Thomas Quasthoff: Tôi đã tận dụng tốt nhất cơ hội của mình

Dẫu bị khuyết tật bẩm sinh do ảnh hưởng của thuốc thalidomide, Thomas Quasthoff vẫn vươn lên đỉnh cao nhất của âm nhạc cổ điển – rồi từ bỏ sàn diễn ở đỉnh cao phong độ. Giờ đây, ông trở lại để hát nhạc jazz.


Nghệ sĩ Thomas Quasthoff. Nguồn: thomasquasthoff.com

Thomas Quasthoff đã từ giã âm nhạc cổ điển gần một thập kỷ nay. Giọng ca nam trung người Đức đưa ra thông báo gây sốc ở tuổi ngoại ngũ tuần – một độ tuổi mà các ca sĩ cùng thể loại với ông vẫn đang trong thời kỳ đỉnh cao. Từng bị chẩn đoán mắc ung thư phổi vào năm 2010, anh trai Michael của ông đã qua đời sau đó khiến Quasthoff nhất thời không thể ca hát. “Ba ngày sau khi được thông báo anh trai mình sẽ không sống lâu hơn chín tháng nữa, tôi bị mất giọng,” ông nhớ lại. “Các bác sĩ đã khám cổ họng tôi và bảo: “Mọi thứ đều ổn.” Nhưng trái tim tôi đã tan vỡ, và nếu trái tim tan vỡ…” ông ngập ngừng. “Giọng nói là tấm gương phản chiếu tâm hồn”.

Sức khỏe yếu được viện dẫn là lý do Quasthoff nghỉ hưu vào năm 2012. Nhưng đã vài lần, ông từng bày tỏ nỗi băn khoăn về sự cằn cỗi và tính hình thức của âm nhạc cổ điển, và dù cái chết của anh trai là tác nhân, một nước đi như vậy có thể đã được ông trù liệu rồi.

“Tôi luôn muốn được ‘nghỉ hưu’ sớm,” ông nói với tôi qua cuộc gọi video từ nhà riêng ở Berlin. “Tôi không muốn nghe người ta nói về mình ‘ồ, tốt nhất là bạn nên nghe ông ấy hát ba năm trước”. Nhưng thực ra, quyết định của ông là một cú sốc với khán giả – Quasthoff là một trong những ca sĩ hát ca khúc nghệ thuật (lieder) xuất sắc nhất thế giới, được ngợi ca nhờ âm vực và màu sắc giọng hát, nhờ việc chú ý đến từng chi tiết và sự bộc trực hiếm có ở một nghệ sĩ biểu diễn. Năm 2009, Hiệp hội Giao hưởng Hoàng gia Anh đã trao tặng ông huy chương vàng, vinh dự cao quý nhất của tổ chức này. Những người nhận huy chương này trước đó bao gồm hầu hết là những cái tên xuất chúng như Johannes Brahms, Edward Elgar, Igor Stravinsky, Leonard Bernstein, Daniel Barenboim, Jessye Norman và Sir Simon Rattle.

Việc Quasthoff tạo dựng được một sự nghiệp thành công thế này trong thế giới cổ điển, thật đáng ngạc nhiên. Khi mang thai ông vào năm 1959, mẹ ông đã dùng thuốc chống nôn buổi sáng thalidomide, do đó khi sinh ra ông đã mắc chứng phocomelia, chứng bệnh ức chế sinh trưởng tay chân. Ông chỉ cao hơn 1,30 mét và cuộc sống đối với ông là một cuộc đấu tranh thể chất không ngừng. Thế nhưng, ông không hoàn toàn không than thân trách phận mà còn tạo dựng cho mình một sức mạnh tự nhiên – cởi mở, ồn ào và không thỏa hiệp.

Trong suốt sự nghiệp cổ điển của mình, ông không muốn nhận khoản trợ cấp khuyết tật nào. “Đó là một thực tế chứ không phải là một vấn đề”, ông nói. “Tôi đã đạt được mọi thứ trong đời mà tôi mong ước. Tôi đã thành công với tư cách ca sĩ; Tôi có chức danh giáo sư [âm nhạc]; Tôi đã kết hôn được 15 năm và có một cô con gái tuyệt vời, thông minh đáng kinh ngạc; chúng tôi sống trong một ngôi nhà xinh đẹp ở Berlin. Tôi sẽ nói sao đây? Tôi biết rất nhiều đồng nghiệp không thành công như tôi”.


Một thập kỷ gần đây, nghệ sĩ Thomas Quasthoff tập trung vào hát nhạc jazzz. Nguồn: machreich-artists.com

Quasthoff nhất quyết không bao giờ để cho mọi người chỉ nghĩ đến mình như một người khuyết tật. Ông giải thích: “Tôi đã được giáo dục như thế này. Cha mẹ và anh trai tôi chưa bao giờ đối xử với tôi như một người khuyết tật. Bạn bè của anh trai tôi cũng là bạn bè của tôi. Tôi luôn là một phần của cuộc sống gia đình bình thường”. Ông thích trích dẫn câu nói của Claudia Stelzig, vợ mình: “Tommy, với em, anh không phải là người khuyết tật mà chỉ nhỏ con hơn. Vậy thôi”.

