Thông điệp về cái đẹp và tự do

Thông điệp về Cái đẹp và Tự do là tham luận của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đọc trong Hội thảo: Thơ Đông Á trong thời đại toàn cầu hóa tổ chức tại làng Manhea, Hàn Quốc. Tia Sáng xin giới thiệu với bạn đọc bản lược trích của tham luận này.

Khi tôi được mời đến dự Diễn đàn thơ này, tôi biết rất rõ rằng: các nhà thơ Đông Á biết quá ít về nền thơ của chúng tôi. Nếu tôi không muốn nói: họ hầu như không biết gì về nền thơ ca đương đại Việt Nam. Đấy là sự thiệt thòi của không chỉ riêng các nhà thơ Việt Nam mà còn là thiệt thòi của một dân tộc. Có lẽ điều mà các bạn biết về dân tộc chúng tôi là những cuộc chiến tranh liên miên hay là một trong vài nước Cộng sản còn lại trên hành tinh này với những vấn đề của kinh tế, của tôn giáo và nhân quyền. Họ chưa biết được trong máu, trong nước mắt và trong những gánh chịu của dân tộc chúng tôi có một nền thơ của nhân cách con người, của cái đẹp và của khát vọng tự do, cho dù trong một thời gian rất dài nền thơ ấy bị lợi dụng đi ra ngoài bản chất khởi thủy của nó. Bởi thế, sự chia sẻ, sự cảm thông và sự hiểu biết về một dân tộc dù bằng cách nào mà không thông qua nền thi ca của dân tộc đó cũng là một sự thiếu hụt trầm trọng.  Sự sâu thẳm của tâm hồn với những nỗi cô đơn của số phận, với những đau đớn của lương tâm và những giấc mơ lộng lẫy chỉ có thể được hiển lộ một cách chính xác nhất bằng thi ca. Bởi như J. Brodsky, nhà thơ Mỹ gốc Nga, giải Nobel Văn học, đã nói: “Thơ ca là tiếng nói tối thượng của con người”.

Viết thư pháp trong ngày thơ ở làng Chùa

Cách đây không lâu, làng Chùa, nơi tôi sinh ra và lớn lên đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam trong chính ngôi Đình của mình. Đình là nơi trang trọng nhất của mỗi làng ở Việt Nam từ trước cho đến bây giờ. Ở Việt Nam từ 5 năm nay có tổ chức Ngày thơ vào tuần thứ hai của tháng Giêng. Đó là những ngày đầu tiên của mùa xuân. Nhiều nhà thơ danh tiếng của Việt Nam đã đến làng Chùa cùng với những người nông dân làng Chùa đọc thơ để cất lên tiếng nói của tâm hồn họ. Trong diễn văn khai mạc Ngày thơ đó, một người nông dân đã thay mặt những người làng Chùa viết: “Nói cho cùng, con đường của mỗi con người, mỗi làng quê, mỗi dân tộc đã và đang đi chính là con đường của tinh thần thơ ca. Bởi thơ ca là sự chân thực và là vẻ đẹp của đời sống, là khát vọng, là dâng hiến và là tự do. Mục đích cuối cùng của nhân loại chính là những điều ấy. Với người làng Chùa, những điều ấy chính là Đạo làm người. Vì thế mà người làng Chùa đã lấy việc làm thơ và yêu thơ từ bao đời nay như việc rèn luyện cốt cách của mình. Người làng Chùa lấy Đức làm gốc và lấy Thơ để truyền Đức. Người làng Chùa hiểu sâu sắc rằng: Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng, nhưng thơ ca làm ra giấc mơ cho người gieo trồng. Chỉ có giấc mơ thiêng liêng và lộng lẫy mới giúp con người đi qua được bóng tối của dục vọng và tội lỗi và tìm đến đồng loại để chia sẻ và dâng hiến những vẻ đẹp và những khát vọng sống cho mọi con người”. Tôi nghĩ, khát vọng của những nhà thơ nông dân làng Chùa của tôi cũng có cùng mục đích của Diễn đàn Vai trò của thơ ca Đông Á trong thời đại toàn cầu hoá do Hiệp hội các nhà thơ Hàn Quốc tổ chức.
Một sự thật là cho đến năm 2002, sau khi tập tuyển Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc được xuất bản ở Việt Nam do tôi dịch và giới thiệu với sự tài trợ của Daesan Foundation thì bạn đọc Việt Nam mới có một cái nhìn sâu hơn về thơ ca hiện đại Hàn Quốc. Tập tuyển thơ này gồm năm nhà thơ Hàn Quốc : Ko Un, Kim Chi Ha, Park Je Chung, Kwang Kyu-Kim và Shin Kyung-Rim. Điều quan trọng hơn cả sau khi đọc tập thơ này không phải là những hiểu biết về sự phát triển ngôn ngữ thi ca của một dân tộc nhiều điểm văn hoá tương đồng với dân tộc Việt Nam mà là những gì dân tộc Hàn Quốc đã phải gánh chịu với nước mắt và máu, đã khát vọng, đã đứng dậy và bước đi với lòng quả cảm và giấc mơ kỳ diệu của mình và trở thành một dân tộc Hàn Quốc như bây giờ. Những câu thơ của nhà thơ lớn Ko Un viết về dân tộc Hàn Quốc trong bài Bản kinh Phật khắc trên gỗ đã làm thức tỉnh một điều gì đó thật lớn lao và thật hệ trọng trong chính tâm hồn tôi và  nhiều bạn đọc Việt Nam :
Và bây giờ, hãy từ từ khép đôi mắt của người, hỡi mảnh đất Hàn Quốc
Để chìm sâu dưới nước ba trăm năm
Nếu chúng ta không làm được như vậy thì không còn con đường nào khác
Là chúng ta phải chìm xuống nước một nghìn năm.

