Tiến lên từ bốn sắc thái văn hóa

Tháng 5.2008, Singapore tổ chức một tháng văn hóa Việt Nam tại ba bảo tàng của đảo quốc này. Riêng bảo tàng Nghệ thuật có một triển lãm nghệ thuật Việt Nam với 150 tác phẩm hội họa và sắp đặt, và từ 16- 18/5 là ba ngày hội thảo về mỹ thuật Việt Nam, với tiêu đề Sau Đổi mới (Post Đổi mới). Những chuyên gia quan trọng nhất hiện nay ở trong và ngoài nước có tham luận. Và có lẽ đây là cuộc hội thảo quan trọng và chuyên nghiệp nhất từ trước tới nay về nghệ thuật Việt Nam một trăm năm qua, dù tiêu đề của nó là Sau Đổi mới. Dưới đây là những suy ngẫm từ cuộc triển lãm này của nhà phê bình- họa sĩ Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Quân.

Không có truyền thống sâu xa, không nhiều băn khoăn về quá khứ, xã hội Singapore non trẻ mạnh mẽ tiến lên bằng bốn sắc thái văn hóa khác nhau, nhưng rất khớp nhịp. Nó giống như một gia đình nhỏ, nhưng lành mạnh đang thuộc loại đi hàng đầu trong nền kinh tế và văn hóa toàn cầu, bằng ý thức công dân , cởi mở và dân chủ.

Tôi đến Singapore mười năm trước. Lúc đó xây dựng thưa thớt hơn, một thành phố nhỏ đẹp và sạch vô cùng. Bà cụ gác thang máy nói với tôi rằng rất ít người Việt Nam đến đây, bà đọc báo có thể biết tình hình kinh tế xã hội ở nhiều nước lân cận, như Thái Lan, Indonesia, nhưng không đọc được gì để biết về Việt Nam. Hôm sau bà phấn khởi đưa tôi tờ báo, có tin về Việt Nam đây rồi, nhưng đáng buồn là ảnh chụp và tin về một vũ nữ nhảy sexy ở Sài Gòn.

 
Họa sỹ Trịnh Cung và tiến sỹ Nora Taylor.

Mười năm sau, trên máy bay sang Singapore toàn người Việt Nam, quanh nơi tôi ở cũng nhiều đoàn du lịch từ trong nước đi lại rầm rập. Trong cuộc hội thảo, người ta đã mời đến ba sinh viên Việt Nam giúp làm phiên dịch. Đó là ba cô gái trẻ học giỏi và được người Singapore quý như vàng. Giáo dục Singapore chưa là gì trên thế giới nhưng đã thu hút rất nhiều tiền của nước ta. Thành phố Singapore cũng bẩn hơn, xây dựng nhiều hơn và rất nhiều người lang thang ngủ vạ vật ở vườn hoa. Đất nước bé nhỏ này có tham vọng qua lớn, mà lại không đủ núi sông để chứa hết thành quả của mình. Không biết một ngày nào đó quả bóng bơm quá căng sẽ nổ tung hay không.
Dù có tham dự hội thảo hay không, nhưng ai quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam đều biết những nét lớn tiến trình của nó. Nhưng đối với người phương Tây và phong cách nghiên cứu hiện đại tất cả phải có bằng chứng xác thực. Điều này được thể hiện qua tham luận của nhóm nghiên cứu Nora Taylo, với đề tài Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương do nữ chuyên gia người Pháp Nadine Andre-Pallois trình bày, và đặc biệt một chuyên gia người Nhật (tôi không nhớ tên) trình bày về giao lưu nghệ thuật Nhật Bản và Việt Nam trước Cách mạng tháng 8. Lúc đó, năm 1940 – 1941, Nhật đưa một triển lãm vòng quanh Đông Dương, có Haslimoto Kansetsu và Kawai Gyokudo vẽ theo phong cách thủy mặc phương Đông, Isel Ktautei và Koito Gentaro vẽ theo phong cách phương Tây. Đến năm 1943, Nhật Bản mời một số họa sỹ Việt Nam sang triển lãm. Có thể thấy những ảnh hưởng từ nghệ thuật vẽ tranh bình phong Nhật Bản tới nhiều tranh sơn mài đương thời do quan hệ này. Cuộc quan hệ văn hóa này nằm trong ý đồ thành lập khối Đại Đông Á của Nhật lúc đó. Một tham luận khác của Jean Brown đến từ nước Anh về Chất liệu và môi cảnh của nghệ thuật Việt Nam, phân tích chất lượng sơn dầu nhập ngoại và tự chế từ bột màu nghiền với dầu lanh, dưới tác động của kỹ thuật vẽ và môi trường ảnh hưởng đến tuổi thọ của tranh Việt Nam như thế nào. Nghiên cứu này rất quan trọng, khi người nước ngoài mua nhiều tranh của nước ta, mà bảo quản nhiều bức rất khó khăn. Như thế và như thế, Singapore đã đạt được mục tiêu hiểu biết thấu đáo về nghệ thuật và văn hóa trong chiến tranh và trong nền kinh tế thị trường, cũng chính là đời sống tinh thần của người Việt Nam thời hiện đại, điều mà bao nhiêu viện nghiên cứu trong nước tốn rất nhiều cơm gạo bút mực mà không làm được. Dân số và non sông của ta hơn Singapore nhiều lần, ta có hàng trăm họa sỹ mà họ nằm mơ cũng không có. Nhưng trái lại chúng ta chẳng có tham vọng gì. Bức tranh toàn cảnh về văn hóa đã không tài nào dệt nên bởi những sáng tác nghệ thuật của bao nhiêu thế hệ nghệ sỹ. Những sáng tác ấy cũng dễ dàng tan biến ra mọi sưu tập nước ngoài.

