Tìm ADN của Sài Gòn qua di tích khảo cổ học

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh vẫn được coi là một “vùng đất mới ba trăm năm”, một “thành phố trẻ” hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những dấu tích khảo cổ học đã tiết lộ nhiều hơn về những cộng đồng cư dân cổ cư trú trên vùng đất này từ khoảng 3.000 năm trước và cả về những biến đổi kinh tế - xã hội trong vòng vài trăm năm trở lại đây đã góp phần hình thành nên một đô thị như ngày nay.


Hàng chục di tích khảo cổ học được phát hiện trên các giồng đất đỏ ở huyện Cần Giờ với niên đại cách nay đến 2.500 năm, cho thấy, nơi đây từng là một cảng thị sơ khai từ khoảng 500 năm trước Công nguyên. Ảnh: Bản đồ vệ tinh khảo cổ học huyện Cần Giờ. Nguồn: Tác giả bài viết cung cấp.

Vị thế trong vương quốc Phù Nam

Cho đến nay, trên địa bàn thành phố đã phát hiện được hàng chục di tích khảo cổ học, trong đó có những di tích cấp Quốc gia như di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (thời tiền sử cách nay 2.500 năm) và Lò gốm cổ Hưng Lợi (thế kỷ 18- đầu thế kỷ 20).

Hệ thống di tích khảo cổ học này của thành phố tiêu biểu cho các giai đoạn phát triển, đặc biệt là giai đoạn diễn ra quá trình chuyển biến từ văn hóa Đồng Nai thời tiền sử sang nền văn minh Óc Eo của quốc gia cổ Phù Nam. Nói cách khác, một trong những con đường nội tại hình thành nền văn minh Óc Eo là từ vùng đất Sài Gòn nói riêng và miền Đông Nam bộ nói chung.

Từ khoảng 500 năm trước Công nguyên, địa bàn huyện Cần Giờ là trung tâm của lưu vực Vàm Cỏ – Đồng Nai, là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa – kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa. Các di tích “mộ chum” ở đây có nhiều di cốt và đồ tùy táng gồm trang sức, công cụ, đồ gốm… rất độc đáo, cho biết một táng thức khác biệt so với những di tích mộ chum khác ở Việt Nam và Đông Nam Á. Nằm ở vị trí cửa sông Đồng Nai đổ ra vịnh Gành Rái nên cư dân cổ ở đây đã phát triển thương mại đường biển với các đảo và quần đảo Đông Nam Á và vịnh Ấn Độ, thể hiện qua nhiều di vật như trang sức vàng, mã não, nhiều loại hình đồ gốm… Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, Cần Giờ nhường vai trò cảng thị cho khu vực Ba Thê (An Giang) để nơi này trở thành đô thị sầm uất nhất của vương quốc cổ Phù Nam.

Từ thế kỷ 1 – thế kỷ 7, khi trung tâm phát triển của văn hóa Óc Eo là miền Tây Nam Bộ thì vùng đất Sài Gòn ở vào phía Bắc, văn hóa Óc Eo hiện diện ở khu vực Cần Giờ là hàng chục di tích cư trú và sản xuất với nhiều vật dụng sinh hoạt của cư dân cổ cùng các loại gạch và chai gốm. Tượng đá, những viên gạch lớn, các loại đồ gốm Óc Eo… cũng được tìm thấy ở nội thành như ở chùa Phụng Sơn (quận 11) hay đường Trần Hưng Đạo (quận 5).

Từ sau thế kỷ 7, vùng đất Nam Bộ có nhiều biến động về chính trị – văn hóa – tộc người. Vương quốc Phù Nam suy tàn nhưng những cộng đồng cư dân nơi đây vẫn tiếp tục truyền thống văn hóa Óc Eo trên nền cảnh điều kiện lịch sử xã hội có nhiều thay đổi. Mặt khác, sự cộng cư giữa các tộc người bản địa lưu vực Đồng Nai – Đông Nam Bộ (Mạ, Stiêng…) và người Chăm, người Khmer đã làm cho sắc thái văn hóa nơi đây ngày càng đa dạng. Giai đoạn này, vùng đất Sài Gòn (giữa sông Vàm Cỏ và sông Đồng Nai) khá “biệt lập” với trung tâm hai quốc gia cổ Chân Lạp và Champa trong thời gian khá dài từ thế kỷ 8 – thế kỷ 16, 17 khi lưu dân người Việt, người Hoa đến đây mở mang khai phá.