Tranh: Nguyễn Quang Thiều

Từ khi nền thơ ca hiện đại Việt Nam ra đời, có thể nói nền thơ ca này mới chỉ cất tiếng nói chính thức của mình trên thế giới khoảng 20 năm nay. Trước năm 1975, Việt Nam nằm trong cuộc chiến tranh với người Pháp và người Mỹ. Suốt một thời gian dài đó, thế giới bị phân chia một cách thô bạo thành hai thành phần: đó là các nước trong hệ thống Xã hội Chủ nghĩa và phần bên kia là các nước trong hệ thống Tư bản Chủ nghĩa. Thơ ca hiện đại Việt Nam không có một cơ hội nào xuất hiện ở phía bên kia của thế giới. Nhưng một nửa phía bên này thơ ca hiện đại Việt Nam cũng chỉ xuất hiện như là một dấu mờ nhạt trong những chính sách ngoại giao của hệ thống các Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, chứ không phải là sự tôn vinh vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca. Tác phẩm của một số rất ít các nhà thơ hiện đại Việt Nam được xuất bản ở Liên Xô cũ, ở Cộng hoà Dân chủ Đức, ở Tiệp Khắc…Thực sự, sự xuất hiện của thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó không để lại dấu vết gì trong bạn đọc của các nước đó. Những tác phẩm thơ ca đó chỉ là những tác phẩm minh hoạ cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ít nhiều ẩn giấu trong đó màu sắc của một cuộc chiến tranh lạnh đầy thù địch và phi văn hoá của con người. Thơ ca hiện đại Việt Nam lúc đó đã không thực hiện đúng bản chất sứ mệnh chân chính của thơ ca. Trong khi đó, các nhà thơ hiện đại và bạn đọc Việt Nam cũng không biết gì về thơ ca của các dân tộc khác trên thế giới. Họ không biết đến thơ Nhật Bản, không biết đến thơ Hàn Quốc, không biết đến thơ Mỹ, thơ Tây Ban Nha, thơ Ai-len… Bởi trong chiến tranh lạnh kéo dài hàng thập kỷ, ngay cả thơ ca của những nước trong hệ thống tư bản cũng bị coi là sản phẩm của một lối sống phương Tây thực dụng. Và Việt Nam trong mắt nhiều người trên thế giới là đất nước của chiến tranh chứ không phải đất nước của một nền văn hoá trong đó có thơ ca. 

MỘT SỐ LỜI NGƯỜI LÀNG CHÙA VỀ THƠ CA VÀ CUỘC SỐNG

– Vọng tự nhập xuất (Viết trên cổng làng xưa của làng Chùa ).
– Người làng Chùa lấy Đức làm gốc và lấy thơ để truyền Đức.
– Thuộc một câu thơ hay thì quên đi một câu chửi độc.
– Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng.
– Người yêu thơ và ta yêu người, nhưng người không yêu thơ ta phải yêu người hơn.
– Thơ ca là ngũ cốc trên cánh đồng người.
– Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người.
– Nơi đông người thì cày cấy, chốn một mình thì làm thơ.
– Làm được một câu thơ thì yêu mình. Làm được hai câu thơ thì yêu hoa. Làm được ba câu thơ thì yêu người.
– Tay ta gieo hạt, miệng ta gieo lời.
– Một chữ mà có ÂN thì nở hoa, vạn chữ chỉ có OÁN thì sinh sâu bọ.
– Không có ăn thì không thể bước đi, nhưng không có chữ  thì không nhìn thấy đường.
– Trước mặt người làng Chùa là cánh đồng. Rộng hơn cánh đồng là chân trời. Nhưng rộng hơn tất cả là lòng người.
– Người làng Chùa làm thơ vì niềm vui, làm thơ vì nỗi buồn, làm thơ vì sự tuyệt vọng và có lúc làm thơ vì cái chết, nhưng không bao giờ làm thơ vì lòng hận thù.
– Nước sông Đáy có lúc đầy lúc vơi, nhưng chỉ một dòng chảy ra biển cả. Thơ người làng Chùa có khi nồng khi nhạt nhưng lòng luôn hướng về Đạo lớn.