Tuy phải sống với việc chấp nhận là một số khán giả có thể đã đến vì bị hấp dẫn bởi câu chuyện cá nhân của mình nhưng ông tin rằng họ chỉ là thiểu số. Ông bảo: “Hầu hết đến nghe tôi vì họ được giải trí theo một cách chất lượng cao. Tôi muốn được chấp nhận là một nghệ sĩ khuyết tật chứ không phải bị xem như một người khuyết tật làm nghệ sĩ ”. Ông nhận ra rằng khán giả sẽ không bao giờ mù quáng vì biểu hiện bên ngoài này – “Nếu tôi lên sân khấu, cao một mét 35 với chân tay ngắn ngủn và bảy ngón tay, ai sẽ không để ý chứ?” ông nói rồi cất tiếng cười thẳm sâu, sang sảng. Ông bước lên sân khấu với hy vọng rằng, một khi ông cất lời ca trong một buổi độc diễn lieder, họ sẽ quên điều đó đi.

Ở Quasthoff toát lên sự tự tin và kiên cường nhưng ông nói rằng điều này không phải lúc nào cũng vậy. Ông kể: “Trong 18 năm đầu đời, có nhiều mặt tối hơn mặt tích cực, đặc biệt là ở tuổi dậy thì khi đám con trai có bạn gái; tôi phải đứng ngoài cuộc. Tôi muốn học nhạc nhưng trường đại học nói rằng tôi không được phép vì tôi không thể chơi nhạc cụ”. Thay vào đó, ông đã học hát với thầy riêng. Ông nói rằng điều quan trọng không phải là những điều tiêu cực này đang xảy ra mà là bạn thích nghi với chúng như thế nào và bạn sẽ rút ra được điều gì từ tình huống? Ông coi mọi trở ngại, mọi thất bại, mọi công việc buồn tẻ mà mình đã phải làm để trang trải học phí ca hát như một thử thách và thứ gì đó để học hỏi.

Có một động cơ quan trọng hơn cả thúc đẩy ông khi ông bền bỉ học tập trong hơn một thập kỷ rưỡi và xây dựng sự nghiệp. Ông kể: “Tôi không bao giờ muốn mẹ tôi cảm thấy tội lỗi. Từ lúc sinh ra tôi mẹ tôi đã cảm thấy thế [vì đã dùng thuốc thalidomide]. Ngay cả khi tôi nói 100 lần rằng bà không nên cảm thấy vậy thì bà vẫn thế. Do đó, tôi đã cố gắng để chứng tỏ cho bà thấy rằng tôi đã tận dụng tốt nhất cuộc đời và tài năng của mình”.

Kể từ khi rời thế giới cổ điển và lấy lại được giọng hát, Quasthoff đã chuyển sang nhạc jazz, thể loại mà ông đã luôn yêu thích và đắm chìm ngay cả trong thời kỳ hát cổ điển: ông đã thực hiện một album nhạc jazz được đón nhận nồng nhiệt vào năm 2007. “Hiếm khi tôi thu âm nhạc jazz trong thời kỳ hát cổ điển vì đây là một kiểu hát khác, nhưng giờ thì tôi đã học được cách làm quen với một ‘nhạc cụ’ mới – micrô – và tôi thích nó.” Ông thấy việc hát nhạc jazz và tham gia một nhóm tứ tấu là một hình thức biểu diễn nhạc thoải mái tuyệt vời – một thứ âm nhạc thân tình, không áp lực, được tạo ra bởi một nhóm bạn bè.

Liên hoan Edinburgh tháng này sẽ giới thiệu Quasthoff với ba tư cách: ca sĩ nhạc jazz cùng nhóm tứ tấu của ông, giáo viên và nghệ sĩ biểu diễn trong bản dàn dựng bán sân khấu vở opera Ariadne auf Naxos của Richard Strauss. Tuy nhiên đây không phải là một sự trở lại hoàn toàn chính thức với sân khấu cổ điển – ông sẽ sắm vai người quản gia chỉ có thoại nói. 

Mặc dù người ta chủ yếu thấy ông trong phòng hòa nhạc với tư cách nghệ sĩ độc diễn, Quasthoff đã hát một số vở opera trong sự nghiệp cổ điển của mình, nhưng các vai ông sắm bị hạn chế do khuyết tật của ông. Những hạn chế đó phần nào là do ông tự áp đặt – ông bác bỏ quan điểm giải phóng của Daniel Barenboim rằng ông nên hát Leporello trong Don Giovanni bởi lo lắng về khoảnh khắc trong vở opera, ông sẽ phải trao đổi trang phục với Don Giovani do Bryn Terfel lớn xác vào vai. Ông từ chối các đề nghị hát vai lão gù Rigoletto và quỷ lùn độc ác Alberich trong bộ Ring của Wagner –  cách phân vai mà ông nghĩ là hơi quá lộ liễu. Nhưng ông đã vào vai quốc vụ khanh Don Fernando, người phóng thích Fidelio khỏi nhà tù, và đã có một thành công đáng kể với vai Amfortas trong Parsifal tại Nhà hát Opera Quốc gia Vienna. “Tôi thích sắm vai vua chúa và quốc vụ khanh hơn,” ông nói rồi lại cất tiếng cười sang sảng. 