Từ cảng sông – phố chợ đến đô thị – thương cảng

Từ đầu thế kỷ 17, Sài Gòn – Bến Nghé lần lượt trở thành cảng sông – phố chợ, nơi thu thuế (1623); trung tâm chính trị – hành chính (1689); trung tâm thương nghiệp của “xứ Đàng Trong”, “Gia Định kinh” của các chúa Nguyễn rồi vương triều Nguyễn. Vị thế quân sự – chính trị – kinh tế – văn hóa của Sài Gòn đối với đồng bằng sông Cửu Long được khẳng định. Trải qua các biến cố quân sự – chính trị trong suốt gần 300 năm, tình trạng phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ của đô thị cổ Sài Gòn phản ánh qua hệ thống di tích gồm cảng thị Bến Nghé, Xóm Lò Gốm, các khu mộ táng, kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, thành lũy…

Khu vực đường Tôn Đức Thắng, rạch Thị Nghè, đoạn sông Bến Nghé gần Ba Son đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật gốm gia dụng bằng đất nung của người Việt, người Hoa, người Chăm; đồ gốm Bát Tràng, Phúc Kiến, Quảng Đông…; cũng có cả loại gốm sứ triều Nguyễn đặt Trung Quốc làm. Khu vực này chỉ là một phần của cảng Bến Nghé xưa gồm một hệ thống các bến – chợ dọc rạch Thị Nghè, từ đoạn sông Sài Gòn (quãng công xưởng Ba Son) kéo dài theo rạch Bến Nghé vào tận Chợ Lớn.

Là trung tâm thương mại, giao lưu của một vùng sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, hàng hóa của hệ thống thương cảng Sài Gòn gồm sản phẩm của các ngành nghề thủ công được tổ chức thành phường hội tập trung ở các khu vực nhất định. Một phần “Xóm Lò Gốm” của Sài Gòn xưa đã được tìm thấy tại làng Hòa Lục – Phú Định (quận 8). Đó là khu lò Hưng Lợi sản xuất từ giữa thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX. Cùng với khu lò Cây Mai (quận 11), vùng Gốm Sài Gòn sản xuất nhiều loại gốm kiến trúc trang trí và gia dụng độc đáo, rất được ưa chuộng không những ở Nam Bộ mà còn ở nhiều vùng miền khác trong cả nước. Nửa đầu thế kỷ XX, do quá trình đô thị hóa, vùng gốm Sài Gòn không còn điều kiện để phát triển sản xuất, truyền thống và kỹ thuật sản xuất “gốm Sài Gòn” sau đó hiện diện ở gốm Biên Hòa (Đồng Nai), gốm Lái Thiêu (Bình Dương)…

Những khu mộ cổ đã được khai quật có thể kể đến các khu mộ ở Vườn Chuối, Phú Thọ, Gò Cát, Bình Trưng, Nguyễn Tri Phương, Pasteur, trong khuôn viên Dinh Thống Nhất (Vườn Ông Thượng) hay mộ cổ vùng Phú Nhuận, Xuân Thới Thượng…  Đáng lưu ý là một ngôi mộ song táng (nam tả nữ hữu) đã được phát hiện khi giải tỏa nghĩa địa Xóm Cải (quận 5), cùng kiểu “trong quan ngoài quách” nhưng mộ người nữ thi hài khô lại và còn nguyên vẹn, chứa đựng bí mật của một phương thức “ướp xác” độc đáo. Hai ngôi mộ này có niên đại giữa thế kỷ 19. Nằm ven rạch Giồng Ông Tố chảy ra sông Sài Gòn có khu mộ cổ Gò Cát (quận 2) hiện còn hàng chục mộ xây đá ong – loại vật liệu xây dựng phổ biến ở đất Gia Định trước thế kỷ 20. Ngoài ra, một số khu lăng mộ của những nhân vật lịch sử thời Nguyễn vẫn được bảo tồn khá tốt.

Giai đoạn hình thành Bến Nghé – Sài Gòn từ cuối thế kỷ 18 cũng là giai đoạn lưu dân người Việt, người Hoa khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… Cộng đồng người Việt, người Hoa đã duy trì phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa, đền, miếu, hội quán… xây dựng trong khoảng hơn 200 năm nay thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân và những sinh hoạt tinh thần của họ.