Chỉ đến những năm cuối cùng của thập kỷ 80 của thế kỷ 20, nghĩa là khoảng gần 30 năm trở lại đây, thơ ca hiện đại Việt Nam bắt đầu mới xuất hiện trước bạn đọc của nhiều nước trên thế giới. Nhưng sự xuất hiện này là xuất hiện của những giọng nói số phận con người trước chiến tranh, trước thù địch, trước bóng tối của tội ác, trước những giấc mơ về tự do và những khát vọng về một thế giới thanh bình. Thơ ca hiện đại Việt Nam trước hết xuất hiện trước công chúng Mỹ, một nước vốn là kẻ thù của người Việt Nam trong một thời gian dài. Cho đến bây giờ tôi vẫn cho rằng: sứ giả hoà bình đầu tiên của dân tộc Việt Nam đến Mỹ sau mấy chục năm chiến tranh giữa hai dân tộc chính là những bài thơ và những nhà thơ Việt Nam. Người Mỹ đã nhìn lại dân tộc Việt Nam như một dân tộc của văn hoá và thơ ca chứ không phải là một đất nước của chiến tranh và của một nước Cộng sản. Và chỉ thông qua những nhà thơ Việt Nam cùng tác phẩm của họ, người Mỹ và các nước không cùng hệ thống chính trị khác trên toàn thế giới mới nhận biết được dân tộc chúng tôi. Những người Mỹ đã từng ủng hộ Chính phủ Mỹ trong chính sách cấm vận Việt Nam bắt đầu nhận thức lại dân tộc chúng tôi. Họ nhận thấy sự tương đồng trong những vẻ đẹp đời sống và khát vọng thẳm sâu của con người Việt Nam về thế giới này qua những bài thơ của các nhà thơ hiện đại Việt Nam đã xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ. Và Mỹ, theo thống kê của tôi, đã trở thành nước trên thế giới giới thiệu có hệ thống và nhiều nhất nền thơ ca hiện đại của Việt Nam cho bạn đọc Mỹ. Đặc biệt là những bạn đọc Mỹ trong hệ thống các trường đại học ở Mỹ. Mấy năm gần đây, thơ ca hiện đại Việt Nam đã bắt đầu được giới thiệu có hệ thống trên một số tạp chí thơ ca và phê bình của Hàn Quốc. Việc tôi được mời đến đây tham gia diễn đàn cho thấy ý thức của những người tổ chức diễn đàn về sứ mệnh của thơ ca của dân tộc này đối với một dân tộc khác.
Thế gian chưa bao giờ ngừng máu chảy và nỗi thù hận. Nhưng con người của thế gian mỗi ngày thêm gần nhau hơn, họ đang tạo ra một cộng đồng rộng lớn hơn với một nền văn hoá đa bản sắc và đầy tính nhân bản. Sự khác biệt về chính trị, về luật pháp hay phong tục của các dân tộc trên thế gian có thể sẽ mãi mãi còn. Nhưng sự thống nhất về tương lai của thế giới trong khát vọng và ý thức của chúng phải được đồng nhất hoá: đó là sự công bằng của con người, tính nhân bản của con người và khát vọng tốt đẹp của con người. Các chính trị gia còn rất ít người nghĩ đến điều đó một cách cụ thể, nhưng các nhà thơ đã và đang làm điều đó một cách bền bỉ từ khi thơ ca xuất hiện trong thế giới loài người. Kể cả khi các nền thơ ca chưa được ký tự hoá bằng chữ viết của dân tộc họ và cả khi một nền thi ca nào đó bị đàn áp bởi các Nhà nước độc tài.
Thơ ca các nước Đông Á là một phần thơ ca của nền văn hoá phương Đông. Sự huyền diệu của nền văn hoá này nói chung và sự huyền diệu của nền văn hoá các nước Đông Á đang càng ngày càng lan toả trong một thế giới quá nhiều lý trí và bị hệ thống hành chính của đời sống hậu hiện đại công nghiệp làm cho thô cứng. Cái tận cùng của lý trí nhiều lúc quá thô thiển sẽ là sự đổ vỡ tâm lý và làm giới hạn con mắt thứ ba của con người. Bởi đời sống, kể cả trong cái chết và sự bất động trong một hình thức nào đó, cũng luôn luôn