Năm 1820, quốc đảo này nằm trong thuộc địa của Anh, nhưng dấu ấn văn hóa Trung Hoa, Malaysia và Ấn Độ đã đậm nét. Khi trở thành quốc gia độc lập năm1965, Singapore đã có bốn sắc thái văn hóa khác nhau và bốn ngôn ngữ, cho đến 1987 tiếng Anh căn bản được phổ cập. Đế quốc Anh đã để lại Singapore một kết cấu xã hội hiện đại và một động lực thương mại nằm trong bản tính người Hoa và người Anh. Không tài nguyên, không đất canh tác, nhưng dần dà Singapore trở thành thương cảng quan trọng ở Đông Nam Á và một trung tâm thương mại, khiến quốc đảo trở thành nơi phát triển và thu nhập cao bậc nhất thế giới.
Cũng như bất cứ quốc gia phát triển nào, cái mà Singapore cần là một xã hội văn hóa và có trình độ phát triển văn hóa cao, mà nghệ thuật lại là cốt lõi của đời sống văn hóa. Chúng tôi không thực sự hiểu được động lực nào khiến Singapore đặc biệt quan tâm đến văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, dù nghệ thuật nước ta có những sắc thái riêng của một nền văn hóa có truyền thống và phản ánh một hoàn cảnh xã hội vô cùng phức tạp khi chạm vào nền kinh tế thị trường. Việc làm của họ là một cảnh tỉnh đối với chúng ta đang bán châu ngọc đi mua rác thải công nghiệp, và đặt phát triển ra ngoài với sự đồng hành của cỗ xe tam mã: kinh tế – văn hóa – môi trường. Khi ba mặt này không tương xứng trong vận hành xã hội, thì cứ làm được một đồng lại phải bỏ ra vài đồng đi chữa bệnh và đạo đức xã hội.


Nguyễn Quân, Nora Taylor và Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.

Gia đình họa sỹ Đào Minh Tri và Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.

Trong ba ngày hội thảo có ba bữa chiêu đãi cơm ta, cơm Tầu và cơm Ấn. Không phải là người thích khoái khẩu, nhưng tôi có dịp quan sát những con người khác ngữ hệ trong cái thành phố này. Người Hoa vẫn chiếm đa phần trong mọi hoạt động xã hội, và tiếng Phổ thông Trung Quốc vẫn được dùng rộng rãi, sau tiếng Anh, dù sắc thái văn hóa Hán căn bản là rất ít. Người Hoa ở ngoài Trung Quốc vẫn có sợi dây lờ mờ nào đó nối với cái cây lục địa già nua, nhưng họ lại không có những tính xấu bản nguyên, mà thay vào đó là sự năng động, thông minh của con người được trang bị kiến thức phương Tây hệ thống. Ngồi trò chuyện với các cô gái Hoa làm trong bảo tàng rất thích, họ có nét dịu dàng, nề nếp phương Đông pha trộn với tính cách độc lập mạnh mẽ của phụ nữ phương Tây hiện đại.

Phan Cẩm Thượng

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)