Giữa thế kỷ 19, ngay sau khi đánh chiếm Bến Nghé – Sài Gòn (1861), để phục vụ việc chiếm đóng và cai trị lâu dài xứ Nam Kỳ, giới chức quân sự Pháp đã chủ trương cải tạo, xây dựng khu vực Bến Nghé từ trung tâm chính trị – quân sự của triều Nguyễn thành “thủ phủ” của chính quyền thực dân ở Đông Dương. Sài Gòn bắt đầu phát triển theo kiểu đô thị Tây phương bằng chương trình quy hoạch khoa học và chi tiết. Từ cuối thế kỷ 19, các dự án thiết kế và xây dựng công nghiệp Sài Gòn chủ yếu dọc theo cảng Bến Nghé, vùng đất cao của Thành Gia Định mọc lên các công trình hành chính và trở thành trung tâm trong tam giác ba đỉnh là nhà thờ Tân Định (quận 3) – Nhà thờ Đức Bà (quận 1) và nhà thờ Huyện Sĩ (quận 1). Chợ Lớn khi đó là khu vực thủ công nghiệp của người Hoa. Khoảng đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn được quy hoạch đô thị hóa nhưng vẫn mang tính chất thương mại buôn bán của “khu phố Tàu”. Sài Gòn – Chợ Lớn nối liền với nhau bằng đường bộ và đường thủy song vẫn có hai chức năng: Sài Gòn chủ yếu là trung tâm chính trị – văn hóa còn Chợ Lớn là khu thương mại, tập trung các chợ đầu mối hàng hóa nông sản từ miền Tây lên hoặc đưa về miền Tây.

Thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn từ khi hình thành và trong quá trình phát triển luôn gắn liền với khu công nghiệp (gốm, gạch ngói…), nông lâm sản miền Đông Nam bộ và vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với sự hoạch định cụ thể, lâu dài, Sài Gòn – Chợ Lớn đã trở thành một đô thị – thương cảng kiểu phương Tây: từ quy hoạch kiến trúc đến hạ tầng, từ phát triển những ngành nghề dịch vụ đến việc hình thành tầng lớp thị dân và lối sống, văn hóa đô thị…

Trong tiến trình lịch sử, không thể phủ nhận một điều, Sài Gòn luôn được coi là thành phố tiêu biểu và đại diện cho Nam bộ trên tất cả các lĩnh vực. Cũng cần lưu ý rằng, trong một thời gian dài, Sài Gòn là thủ phủ của chính quyền thực dân và thủ đô của chính quyền miền Nam trước năm 1975, vì vậy Sài Gòn còn có đặc điểm của một thành phố từng là trung tâm chính trị. Những yếu tố trên đây hợp thành và tạo nên một đô thị cổ Bến Nghé – Gia Định, một thành phố Sài Gòn độc đáo khác với Hà Nội hay Huế – hai thành phố cũng là trung tâm của cả nước trong những giai đoạn khác nhau.
***
Nếu coi đô thị là một cơ thể sống, được sinh ra, nuôi dưỡng và luôn phát triển thì những đặc trưng văn hóa hay “bản sắc văn hóa” của đô thị có thể coi là những ADN của cơ thể đó. Bản sắc văn hóa của đô thị hình thành từ cấu trúc, tính chất và chức năng của nó, và trên hết, từ cộng đồng dân cư đã duy trì và (làm/góp phần) biến đổi nó. Vậy ADN của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh hàm chứa những thông tin gì về bản sắc của đô thị này? Từ những gì đã nêu ở trên, có thể nhận biết bốn đặc trưng cơ bản của đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh: là đô thị sông nước, là trung tâm kinh tế, là đô thị của sự đa dạng văn hóa, là đô thị được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây.

Lịch sử của mỗi đô thị cũng như chuỗi vòng xoắn ADN kéo dài vô tận mà trong đó sự “phát triển” kinh tế là sức sống mới từ những tế bào nhân đôi nhưng công cuộc “bảo tồn” văn hóa lại giữ vai trò ổn định cấu trúc của chuỗi vòng xoắn. Khi cấu trúc này bị phá vỡ, đô thị không còn bản sắc riêng. Quá trình “hiện đại hóa” đã tác động mạnh vào cấu trúc và gây nên những tổn thương khó bù đắp đối với bản sắc văn hóa đô thị. Một đô thị không có bản sắc riêng thì nó sẽ biến mất trong ký ức cộng đồng, sớm hay muộn mà thôi.

Kỳ tới: Bảo tồn di sản văn hóa đô thị từ tiếp cận liên ngành.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)