là sự vô tận chứa đựng và luôn luôn mở ra những bí ẩn kỳ diệu. Tôi chưa biết nhiều đến thơ Hàn Quốc ngoài một số tác phẩm của 5 nhà thơ Hàn Quốc mà tôi đã đọc và đã dịch. Nhưng những gì tôi đọc được đã cho tôi nhận thấy con đường của nhân loại trong những tác phẩm thơ ca đó. Xuyên qua máu chảy, xuyên nước mắt, xuyên qua những dị biệt và sự thù hận và xuyên qua chủ nghĩa vật chất của đời sống hiện đại là con đường của những vẻ đẹp tinh tế và những tư tưởng thẳm sâu, đôi khi nó mơ hồ như sự mở cánh của những bông hoa trong giá lạnh ở ngoại ô Seoul mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh, một người Việt Nam chúng tôi, đã nhìn thấy trong những bài thơ Thiền của nhà thơ Ko Un. Và thế giới, tôi thấy, không có cách nào cảm nhận được con đường thực sự của nhân loại bằng cách cảm nhận đó. Và thơ Đông Á nói riêng đã và đang cho thế giới một cách cảm nhận về con đường của mình. Thơ ca Đông Á nói riêng và văn hoá phương Đông nói chung đã và đang mang lại cho thế giới một sự cảm nhận cần thiết và chính xác về chính đời sống của mình và nỗi sợ hãi về sự tàn lụi của đời sống con người. 
Sự giải phóng hiệu nghiệm nhất những bế tắc của đời sống con người là  sự tự nở hoa trong tâm hồn của chính con người. Thơ ca là con đường dẫn con người đến sự tự nở hoa đó. Toàn cầu hoá không phải là sự thống nhất về hệ thống chính trị hay kinh tế của mọi dân tộc trên thế giới. Bởi thơ ca không bao giờ làm được điều đó. Khi thơ ca chạm vào điều đó thì bản chất của nó ngay lập tức bị huỷ diệt. Có một thời gian dài ở Việt Nam, những người kiểm duyệt luôn luôn tìm kiếm những ý đồ phản kháng trong các tác phẩm thơ của các nhà thơ Việt Nam. Và tôi đã phải nói với một số chính khách Việt Nam rằng: dù có cung cấp vũ khí và đô la cho tất cả các nhà thơ, nhà văn Việt Nam thì họ cũng không biết làm thế nào để lật đổ Chính phủ được.
Sứ mệnh của thơ ca trong toàn cầu hoá là sự lan toả của thế giới tâm linh trong mỗi con người đang sống trên thế gian này. Đó không phải là sự thống nhất tôn giáo. Nó cao hơn mọi tôn giáo. Đó là sự lan toả của vẻ đẹp huyền diệu và sự  tĩnh lặng vô tận trong tâm hồn con người. Tôi muốn đưa ra một ví dụ cụ thể hơn và đơn giản hơn rất nhiều; đó là những Vườn Nhật Bản trong những gia đình ở Mỹ và một số nước châu Âu mà tôi nhìn thấy. Sách hướng dẫn làm những khu vườn như thế này được xuất bản nhiều hơn ở các nước đó. Đó không phải là một thú chơi. Đó là sự cảm nhận về cái tĩnh lặng của tâm hồn. Toàn cầu hoá là sự chia sẻ, sự hoà đồng và sự nhận thức về sự chia xẻ và hoà đồng đó.
Trong bài viết sơ lược và ngắn ngủi này, tôi không có tham vọng gì hơn là bày tỏ một phần trong sự nhận thức của mình về sứ mệnh thơ ca của từng nhà thơ, thơ ca của từng dân tộc và thơ ca của từng khu vực đối với đời sống tinh thần của nhân loại đang có quá nhiều thách thức và nguy cơ bị hoang hoá. Và qua đây, tôi cũng bày tỏ ý thức của những nhà thơ chân chính Việt Nam, một đất nước mà những ngày của hoà bình quá ít ỏi trong hơn 10 thế kỷ qua. Một đất nước đã luôn luôn tìm mọi cách loại bỏ chiến tranh và từ bỏ hận thù để mang văn hoá nói chung và thơ ca của mình nói riêng đến với con người. Nhưng nó cũng bị những thế lực phi văn hóa chống lại và nhiều lúc làm cho chảy máu.

Tác giả

(Visited 14 times, 1 visits today)