Quasthoff phủ nhận rằng ông thấy opera tiêu tốn sức lực một cách quá mức. “Tình trạng sức khỏe của tôi tốt. Trong cuộc gặp mặt đầu tiên, đạo diễn [của Parsifal] đã hỏi tôi có thể làm gì. Tôi đã nói với bà ấy là tất cả mọi thứ bà muốn trừ việc bắt tôi khỏa thân. Điều này sẽ không xảy ra bởi hai lý do. Tôi không muốn điều này và tôi không muốn khán giả bỏ đi sau vài giây!”

Nhưng tình yêu thứ nhất của ông là luôn hát lieder. Ông tâm sự rằng ở thể loại opera ông lo khuyết tật của mình sẽ trở thành tâm điểm chú ý của khán giả; còn trong các buổi độc diễn ông có thể khiến khán giả trở nên tin tưởng. “Là một nghệ sĩ lied, bạn phải là một diễn viên rất giỏi,” ông nói. “Tôi nghĩ điều này hiện nay đang thiếu”, ông lo lắng rằng các ca sĩ ngày nay đặt vẻ đẹp của giọng điệu lên trên tính cách. “Có những tiểu cảnh mà bạn phải làm chủ bằng biểu cảm và âm sắc, còn trong opera, bạn có thể ẩn mình sau phục trang và bài trí sân khấu”.

Vậy còn thế giới cổ điển mà ông đã bỏ lại thì sao? Liệu ông có băn khoăn chút nào trước những lời nỉ non thuyết phục ông trở lại của giới quản lý? “Tôi thích những gì mình đã làm nhưng chuyện kinh doanh thì rất thiển cận. Bạn có một số ngôi sao mà tôi có thể đếm được trên đầu ngón tay phải của mình – và tay phải của tôi không lớn lắm! Tôi đã có thời của mình và ở một vị thế tuyệt vời nơi tôi có thể có một sự nghiệp quốc tế. Là một ca sĩ hòa nhạc, giành được sáu giải Echos và ba giải Grammy là điều rất hiếm thấy”.

Nhưng ông khăng khăng rằng mình không muốn trở lại với thế giới cổ điển. “Tôi chẳng có gì để chứng minh thêm nữa”.□

Stephen Moss
Ngọc Anh dịch
Nguồn: https://www.theguardian.com/music/2021/aug/17/thomas-quasthoff-from-birth-my-mum-felt-guilty-i-had-to-show-her-i-made-the-best-of-my-life 


Sự nghiệp của Thomas Quasthoff đã khởi đầu bằng việc giành được giải thưởng cao nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế ARD ở Munich năm 1988 và nhận được lời khen ngợi của giọng baritone Dietrich Fischer-Dieskau. Việc tập trung biểu diễn lieder là do sự phù hợp của quãng giọng và màu sắc giọng ca. Vào năm 1995, ông có chuyến biểu diễn ra mắt khán giả Mỹ tại Liên hoan Bach Oregon với lời mời của giám đốc nghệ thuật Helmuth Rilling. Vào năm 1998, ông là một trong những nghệ sĩ solo trong buổi khai trương festival Penderecki’s Credo. Bản thu âm màn biểu diễn này của ông sau nhận được một giải Grammy dành cho bản thu âm với hợp xướng hay nhất. Vào năm 2003, ông lần đầu biểu diễn trên sân khấu opera với vai Don Fernando trong vở Fidelio của Beethoven tại Festival Salzburg dưới sự chỉ huy của Simon Rattle. Vào năm 2004, ông vào vai Amfortas trong Parsifal cùng Vienna State Opera.
Quasthoff thu âm cho Deutsche Grammophon, ngoài nhạc cổ điển ông còn thu bản album jazz vào năm 2007 “The Jazz Album: Watch What Happens” với Till Brönner, Alan Broadbent, Peter Erskine, Dieter Ilg, và Chuck Loeb.
Kể từ năm 2009, ông chủ trì một cuộc thi dành cho các ca sĩ trẻ. Trả lời The Guardian, ông nói “Chúng tôi đã muốn có một cuộc thi tôn vinh thể loại Lieder – gần như là hình thức biểu diễn âm nhạc nhỏ nhất, thường chỉ với một ca sĩ và một nhạc cụ đệm là piano. Chúng tôi không tìm kiếm những ngôi sao nhí mà là những nghệ sĩ biểu diễn lớn tuổi hơn một chút. Ở thể loại Lied bạn phải có kinh nghiệm sống”. Nhân niềm vui của nhà tổ chức một cuộc thi dành riêng cho thể loại ca khúc nghệ thuật, ông cho rằng, với những người mới đến với lied, “bắt đầu với Schubert, rất giản dị và cảm động – những bài ca của ông bay qua bầu trời như những thiên thần; Brahms, người có âm nhạc rất mạnh mẽ và trần tục; Schumann, một gã khùng đã viết nên những đoạn kết đẹp nhất cho ca khúc của mình..”.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)