng góp rất lớn cho quá trình chuyển đổi của đất nước ta trong giai đoạn đổi mới, thoát khỏi mô hình bao cấp trì trệ. Trong đó, một người đã đóng góp rất nhiều vào việc cải cách thể chế, đó là bác Việt Phương”.
Kiến thức sâu rộng về nhà nước, pháp luật, mô hình phát triển xã hội, động lực phát triển thị trường của nhà thơ Việt Phương đã góp phần giúp Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra những quyết định quan trọng dựa trên cơ sở của tri thức. Theo TS. Dũng, những trăn trở của ông sau đó đã được gửi gắm vào cuốn sách “Suy nghĩ về ngày mai” và cả trong những bài thơ.
Những trăn trở trước thời cuộc ấy đã đưa ông đến những câu thơ gây sóng gió, khiến tập thơ Cửa mở khi ấy phải hứng chịu nhiều chỉ trích. Dù vậy, nhiều nhà thơ cùng thời đánh giá cao Việt Phương, nhà thơ Vũ Quần Phương kể lại. Vào lần đầu tiên gặp gỡ vào năm 1968, nhà thơ Xuân Diệu giới thiệu với ông rằng “Phương nên học anh Việt Phương nhiều điều lắm”. Rất nhiều nhà thơ đã có thành tựu từ thời Thơ Mới trước cách mạng vẫn thường đọc thơ Việt Phương từ khi mới trên bản thảo và nồng nhiệt khích lệ ông xuất bản.
Mở cửa nhìn thẳng vào những vấn đề nổi cộm trong đời sống
Bên cạnh nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Ngô Thế Oanh, nhà thơ Vũ Quần Phương là người tuyển chọn cho cuốn Tuyển tập thơ Việt Phương. Trong lời đề bạt đầu sách, ông kể rằng khi Cửa mở ra đời, giới làm thơ hy vọng Cửa mở sẽ mở thêm cho thơ những không gian riêng và một cách nhìn thẳng về những vấn đề cộm lên trong đời sống. “Cửa mở bị phê phán. Nhưng tinh thần mở cửa của Việt Phương ở lại với lòng người như một gợi ý tỉnh thức, quả cảm và tự tin”.
Tinh thần mở cửa ấy, theo nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha, “đã làm nên một phần thơ chống Mỹ rất khác” lúc bấy giờ. “Khi tôi đọc tập thơ Cửa mở, tôi nhận ra chúng ta không thể làm thơ vuốt ve, ca ngợi mãi được nếu muốn khắc hoạ một cuộc dấn thân đầy máu xương thế này”, nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha kể. Một người cũng chịu ảnh hưởng bởi thơ Việt Phương là nhà thơ Thanh Thảo. Nhà thơ Thanh Thảo khi ấy ở chiến trường miền Nam đã viết nên Thử nói về hạnh phúc, Một người lính nói về thế hệ mình. “Đó là cách chúng ta nói về dân tộc mình bằng thơ. Cứ thế, từ anh, chúng tôi tiếp tục làm nên câu chuyện của ngày hôm nay.”
Đã 6 năm kể từ ngày nhà thơ Việt Phương qua đời. Nhìn lại cuộc đời của ông, có lẽ đôi lời phác hoạ của nhà văn Nguyễn Bình Phương là những lời ngắn gọn mà xác đáng nhất: “Đó là người có một quan điểm riêng, một hệ thẩm mỹ riêng, một giọng điệu và một phong cách văn chương riêng. Tác phẩm của nhà thơ Việt Phương xuất hiện ở điểm giao cách giữa sự chừng mực của một cán bộ, với sự phóng túng của một thi sĩ – hay nói cách khác là điểm giao cách giữa cái thực tế của một người hoạch định kinh tế và tình cảm của một nhà thơ. Chính điểm giao cách ấy đã khiến cho không chỉ tác phẩm của nhà thơ Việt Phương mà cuộc đời của chính ông cũng tạo được sức cuốn hút với nhiều người, cả những người duy cảm và những người duy lý.”
Tọa đàm giới thiệu và thảo luận xung quanh tuyển tập thơ Việt Phương và cuốn sách “Suy nghĩ về ngày mai”. Cuốn “Tuyển tập thơ Việt Phương” do nhà xuất bản Văn học xuất bản, giới thiệu một phần con người thơ trong ông, trong đó có cả những bài thơ đầy suy tư và trăn trở của tập “Cửa mở”. Những bài thơ trong tuyển tập thực sự là “một mảnh ký ức Việt Nam”, phản ánh những suy nghĩ, trăn trở của ông về thời cuộc, những suy nghĩ của ông sau nhiều năm được dự phần vào rất nhiều hoạt động chính sách, chiến lược ở nhiều lĩnh vực của đất nước. Cuốn sách “Suy nghĩ về ngày mai”, do NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, tập hợp 18 bài viết và bài phát biểu của ông về những vấn đề xuất hiện trong những giai đoạn phát triển khác nhau của đất nước, từ năm 1992 đến năm 2009 mà ngày nay có thể tham khảo làm tư liệu, “Suy nghĩ về ngày mai”. Dù chưa đầy 300 trang nhưng “Suy nghĩ về ngày mai” có thể giúp thế hệ sau nhìn nhận toàn diện hơn về một nhà thơ Việt Phương mà mình đã biết. Tất cả các bài viết, hoặc bài nói trong cuốn sách này đều được nhà thơ Việt Phương thực hiện theo yêu cầu công tác chính thức (tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban Nghiên cứu của thủ tướng) hoặc được các cơ quan chức năng, có trách nhiệm về các lĩnh vực này (Hội đồng lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương… ) đề nghị nghiên cứu hay yêu cầu phát biểu ý kiến tại các toà đàm, hội nghị, đề án nghiên cứu chính thức. |
Một số hình ảnh trong sự kiện: